Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Niềm tin bén rễ

Một trong những câu chuyện nổi tiếng trong Kinh Thánh là chuyện Người gieo hạt. Chuyện kể về một người nông dân gieo những hạt giống ra khắp vùng. Một số hạt rơi xuống đường và bị chim mổ mất. Một số hạt rơi xuống những tảng đá và chẳng thể bén rễ được. Những hạt khác rơi vào bụi cỏ gai không thể phát triển được. Chỉ có những hạt được gieo trên đất tốt mới có thể phát triển và làm nên mùa màng, tạo ra thêm nhiều hạt mới.

Trong cuộc đời của mình, chúng ta không chỉ nhận những hạt giống mà còn gìn giữ chúng trong “mảnh đất tốt” của trái tim. Khi bị thách thức làm nản lòng, chúng ta có thể tin vào những ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn của mình. Những ước mơ đó tồn tại như hạt giống dành cho những điều tốt đẹp sẽ xảy đến. Niềm tin là mảnh đất màu mỡ giúp cho hạt giống đó phát triển thành mùa màng đấy bạn ạ.

Người thân của tôi luôn khích lệ tôi. Họ đã gieo những hạt giống trong tim tôi. Họ cam đoan rằng tôi sở hữu khả năng, những món quà có thể giúp ích cho người khác. Có lúc tôi tin họ. Có lúc tôi không tin. Nhưng họ chưa bao giờ bỏ rơi tôi. Họ biết rằng có những lúc họ gieo hạt trên vỉa hè, hoặc trong bụi cỏ. Tuy nhiên, họ vẫn tin rằng những hạt giống của họ sẽ bén rễ.

Gia đình tôi đã gieo những hạt giống niềm tin trong tôi vào mỗi buổi sáng khi tôi chuẩn bị đến trường: “Chúc con một ngày tốt lành, Nicholas! Hãy cố gắng hết sức mình con nhé, còn lại Chúa sẽ giúp con!”.

Có những hôm tôi nghĩ, phải, phải, Chúa có khiếu hài hước bởi vì con biết hôm nay ở sân trường thế nào con cũng sẽ bị trêu chọc.

Chắc rồi, ngay khi tôi lăn xe vào sân chơi là thế nào cũng có đứa bảo rằng xe tôi bị xịt lốp, rằng bọn chúng muốn sử dụng tôi làm vật chẹn cửa thư viện. Hài hước gớm!

Vào những ngày tôi chán nản, tôi chẳng đếm xỉa tới lời động viên của cha mẹ. Chẳng có gì để nuôi dưỡng chúng. Tôi cảm thấy quá cay đắng và chua xót về hoàn cảnh của mình.

Nhưng nhiều tháng, nhiều năm sau khi chuyện tồi tệ trong bồn tắm mà tôi đã kể xảy ra, càng ngày sự động viên của cha mẹ tôi càng trở nên hữu ích. Nhờ được động viên như thế cùng với quyết tâm và tính cách hòa nhã dễ gần của mình, tôi đã có được sự chấp nhận và ủng hộ của các bạn cùng lớp. Thỉnh thoảng tôi vẫn có những ngày không được vui vẻ, nhưng những ngày đó càng ngày càng ít đi.

Tác giả nổi tiếng Norman Vincent Peale từng nói: “Hãy trở thành một con người biết tin vào những khả năng. Cho dù cuộc sống có tăm tối đến mức nào, bạn hãy mở rộng tầm nhìn của mình để thấy được những khả năng sẽ xảy đến. Hãy luôn luôn đón đợi chúng, bởi vì chúng luôn tồn tại”.

Có thể bạn là người theo đạo Tin Lành hoặc một người thuộc tổ chức Rotary([1]). Dù theo tôn giáo nào chăng nữa bạn cũng nên luôn luôn biết tin vào các khả năng sẽ xảy ra trong cuộc sống. Không tin vào các khả năng sẽ xảy ra trong cuộc sống thì bạn sẽ thế nào? Chúng ta sẽ ra sao? Niềm hy vọng cho tương lai tạo động lực cho chúng ta vươn lên trong cuộc sống. Hy vọng thúc đẩy chúng ta vượt qua những khó khăn không thể tránh khỏi, giúp chúng ta chiến thắng sự thất vọng và tuyệt vọng để tiến về phía trước.

Xu hướng tin vào những khả năng sẽ xảy ra đã hình thành từ khi tôi còn bé. Lúc sáu hay bảy tuổi gì đó, tôi viết cuốn sách đầu tiên và tự vẽ minh họa cho nó. Tựa đề của cuốn sách là Con kỳ lân không có cánh. Việc tôi nắm bắt được ý niệm đó từ đâu không phải là một bí ẩn khó khám phá, nhưng phải nói rằng mẩu truyện ngụ ngôn ấy, được rút ra từ chính cuộc sống của tôi, vẫn thể hiện một thông điệp thú vị về niềm tin. (Đừng lo. Mẩu truyện đó ngắn thôi. Khi viết mẩu truyện đó tôi mới sáu tuổi.) Toàn bộ mẩu truyện đó như sau:

Ngày xửa ngày xưa có một con kỳ lân mẹ và một con kỳ lân con.

Khi kỳ lân con lớn lên, nó không có cánh.

Kỳ lân mẹ nói: “Chuyện gì đã xảy ra với cánh của con mình thế nhỉ?”.

Khi kỳ lân con đi dạo, nó thấy các bạn kỳ lân khác bay trên bầu trời. Thế rồi một cậu bé bước tới chỗ con kỳ lân và hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với cánh của cậu thế, kỳ lân?”.

Kỳ lân trả lời: “Tôi không có cánh, cậu bé ạ”.

Cậu bé nói: “Tớ sẽ cố làm cho cậu bộ cánh bằng nhựa”.

Phải mất một giờ cậu bé mới làm xong một bộ cánh bằng nhựa cho con kỳ lân.

Khi cậu bé đó làm xong đôi cánh, cậu hỏi con kỳ lân liệu cậu có thể cưỡi trên lưng nó được không. Kỳ lân nói: “Được thôi”.

Vậy là cậu bé cùng kỳ lân bắt đầu chạy, sau đó con kỳ lân bắt đầu bay, và kỳ lân kêu lên: “Đôi cánh hoạt động rồi. Tôi có cánh rồi”.

Khi kỳ lân ngừng bay, cậu bé rời khỏi lưng kỳ lân. Sau đó kỳ lân lại bay trở lại bầu trời. Cậu bé nói với kỳ lân: “Chúc mừng, chúc mừng kỳ lân!”.

Cậu bé đi về nhà. Cậu kể cho mẹ, em trai và hai cô em gái của cậu nghe chuyện đã xảy ra với con kỳ lân.

Từ đó trở đi con kỳ lân sống hạnh phúc mãi mãi.

Hết

Con người chúng ta ai cũng mong được sống hạnh phúc mãi. Dù bạn tin rằng mình có thể đương đầu với những lúc khó khăn và tận hưởng những lúc vui vẻ, thất vọng vẫn cứ xảy ra. Nhưng một kết thúc có hậu sẽ luôn là mục đích của bạn. Tại sao lại không theo đuổi mục đích ấy, bạn nhỉ?

 

 

SỰ KIÊN NHẪN ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP

Những người có cùng tâm huyết với tôi ở tổ chức Life Without Limbs (Cuộc sống của những người không tay chân) đã giúp tôi lên kế hoạch cho một chuyến đi vòng quanh thế giới vào năm 2008 với mục đích thăm và diễn thuyết tại 14 quốc gia.

Trong khi lên kế hoạch, chúng tôi lập dự toán kinh phí và tổ chức một chiến dịch huy động tài trợ để trang trải cho chuyến đi. Khi đó, tổ chức không có người giàu kinh nghiệm trong việc gây quỹ, nên cái đích chúng tôi nhằm tới dường như khá xa vời. Chúng tôi chỉ quyên được khoảng một phần ba số tiền cần có.

Tuy vậy, tôi vẫn hướng về phía trước, bắt đầu chuyến đi tới Colombia, Ukraine, Serbia và Romania. Khi tôi trở về nhà, các cố vấn cứ lo rằng chúng tôi không có kinh phí để thực hiện lịch trình tiếp theo của chuyến đi.

Chú Batta là một doanh nhân thành đạt ở California, và chú ấy giữ vị trí điều hành trong tổ chức của chúng tôi. Chú đã đưa ra quyết định hủy bỏ hai điểm đến quan trọng trong hành trình vòng quanh thế giới đã được lên kế hoạch từ trước. Tiền không phải là lý do duy nhất khiến chú ấy đi đến quyết định đó.

“Chúng ta càng ngày càng nắm được nhiều thông tin cho thấy việc đi đến Ấn Độ, đặc biệt là Mumbai, và Indonesia là không an toàn”, chú nói. “Bởi vì đằng nào chúng ta cũng thiếu kinh phí, chú nghĩ sẽ khôn ngoan hơn nếu đến thăm các nước đó vào một dịp khác”.

Chú là một người rất sáng suốt vì thế tôi đã không tranh luận với chú. Tôi nói với chú rằng tôi tin chú. Sau đó, tôi thực hiện một buổi diễn thuyết ở Florida, một buổi diễn thuyết cần tới 450 người tình nguyện để hướng dẫn đám đông khán thính giả.

Trong buổi diễn thuyết đó, tôi đã đem đến cho họ sự khích lệ, nhưng các khán thính giả cũng làm tôi phấn khởi bởi lòng nhiệt tình. Trên đường trở về nhà ở California, tôi được khích lệ bởi sự đón nhận nồng nhiệt ở Florida nhiều đến nỗi tôi cảm thấy một nhu cầu không thể cưỡng nổi đối với việc tiếp tục thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới đã được lên kế hoạch.

Tôi cầu nguyện, và cầu nguyện để tìm kiếm sự dẫn dắt của Chúa. Tôi cảm thấy rằng tôi nên đi đến Ấn Độ và Indonesia cho dù thiếu kinh phí và dù tình hình ở các nước đó cho thấy những dấu hiệu nguy hiểm. Tôi tin rằng chúng tôi có thể giúp ích cho người khác. Chỉ lý do đó là đủ, còn những chuyện khác không quan trọng. Chú Batta mời tôi đến ăn tối với gia đình chú để bàn về mong muốn được tiếp tục các chuyến đi đã định dựa vào niềm tin chứ không phải vào những khoản kinh phí.

Trong bữa ăn, khi chú cháu nói chuyện, tôi cảm thấy rất phấn khích và xúc động. Tôi cảm thấy một cách rất rõ ràng rằng đó là việc tôi cần phải làm. Chú Batta hiểu tôi và hiểu nỗ lực mang thông điệp có ích đến cho càng nhiều người càng tốt.

“Để xem Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta tới đâu trong vài tuần tới”, chú nói với vẻ kiên nhẫn.

Khi bạn đối mặt với thách thức, đừng đầu hàng. Bạn đừng trốn tránh thách thức. Hãy đánh giá tình hình, tìm kiếm giải pháp, và hãy tin rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, và rằng tất cả mọi sự hợp lại với nhau vì một kết quả tốt đẹp.

Sự kiên nhẫn là tối quan trọng. Bạn gieo hạt giống. Bạn chống chọi với giông bão. Bạn chờ đợi để được gặt hái. Thường thì khi gặp phải một trở ngại, bạn chớ có làm điều gì dại dột. Đừng có lấy đầu mà húc chướng ngại vật trên đường đời. Bạn cũng đừng quay đầu tháo chạy và cam chịu thất bại. Hãy tìm giải pháp tốt nhất trong khi tiếp tục giữ niềm tin sắt đá rằng mọi trở ngại sinh ra đều có mục đích cả.

Khi không có tiền để hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới như đã dự tính, chúng tôi không nóng vội và không dùng những đồng tiền mình không có. Chúng tôi cầu nguyện. Chúng tôi tìm kiếm giải pháp. Chúng tôi tin rằng nếu cánh cửa hiện tại vẫn đóng, thì một ngày nào đó nó sẽ mở ra.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là khi không ngừng tìm kiếm thì thế nào bạn cũng tìm ra cách để giải quyết. Có thể bạn phải điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tế. Nhưng chừng nào còn thở thì bạn nên nhớ rằng, trong tương lai luôn tồn tại những khả năng không thể ngờ tới.

Tôi phải nói với bạn điều này: Chúng tôi đã không nhận được một câu trả lời nào cho những lời cầu nguyện, không nghĩ ra được cách nào để có kinh phí cho hành trình tiếp theo. Nhưng một loạt sự kiện đáng kinh ngạc đã xảy đến.

Vài ngày sau khi tôi ăn tối với chú Batta, một người đàn ông tên là Bryan Hart, người đã nghe tôi diễn thuyết ở Florida, gọi điện tới đề nghị được tài trợ cho chúng tôi một khoản tiền lớn.

Sau đó người liên lạc ở Indonesia gọi điện nói rằng họ đã thuê cho chúng tôi hai sân vận động ở Hồng Kông. Họ hứa rằng khi đến đó chúng tôi không phải lo gì về tiền thuê địa điểm.

Hai ngày sau, một tổ chức thiện nguyện ở California đề nghị tài trợ cho chúng tôi một khoản tiền lớn hơn để trang trải các chi phí khác của chuyến đi!
              Chỉ sau vài ngày, tiền không còn là vấn đề nữa. Vẫn có những lo lắng về anh ninh ở một số điểm đến, nhưng chúng tôi đặt lòng tin vào Chúa.

THIÊN ÂN

Bạn còn nhớ tôi từng nói rằng tất cả mọi điều hợp lại vì một kết quả tốt đẹp không? Do thiếu kinh phí, chúng tôi đã phải thay đổi kế hoạch đến Ấn Độ, nhưng khi có trong tay khoản tài trợ, chúng tôi lại lập lịch trình cho chuyến đi và đã thực hiện nó sớm hơn một tuần so với dự định.

Sự thay đổi trong lịch trình thực sự đã cứu mạng sống của chúng tôi. Chỉ vài ngày sau khi rời Mumbai, ba địa điểm mà chúng tôi dừng chân đã bị khủng bố tấn công. Khách sạn Jaj Hotel, sân bay, và ga xe lửa miền Nam của Mumbai nằm trong số những mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố. Đã có tổng cộng 180 người thiệt mạng và 300 người bị thương.

Nếu thực hiện chuyến đi theo đúng kế hoạch ban đầu thì chúng tôi đã ở Mumbai, ở đúng những địa điểm nói trên, vào thời gian xảy ra khủng bố. Bạn có thể nói rằng chúng tôi may mắn, nhưng tôi tin rằng Chúa đã có sẵn một kế hoạch dành cho chúng tôi mà ta không thể thấy được. Đó là lý do tại sao có niềm tin vào tương lai và tiếp tục phấn đấu không ngừng vì mục tiêu của bạn khi bạn phải đương đầu với nghịch cảnh là điều cực kỳ quan trọng.

DÁM SỐNG

Tôi bắt đầu chương này bằng việc nói về bàn chân trái của tôi, một bộ phận phụ bé nhỏ nhưng rất hữu ích. Qua thời gian và trải nghiệm, tôi đã hiểu ra rằng tôi rất biết ơn bàn chân trái này bởi vì các nhà phát minh đã và đang tích cực sáng chế ra những trang thiết bị hoạt động rất hoàn hảo dành cho nó. Những chiếc cần điều khiển và màn hình cảm ứng là những thiết bị tiện dụng nhất có thể điều khiển bằng chân mà tôi tiếp cận được.

Dù không có chân, không có tay, giờ đây tôi có thể trải nghiệm cuộc sống bằng nhiều cách mà cha mẹ và bản thân tôi trước kia không thể nào tưởng tượng ra. Hồi đó những khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống của tôi dường như khá hạn hẹp, nhưng những giới hạn đã dần bị đẩy lùi nhờ kỹ thuật hiện đại, sức mạnh của niềm tin và sự nỗ lực.

Dù cuộc sống của bạn có khó khăn, nghiệt ngã, tàn nhẫn đến mức nào, bạn cũng nên kiên nhẫn. Khi tôi mới chào đời, hoàn cảnh của tôi dường như rất u ám, nhưng tôi đã cố gắng vươn tới một cuộc sống hạnh phúc với nhiều thành công và sự gặt hái. Nếu bạn nghĩ tôi là một ngoại lệ, thì hãy nghĩ đến thành công của Christy Brown, một trong những người tôi coi là anh hùng.

Sinh ra ở Dublin, Cộng hòa Ireland vào năm 1932, Christy là con thứ mười trong một gia đình có hai mươi hai người con, mặc dù chỉ mười ba người trong số đó sống được cho đến tuổi trưởng thành. Christy chào đời có đầy đủ chân tay, nhưng ông bị tàn tật nặng đến mức không thể cử động, chỉ có thể thốt ra những tiếng ú ớ. Hồi đó bác sĩ không thể xác định được ông mắc chứng bệnh gì. Nhiều năm sau ông được chẩn đoán bị bệnh liệt não ở mức đặc biệt trầm trọng.

Vì Christy không thể phát âm rõ ràng, trong suốt nhiều năm, các bác sĩ nghĩ rằng ông còn bị khuyết tật về thần kinh. Mẹ ông quả quyết rằng ông không có vấn đề gì về thần kinh hết – chỉ không thể giao tiếp được như người bình thường mà thôi. Bà và những thành viên khác trong gia đình đã kiên trì dạy ông học. Rồi một ngày nọ, trong khi Christy đang cố nói điều gì đó với chị gái, ông dùng bàn chân trái, bộ phận duy nhất trên cơ thể mà ông có thể điều khiển, để cầm viên phấn từ tay của chị.

Christy đã học viết, học vẽ, bằng chính bàn chân trái đó. Gia đình ông, cũng giống như gia đình của tôi, đã quyết tâm tạo cho ông một cuộc sống bình thường hết mức có thể, vậy là họ đưa ông đi đây đi đó bằng chiếc xe đẩy cũ và bằng xe ngựa. Giống như tôi, ông cũng là một tay bơi hăng hái. Thế rồi bà mẹ gặp một vị bác sĩ và người đó đã giúp đỡ để ông được nhận vào viện Johns Hopkins. Vị bác sĩ này về sau đã thành lập cả một bệnh viện cho Christy và những bệnh nhân bị liệt não khác.

Vị bác sĩ đó đã đưa Christy đến với văn chương, và một số nhà văn Ireland nổi tiếng đã khuyến khích Christy biểu lộ thế giới tâm hồn qua thơ ca và văn chương. Cuốn sách đầu tay của ông là một cuốn hồi ký mang tên Bàn chân trái của tôi; đã được khai triển thành một thiên tiểu thuyết bán chạy có nhan đề tiếng Anh là Down All the Days và được chuyển thể thành một bộ phim do Daniel Day Lewis (người, tình cờ là con trai của một trong những bạn văn chương của Christy) thủ vai chính. Với vai diễn này, Day Lewis đã giành giải Oscar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Christy đã xuất bản sáu cuốn sách khác và ông cũng là một họa sĩ được nhiều người biết đến.

Bạn thử nghĩ đến những ngày dài tăm tối mà Christy Brown và gia đình đã trải qua, những ngày mà họ cứ thầm hỏi không biết rồi cuộc đời ông sẽ ra sao đây. Ông chỉ có thể cử động được một phần rất nhỏ của cơ thể đau đớn. Ông chỉ có thể nói những tiếng không rõ ràng. Thế nhưng ông đã trở thành một nhà văn, một nhà thơ và một họa sĩ có tiếng. Ông đã có một cuộc đời phi thường, một cuộc đời đã được đưa lên màn bạc qua một bộ phim đoạt giải thưởng Oscar!

Điều gì đang chờ đợi bạn ở tương lai? Bạn sẽ kiên nhẫn xem xem câu chuyện cuộc đời bạn mở ra như thế nào, đúng không bạn?

TẦM NHÌN RỘNG MỞ

Trong thời thơ ấu, đã nhiều lần tôi có tầm nhìn rất hạn hẹp về tương lai. Khi nhìn về tương lai, tôi nghĩ đến thiệt thòi, khổ đau của bản thân nhiều đến nỗi chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra được trên đời này còn có những người đang phải trải qua hoàn cảnh bi đát hơn cả hoàn cảnh của tôi, những người như Christy Brown chẳng hạn. Thế rồi, khi khoảng 13 tuổi, tôi đọc được bài báo nói về một người đàn ông Australia gặp tai nạn thảm khốc. Theo như tôi nhớ, người đàn ông ấy bị liệt, không cử động được, không nói được, suốt phần còn lại của cuộc đời phải gắn với chiếc giường. Tôi không thể hình dung ra cuộc sống như vậy khủng khiếp đến mức nào.

Câu chuyện về người đó đã giúp tôi mở mắt, giúp tôi mở rộng tầm nhìn. Tôi hiểu rằng trong khi sự khuyết thiếu chân tay đặt ra cho tôi rất nhiều thách thức, tôi vẫn cảm thấy biết ơn vì mình còn có rất nhiều thứ, còn có rất nhiều khả năng xảy ra trong cuộc sống của tôi.

Tin vào vận mệnh của mình là điều có thể tạo ra sức mạnh lớn lao. Bạn có thể dời núi lấp bể. Nhận thức đầy đủ về các khả năng sẽ xảy ra trong cuộc sống không phải là một quá trình có thể có trong một sớm một chiều, mà là một quá trình dần dần. 15 tuổi, tôi khám phá câu chuyện về người đàn ông bị mù trong sách Phúc âm của Thánh John. Ông ấy bị mù bẩm sinh, và khi các tông đồ của Chúa Jesus gặp ông, họ hỏi người thầy của mình: “Ai làm nên tội, người đàn ông này hay cha mẹ của ông ta, mà ông ta sinh ra lại bị mù thế này?”.

Tôi cũng đã tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Cha mẹ tôi đã làm gì nên tội? Tôi đã làm gì nên tội? Nếu không thì tại sao tôi lại sinh ra không có chân tay?

Chúa Jesus đáp: “Cả người đàn ông này lẫn cha mẹ của ông ta đều không làm gì nên tội cả. Ông ta bị mù nhưng việc của Chúa Trời sẽ hiển lộ nơi ông ta đấy”.

Khi người đàn ông mù nghe thấy lời giải thích đó, tầm nhìn của ông về tương lai và về những khả năng sẽ xảy ra đã thay đổi. Bạn có thể tưởng tượng được truyện ngụ ngôn này có tác động tới tôi như thế nào khi tôi là một đứa trẻ mới lớn, ý thức rõ ràng về khuyết tật và về sự phụ thuộc của mình vào người khác. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy một khả năng mới. Tôi không phải là một gánh nặng. Tôi không phải là kẻ thất bại. Tôi không phải là một phận người bị trừng phạt. Tôi là sự sáng tạo đặc biệt để Chúa hiển lộ công việc của Người qua tôi.

Ở tuổi 15, khi tôi đọc đoạn Kinh Thánh đó, cảm giác thanh thản mà tôi chưa từng biết tới dâng trào. Tôi đã luôn hỏi tại sao mình lại sinh ra không tay chân, nhưng lúc đó tôi hiểu rằng chỉ có Chúa mới biết câu trả lời. Tôi đơn giản phải chấp nhận điều đó và tin vào các khả năng mà Chúa sẽ mang đến cho tôi.

Không một ai trên đời này biết tại sao tôi sinh ra không có tay chân, cũng như không ai biết tại sao người đàn ông mù trong câu chuyện nói trên sinh ra với đôi mắt mù lòa. Chúa Jesus đã nói rằng điều đó xảy ra để công việc của Người được hiển lộ.

Những lời đó mang đến cho tôi cảm giác vui mừng và ý thức về một nguồn sức mạnh lớn lao. Lần đầu tiên trong đời tôi ý thức được rằng, việc tôi không thể hiểu tại sao tôi sinh ra không có tay, không có chân không có nghĩa là Đấng Sáng Tạo đã bỏ rơi tôi. Người đàn ông mù đó đã được chữa khỏi mắt để phục vụ mục đích của Chúa. Tôi không được cho có chân tay, nhưng theo thời gian thế nào rồi thì mục đích dành cho tôi cũng sẽ hiển lộ.

Bạn phải hiểu rằng đôi khi trong cuộc đời sẽ không có được những câu trả lời mà vào lúc này đây bạn đang tìm kiếm. Bạn phải sánh bước cùng với niềm tin. Tôi đã phải học cách để tin vào các khả năng dành cho cuộc sống của mình. Nếu tôi có được niềm tin đó, thì bạn cũng có thể.

Hãy nghĩ về điều này: Lúc bé, tôi không thể biết được rằng sự khuyết thiếu chân tay sẽ giúp tôi mang đến những thông điệp hy vọng cho nhiều người có hoàn cảnh khác nhau ở nhiều quốc gia đến thế. Hoàn cảnh khó khăn và chán nản thì có gì vui đâu. Bạn không cần phải giả vờ thích những hoàn cảnh đó. Nhưng bạn hãy tin vào khả năng về những ngày tốt đẹp hơn sẽ đến, và về một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa và hạnh phúc.

THẦN TƯỢNG

Lần đầu tiên tôi thực sự được thấy sức mạnh của niềm tin vào vận mệnh của một con người là lần đi dự một buổi họp mặt ở trường trung học. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe một diễn giả nói chuyện. Anh ấy là người Mỹ, tên là Reggie Dabbs, và ngày hôm đó anh thực hiện buổi diễn thuyết thật không dễ dàng. Có tới 1.400 học trò tập trung nghe anh nói chuyện. Trời thì nóng nực và oi bức. Hệ thống âm thanh thì trục trặc, lúc được, lúc mất.

Khán thính giả bồn chồn không lúc nào yên, nhưng người đàn ông ấy đã hoàn toàn cuốn hút chúng tôi bằng câu chuyện của anh, kể cho chúng tôi biết anh được sinh ra bởi một người mẹ còn đang ở tuổi vị thành niên làm nghề mại dâm ở Louisiana, người mà lúc mang thai anh đã tính đến chuyện phá thai để giải quyết “vấn đề nhỏ”. May mắn cho Reggie, mẹ anh cuối cùng lại quyết định sinh ra anh. Khi mang thai, mẹ anh không có gia đình, không có nơi nương thân và buộc phải sống ở một chuồng gà.

Một đêm đang chui rúc ở đó trong sợ hãi và cô đơn, bà chợt nhớ ra rằng cô giáo cũ của bà, một người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, từng nói rằng bất cứ khi nào bà cần giúp đỡ thì hãy gọi điện cho cô giáo. Người giáo viên đó tên là Dabbs. Nhận được điện thoại, bà giáo ấy đã lái xe từ nhà bà ở Tennessee tới Louisiana để đón cô bé đang mang thai đã cầu cứu mình, và đưa cô về gia đình, nơi bà có chồng và sáu người con đã trưởng thành. Bà Dabbs và chồng bà đã nhận nuôi Reggie và cho anh mang họ của họ.

Cặp vợ chồng ấy đã truyền cho anh những giá trị đạo đức lớn lao, Reggie nói. Một trong những bài học đầu tiên mà họ dạy anh là, cho dù hoàn cảnh như thế nào, anh luôn có thể lựa chọn đương đầu với tình huống theo cách tích cực hoặc tiêu cực.

Reggie kể với chúng tôi rằng anh luôn luôn có những quyết định đúng đắn bởi vì anh có niềm tin vào những khả năng dành cho cuộc sống của mình. Anh không muốn làm những việc tồi tệ bởi vì anh tin có nhiều điều tốt đẹp ở phía trước. Anh đặc biệt nhấn mạnh một điều thực sự tác động sâu sắc đến tôi: “Bạn không bao giờ có thể thay đổi được quá khứ của bạn, nhưng bạn có thể thay đổi tương lai!”.

Tôi ghi sâu lời anh nói trong tim. Anh đã làm tất cả chúng tôi xúc động. Reggie cũng đã gieo một hạt giống vào trong tâm trí tôi, một ước mơ trở thành diễn giả. Tôi cảm thấy bị cuốn hút bởi thực tế cho thấy chỉ trong vài phút ngắn ngủi, người đàn ông đó đã tạo được ảnh hưởng không nhỏ đối với đám đông hàng nghìn người. Và cũng thật thú vị khi biết anh đã đi khắp thế giới để nói chuyện với mọi người – anh được trả tiền để đem đến cho mọi người hy vọng!

Ngày hôm đó, khi rời trường, tôi nghĩ, có thể một ngày nào đó mình sẽ có câu chuyện thú vị như chuyện của Reggie để chia sẻ với mọi người. Tôi khuyến khích bạn chấp nhận rằng ngay lúc này đây có lẽ bạn chưa thể nhìn thấy một con đường nào mở ra trước mắt, nhưng điều đó không có nghĩa rằng không có con đường nào dành cho bạn. Hãy nuôi niềm tin trong tim, câu chuyện của bạn vẫn đang đợi để được mở ra, và tôi biết câu chuyện đó sẽ đầy bất ngờ!


[1] Rotary International, một tổ chức mở cho tất cả mọi người với mục đích hoạt động là tập hợp lãnh đạo các doanh nghiệp và ngành nghề nhằm cung cấp các dịch vụ nhân đạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức ngành nghề và góp phần xây dựng hoà bình, thiện chí. Hiện Rotary có hơn 1,2 triệu thành viên sinh hoạt tại hơn 32.000 Rotary Club trên toàn thế giới. 

Lượt xem : 1003 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo