Trang chủ --> Cuộc sống không giới hạn --> Hòa hợp với người khác
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Hòa hợp với người khác

Để nắm chắc các kỹ năng về con người, bạn phải đình hoãn những lợi ích của bản thân, những mối quan tâm, những vấn đề của riêng bạn và hướng tới mọi người xung quanh. Đó không phải là việc cố gắng trở thành trung tâm chú ý hoặc trở thành người thú vị nhất trong phòng mà là việc tiếp xúc với người khác trong điều kiện, hoàn cảnh của họ và làm cho họ cảm thấy đủ thoải mái để mời bạn bước vào cuộc đời họ.

Chiều sâu của các mối quan hệ thường có mức độ khác nhau tùy thuộc vào những người chúng ta tiếp xúc, từ những cuộc tiếp xúc ngắn ngủi - với người thu ngân ở quầy thanh toán của cửa hàng, người phục vụ ở quán ăn, người đưa thư, người ngồi cạnh bạn trên máy bay - đến những người chúng ta tiếp xúc thường xuyên - hàng xóm, đồng nghiệp, khách hàng - và những người giữ vai trò là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta - những người bạn thân nhất, vợ hoặc chồng, và các thành viên trong gia đình. Mỗi mức độ của một mối quan hệ, dù thân hay sơ, đều đòi hỏi kỹ năng con người, khả năng hiểu và cảm thông, khả năng tương tác để hòa hợp với người khác.

 

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Có một số kỹ năng về con người bị chúng ta xem nhẹ và coi thường. Một trong số những kỹ năng đó rất quen thuộc đối với tôi, đó là: Sẵn lòng và khiêm nhường để nhờ người khác giúp đỡ khi cần. Chúa Jesus, con của Chúa Trời, lúc còn ở cõi trần hiếm khi đơn độc. Người luôn có một hoặc một nhóm tông đồ bên cạnh. Bạn đừng bao giờ nên cảm thấy rằng mình bắt buộc phải độc hành. Tìm kiếm sự giúp đỡ ở người khác không phải là một dấu hiệu của yếu kém. Đó là một dấu hiệu của sức mạnh. Kinh Thánh dạy rằng: “Hãy xin sẽ được; hãy tìm sẽ thấy; hãy gõ, cửa sẽ mở ra cho các con”.

Vài năm trước, lịch diễn thuyết dày đặc đã khiến tôi đi đến quyết định quay trở lại với việc nhờ người chăm sóc mình, điều mà tôi đã cố gắng tránh trong một thời gian dài. Khi còn nhỏ, tôi muốn chứng minh rằng mình có thể sống từng ngày, từng ngày mà không phụ thuộc vào người khác. Sống độc lập là rất quan trọng đối với tôi. Vì sự thanh thản và bình yên trong lòng và vì tự trọng, tôi cần phải biết rằng, nếu cần, tôi có thể sống độc lập.

Nhưng khi bắt đầu sự nghiệp diễn thuyết và khi những lời mời đi diễn thuyết được gửi đến tới tấp từ khắp nơi trên thế giới, tôi hiểu rằng mình đã làm tiêu hao quá nhiều năng lượng vào việc tự chăm sóc bản thân, đặc biệt là trong các chuyến đi. Để có thể diễn thuyết trước nhiều người ở nhiều nơi, bạn phải tập trung hoàn toàn vào công việc và phải đầu tư toàn bộ năng lượng vào đó. Vậy nên tôi lại sử dụng người chăm sóc cho dù vẫn hy vọng rằng, một ngày nào đó tôi có vợ, có gia đình và lại có thể tự chăm sóc bản thân như trước.

Khi có một người chăm sóc, bạn không thể thiếu các kỹ năng về con người. Không thể mong ai đó cho bạn ăn uống, đi đây đi đó cùng bạn, cạo râu cho bạn, thay quần áo cho bạn, đôi khi bế bạn từ chỗ này đến chỗ khác nếu như người đó không thực sự quý mến bạn, cho dù bạn trả lương cao. Thật may mắn, tôi luôn giữ được quan hệ tốt với người chăm sóc mình – mặc dù đôi lúc họ cũng phải trải qua thử thách.

Tôi không có một người chăm sóc toàn thời gian cho tới năm 2005, khi Craig Blackburn, người đã rất xúc động trước bài diễn thuyết của tôi tại một nhà thờ, liên lạc với tôi. Anh ấy đề nghị được làm người chăm sóc và điều phối cho tôi trong chuyến đi diễn thuyết kéo dài ba tuần ở các khu dân cư dọc bờ biển đầy nắng ấm của Queensland.

Tôi hơi ngại khi nghĩ đến việc ở chung với một người không quen biết, nhưng tôi kiểm tra các thông tin cá nhân của Craig và quyết định rằng tôi có thể tin anh ấy. Craig đã chứng minh anh là một người có thể chăm sóc tôi, giúp tôi tiết kiệm năng lượng cho diễn thuyết và các nhiệm vụ khác.

Trong nỗ lực đầy quyết tâm nhằm chứng minh khả năng vừa có thể sống độc lập vừa có thể tạo dựng một sự nghiệp đòi hỏi phải đi đây đi đó nhiều, tôi từng quá kiêu hãnh nên không tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác, ngay cả khi sự tìm kiếm đó là hoàn toàn hợp lý. Bạn không nên mắc phải sai lầm tương tự. Bạn nên biết các hạn chế của mình.

Hãy bảo vệ sức khỏe và sự minh mẫn bằng cách làm những gì phù hợp với con người: Hãy tìm đến người khác khi hoàn cảnh đòi hỏi. Nhưng hãy nhớ rằng, việc nhờ vả điều gì đó ở bạn bè hoặc đồng nghiệp là bất lịch sự, trừ khi trước đó bạn đã chứng minh sự quan tâm của bạn đối với họ. Không một ai trên đời này nợ bạn nhiều hơn những gì bạn đã cho họ.

Một số người chăm sóc của tôi trong những năm qua là bạn bè, người thân trong gia đình, người tình nguyện, nhưng hầu hết họ đều được trả công để chăm sóc tôi bởi vì công việc của họ có những đòi hỏi khắt khe, xét trên lịch diễn thuyết rất dày của tôi. Tôi bắt đầu sử dụng người chăm sóc một cách thường xuyên trong khi đi diễn thuyết ở nhiều nơi trên đất Mỹ vào năm 2006.

George, một người bạn của tôi, đã tình nguyện làm lái xe kiêm người chăm sóc của tôi trong chuyến đi đó, nhưng cậu ấy lại xuất hiện với một chiếc xe cũ phát ra tiếng ồn khó chịu cùng mùi ẩm mốc và, thật ngạc nhiên, có cả một lỗ thủng to tướng ở sàn xe! Tôi hơi bị sốc. Tôi mường tượng ra cảnh mình lọt xuống cái lỗ thủng đó và bị một chiếc xe tải cán nát. Ở trên chiếc xe đó, tôi chưa bao giờ cảm thấy an toàn, nhưng George đã chứng tỏ mình là một người trợ giúp tận tụy.

Bryan, một trong những người chăm sóc của tôi hiện nay, được một phen trải qua thử thách to lớn trong chuyến tôi đi diễn thuyết ở châu Âu vào mùa hè năm 2008. Dịp ấy chúng tôi đã đi không ngừng nghỉ trong khoảng một tuần trước khi dừng chân một đêm tại một khách sạn ở Timisoara, Romani, một thành phố xinh đẹp được mệnh danh là “Thành Vienna thu nhỏ”, thuộc Transylvania. Trước đó tôi đã nghe nói nơi ấy là một góc đáng sợ của hành tinh này, và sự nghi ngờ của tôi đã được khẳng định.

Mệt muốn chết do thiếu ngủ, tôi không còn sức mà sợ hãi nữa. Đó là đêm đầu tiên trong chuyến đi dài tôi dự định nghỉ ngơi thực sự. Do tôi khó ngủ, Bryan đưa cho tôi một viên thuốc an thần melatonin, loại thuốc cũng có công dụng giúp cơ thể của chúng ta chống lại sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài.

Thoạt đầu tôi nói với cậu ấy rằng tôi không nên uống thuốc. Tôi thỉnh thoảng bị phản ứng với một số loại thuốc. Bryan thuyết phục tôi rằng thuốc đó an toàn, và vì thận trọng, tôi chỉ dùng một nửa liều. Thật may mắn là tôi đã không nuốt cả viên thuốc. Chẳng bao lâu sau khi uống thuốc, tôi chìm vào giấc ngủ sâu.

Trong một số chuyến đi thỉnh thoảng tôi bị mệt lử, và mặc dù khi thức tôi phải vất vả lắm mới ngồi dậy được từ tư thế nằm, tôi lại có thể tự dựng người dậy trong khi đang ngủ, và sau đó bắt đầu nói như thể tôi đang diễn thuyết trước các khán thính giả. Đêm đó tôi đã khiến Bryan ở phòng kế bên thức giấc bởi vì tôi cứ nói thao thao trong khi ngủ! Tôi diễn thuyết bằng tiếng Serbia!

Bryan đã kịp làm cho tôi tỉnh trước khi tôi đánh thức cả nước Romania dậy bằng bài diễn thuyết trong lúc ngủ của mình, và sau đó cả hai chúng tôi đều nhận ra người mình ướt đẫm mồ hôi. Chúng tôi bị nướng trong cái nóng mùa hè bởi vì trong khi chúng tôi ngủ, máy điều hòa nhiệt độ trong phòng không được bật. Tất nhiên chúng tôi mở cửa số để không khí tự nhiên tràn vào phòng. Sau đó trong tình trạng mệt mỏi rã rời, chúng tôi lên giường ngủ tiếp.

Một giờ sau chúng tôi lại bị đánh thức; lần này là lũ muỗi khổng lồ của vùng Transylvania tới hút máu. (Chí ít chúng tôi hy vọng đó là muỗi!). Lúc ấy tôi mệt quá, nóng quá, và ngứa ngáy khắp người, mà – thật bất lợi – tôi thì chẳng có tay để gãi. Quả đúng là tra tấn!

Theo gợi ý của Bryan, tôi tắm cho bớt ngứa. Sau đó cậu ấy xịt thuốc trị ngứa lên các vết muỗi đốt sưng đỏ trên người tôi. Tôi quay về giường, nhưng chỉ mười phút sau lại réo gọi Bryan. Khắp người tôi bỏng rát như bị nướng! Tôi bị dị ứng thuốc trị ngứa.

Bryan lồm cồm bò lên giường, bế tôi vào buồng tắm lần nữa, và trong khi chúng tôi loay hoay ở trong đó thì cậu ấy bị trượt ngã, đập đầu vào bệ nhà tắm! Kiệt sức, chúng tôi chỉ muốn ngủ, nhưng những nỗi kinh hoàng trong đêm ấy vẫn chưa chấm dứt. Vì máy điều hòa không hoạt động, chúng tôi cảm thấy quá nóng bức. Lúc đó tôi suy nghĩ không được tỉnh táo, nên bảo Bryan lấy cho tôi một cái gối.

“Điều hòa nhiệt độ ở ngoài hành lang đang chạy, vậy nên tớ sẽ ra ngoài đó ngủ”, tôi nói với người chăm sóc đang khá ủ ê và bối rối của mình.

Bryan không còn sức để tranh cãi. Cậu ấy đổ sập người xuống giường, còn tôi thì chuồn ra khỏi phòng, để cửa mở để cậu ấy có thể nghe thấy tiếng tôi gọi khi cần. Chúng tôi ngủ chập chờn như thế trong khoảng một hoặc hai giờ thì bỗng nhiên một người lạ bước qua chỗ tôi, tiến thẳng vào phòng, mắng nhiếc Bryan bằng thứ tiếng Anh rất khó nghe.

Sau khi ông ta nói một thôi một hồi, chúng tôi mới hiểu ra rằng vị khách không mời mà đến đó tức giận vì ông ta nghĩ Bryan đã ném tôi ra hành lang buộc tôi phải ngủ trên sàn! Phải vất vả lắm chúng tôi mới thuyết phục được con người nhân hậu đó tin rằng tôi tự ý ra ngủ ở hành lang chứ không phải bị Bryan tống ra khỏi phòng.

Người lạ ấy vừa đi khỏi là tôi trườn trở lại giường ngủ. Bryan về giường của cậu ấy. Nhưng chúng tôi chỉ vừa mới thiếp đi thì điện thoại của Bryan đổ chuông. Khi cậu ấy trả lời điện thoại, những tiếng nói của người ở đầu dây bên kia đập vào tai cậu như đạn nổ. Đó là người điều phối chuyến đi diễn thuyết của chúng tôi. Rõ ràng kẻ không mời mà đến lúc trước đã không tin chúng tôi. Ông ta phản ánh với ban an ninh của khách sạn rằng tôi bị bỏ mặc ở ngoài hành lang cả đêm, và thế là họ dựng người điều phối của chúng tôi dậy. Người điều phối dọa sẽ cho Bryan lãnh đủ.

Đấy, bạn có thể thấy tại sao tôi lại thuê những ba người để luân phiên chăm sóc tôi bảy ngày trong tuần. Bây giờ Bryan và tôi có thể cười về cái đêm ác mộng ở Transylvania ấy, nhưng phải mất vài đêm ngủ trong phòng có điều hòa, không bị một con muỗi nào đốt chúng tôi mới vượt qua được chuyện đó.

Một trong những bài học đầu đời của tôi là, tìm kiếm sự giúp đỡ không phải là việc xấu. Cho dù có một cơ thể hoàn toàn lành lặn hay không, vẫn có những lúc bạn không thể tự giải quyết được vấn đề mà bạn phải đối mặt. Đúng vậy, ý thức được mình bé nhỏ, khiêm nhường là một kỹ năng về con người và là một món quà mà Chúa ban cho chúng ta.

Bạn phải đủ khiêm nhường mới có thể tìm kiếm sự giúp đỡ ở người khác, cho dù đó là sự giúp đỡ từ một người chăm sóc, một người cố vấn, một thần tượng, hoặc một thành viên trong gia đình. Khi ai đó đủ khiêm nhường để tìm kiếm sự giúp đỡ, hầu hết mọi người đều đáp lại bằng cách chìa tay ra với người đó. Nếu bạn tỏ ra là người có tất cả mọi câu trả lời và bạn không cần bất cứ ai khác cả, thì bạn ít có khả năng thu hút sự ủng hộ và giúp đỡ từ người khác.

KHÔNG QUẦN, KHÔNG DIỄN THUYẾT

Hồi nhỏ tôi được dạy rằng mọi vinh quang đều thuộc về Chúa Trời, và khi trưởng thành, tôi hiểu rằng bất cứ điều tốt đẹp nào đạt được đều không phải do tôi tạo ra mà được tạo ra thông qua tôi. Dường như Chúa tin rằng thỉnh thoảng tôi cần học một bài học về sự khiêm nhường để tôi không bao giờ mất đi khả năng tiếp xúc và kết giao với người khác. Đôi khi những bài học về sự khiêm nhường không dễ đâu. Có những lúc rất tức cười.

Tôi vẫn sống ở Australia vào năm 2002, khi anh họ của tôi, Nathan Poljak, đi cùng tôi sang Mỹ để diễn thuyết tại một hội trại của thanh niên theo đạo Cơ Đốc. Chúng tôi đến vào đêm trước hôm diễn ra buổi diễn thuyết và thật sự rất mệt sau một chuyến bay dài. Chúng tôi ngủ mê mệt.

Tôi đã lên lịch dậy sớm để giảng Kinh Thánh cho các bạn trẻ ở hội trại, nhưng không ai nỡ đánh thức tôi. Tôi thức dậy trước giờ giảng chỉ khoảng 15 phút. Chúng tôi ở gần nơi diễn ra buổi giảng Kinh, vậy nên tôi nghĩ vẫn còn kịp. Chúng tôi vội vã tới trại, nhưng khi đến nơi, tôi cảm thấy muốn đi vệ sinh. Bạn tin hay không thì tùy, tôi tự làm việc đó được. Tôi sẽ không bao giờ tiết lộ các bí quyết của mình đâu, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng sử dụng khóa dính Velcro thay cho khóa quần thông thường rất có ích trong trường hợp của tôi. Nathan đề nghị giúp tôi bởi vì lúc đó chúng tôi đang vội. Anh ấy đưa tôi vào một phòng vệ sinh công cộng và để tôi ở trong đó.

Sau khi tôi đi vệ sinh xong, Nathan quay vào giúp tôi, và khi chúng tôi sắp sửa hoàn tất thì không may anh ấy lại đánh rơi quần của tôi vào bồn cầu! Chúng tôi cứng người vì hoảng sợ, há hốc miệng khi sự đứng đắn của tôi biến mất trong dòng nước xoáy. Tôi đứng đó trong tình trạng không có quần trong khi biết mình đã bị muộn buổi giảng Kinh. Tôi nhìn anh họ trừng trừng qua gương. Vẻ mặt của anh ấy phản ánh sự bàng hoàng của tôi. Rồi anh em tôi cười phá lên như hai gã rồ.

Chúng tôi thậm chí không thể khều chiếc quần lên bởi vì còn mải cười như điên dại, và cơn cười càng khiến chúng tôi trở nên ngốc nghếch hơn. Nathan dễ lây cười lắm và một khi anh ấy bắt đầu cười thì tôi cũng không nhịn được. Tôi chắc chắn rằng người ở phòng vệ sinh bên cạnh lúc ấy đã tự hỏi không biết ở phòng vệ sinh số ba có chuyện gì buồn cười đến thế.

Em trai, em gái, và các anh chị em họ đã giúp tôi học cười trong những tình huống tức cười, và những gì tôi vừa kể là một trong những tình huống như thế. Họ cũng dạy tôi biết dựa vào những người sẵn lòng giúp đỡ, dạy tôi tìm kiếm sự giúp đỡ khi tôi cảm thấy mình thực sự cần sự giúp đỡ từ người khác. Tôi cũng khuyến khích bạn làm như thế.

NHỮNG NGƯỜI BẠN CẦN

Những người chăm sóc cho tôi trong mấy năm qua đều rất tuyệt vời, và tôi may mắn giữ được mối quan hệ bạn bè với họ sau khi họ chuyển sang làm công việc khác. Trước khi tới làm việc cho tôi, hầu như tất cả họ đều đã là bạn hoặc đã gặp tôi tại các buổi diễn thuyết. Luôn có một giai đoạn làm quen với công việc, và giai đoạn đó thường khá buồn cười.

Những người đã quen biết tôi được một thời gian thường nói rằng họ nhanh chóng quên rằng tôi không có chân tay và khuyết tật của tôi chẳng là vấn đề gì cả. Điều đó thật tuyệt! Tốt thôi, trừ khi người có suy nghĩ trên lại tình cờ trở thành người chăm sóc của tôi.

Tôi không thể nói cho bạn biết đã bao nhiêu lần tôi nhờ người chăm sóc lấy giúp chút nước và người đó cứ cố đưa cho tôi một chiếc ly như thể tôi có tay để cầm ly nước. Trong tình huống đó, người chăm sóc thường ngây người ra một lát, trong khi tay vẫn chìa ly nước ra và đợi tôi đón lấy. Sau đó người ấy sẽ đỏ mặt khi hiểu ra: Ôi! Lạy Chúa ! Mình cứ cố đưa ly nước cho anh chàng không có tay! Mình đang nghĩ gì thế này?

“Không sao đâu”, tôi nói. “Tôi quen với chuyện này rồi”.

Có khả năng bạn không cần một người thạo việc ở bên để trợ giúp bạn 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần. Nhưng tất cả chúng ta, dù ít hay nhiều, đều cần người chăm sóc, đều cần ai đó chia sẻ những suy nghĩ với mình, cần người cho chúng ta lời khuyên chân thành, người khích lệ, người cố vấn hoặc thần tượng để noi theo.

Cần phải khiêm tốn và can đảm để thừa nhận rằng không phải cái gì bạn cũng biết hoặc bạn có thể tự làm được mọi việc. Trong những phần trước của cuốn sách, tôi đã khẳng định rằng khi có ý thức về mục đích sống, tận tâm theo đuổi những ước mơ, bạn sẽ luôn phải đối mặt với vài kẻ gièm pha.

May mắn thay những đối tượng khác cũng sẽ xuất hiện – đôi khi họ xuất hiện trong những tình huống ít ngờ tới nhất – để khích lệ bạn, hoặc để dẫn dắt bạn. Nên sẵn sàng đón nhận họ bởi việc kết giao với họ có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn.

Có ba loại đối tượng dẫn dắt, những người có các mối quan hệ tác động đến cuộc sống của tôi: đó là người cố vấn, thần tượng, và bạn đồng hành.

Người cố vấn là những người đã và đang ở vị trí mà bạn muốn vươn tới, nhưng họ cũng là người giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ ước mơ của bạn và thực sự muốn bạn đạt được thành công. Cha mẹ bạn hiển nhiên là người cố vấn, nhưng nếu may mắn bạn sẽ tìm được những người khác sẵn lòng giữ vai trò đó trong suốt cuộc đời bạn.

Một trong những người cố vấn đầu tiên mà tôi có được là anh trai của mẹ tôi, bác Sam Radojevic, người hiện vẫn đang sống ở Australia cùng với người vợ tuyệt vời và những đứa con tuyệt vời. Bác có trái tim của một nhà doanh nghiệp, sự khôn khéo của một nhà đầu tư, tầm nhìn của một nhà thám hiểm. Bác Sam luôn sẵn sàng đón nhận trải nghiệm mới, và khi tôi còn nhỏ bác luôn khuyến khích tôi vươn lên. Bác nói với tôi rằng trở ngại thực sự trong cuộc sống là những trở ngại mà chính chúng ta tự tạo ra. Sự dẫn dắt và ủng hộ của bác đã mang đến cho tôi lòng can đảm để mở rộng tầm nhìn.

Tôi quen biết không ít người luôn mang trong mình gánh nặng nuối tiếc trong suốt cuộc đời, nhưng bác Sam thì chẳng có gánh nặng nuối tiếc nào khi bác nhìn lại những gì đã trải qua. Ngay cả khi mắc sai lầm, bác luôn hướng về phía trước, đến với cơ hội tiếp theo với tinh thần háo hức của một đứa trẻ yêu đời.

Bác thích thiết kế và lắp ráp xe máy, xe đạp, nhưng bác không làm việc đó vì bản thân. Bác giúp chính quyền bang Victoria triển khai một chương trình giúp người tù sửa chữa và đại tu xe đạp cũ để tặng trẻ em nghèo kém may mắn và cả người trưởng thành không có tiền mua xe đạp. Nhờ chương trình này, hàng nghìn chiếc xe đạp đã đến được với những người đang cần phương tiện đi lại.

Bác Sam đã khuyến khích tôi luôn nhìn về phía trước giống như bác, và luôn tin tưởng ở tôi, ngay cả khi tôi không tin vào chính bản thân mình. Khi tôi 13 tuổi, bác nói với tôi: “Nicholas, một ngày nào đó cháu sẽ bắt tay các tổng thống, các hoàng đế, nữ hoàng”. Thậm chí ngay từ hồi đó bác đã tin rằng Chúa Trời có một kế hoạch dành cho tôi. Đúng là một người cố vấn tuyệt vời!

Tôi khuyến khích bạn tìm kiếm những người cố vấn cho mình. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng người cố vấn thực sự không chỉ là người lúc nào cũng khen ngợi, cổ vũ bạn – họ sẽ nói cho bạn biết bạn đang đi chệch đường, nếu sự thật đúng là như vậy. Bạn phải sẵn sàng lắng nghe những lời góp ý, cũng như lời khen ngợi của họ, và nên biết rằng họ làm thế vì lợi ích của bạn.

Tôi cũng kính trọng người anh họ Duncan Jurisic. Khi còn nhỏ, tôi thường sợ phải phiền ai đó đưa mình vào nhà vệ sinh, và anh ấy đã giúp tôi khám phá ra một quy tắc cần ghi nhớ. Anh ấy nói: “Bất cứ khi nào cần sự giúp đỡ, em hãy nói cho người khác biết”. Không chỉ anh ấy mà cả những người anh em họ khác của tôi đều luôn yêu thương và giúp đỡ tôi, như Duncan và mẹ anh ấy, bác Danilka, đã giúp tôi chiến thắng nỗi sợ hãi trong những ngày đầu bước vào sự nghiệp diễn thuyết. Gia đình họ, những người điều hành tập đoàn Australian Hospitality ở Melbourne, đã dành cho tôi sự dẫn dắt sáng suốt và quý giá.

Thần tượng là người đã đạt tới vị trí mà bạn mong muốn vươn tới, nhưng thường thì họ không gần gũi với bạn như người dẫn dắt. Thường thì bạn chiêm ngưỡng họ từ xa, theo dõi bước tiến của họ, đọc cuốn sách của họ, và nối gót họ trong sự nghiệp, coi họ là thần tượng của bạn. Thường những người đó nổi tiếng trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi, là những người nổi danh với thành công và được kính trọng. Một trong những thần tượng của tôi trong một thời gian dài, người mà tôi luôn muốn gặp, là mục sư Billy Graham. Ông sống theo lời dạy của câu Kinh Mark 16:15, và cũng là câu Kinh đã khích lệ tôi rất nhiều: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho tất cả mọi người”.

Chắc hẳn phải có người cố vấn và thần tượng giống như Vic và Elsie Schlatter, hai nhân vật mà gần như cứ mỗi năm tôi lại đến thăm một lần. Họ luôn khuyến khích tôi trở thành một người Cơ Đốc tốt hơn, hoàn thiện hơn. Họ sống ở Australia, nhưng đã xây dựng được 65 nhà thờ và hội truyền giáo ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Nam Thái Bình Dương. Họ là thần tượng của tôi trong việc tạo ra sự thay đổi tích cực cho thế giới trong vai trò của người truyền giáo. Họ làm việc thầm lặng, không phô trương, và không bao giờ tự thổi phồng mình lên, nhưng họ đã tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho rất nhiều mảnh đời.

Khi còn là một cô bé mới lớn, Elsie đã hình dung thấy Chúa Jesus đứng trước mặt bà, bảo bà hãy “đi”. Elsie hiểu rằng Chúa muốn bà thực hiện sứ mệnh của người truyền giáo. Vic làm việc cho hãng General Electric tại một nhà máy điện hạt nhân sau khi họ kết hôn, nhưng khi đó ông và Elsie cũng lập lên một nhà thờ, bắt đầu sứ mệnh truyền giáo - truyền giáo cho những người dân Papua New Guinea, một quốc gia nhỏ gồm nhiều bộ tộc ở Nam Thái Bình Dương và là một xứ hầu như chưa biết tới đạo Cơ Đốc. Mặc dù đó là một nước nhỏ, ba triệu người dân của nước đó lại thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nói hơn 700 thứ tiếng.

Vic và Elsie đã yêu mến xứ xở đó và giờ đây đang sống ở bờ biển Bắc của Australia. Từ căn cứ của mình, họ chỉ đạo công việc truyền giáo khắp các vùng thuộc Nam Thái Bình Dương. Ngoài việc viết một số sách về tôn giáo, Vic đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh đơn giản và một số ngôn ngữ địa phương để phục vụ các bộ lạc mà ông và Elsie truyền giáo.

Định nghĩa thế nào là một người đồng hành là việc khá khó khăn đối với tôi bởi vì cuộc sống của tôi diễn ra theo một hành trình khá đặc biệt. Những người đồng hành thường là bạn bè, đồng nghiệp và người có mục đích giống mục đích của bạn, song hành với bạn trên đường đời. Họ thậm chí có thể là đối thủ của bạn, nhưng là đối thủ thân thiện. Bạn và những người đồng hành khuyến khích, động viên và giúp đỡ lẫn nhau bằng cách làm phong phú đời sống tinh thần của nhau chứ không làm nó nghèo đi.

Khi tin vào sự phong phú, bạn tin rằng trên đời này có đủ những món quà của Chúa – đủ sự mãn nguyện, đủ cơ hội, đủ hạnh phúc, và đủ tình yêu – dành cho tất cả mọi người. Tôi khuyến khích bạn tiếp nhận quan điểm này bởi vì nó khiến bạn cởi mở với mọi người hơn. Nếu bạn nghĩ thế giới là một nơi khan hiếm nguồn vui, nơi các cơ hội là có hạn thì bạn sẽ coi người đồng hành của mình là mối đe dọa, người sẽ chiếm mất những gì tồn tại và chẳng để lại gì cho bạn hết. Cạnh tranh có thể là một điều lành mạnh bởi vì nó thúc đẩy bạn, và ở trên đời này bạn sẽ luôn tìm thấy những người khác muốn những gì bạn muốn. Với ý thức về sự phong phú, bạn tin rằng có đủ phần thưởng cho tất cả mọi người, vậy nên sự cạnh có ý nghĩa thúc đẩy bạn cố gắng hết sức và khuyến khích người khác cũng cố gắng như thế.

Ý thức về sự phong phú cho phép bạn và người đồng hành cùng tiến lên phía trước với cảm giác rõ ràng về sự giúp đỡ lẫn nhau và tình bằng hữu. Tôi hiểu được điều đó qua tình bạn của tôi với Joni Eareckson Tada, người cũng đi trên một con đường giống như con đường tôi đã chọn. Như tôi đã miêu tả ở những phần trước, Joni đã là thần tượng của tôi trong một thời gian dài trước khi tôi quen biết bà; bà trở thành một người cố vấn, giúp tôi tạo dựng sự nghiệp ở Mỹ; và bây giờ bà là bạn đồng hành của tôi, luôn đưa ra lời khuyên sáng suốt và luôn dành cho tôi sự lắng nghe đầy cảm thông.

Một người khác luôn sát cánh bên tôi trên mọi bước đường là Jackie Davison, người sống gần nhà chúng tôi khi tôi còn là một cậu bé mới lớn. Ngày đó Jackie đã kết hôn và có hai con nhỏ, nhưng chị luôn dành thời gian để nghe tôi tâm sự về bất cứ chuyện gì ám ảnh tâm trí tôi, cả chuyện tốt lẫn chuyện xấu. Chị và tôi đủ gần gũi về tuổi tác nên chị đối với tôi giống như một người bạn sáng suốt hơn là một người trưởng thành có óc xét đoán. Tôi yêu quý gia đình chị, và tôi trở thành một người anh cả không chính thức đối với những đứa con của chị, thường giúp chúng làm bài tập hoặc chơi đùa với chúng.

Vào năm 2002, tôi trải qua một giai đoạn khó khăn cả về việc học ở trường đại học lẫn trong cuộc sống, và cảm thấy mình xao nhãng. Khi đó tôi vừa mới chia tay người bạn gái đã gắn bó trong một thời gian dài và đang rất buồn. Vậy nên tôi tìm đến Jackie, nhờ chị ấy giúp tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi dốc bầu tâm sự, còn chị chỉ ngồi yên lặng nghe tôi nói mà không hề phản ứng gì. Bỗng nhiên tôi chợt hiểu ra rằng tôi đang chất gánh nặng cảm xúc đó lên chị mà chị không hề phản ứng. Cuối cùng tôi ngừng kể, và nói: “Em nên làm gì đây? Hãy nói cho em biết đi!”. Chị mỉm cười, đôi mắt ánh lên sự ấm áp rồi nói một cách đơn giản: “Hãy tạ ơn Chúa”.

Thất vọng và chẳng hiểu gì, tôi hỏi: “Tạ ơn Chúa vì điều gì?”.

“Cứ tạ ơn Chúa đi, Nick ạ.”

Tôi nhìn đăm đăm xuống sàn nhà và nghĩ: Đó là tất cả những gì chị ấy phải nói ư? Người phụ nữ này đã thay đổi rồi!

Thế rồi tôi chợt hiểu ra rằng Jackie bảo tôi hãy tin tưởng ở Chúa và rằng Chúa không quên tôi. Chị nói thế nghĩa là chị muốn bảo rằng tôi nên đặt niềm tin không phải vào sự khôn ngoan của con người mà vào sức mạnh của Chúa. Chị bảo tôi hãy quy thuận trước Chúa và tạ ơn Người, mặc dù trong hoàn cảnh đó tôi cảm thấy Người không đáng nhận những lời tạ ơn. Chị đã bảo tôi hãy tạ ơn Chúa trước vì những món quà sẽ đến với tôi qua nỗi đau này. Chị có đức tin mạnh mẽ, và mỗi khi tôi bối rối hoặc bị tổn thương, chị đều nhắc nhở hãy quy thuận trước Chúa, bởi vì Chúa có một kế hoạch dành cho tất cả chúng ta. 

HƯỚNG ĐI CUỘC ĐỜI

Những mối quan hệ “hướng dẫn” không phải lúc nào cũng dễ chịu. Trên thực tế, bạn muốn có những người kiểm nghiệm tính đúng sai cho bạn, hay đẩy bạn về phía trước. Bạn muốn có những người đủ quan tâm đến bạn để khiến bạn phải suy nghĩ một cách nghiêm túc bạn đang làm gì, đang ở đâu, tại sao bạn lại theo đuổi việc này, và điều gì sẽ đến với bạn tiếp theo.

Khi quyết đi theo con đường diễn thuyết và truyền giáo, tôi đã chia sẻ quyết định này với những người bạn thân nhất và với gia đình. Một số người rất lo lắng, trong đó có cha mẹ tôi. Trong nhiều năm, Hội thánh Tin Lành của chúng tôi đã sản sinh ra nhiều nhà truyền giáo.

Hội đã xây dựng được các trung tâm dành cho trẻ mồ côi, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Khi tôi nói với cha mẹ rằng mình muốn nói về đức tin với các giáo phái khác trong các nhà thờ trên khắp thế giới, cha mẹ đã không khỏi lo ngại cho sức khỏe của tôi và băn khoăn không biết đó có thực sự là sứ mệnh mà Chúa muốn tôi thực hiện hay không.

Tôi lắng nghe băn khoăn của họ bởi chắc chắn cha mẹ muốn tôi thành công. Bạn cũng nên làm thế khi nhóm ủng hộ mơ ước của bạn đưa ra những ý kiến liên quan đến các kế hoạch của bạn, đặc biệt nếu bạn muốn họ vun đắp cho thành công của mình. Hãy thể hiện sự kính trọng đối với họ và suy nghĩ kỹ về những lời khuyên và sự hướng dẫn của họ. Bạn không nhất thiết phải chấp nhận những lời khuyên và sự hướng dẫn đó, nhưng hãy nhớ rằng có thực sự quan tâm đến bạn thì họ mới nói với bạn cả những điều mà bạn không muốn nghe.

Tôi tôn trọng những băn khoăn, lo lắng của cha mẹ tôi, nhưng cũng cảm thấy Chúa đang kêu gọi tôi trở thành một nhà truyền giáo. Nhiệm vụ khi đó là vâng lời, nhẫn nại và cầu mong rằng qua thời gian cha mẹ sẽ đồng cảm và có chung suy nghĩ với tôi. Ơn Chúa, không chỉ cha mẹ mà cả giáo hội cuối cùng cũng đã chấp nhận nguyện vọng của tôi. Những người đứng đầu giáo hội đã ủng hộ và giúp đỡ tôi, phong tôi làm Mục sư truyền Phúc Âm bậc một.

Không có sự hứa hẹn hay đảm bảo rằng tất cả mọi người bạn gặp đều muốn giúp bạn. Một số người thậm chí cố làm bạn nhụt chí. Có thể họ có mục đích tốt, lý do thích hợp để lo lắng. Không một nỗi lo sợ nào của cha mẹ là vô lý, nhưng hồi ấy tôi đã cầu mong rằng đức tin của họ sẽ chiến thắng nỗi lo.

Các bậc cha mẹ và những đứa con đã trưởng thành của họ thường phải chấp nhận sự bất đồng để tiến lên phía trước. Các thành viên trong nhóm ủng hộ mơ ước của bạn cũng vậy thôi. Bạn có thể chứng tỏ rằng mình đúng, nhưng rốt cuộc, đúng không phải là điều quan trọng.

Tôi cảm thấy mình rất may mắn vì cha mẹ và tôi có thể tôn trọng ý kiến và quyết định của nhau. Ơn Chúa, quan hệ của chúng tôi không những đã đứng vững qua thử thách đó mà còn trở nên gần gũi hơn trước nhờ tình yêu thương sâu sắc và sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu hồi đó chúng tôi không bàn bạc một cách cởi mở về những cảm xúc của mình, thì kết quả đạt được có lẽ sẽ không tốt đẹp như bây giờ.

Tôi chăm chỉ thực hiện các bổn phận tại nhà thờ của giáo hội và làm hết sức để chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ ở đó. Nhưng tôi cũng bắt đầu phát triển sự nghiệp riêng, nói chuyện ở các nhà thờ khác, tìm đến với những người ở các khu dân cư khác. Tôi vui mừng được cho các bạn biết rằng nhiều bạn trẻ ở những nơi tôi tới đã đạt được tiến bộ trong quan hệ với Chúa, và tôi cảm ơn Người về điều đó.

Cha mẹ đã cầu nguyện cho tôi và đã ở bên tôi trong cái ngày tôi chính thức được phong làm nhà truyền Phúc âm vào năm 2008, và trải nghiệm đó đã đưa chúng tôi lên một tầm cao mới của tình yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ biết rằng tôi đã tận tâm và cống hiến cho việc truyền bá lời Chúa. Được cha mẹ và tất cả người ủng hộ cầu nguyện cho mình trước toàn thể giáo đoàn là một điều mà mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi phải nói rằng cha mẹ là những người ủng hộ tôi mạnh nhất, và trong những quyết định quan trọng của đời tôi họ thường đúng hơn là sai.

Bạn đừng bao giờ nên xem nhẹ các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ với các thành viên gần gũi nhất trong gia đình. Coi trọng các mối quan hệ đó sẽ mang lại cho bạn phần thưởng trong suốt cuộc đời.

Nào, bây giờ hãy dành thời gian đánh giá các kỹ năng về con người của mình, đánh giá chất lượng của các mối quan hệ, và những gì bạn đầu tư vào các mối quan hệ đó. Bạn có thực sự đáng tin cậy không? Bạn có tin những người thân thiết nhất đối với bạn không? Bạn có thu hút được người khác tự nguyện vun đắp cho thành công của bạn không? Bạn có tôn trọng họ không? Bạn có đầu tư vào các mối quan hệ nhiều như những gì bạn nhận được từ các mối quan hệ đó không?

Mỗi lần vui và hài lòng với gia đình, tôi hiểu rằng tôi đã sống cho những phút giây hạnh phúc đó nhiều đến mức nào. Niềm hy vọng của tôi là bằng cách nào đó thuyết phục gia đình tin rằng bãi biển ở San Diego đẹp hơn bãi biển ở Australia để tôi có thể luôn có gia đình ở bên cạnh. Hãy làm tất cả những gì có thể để người bạn yêu thương ở càng gần bên bạn càng tốt, càng lâu càng tốt.

Chất lượng các mối quan hệ có ảnh hưởng to lớn đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, vậy nên hãy trân trọng các mối quan hệ mà bạn đang có. Đừng xem nhẹ chúng. Kinh Thánh dạy: “Hai người hơn một, bởi vì họ sẽ được kết quả tốt: Nếu người này vấp ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng thương thay cho kẻ ở một mình mà vấp ngã, không có ai đỡ mình lên!”. 

Lượt xem : 901 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo