Trang chủ --> Cuộc sống không giới hạn --> Yêu con người không hoàn hảo của bạn
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Yêu con người không hoàn hảo của bạn

Trong một chuyến đi đến Đông Nam Á, tôi đã có buổi diễn thuyết trước hơn 300 doanh nhân hàng đầu ở Singapore. Khi kết thúc bài diễn thuyết và khi khán phòng đã bớt đông, một người đàn ông trông rất đĩnh đạc bước vội về phía tôi. Ông trông có vẻ rất thành đạt và đầy tự tin như tất cả những khán thính giả khác trong khán phòng này, nên những lời đầu tiên ông nói đã khiến tôi ngạc nhiên.

“Nick, hãy giúp tôi với”, ông van vỉ.

Thế rồi tôi được biết câu chuyện của ông, biết rằng người đàn ông thành đạt đó sở hữu tới ba ngân hàng, nhưng ông đến nhờ tôi giúp đỡ bởi vì sự giàu có về vật chất không thể bảo vệ ông khỏi nỗi muộn phiền.

“Tôi có một đứa con gái tuyệt vời mới mười bốn tuổi, và vì một lý do khủng khiếp nào đó cứ mỗi lần con tôi nhìn mình trong gương nó lại nói rằng nó cảm thấy mình rất xấu xí”, ông nói. “Tôi buồn lắm bởi vì con bé không thể nhận ra rằng nó thực sự đẹp. Làm thế nào tôi có thể khiến con bé thấy được những gì tôi thấy đây?”.

Nỗi phiền muộn của ông cũng dễ hiểu thôi, bởi vì điều khó chịu đựng nhất đối với cha mẹ chính là sự đau khổ của con. Ông ấy đang cố gắng giúp con gái vượt qua sự ghét bỏ bản thân, một điều cực kỳ quan trọng, bởi vì nếu chúng ta không thể chấp nhận bản thân mình khi chúng ta còn khỏe mạnh và trẻ trung, thì chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào về chính mình khi chúng ta về già, khi phải trải qua bệnh tật, ốm đau?

Và nếu chúng ta ghét bỏ bản thân vì một lý do vớ vẩn nào đó, thì chúng ta dễ dàng thay thế nó bằng hàng trăm cách phủ nhận bản thân vô căn cứ và tùy tiện khác. Tâm lý chênh chao của tuổi trẻ có thể khiến bạn lún sâu vào thất vọng và chán nản nếu bạn cho phép mình chỉ chăm chăm nghĩ về những khiếm khuyết mà không nhìn thấy những điểm mạnh, những điều đáng quý ở bản thân mình.

Kinh Thánh nói rằng chúng ta “là tạo vật tuyệt vời của Đấng Sáng Tạo”. Vậy thì tại sao yêu thương bản thân mình lại khó khăn đến thế? Tại sao chúng ta lại thường tự tạo gánh nặng cho mình bằng cái cảm giác rằng mình không đủ đẹp, không đủ cao, không đủ thon thả, không đủ tốt? Tôi chắc chắn rằng người cha mà tôi gặp ở Singapore rất yêu thương và hãnh diện về con gái, luôn cố gắng để khiến cô tự tin và quý trọng bản thân mình. Cha mẹ và những người thân của chúng ta có thể luôn cố gắng không biết mệt mỏi để xây dựng cho chúng ta lòng quý trọng bản thân, nhưng chỉ cần một lời bình luận vớ vẩn từ một người bạn học hoặc lời nhận xét ác ý từ ông chủ hoặc đồng nghiệp cũng đủ làm tiêu tan những nỗ lực của họ.

Chúng ta trở nên dễ bị tổn thương và rơi vào trạng thái chán nản, chán ghét bản thân khi chúng ta để cho cảm giác của mình phụ thuộc vào ý kiến của người khác hoặc vào sự so sánh bản thân mình với người khác. Khi không sẵn sàng chấp nhận bản thân, bạn càng không thể sẵn sàng chấp nhận người khác, và điều đó có thể dẫn đến sự cô đơn và tách biệt. Một hôm tôi đang diễn thuyết trước một nhóm khán thính giả tuổi mới lớn về việc khao khát được nổi tiếng thường khiến người ta xa lánh những người bạn ít hấp dẫn ở trường. Để diễn giải ý kiến của mình, tôi đưa ra một câu hỏi rất thẳng thắn: “Bao nhiêu người trong số các bạn muốn trở thành bạn của tôi?”.

Thật may, hầu hết những người có mặt trong phòng đều giơ tay.

Nhưng sau đó tôi hỏi một câu khiến họ lúng túng: “Vậy việc tôi trông như thế nào là không quan trọng, đúng không?”.

Tôi để cho không khí chùng xuống trong vài phút. Chúng tôi đang nói về việc cố gắng hòa nhập chỉ bằng cách mặc những bộ đồ đúng mốt, có kiểu tóc hợp thời trang, không quá béo, không quá gầy, không đen quá hoặc trắng quá.

“Làm sao bạn có thể muốn kết bạn với một gã không tay chân – một gã khác biệt nhất so với mọi người mà bạn từng biết – nhưng làm sao bạn có thể tẩy chay những người bạn học của mình chỉ vì họ không diện quần áo đúng mốt, hoặc không có làn da đẹp, hoặc một cơ thể thích hợp với xu hướng thời trang thịnh hành?”

Khi bạn tự phán xét bản thân một cách khắt khe hoặc tạo sức ép căng thẳng lên chính mình, bạn trở nên hay phán xét người khác. Việc yêu thương và chấp nhận bản thân mình như Chúa yêu thương bạn có thể mở ra cho bạn một cánh cửa dẫn đến cảm giác thanh thản và mãn nguyện hơn.

Những sức ép mà các bạn trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời cảm thấy dường như rất phổ biến. Tôi đã được mời đến nói chuyện với các khán thính giả trẻ ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc bởi vì ở những nước đang phát triển một cách nhanh chóng đó trong những năm gần đây đã nảy sinh những quan ngại về tỉ lệ trầm cảm và tự tử cao.

Tôi đến Hàn Quốc đúng vào thời gian Thế vận hội mùa đông 2010 đang diễn ra tại Vancouver. Thật thú vị khi được thấy niềm tự hào dân tộc và sự phấn khởi ngời lên trên khuôn mặt của những người dân ở khắp Seoul khi Kim Yu-Na, “nữ hoàng” trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc giành được huy chương vàng Olympic đầu tiên của đất nước ở môn này. Sự quan tâm dành cho cô lớn đến nỗi vào thời điểm cô bước vào buổi thi đấu chung kết, lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán cả nước giảm xuống còn một nửa so với mức bình thường.

Một bộ phim tài liệu về tôi đã được chiếu rộng rãi khắp các cộng đồng Cơ Đốc ở Hàn Quốc, vậy nên tôi nhận được một số lời mời diễn thuyết. Sự nở rộ của niềm tin ở những cộng đồng ấy quả là rất ấn tượng. Những người tổ chức buổi diễn thuyết ở nhà thờ Onnuri nói với tôi rằng người Cơ Đốc giáo ở Hàn Quốc rất nhiệt tình với công việc truyền giáo. Họ dự đoán trong vòng một hoặc hai thập kỷ nữa, những hội truyền giáo ở Hàn Quốc sẽ đông hơn cả hội truyền giáo ở Bắc Mỹ và điều đó quả là rất đáng ngạc nhiên bởi vì Hàn Quốc là quốc gia nhỏ hơn.

Khi đi ô tô tới Seoul, tôi đã rất ngạc nhiên trước số lượng lớn các nhà thờ ở đó. Người ta nói rằng thành phố thủ đô ấy có ba nhà thờ Cơ Đốc giáo lớn nhất thế giới. Cách đây 100 năm, số người theo đạo Cơ Đốc ở Hàn Quốc còn rất ít ỏi, thế nhưng giờ đây gần một phần ba trong tổng dân số 48 triệu người ở nước này là người theo đạo Cơ Đốc. Một trong những giáo hội mà tôi đến diễn thuyết, giáo hội Yoido Full Gospel, có tới hơn 800.000 thành viên tham gia các hoạt động tôn giáo tại hai mươi mốt nhà thờ.

Nhiều người bạn của tôi đến Hàn Quốc chỉ để thăm các nhà thờ. Những buổi cầu nguyện rất ấn tượng với âm thanh cầu kinh vang vang cùng tiếng chuông ngân báo hiệu chương trình mới. Tuy nhiên, dù có phát triển mạnh mẽ về tinh thần, con người ở xứ này vẫn phải chịu đựng căng thẳng ở mức cao do áp lực từ tình trạng làm việc nhiều giờ. Sức ép tại các trường học cũng rất lớn bởi luôn có sự cạnh tranh khốc liệt để giành thứ hạng cao.

Nhiều học sinh Hàn Quốc bị căng thẳng bởi họ cảm thấy rằng chỉ vị trí cao nhất mới là vị trí có giá trị. Nếu không đạt được vị trí cao nhất, họ cảm thấy mình thất bại. Tôi khuyến khích những người trẻ tuổi ấy nhận biết rằng thi trượt trong một kỳ thi không có nghĩa là họ đã thất bại. Trong mắt Chúa, tất cả chúng ta đều có giá trị, và chúng ta nên yêu bản thân mình như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Sự yêu thương và chấp nhận bản thân mà tôi khuyến khích không phải là cái kiểu tự phụ và kiêu ngạo, chỉ nghĩ đến mình. Yêu thương bản thân ở đây là yêu không vị kỷ. Bạn cho nhiều hơn nhận. Bạn làm những gì có thể vì người khác mà không đòi hỏi được đáp lại. Bạn sẻ chia với mọi người ngay cả khi bạn không có nhiều. Bạn tìm thấy niềm hạnh phúc qua việc làm người khác mỉm cười. Bạn yêu bản thân mình bởi vì bạn không chỉ quan tâm đến bản thân mình. Bạn hài lòng về chính bản thân bởi vì bạn làm cho người khác hạnh phúc khi được ở bên bạn.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể yêu bản thân mình bởi vì người khác không yêu bạn? Tôi e rằng không thể xảy ra điều đó được. Bạn thấy đấy, bạn và tôi đều là những đứa con của Chúa. Mỗi người chúng ta đều có thể tin tưởng vào tình yêu, lòng nhân từ và sự bao dung của Người. Nên yêu thương bản thân mình, cảm thông với sự không hoàn hảo của mình, và bao dung trước những lỗi lầm của chính chúng ta bởi vì Chúa đối xử với chúng ta theo cách đó.

Trong một chuyến đi tới Nam Mỹ, tôi đã có buổi diễn thuyết tại một trung tâm cai nghiện ma túy ở Colombia. Những người nghiện và từng nghiện ma túy có mặt tại buổi diễn thuyết hôm đó ít trân trọng giá trị con người của họ đến nỗi họ gần như tự hủy hoại mình bằng ma túy. Tôi nói với họ rằng cho dù họ nghiện ngập, Chúa vẫn yêu thương họ. Khuôn mặt họ ngời lên khi tôi quả quyết với họ rằng Chúa yêu thương họ vô điều kiện.

Nếu Chúa sẵn lòng tha thứ cho tội lỗi của chúng ta và yêu thương chúng ta như thế, thì tại sao chúng ta lại không thể tha thứ và chấp nhận bản thân mình? Giống như cô con gái của ông chủ ngân hàng ở Singapore, những người sử dụng ma túy ở Colombia mà tôi gặp lầm lạc bởi, vì bất cứ lý do gì chăng nữa, họ tự hạ thấp giá trị cuộc sống của mình. Họ cảm thấy không xứng đáng được hưởng điều tốt đẹp nhất của cuộc đời. Tôi đã nói với họ rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng với tình yêu của Chúa. Nếu Người tha thứ và yêu thương chúng ta, thì chúng ta nên tha thứ và yêu thương chính bản thân mình để phấn đấu vươn tới một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể.

Khi được yêu cầu nêu ra mười điều răn quan trọng nhất, Chúa Jesus đã nói điều răn thứ nhất là yêu Chúa bằng cả trái tim, tâm hồn, tâm trí, sức mạnh, và điều răn thứ hai là yêu láng giềng như yêu chính bản thân mình. Yêu bản thân mình không phải là vị kỷ, tự mãn, hay tự cho mình là trung tâm; yêu bản thân mình là chấp nhận cuộc sống của mình như một món quà để nâng niu, nuôi dưỡng và sẻ chia điều tốt đẹp, hữu ích của cuộc sống ấy với người khác.

Thay vì chỉ chú ý đến khiếm khuyết, thất bại, sai lầm của mình, hãy tập trung chú ý đến những món quà, những điều tốt đẹp, những điểm mạnh của bạn và những gì bạn có thể đóng góp cho cuộc đời này, cho dù đó là tài năng, sự hiểu biết, sự sáng suốt, sự sáng tạo, sự chăm chỉ, hay một tâm hồn phong phú. Bạn không cần phải sống theo mong đợi của người khác. Bạn có thể tự định nghĩa sự hoàn hảo theo cách riêng của bạn.

TỎA SÁNG TỪ TÂM HỒN

Nhà tâm lý học, tác giả Elisabeth Kubler-Ross đã nói rằng con người giống như những cửa sổ bằng kính màu: “Những cánh cửa sáng lấp lánh khi ánh mặt trời chiếu vào, nhưng khi bóng tối kéo đến, vẻ đẹp của chúng chỉ bộc lộ khi có ánh sáng từ ngọn đèn ở bên trong”. Để sống một cuộc sống không giới hạn, đặc biệt để vượt ra khỏi bóng tối của sự chán nản, nghiện ngập, hoặc bất cứ thách thức lớn nào, bạn phải thắp ngọn đèn từ bên trong lên. Bạn phải tin vào vẻ đẹp và giá trị của chính mình bởi vì người nào có thể tạo ra ảnh hưởng thì người đó trở nên quan trọng.

Tìm ra mục đích sống của bạn là bước quan trọng đầu tiên để sống một cuộc sống không giới hạn. Luôn nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và luôn có niềm tin vào các khả năng dành cho mình ngay cả trong những lúc khó khăn nhất sẽ giúp bạn đạt được mục đích đó. Nhưng để có được cảm giác mãn nguyện, từ sâu thẳm lòng mình bạn phải biết rằng bạn đáng được hưởng sự thành công và hạnh phúc.

Tôi có một người bạn rất yên tâm về chính mình, rất hòa nhã và nhiệt tình phát triển những món quà mà anh có được đến nỗi dường như lúc nào con người anh cũng toát lên những tình cảm tốt đẹp. Tôi thích ở bên anh. Mọi người đều thích ở bên anh. Tại sao? Bởi vì anh tỏa sáng từ bên trong. Anh yêu bản thân mình, nhưng không phải là cái kiểu yêu mình mà phủ nhận người khác; anh chấp nhận bản thân như một người may mắn ngay cả khi sự đời không diễn ra như ý muốn của anh, mặc dù anh cũng phải vật lộn trong cuộc sống giống như bạn và tôi.

Tôi dám chắc rằng bạn cũng biết những người toát lên sự thư thái như người bạn của tôi, và có lẽ bạn cũng biết những người trái ngược hẳn với kiểu người như anh bạn ấy, những người luôn chán ghét bản thân khiến người khác không muốn tiếp xúc. Nếu bạn không chấp nhận bản thân, thì thái độ đó không chỉ dẫn đến sự tự hủy hoại mình mà còn dẫn đến sự cô lập.

Nếu bạn không tỏa sáng từ bên trong, thì đó có thể là do bạn phụ thuộc vào người khác trong việc công nhận giá trị của bạn, mang đến cho bạn sự tự tin, làm cho bạn được đánh giá đúng. Nhưng đó là một con đường chắc chắn sẽ dẫn tới thất vọng bởi vì bạn phải chấp nhận bản thân mình thì mới mong người khác chấp nhận bạn được. Thước đo vẻ đẹp và giá trị của con người quan trọng nhất nên là thước đo về những gì từ bên trong.

Bạn biết đấy, nói thì dễ, làm thì khó. Chính tôi cũng đã phải rất cố gắng mới có thể chấp nhận và yêu quý bản thân. Được sinh ra trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc, tôi luôn được dạy rằng Chúa Jesus yêu thương tôi và rằng tôi được tạo ra một cách hoàn hảo theo kế hoạch của Người. Tất nhiên, tất cả những bài giảng Kinh Thánh của cha mẹ và những nỗ lực của cả gia đình tôi nhằm khích lệ tinh thần tôi tan thành mây khói khi một đứa trẻ vắt mũi chưa sạch chạy đến chỗ tôi, gào lên: “Mày là quái vật!”.

Cuộc sống có thể rất tàn nhẫn. Trong cuộc sống có những người thiếu suy nghĩ hoặc tầm thường. Vậy nên bạn cần phải có khả năng tìm kiếm sức mạnh từ nội tâm, và khi sức mạnh bên trong đó không có tác dụng, bạn luôn luôn có thể nhìn lên cao, hướng tới Chúa, nguồn sức mạnh và tình yêu vô tận.

Chấp nhận và yêu thương bản thân là những điều quan trọng, nhưng ngày nay những khái niệm này lại bị hiểu sai. Bạn nên yêu bản thân như sự phản ánh tình yêu của Chúa và như một con người được sinh ra trên trái đất để tạo ra sự đóng góp đặc biệt cho cuộc đời. Có quá nhiều bạn trẻ đang ở tuổi mới lớn và không ít người trưởng thành tìm kiếm ý nghĩa hời hợt khi chìm đắm vào sự tự thần tượng bản thân và sự đam mê lạc thú.

Thực trạng này xảy ra một phần là do sự sùng bái sắc đẹp và sự nổi danh được cổ súy bởi các chương trình truyền hình, những bộ phim, những đĩa nhạc. Khi xem các sản phẩm nói trên, bạn sẽ thấy thật dễ để quên rằng cuộc sống còn có một mục đích lớn lao hơn mục đích làm đẹp, sống trong cảnh xa hoa, cặp đôi với người này, người kia. Không ngạc nhiên khi chúng ta thấy có nhiều người nổi tiếng tại các trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm làm đẹp hơn là trong các nhà thờ. Quá nhiều người trong số họ tôn thờ những vị thần không có thật của sự phù hoa, sự tự cao tự đại và sự ham muốn thiếu lành mạnh.

Tôi không thể hình dung ra bất cứ một thế hệ đi trước nào lại dễ bị cám dỗ như những thế hệ hiện tại. Chúng ta liên tục bị tấn công dồn dập bởi những thông điệp rằng chúng ta cần có một vẻ bề ngoài như thế này, như thế kia, cần một chiếc xe hơi hiệu này, hiệu nọ, và một phong cách sống nào đó để được mãn nguyện, để được yêu thương, được đánh giá cao hoặc trở nên thành đạt. Chúng ta đã chạm đến cái điểm đáng báo động trong văn hóa của mình khi việc tham gia vào một cảnh phim gợi dục được coi như một con đường dẫn đến sự nổi tiếng, giàu có và thỏa mãn.

Bạn không nghĩ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu mấy tay săn ảnh bám theo những người tốt nghiệp đại học hạng ưu, hay các nhà truyền giáo mang thuốc men và hy vọng đến cho người nghèo và người cần giúp đỡ, thay vì săn những kẻ bỏ học lông bông lang bang có lệnh truy nã và những vết sẹo chằng chịt ư? Nhưng không phải chúng ta đã mất tất cả.

Tôi đã nhìn thấy những đám đông gồm người già, người trẻ, tham dự các buổi họp mặt theo tôn giáo, những nhạc hội thánh ca, tìm kiếm hạnh phúc thông qua việc học cách yêu thương đồng loại. Tôi đã chứng kiến những bạn ở tuổi mới lớn và người trưởng thành dành kỳ nghỉ của mình để xây dựng nhà ở cho người dân ở các nước thuộc thế giới thứ ba và giúp đỡ các mảnh đời kém may mắn ở những vùng đất nghèo thuộc Bắc Mỹ. Không phải tất cả mọi người đều bị ám ảnh bởi phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật hút mỡ bụng, và những chiếc túi xách thời trang hiệu Louis Vuitton.

Khi bạn bị ám ảnh bởi những giá trị vật chất, vẻ đẹp bề ngoài và khi bạn để cho người khác xác định giá trị của bạn, bạn đã từ bỏ phần lớn bản thân mình và có nguy cơ để cho những món quà của bạn trở thành uổng phí. Sau khi xem DVD về tôi, Kristy đã viết cho tôi: “Bạn đã làm cho tôi hiểu ra rằng nếu chúng ta không yêu thương và trân trọng bản thân thì làm sao mong người khác sẽ yêu thương và trân trọng chúng ta. Tôi đã xem những hình ảnh về bạn một năm trước và giờ đây tôi lại xem lại. Tôi hiểu rằng mình cần phải nói để bạn biết về những gì bạn đã làm cho tôi. Bạn đã dạy tôi tự bảo vệ bản thân, yêu thương bản thân cho dù mình có như thế nào, và sống cuộc sống mà mình mong muốn… Tôi muốn nói với bạn rằng giờ đây khi tôi đã thay đổi cái cách cảm nhận về bản thân mình, bạn trai tôi đã nhận ra sự khác biệt ở tôi, và anh ấy rất biết ơn bạn vì bạn đã khích lệ tôi đi đến sự thay đổi này. Anh ấy luôn lo sợ cho tôi, sợ rằng một ngày nào đó tôi sẽ làm điều dại dột, sẽ tự hủy hoại mình. Nhưng bây giờ tôi đã thay đổi, và cuộc sống của tôi hạnh phúc hơn trước rất nhiều!”.

Thông điệp của tôi tác động đến Kristy bởi vì tôi từng ở vào hoàn cảnh của cô ấy. Lúc bảy tuổi, một hôm tôi về nhà sau một ngày bị chối bỏ và đầy thất vọng ở trường và tôi cứ nhìn mình hàng giờ trong gương. Hầu hết những bạn học ở tuổi mới lớn của tôi lo lắng về những cái mụn trên mặt và lo giữ cho mái tóc không rối bù. Ngoài những thách thức về sự khuyết thiếu chân tay, tôi có tất cả những thách thức thông thường đó.

Mình thực sự là một đứa trẻ có vẻ ngoài dị dạng, tôi nghĩ.

Cảm giác đau khổ tràn ngập trong tôi. Tôi cho phép mình gặm nhấm cảm giác tủi thân trong năm phút. Nhưng rồi một giọng nói vang lên từ sâu thẳm trong lòng: Thôi mà, như mẹ của mình vẫn nói, mình chỉ bị khuyết thiếu chút ít về hình thể thôi, nhưng mình cũng có những nét đẹp mà.

Tôi nghĩ, thử kể tên một nét xem nào. Ta thách mi đấy. Hãy tìm ra một nét thôi, như thế là đủ.

Tôi ngắm kỹ hình ảnh phản chiếu của mình lâu hơn nữa và cuối cùng tôi cũng thấy được điều gì đó tích cực.

Mình có đôi mắt đẹp. Bọn con gái nói với mình rằng mình có đôi mắt đẹp. Nếu không có gì khác thì mình cũng có nét đẹp đó! Và không ai có thể thay đổi nét đẹp đó ở mình. Mắt mình sẽ không bao giờ thay đổi, vậy nên mình sẽ luôn có đôi mắt đẹp.

Khi bạn cảm thấy tinh thần suy sụp bởi vì bạn bị người khác làm tổn thương hoặc bị bắt nạt, bị miệt thị, hãy nhìn vào gương và tìm một nét đáng yêu ở bạn. Đó không nhất thiết phải là một nét đẹp về hình thức. Đó có thể là một tài năng, một đặc điểm, hoặc một điều gì khác khiến bạn cảm thấy tự tin về bản thân. Hãy chú ý đến điều đặc biệt đó trong một thời gian. Hãy cảm thấy mình may mắn vì có điều đặc biệt đó, và hãy ý thức rằng vẻ đẹp và giá trị của bạn bắt nguồn từ chính bạn, con người có một không hai mà Thượng Đế tạo ra.

Đừng lảng tránh và tuyên bố rằng “Mình chẳng có gì đặc biệt hết”.

Chúng ta quá khắt khe với bản thân, nhất là khi chúng ta so sánh mình với người khác một cách thiếu tích cực. Tôi nhận ra điều này khi tôi nói chuyện với các bạn trẻ. Nhiều người trong số họ đấu tranh với những cảm giác về sự thiếu hụt, không hoàn thiện của mình, hoặc với cảm giác rằng sẽ không có ai yêu họ.

Đó là lý do tại sao tôi lại nhấn mạnh với họ: “Tôi yêu con người của các bạn. Đối với tôi các bạn ai cũng đẹp”.

Đây là những lời đơn giản xuất phát từ tấm lòng của tôi, một con người có vẻ ngoài trông thật kỳ cục. Trong hầu hết các cuộc diễn thuyết tại các trường học và trước các nhóm bạn trẻ, tôi đều nói những lời ấy với các khán thính giả của mình. Dường như những lời đơn giản ấy luôn làm lay động lòng người. Quả thực phản ứng tôi nhận được thường rất đáng kinh ngạc.

Kiểu phản ứng thường thấy bắt đầu bằng những tiếng thì thầm hoặc những nụ cười được che giấu. Tôi nhìn xuống đám đông khán thính giả và thấy một cô bé cúi đầu hoặc một cậu bé lấy tay che mặt. Rồi những cảm xúc mạnh mẽ lan tỏa khắp khán phòng. Những giọt nước mắt lăn trên những đôi má trẻ trung. Những đôi vai rung lên theo những tiếng nấc. Những cô bé ngồi chụm lại với nhau. Những cậu bé rời khỏi phòng để giấu khuôn mặt tràn ngập niềm xúc động.

Trong những lần đầu khi phản ứng đó xảy ra, tôi rất kinh ngạc. Chuyện gì xảy ra thế này? Tại sao họ lại phản ứng một cách dữ dội như thế?

Các khán thính giả của tôi có câu trả lời. Sau các buổi diễn thuyết, những người già, người trẻ, xếp hàng để ôm hôn tôi và để chia sẻ cảm xúc của họ. Một lần nữa, niềm xúc động lại trào dâng trong tôi và trong họ. Thường thì họ đứng xếp hàng hàng giờ để được bày tỏ cảm xúc và tình cảm.

Tôi là một anh chàng đẹp trai đấy chứ, nhưng mọi người không đứng xếp hàng hàng giờ chỉ để ôm hôn tôi bởi vì tôi có vẻ ngoài bảnh bao. Điều thực sự thu hút họ là, tôi đã giải phóng hai nguồn sức mạnh mà nhiều người còn thiếu trong cuộc sống của họ: tình yêu vô điều kiệnsự chấp nhận bản thân.

Bức thư của Kristy chỉ là một trong nhiều bức thư mà tôi nhận được và là một trong nhiều cuộc tâm sự giữa tôi với các bạn trẻ cũng như với người trưởng thành, những người đã nghĩ tới việc tự tử bởi vì họ đánh mất khả năng yêu thương bản thân. Khi bạn bị tổn thương, bạn dựng lên quanh mình những bức tường để giúp cho mình khỏi bị tổn thương thêm nữa, nhưng bạn không thể dựng một bức tường bên trong xung quanh trái tim bạn. Và nếu bạn yêu thương bản thân mình vì tất cả những vẻ đẹp bên trong và bên ngoài, thì người khác sẽ bị bạn cuốn hút, và họ cũng sẽ thấy được vẻ đẹp của bạn. 

Lượt xem : 1075 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo