Trang chủ --> Cuộc sống không giới hạn --> Bạn đã sẵn sàng?
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Bạn đã sẵn sàng?

Khả năng lựa chọn đúng thời điểm là một điều đáng quan tâm khác khi bạn đưa ra những đánh giá. Đôi khi, nhất là khi còn trẻ, những lời đề nghị đầy cám dỗ thường đến với bạn, nhưng bạn lại không có được khả năng lựa chọn đúng thời điểm.

Bạn không nên chấp nhận một công việc mà bạn không có đủ trình độ để đảm nhận hoặc không được chuẩn bị để thực hiện tốt. Tương tự, bạn không nên quyết định thưởng cho mình một kỳ nghỉ xa xỉ khi không có đủ tiền để chi trả cho các chi phí. Cái giá phải trả cho quyết định vội vàng thường rất đắt. Nó sẽ khiến bạn phải mất rất nhiều thời gian và công sức để trả giá.

Một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi phạm phải trong thời gian bắt đầu sự nghiệp diễn thuyết là việc nhận lời đến nói chuyện trước một đám đông khán thính giả mà bản thân tôi lại chưa có sự chuẩn bị kỹ càng để làm điều đó. Không phải là tôi không có gì để nói, mà là khi đó tôi chưa có được sự sắp xếp khoa học và hợp lý cho bài diễn thuyết. Kết quả là, tôi thiếu sự tự tin để có thể hoàn thành tốt bài diễn thuyết.

Trong suốt quá trình diễn thuyết, tôi cứ lúng búng hoài. Mọi người tốt với tôi, còn tôi thì phung phí lòng tốt của họ. Nhưng tôi đã học được điều quý giá từ trải nghiệm đó, và đã hiểu ra rằng tôi chỉ nên nắm bắt những cơ hội mà tôi thực sự được chuẩn bị kỹ càng để làm chủ chúng. Nói vậy không có nghĩa là tôi khuyên bạn không nên lao vào một cơ hội có thể sẽ đẩy bạn vươn lên.

Đôi khi chúng ta được chuẩn bị tốt hơn chúng ta nghĩ, vậy nên Chúa tạo ra một cú hích cho phép chúng ta vươn lên và thực hiện những bước nhảy vọt tới gần ước mơ của chúng ta. American Idol, một chương trình truyền hình nổi tiếng, được xây dựng dựa trên khái niệm đó. Trong mỗi phần của chương trình đều có những bạn trẻ dự thi đầu hàng trước sức ép, hoặc hiểu ra rằng họ đơn giản chưa sẵn sàng trở thành người nổi tiếng.

Nhưng thỉnh thoảng vẫn có một tài năng mới xuất hiện và bừng nở dưới sức ép vô cùng lớn. Một số gương mặt tài năng như Carrie Underwood, Jennifer Hudson, Chris Daugherty và Kelly Clarkson đã khởi đầu sự nghiệp tuyệt vời của mình qua cuộc thi đó bởi họ đã vượt lên chính mình, phát triển bản thân và tiếp tục vươn tới những tầm cao.

Bạn cần phải đánh giá các cơ hội và tính toán một cách kỹ lưỡng xem viên đá lát đường nào sẽ dẫn bạn tới mục tiêu, và viên đá nào có thể khiến bạn trượt chân. Giống như tôi và vai diễn đầu tiên mà người ta đề nghị, bạn sẽ gặp các cơ hội phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn nhưng lại không phù hợp với mục tiêu lâu dài của bạn. Những quyết định ngày hôm nay sẽ theo bạn vào tương lai. Những người trẻ tuổi thường lao vào các mối quan hệ mà không cân nhắc kỹ người mà họ quyết định quan hệ có thích hợp với họ trong cuộc sống lâu dài hay không.

Chúng ta thường được nhắc nhở cần phải ý thức về sự an toàn khi tham gia thế giới mạng, cho dù đó là các hoạt động liên quan đến tài chính, danh tiếng trước công chúng, hay đời sống riêng tư mà chúng ta cần phải bảo vệ. Bạn phải thừa nhận rằng tất cả những gì chúng ta làm – mọi bức ảnh và mọi đoạn phim của bạn, mọi bức thư điện tử bạn gửi, mọi trang blog bạn viết, mọi lời bình luận của bạn trên các trang mạng - sẽ xuất hiện qua một công cụ tìm kiếm ở một nơi nào đó, tại một thời điểm nào đó, và sẽ tồn tại trên đời này lâu hơn chính cuộc đời bạn.

Bạn cũng cần phải suy nghĩ kỹ càng về khả năng những gì bạn đưa lên mạng mà không suy nghĩ kỹ có thể sẽ quay trở lại ám ảnh bạn. Hãy nhớ rằng điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống khi chúng ta đánh giá các cơ hội đến với mình. Những lợi ích trước mắt có vẻ tuyệt đấy, nhưng những hậu quả lâu dài là gì?

Hãy lùi lại và nhìn bao quát bức tranh rộng lớn. Hãy nhớ rằng, bạn thường xuyên trải qua những cuộc thử nghiệm, nhưng bản thân cuộc sống không phải là một cuộc thực nghiệm. Cuộc sống là thực. Những quyết định mà bạn thực hiện mỗi ngày ảnh hưởng đến chất lượng của cả cuộc đời bạn. Hãy đánh giá một cách cẩn thận, sau đó kiểm tra lòng can đảm và trái tim của bạn. Nếu trực giác mách bảo rằng điều bạn đang nghĩ tới là một ý tưởng tồi, thì hãy nghe theo trực giác.

Nhưng nếu trái tim mách bảo bạn rằng hãy nắm lấy cơ hội – nó phù hợp với các giá trị và mục tiêu lâu dài của bạn – thì hãy nắm lấy cơ hội đó! Đôi khi một lời đề nghị đến với tôi khiến tôi phấn khích đến nỗi muốn chộp lấy nó ngay lập tức. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng tôi cần hít thở thật sâu và cầu nguyện để mình có được sự sáng suốt cho một quyết định đúng đắn.

MÔI TRƯỜNG THÍCH HỢP

Nếu đã được chuẩn bị sẵn sàng với khả năng tốt nhất nhưng chưa có một cánh cửa nào mở ra cho bạn, thì có thể cần phải đặt bản thân và tài năng của bạn vào một môi trường mới. Nếu bạn ước mơ trở thành nhà vô địch thế giới môn lướt sóng, thì rõ ràng Alaska không mang đến cho bạn nhiều con sóng lớn để luyện tập, đúng không bạn? Đôi khi cần phải dịch chuyển vị trí để nắm bắt cơ hội. Vài năm trước tôi hiểu ra rằng nếu muốn có các cơ hội diễn thuyết trước khán thính giả trên khắp thế giới, thì tôi cần phải rời khỏi Australia để đến Mỹ. Tôi yêu Australia. Hầu hết bà con thân thuộc của tôi đang sống ở đó. Nhưng Đất Nước Phía Dưới(*) quá xa xôi hẻo lánh, không mang đến cho tôi những cơ hội như ở Mỹ.

Thậm chí đặt chân lên đất Mỹ rồi, tôi vẫn phải nỗ lực hết sức để tạo ra cơ hội cho chính mình. Một trong những thay đổi tốt nhất mà tôi đã thực hiện là kết nối được với những người có cùng niềm đam mê diễn thuyết và khích lệ người khác. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết mọi người biết được các cơ hội mở ra cho công việc thông qua mạng lưới bạn bè, và đồng nghiệp. Trong hầu hết lĩnh vực, bạn biết được cơ hội qua hệ thống thông tin nội bộ trước khi các thông tin đó được công khai. Dù đang tìm kiếm tình yêu, việc làm, một cơ hội đầu tư, một nơi để làm tình nguyện hay nơi để chia sẻ tài năng, bạn đều có thể tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách tham gia các hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ địa phương, phòng thương mại, tổ chức tôn giáo, từ thiện và tổ chức phục vụ cộng đồng. Internet hoàn toàn thích hợp để tạo ra các kết nối hữu ích, với những mạng xã hội như Twitter, Facebook, LinkedIn và Plaxo. Phạm vi kết nối của bạn càng rộng thì càng có nhiều cơ hội tìm thấy một cánh cửa mở ra cho ước mơ của mình.

Bạn không nên giới hạn bản thân trong những nối kết với những cá nhân, tổ chức và những website liên quan đến lĩnh vực mình quan tâm. Ai cũng có thể là đầu mối dẫn đến những quan hệ mới cho bạn. Vậy nên bạn hãy tìm đến bất cứ ai có đam mê và tâm huyết dành cho một ước mơ, cho dù ước mơ của họ hoàn toàn khác ước mơ của bạn. Tôi yêu quý những con người có đam mê bởi họ có khả năng thu hút các cơ hội giống như thỏi nam châm vậy.

Mặc khác, nếu bạn kết giao với một đám đông những người không có cùng ước mơ với bạn, hoặc không chia sẻ mong muốn làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn, thì tôi khuyên hãy tìm một nhóm bạn mới. Những người thường giết thời gian ở quán rượu, những hộp đêm hay phòng trò chơi điện tử hiếm khi tiến bộ được bạn ạ.

Nếu không thu hút được các đề nghị và cơ hội mà mình khao khát, có lẽ bạn cần tìm vị trí cao hơn thông qua sự giáo dục cao hơn. Nếu bạn không được nhận vào một trường cao đẳng hoặc đại học, thì hãy vươn lên qua những trường cộng đồng hoặc một trường dạy nghề. Có nhiều chương trình hỗ trợ và cấp học bổng hơn bạn nghĩ đấy, vậy nên đừng để trở ngại về tài chính làm bạn nản chí. Nếu đã kiếm được một tấm bằng đại học rồi, thì có thể bạn muốn học thạc sĩ hoặc tiến sĩ, hoặc tham gia các hội nghề nghiệp, các cộng động mạng, hoặc các diễn đàn trên mạng, các phòng chát dành cho người đang hoạt động trong lĩnh vực của bạn. Nếu cơ hội không đến, bạn cần phải tìm đến nơi mà các cơ hội có thể tìm thấy bạn, hoặc nơi bạn có thể thấy chúng.

THỜI ĐIỂM CỦA CƠ HỘI

Albert Einstein đã nói rằng trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa các cơ hội. Cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra gần đây đã khiến hàng triệu người thất nghiệp. Vô số người khác bị mất nhà cửa, mất các khoản tiết kiệm. Điều tốt đẹp nào xảy đến trong những lúc khó khăn như thế?

Trong số các công ty lớn đi vào hoạt động trong giai đoạn khủng hoảng và suy thoái kinh tế, có Hewlett Packard, Wrigley, UPS, Microsoft, Symantec, Toy “R” Us, Zippo, và Domino’s Pizza. Trong khi khủng hoảng đang hoành hành, những nhà sáng lập của các công ty kể trên tìm kiếm những cách mới mẻ và tiến bộ hơn để phục vụ khách hàng bởi vì các mô hình tồn tại trước đó đã tỏ ra thất bại. Họ đã nắm bắt được cơ hội để tạo ra hướng đi riêng cho hoạt động kinh doanh của mình.

Không nghi ngờ gì, cuộc suy thoái kinh tế năm 2006-2009 đã gây ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài làm thiệt hại cho nhiều cá nhân, gia đình và doanh nghiệp. Nhưng không ít người bị sa thải khỏi các tập đoàn, bị tước mất công việc mà họ đã gắn bó lâu dài đã phản ứng bằng cách mở doanh nghiệp riêng, quay trở lại trường học để đạt được học vị cao hơn, hoặc theo đuổi đam mê trong cuộc sống, cho dù đam mê của họ là việc mở một tiệm bánh mì, một dịch vụ làm vườn, thành lập ban nhạc hay viết một cuốn sách.

Bị mất việc làm trong cuộc suy thoái đó có hàng nghìn nhà báo. Cuộc suy thoái đã gây khó khăn và thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp báo chí bởi rõ ràng các tờ báo trên khắp thế giới đã để nguồn thu nhập ổn định và đáng kể rơi vào tay các dịch vụ trên mạng như trang quảng cáo Craigslist.

Thật thú vị khi thấy các cựu nhà báo, những người luôn tự hào về tài xoay xở và sự sáng tạo của mình, đã có phản ứng tích cực trước khủng hoảng. Một số người tôi quen đã tạo lập sự nghiệp mới trong lĩnh vực quan hệ công chúng, sáng lập ra các tổ chức phi lợi nhuận, và những trang truyền thông dựa trên các website và các blog.

Một trong những người tôi khâm phục là một cựu biên tập viên đã rời khỏi một tòa soạn báo đang phải giảm biên chế ở California và trở thành phó chủ tịch công ty quản lý khủng hoảng, chuyên xử lý “thông tin phá sản” cho doanh nghiệp. Đây là triết lý nhận lấy trái chanh mà số phận cho bạn và pha lấy một ly nước chanh ngọt, cái triết lý nói về việc nỗ lực tìm ra một giải pháp sáng tạo thay vì chỉ ngồi than vãn.

Bạn phải mềm dẻo, quyết tâm, và sẵn sàng biến một tình huống tiêu cực tiềm tàng thành một tình huống tích cực. Một trong những chuỗi kinh doanh bán lẻ lớn của Mỹ đã dạy nhân viên của mình coi lời phàn nàn của khách hàng như những gợi ý về việc xây dựng quan hệ tốt hơn giữa người bán và người mua.

Đó là vấn đề tái cấu trúc. Tôi thực hiện điều đó mỗi khi lịch hoạt động của mình vấp phải khó khăn bằng cách tự nhắc nhở: “Chúa không lãng phí thời gian của Người, vậy nên Người cũng không lãng phí thời gian của tôi”. Nói một cách khác, mọi sự xảy ra đều hướng đến điều tốt đẹp. Tôi thực sự tin điều đó, và bạn cũng nên tin như thế. Khi tán thành triết lý đó, bạn hãy cứ đợi để kiểm chứng. Tôi đã thấy thực tế chứng minh tính đúng đắn của triết lý đó hết lần này đến lần khác.

KHÔNG LÃNG PHÍ THỜI GIAN

Vài năm trước tôi thực hiện một chuyến đi bằng máy bay xuyên đất nước cùng với người chăm sóc của mình. Chuyến bay của chúng tôi bị trễ (đó không phải điều ngạc nhiên), và cuối cùng khi lên được máy bay, và khi máy bay bắt đầu khởi động trên đường băng, tôi nhìn ra cửa sổ và thấy khói tỏa ra từ động cơ.

Một chiếc xe cứu hỏa rầm rầm chạy tới. Nhân viên cứu hỏa nhảy ra khỏi xe và xịt chất chống cháy vào động cơ máy bay. Hành khách được thông báo: Vì có sự cố cháy nhỏ ở động cơ máy bay, chúng tôi sẽ tiến hành sơ tán khẩn cấp.

Ôi, tốt rồi, tôi nghĩ. Động cơ máy bay bị cháy chẳng có gì hay ho, nhưng việc chúng tôi vẫn còn ở mặt đất khi “sự cố cháy nhỏ” ấy xảy ra lại là điều may mắn. Khi người ta thông báo rằng chuyến bay sẽ bị hoãn thêm hai giờ nữa, nhiều hành khách cùng chuyến bay với tôi phàn nàn ầm ĩ và cay đắng. Tôi cũng bực mình vì chuyến bay trễ, nhưng mừng vì đã tránh được tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong khi máy bay đang ở trên cao.

Tuy nhiên, tôi đã phải vất vả để duy trì ý nghĩ tích cực đó bởi vì thời gian biểu của chúng tôi rất căng. Hãy nhớ rằng Chúa không lãng phí thời gian, tôi tự nhủ. Sau đó chúng tôi nghe thấy một thông báo khác: Mọi hành khách xếp hàng tại một cổng khác để lên một máy bay khác và khởi hành ngay lập tức. Quả là một tin tốt lành!

Chúng tôi vội tìm đến cổng mới, lên một chiếc máy bay khác, và sẵn sàng cho chuyến bay. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm cho tới khi nhận thấy người phụ nữ ngồi bên cạnh mình đang lặng lẽ khóc.

“Tôi có thể làm gì giúp bà không?”, tôi hỏi.

Người phụ nữ ấy giải thích rằng mình đi thăm đứa con gái 15 tuổi đang bị đe dọa tính mạng sau một cuộc phẫu thuật thông thường được thực hiện không đúng cách dẫn đến hậu quả tồi tệ. Tôi cố gắng hết sức để an ủi người mẹ. Chúng tôi nói chuyện trong gần như suốt chuyến bay. Tôi thậm chí đã khiến cho bà ấy cười sau khi bà nói với tôi rằng bà rất sợ đi máy bay.

“Bà có thể nắm tay tôi nếu bà muốn”, tôi nói đùa.

Khi máy bay hạ cánh, người mẹ cảm ơn tôi đã an ủi bà. Tôi nói với bà rằng tôi cảm thấy mình rất may mắn được ngồi cạnh bà trên máy bay sau một loạt những căng thẳng do trễ giờ và thay đổi cổng hàng không.

Ngày hôm đó Chúa đã không lãng phí thời gian của tôi. Người biết rõ Người đang làm gì. Người đã sắp xếp cho tôi ngồi cạnh người phụ nữ đó để giúp bà vượt qua hoảng sợ và nỗi buồn. Càng nghĩ về ngày hôm đó, tôi càng cảm thấy biết ơn cái may mắn được dành cho người phụ nữ ấy sự lắng nghe đầy cảm thông và chia sẻ.

TẦM NHÌN SÁNG TẠO

Một người thân qua đời, một mối quan hệ bị đổ vỡ, một thất bại về tài chính, hay một căn bệnh có thể làm bạn suy sụp nếu bạn để cho nỗi đau và sự thất vọng lấn át mình. Một cách để vượt qua những thách thức nói trên là luôn sẵn sàng cho những cơ hội giúp bạn đi lên, ngay cả khi cuộc sống dường như đang đẩy bạn đi xuống.

Tôi đã gặp nhiếp ảnh gia Glennis Siverson trong thời gian tham gia bộ phim The Butterfly Circus. Mặc dù Glennis sống ở Orlando, bà đã đến California để chụp ảnh phục vụ quá trình làm phim theo lời mời của các đạo diễn và vợ chồng Weigel, những người bạn của bà. Glennis là một nhiếp ảnh gia từng đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, người có các tác phẩm được nhiều tờ báo, tạp chí, các tập đoàn, các website đặt hàng. Bà cũng chụp ảnh chân dung và ảnh thiên nhiên. Bà yêu thích nhiếp ảnh. Chụp ảnh là đam mê của bà.

 Glennis đã làm việc trong lĩnh vực phát triển nguồn lực con người cho các công ty lớn trong hơn 20 năm. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bà đã mất “công việc an toàn và ổn định” của mình. Glennis đã biến cái rủi thành cái may, biến khó khăn thành động lực giúp bà theo đuổi đam mê. Và bà đã trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

“Tôi ý thức được rằng bây giờ hoặc không bao giờ!”, bà nói.

Một câu chuyện ý nghĩa, phải không bạn? Glennis là một ví dụ thực tế về một con người biết biến cái rủi thành cái may, biết coi những gì không may mắn như một cơ hội để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thật xuất sắc! Thật tuyệt vời!

Nhưng không chỉ có vậy. Bạn biết không, Glennis, một nhiếp ảnh gia từng giành được giải thưởng lớn, lại là người hầu như không thể nhìn được. Bà ấy gần như bị mù.

“Từ khi còn nhỏ tôi đã có vấn đề về thị lực”, bà kể. “Lên năm tuổi tôi đã phải đeo kính và thị lực cứ ngày một giảm đi. Vào khoảng năm 1995, tôi được chẩn đoán mắc bệnh giác mạc. Giác mạc bị biến dạng và bị thoái hóa. Bệnh nặng đến mức mắt trái của tôi không nhìn thấy gì nữa. Do bị cận thị rất nặng, tôi đã phải chịu phẫu thuật bằng Lasik rồi. Lựa chọn duy nhất còn lại là ghép giác mạc”.

Năm 2004, Glennis trải qua cuộc phẫu thuật ghép giác mạc. Bác sĩ nói với bà rằng cuộc phẫu thuật ghép giác mạc sẽ giúp mắt trái của bà có được thị lực 20/40 mà không cần đeo kính. “Thế nhưng điều tồi tệ đã xảy ra - tôi bị mất con mắt trái”, bà nói. “Cuộc phẫu thuật đã khiến cho thị lực của tôi trở nên kém đi. Tôi còn bị thêm bệnh tăng nhãn áp nữa. Mắt trái của tôi thì tệ như vậy rồi, thế mà, không liên quan đến cuộc phẫu thuật, mắt phải của tôi lại bị chứng tăng nhãn áp. Vậy là bên mắt đó của tôi có điểm mù”.

Bị hất ra khỏi công việc mà bà đã gắn bó trong 20 năm, và bị mù sau cuộc phẫu thuật không thành công, phải chịu đựng thêm chứng tăng nhãn áp, Glennis khi ấy nếu có rơi vào thất vọng hoặc có đầu hàng số phận thì cũng chẳng ai trách. Nếu bạn nghĩ ở vào hoàn cảnh đó bà ấy trở nên cay đắng và tức giận thì cũng chẳng có gì là khó hiểu.

Nhưng thay vì để mình rơi xuống vực thẳm của sự tuyệt vọng, bà lại vươn cao, vươn xa.

“Tôi không nghĩ mình là người khuyết tật. Tôi nghĩ mình là một người có khả năng, bởi tình trạng gần như bị mù đã khiến tôi trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi hơn”, bà nói.

Bà không thể nhìn rõ được các chi tiết, nhưng thay vì cảm thấy mình bị thiệt thòi, bà lại cảm thấy biết ơn vì bà không còn bị ám ảnh bởi những điều nhỏ nhặt nữa.

“Trước khi bị mất gần như toàn bộ thị lực, nếu chụp ảnh chân dung, thì tôi sẽ để ý đến từng lọn tóc, từng tư thế của đối tượng. Như thế công việc của tôi sẽ khó khăn bởi tôi quá tập trung vào bố cục và các tiểu tiết. Nhưng bây giờ cách tiếp cận của tôi thiên về phản ứng trực giác. Tôi cảm nhận đối tượng. Tôi nhìn, và tôi chụp. Công việc của tôi thiên về bản năng hơn, và tôi tương tác với mọi người và môi trường xung quanh nhiều hơn.”

Glennis nói rằng các bức ảnh của bà giờ đây không được nét nhưng chúng giàu tính nghệ thuật hơn, hấp dẫn hơn. “Một cô gái đã kêu lên đầy kinh ngạc khi ngắm những bức ảnh chân dung tôi chụp cô bởi cô cảm thấy tôi đã nắm bắt rất tốt thần thái của cô”, bà nói. “Tôi chưa bao giờ khiến cho ai xúc động đến như thế”.

Từ khi gần như bị mù, Glennis đã giành được mười giải thưởng quốc tế cho những tác phẩm nhiếp ảnh chân dung và phong cảnh. Một trong những bức ảnh của bà đã được chọn từ 16.000 bức ảnh để tham gia một cuộc triển làm chỉ gồm 111 tác phẩm. Bà có ảnh được chọn cho bốn cuộc triển lãm tại Trung tâm ảnh nghệ thuật ở Fort Collins, Colorado.

Cho dù Glennis không bị mất việc do khủng hoảng kinh tế, tình trạng mù lòa của bà cũng không cho phép bà tiếp tục công việc trong lĩnh vực phát triển nguồn lực con người. Nhiều nghệ sĩ vĩ đại như Monet và Beethoven đã phát triển tài năng bất chấp những khuyết tật bởi họ đã biến khuyết tật đó thành cơ hội để khám phá nghệ thuật theo những cách mới mẻ và sáng tạo. Tràn ngập lòng biết ơn, Glennis đã nói cho tôi biết câu Kinh Thánh mà bà luôn tâm niệm. Đó là câu: “Chúng ta sống nhờ niềm tin chứ không phải nhờ những gì con mắt ta nhìn thấy”.

“Điều đó quả là đúng với cuộc sống của tôi bây giờ. Tôi đã phải thực hiện những điều chỉnh. Tôi lo mình sẽ bị mù hoàn toàn. Điều đó rất đáng sợ. Không có cẩm nang nào dành cho hoàn cảnh này hết.”

Bà đang đi trên con đường mới, nhưng thay vì coi điều đó như một sự xáo trộn trong cuộc đời, bà lại coi là điều may mắn. “Trước khi mắt bị như thế này, tôi là người sống khá dè chừng. Bây giờ tôi cố gắng sống từng ngày một và tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống”, bà nói. Tôi cũng cảm thấy biết ơn số phận vì còn có mái nhà che đầu, tôi vẫn sống và mặt trời vẫn chiếu sáng. Tôi không lo lắng gì về ngày mai bởi chúng ta chẳng thể biết được ngày mai rồi sẽ ra sao”.

Glennis là một phụ nữ tuyệt vời, một người biết tận dụng cơ hội, đúng không bạn? Bà đã khích lệ tôi vươn lên, và tôi hy vọng rằng, qua những gì vừa kể, bạn cũng cảm thấy mình được bà khích lệ để tìm ra cách chắp cánh cho những ước mơ, lựa chọn chúng một cách sáng suốt, và hành động để theo đuổi những gì bạn mơ ước khi trái tim của bạn nói “hãy tiến tới!”.


Down Under là biệt danh của Australia (có thể cả New Zeland) bởi nó nằm ở vị trí thấp trên bản đồ thế giới. 

Lượt xem : 902 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo