Trang chủ --> Cuộc sống không giới hạn --> Không tay nhưng không vô hại
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Không tay nhưng không vô hại

Lần gây lộn đầu tiên và duy nhất của tôi ở sân chơi là vụ tôi đánh nhau với Chucky, kẻ hay bắt nạt người khác nhất ở trường tiểu học. Tên thật của cậu ta không phải là Chucky, nhưng cậu ta có mái tóc màu vàng như lửa, những vết tàn nhang, và đôi tai to giống như nhân vật Chucky trong bộ phim kinh dị Chucky, vậy nên tôi gọi cậu ta như vậy cho bõ ghét.

Chucky là người đầu tiên gieo nỗi sợ hãi trong trái tim tôi. Suốt cuộc đời mình chúng ta ai cũng phải đương đầu với nỗi sợ, nỗi sợ có thực và cả những nỗi sợ mà chúng ta tưởng tượng ra. Nelson Mandela nói rằng người dũng cảm không phải là người cảm nhận được nỗi sợ hãi mà là người chiến thắng nỗi sợ hãi. Tất nhiên tôi cảm thấy sợ hãi khi Chucky cứ cố tình bắt nạt, nhưng chiến thắng nỗi sợ hãi đó lại là một chuyện khác.

Khi đó có lẽ bạn không thể thuyết phục được tôi rằng những nỗi sợ hãi của tôi và của bạn thực sự là một món quà. Đúng, khi đó tôi sẽ không tin đâu. Hầu hết những nỗi sợ lớn nhất của chúng ta, chẳng hạn như nỗi sợ gặp hỏa hoạn, sợ ngã, sợ những con vật gầm rống, đều có tác dụng như công cụ giúp ta tồn tại. Vậy nên hãy lấy làm mừng vì sự tồn tại của những nỗi sợ đó và hãy làm chủ chúng, nhưng đừng để chúng điều khiển bạn.

Quá sợ hãi không tốt chút nào. Lúc nào cũng sợ gặp thất bại hoặc sợ bị thất vọng, sợ bị từ chối sẽ làm chúng ta tê liệt. Thay vì đương đầu với những nỗi sợ đó, chúng ta đầu hàng chúng và tự hạn chế bản thân.

Đừng để sợ hãi ngăn cản bạn theo đuổi những ước mơ. Hãy đương đầu với nỗi sợ hãi theo cách bạn đương đầu với một cái máy dò khói. Hãy chú ý khi nó báo động – hãy quan sát xung quanh và xem xét liệu có sự nguy hiểm thực sự hay không, hay chỉ đơn thuần là báo động thôi. Nếu không có đe dọa thực sự thì hãy loại bỏ nỗi sợ hãi ra khỏi đầu mình và tiếp tục sống.

Chucky, kẻ hành hạ tôi ở trường tiểu học, đã dạy cho tôi biết chiến thắng nỗi sợ hãi và tiến lên phía trước, nhưng điều đó chỉ xảy đến sau lần đánh nhau đầu tiên và cuối cùng trong tuổi thơ tôi. Tôi kết bạn với hầu hết mọi người ở trường tiểu học, thậm chí cả những học sinh khó chơi nhất. Dẫu vậy, đối với tôi, Chucky thực sự là một kẻ hay bắt nạt. Cậu ta là một đứa con trai không lúc nào chịu yên, luôn đi loanh quanh tìm ai đó để bắt nạt. Cậu ta to lớn hơn tôi, và hơn tất cả mọi học sinh khác.

Bản thân tôi không phải là một mối đe dọa đối với bất cứ ai. Tôi chỉ là một cậu học sinh lớp một, nặng hai mươi cân, phải dùng xe lăn. Chucky lớn hơn tôi vài tuổi và đối với tôi cậu ta chẳng khác nào một người khổng lồ.

“Tao cược rằng mày không thể đánh nhau”, một hôm, vào giờ ra chơi, cậu ta nói với tôi.

Các bạn của tôi cũng có mặt ở đó, vậy nên tôi cố làm ra vẻ dũng cảm, nhưng khi đó trong đầu tôi nghĩ: Mình phải ngồi xe lăn, còn cậu ta thì to cao gấp đôi mình. Đây không phải là một tình huống đầy hứa hẹn đâu.

“Tôi cược với cậu là tôi biết đánh nhau đấy”, đó là phản ứng khả dĩ nhất của tôi trong tình huống đó.

Tôi không có nhiều kinh nghiệm đánh nhau. Xuất thân từ một gia đình theo đạo Cơ Đốc, tôi được dạy rằng bạo lực không phải là giải pháp cho bất cứ vấn đề gì, nhưng tôi không phải là một kẻ yếu ớt. Tôi thường đấu vật với em trai và các anh họ. Em trai tôi vẫn thường nói về thành tích đấu vật ấn tượng nhất của tôi. Trước khi Aaron trở nên cao lớn hơn tôi, tôi có thể vật ngoéo nó xuống sàn rồi khóa chặt cánh tay nó bằng cằm của mình.

“Cái cằm quá khỏe của anh suýt bẻ gãy tay em đấy”, em tôi nói. “Nhưng đến lúc lớn hơn anh, em chỉ cần dí tay vào trán anh thì đố anh đến gần em được”.

Đó là vấn đề mà tôi phải đương đầu với Chucky. Tôi không ngại đánh nhau với cậu ta, chỉ không biết làm thế nào để chiến thắng cậu ta. Mọi vụ đánh nhau mà tôi xem trên ti vi hoặc trong phim đều có màn đấm hoặc đá đối thủ. Tôi thiếu mất các bộ phận để có thể thực hiện các cú đấm, cú đá. Làm sao tôi đánh lại được cậu ta đây?

Dường như không gì có thể cản trở Chucky lấn tới.

“Nếu mày biết đánh nhau thì mày hãy chứng minh đi!”, cậu ta nói.

“Được thôi, hãy gặp tao ở sân Bầu dục vào giờ ăn trưa”, tôi gầm gừ.

“Được”, Chucky nói. “Mày nhớ đến đấy!”.

Sân Bầu dục là một cái sân xi măng hình quả trứng nằm ở giữa bãi cỏ và khoảng sân đất của trường tôi. Đánh nhau ở đó tựa như ở giữa vòng tròn trung tâm của rạp xiếc ở trường. Đây là sân khấu chính của trường. Những gì xảy ra ở sân Bầu dục không chỉ dừng lại ở trong phạm vi của sân đó. Nếu bị đánh bại ở đây thì tôi sẽ không bao giờ vượt qua được cảm giác xấu hổ.

Trong suốt các tiết học chính tả, địa lý và toán, tôi luôn cảm thấy bứt rứt bởi lời hẹn đánh nhau với kẻ bắt nạt đáng sợ nhất trường. Chẳng có gì ngăn được cái tin tôi nhận lời thách đố của Chucky lan ra khắp trường. Tất cả các học sinh đều muốn biết kế hoạch tấn công của tôi. Tôi chẳng có kế hoạch nào hết.

Tôi cứ mường tượng ra cảnh Chucky đấm tôi ngã gục. Tôi cầu mong sao một giáo viên phát hiện ra chuyện của chúng tôi và ngăn chặn vụ đánh nhau trước khi nó xảy ra. Nhưng tôi không có được cái may mắn đó.

Thời điểm đáng sợ đã đến. Chuông báo hiệu giờ ăn trưa vang lên. Bạn bè tụ tập quanh xe lăn của tôi, và cùng đi đến sân Bầu dục trong im lặng. Đến một nửa học sinh của trường có mặt ở đó. Một số mang theo cả bữa trưa đến đó ăn. Một số khác cá cược cho vụ đánh nhau sắp xảy ra.

Như bạn có thể đoán ra, ai cũng cược rằng tôi sẽ thua.

“Mày đã sẵn sàng đánh nhau chưa?”, Chucky hỏi.

Tôi gật đầu, nhưng tôi không biết phải bắt đầu như thế nào.

Chucky cũng không biết chắc phải làm gì. “Ừ, chúng ta đánh nhau như thế nào đây?”, cậu ta hỏi.

“Tao không biết”, tôi đáp.

“Mày ra khỏi xe lăn đi”, cậu ta yêu cầu. “Nếu mày cứ ngồi trên xe lăn như thế thì thật không công bằng”.

Có vẻ như Chucky cũng sợ. Điều này khiến tôi có được cơ hội điều đình. Đánh nhau không phải là sở trường, nhưng tôi là một người đàm phán giỏi.

“Nếu tao ra khỏi chiếc xe này, thì mày phải quỳ”, tôi nói.

Chucky lúc đó đang bị các học sinh khác chế giễu vì bắt nạt một đứa phải ngồi xe lăn. Cậu ta chấp nhận đề nghị. Tôi di chuyển ra khỏi xe lăn, sẵn sàng cho cuộc đấu quan trọng của mình – giá mà tôi biết được làm cách nào để đánh nhau mà không cần có nắm đấm thì tốt biết bao.

Tôi muốn nói rằng, có ai lại gọi một cuộc đánh nhau là “một cuộc đấu vai” bao giờ đâu, các bạn nhỉ?

Đám đông học sinh đứng thành vòng tròn xung quanh khi Chucky và tôi di chuyển xoay quanh nhau. Tôi vẫn đang nghĩ rằng cậu ta sẽ không thể thực hiện vụ đánh nhau đó. Ai lại thấp hèn đến mức đánh một thằng bé không có tay chân?

Những đứa con gái trong lớp tôi kêu lên: “Nicky, đừng đánh nhau. Nó sẽ làm cậu đau đấy”.

Bọn con gái nói thế càng khiến tôi bị kích động. Tôi không muốn bị bọn con gái thương hại. Niềm kiêu hãnh của đấng nam nhi nổi lên trong tôi. Tôi tiến thẳng tới Chucky như thể tôi có thể đánh gục cậu ta.

Cậu ta huých khuỷu tay vào ngực tôi và tôi bật về phía sau, ngã chỏng xuống mặt sân láng xi măng hệt như một bao tải khoai tây.

Chucky đã khiến tôi vô cùng choáng váng! Tôi chưa từng bị ai đánh ngã theo cái cách đó. Đau khỏi phải nói! Nhưng cảm giác ngượng còn tệ hơn. Các bạn học xúm lại quanh tôi, hoảng hốt. Đám con gái rú lên, lấy tay che mắt để khỏi thấy cái cảnh mà chúng cho là thật thương tâm.

Tôi đã hiểu ra rằng kẻ chuyên bắt nạt người khác này thực sự cố tình làm tôi đau đớn. Tôi bật người, tì trán xuống nền sân. Sau đó tôi tựa một bên vai vào xe lăn để dựng người dậy. Kỹ thuật này khiến trán tôi thành chai, và khiến tôi có một cái cổ rất khỏe, những đặc điểm chẳng bao lâu sau đã đem đến sự thất bại cho Chucky.

Tôi không nghi ngờ gì: Chucky không hề ngại đánh gục tôi. Tôi chỉ có thể hoặc là đánh nhau với cậu ta hoặc là bỏ chạy, mà bỏ chạy thì không phải là một sự lựa chọn khả thi.

Tôi lại tấn công Chucky, và lần này tôi tấn công với tốc độ nhanh hơn lần trước. Ba bước nhảy lò cò, và tôi đã đến trước mặt cậu ta. Nhưng tôi chưa kịp nghĩ mình sẽ làm gì tiếp theo thì Chucky đã ghì chặt tôi bằng một cánh tay. Chỉ một cánh tay kẹp chặt ngực đối thủ, và tôi bị vật đánh uỵch một cái xuống đất. Tôi thậm chí nảy người lên một cái. Được thôi, hai lần.

Đầu tôi đập xuống nền sân Bầu dục cứng như đá. Thế giới nhòa đi chỉ còn là một màu đen. Tiếng rú của một đứa con gái khiến tôi tỉnh lại. Tôi cầu mong có giáo viên nào đó đến giải cứu. Tại sao khi bạn cần một người hiệu phó thì bạn lại chẳng bao giờ thấy mặt người đó nhỉ?

Cuối cùng mắt tôi đã nhìn rõ, và tôi nhìn thấy Chucky đáng ghét đang lượn quanh. Kẻ bắt nạt có cái mặt béo bự đang nhảy điệu chiến thắng.

Đủ rồi. Mình sẽ giết chết thằng khốn này!

Tôi cong người, cố tựa trán xuống nền sân, và dựng người dậy cho đợt tấn công cuối cùng. Tôi giận sôi máu. Lần này tôi xông vào cậu ta với tốc độ nhanh nhất có thể, khiến Chucky bị bất ngờ.

Cậu ta bắt đầu di chuyển giật lùi bằng đầu gối. Tôi thực hiện một bước nhảy như bay, lao mình về phía cậu ta như một tên lửa bằng xương bằng thịt. Cái đầu rắn như đá của tôi húc mạnh vào mũi Chucky. Cậu ta ngã lăn ra. Tôi đè lên người cậu ta, và cứ thế lăn tiếp.

Khi tôi nhìn lên, tôi thấy Chucky đang nằm sóng soài trên mặt sân, vừa lấy tay bưng mũi vừa kêu oai oái.

Thay vì cảm nhận niềm vui chiến thắng, cảm giác có lỗi tràn ngập trong lòng tôi. Tôi, con trai của một mục sư, cầu xin sự tha thứ: “Tớ xin lỗi, cậu không sao chứ?”.

“Nhìn kìa, Chucky bị chảy máu rồi!”, một đứa con gái kêu lên.

Làm gì tệ đến mức ấy, tôi nghĩ.

Nhưng quả đúng thế thật, máu từ mũi Chucky đang chảy qua các kẽ ngón tay của cậu ta. Cậu ta bỏ tay ra khỏi mũi, và lập tức máu chảy xuống mặt, nhuộm áo sơ mi thành màu đỏ tươi.

Một nửa đám đông reo hò. Một nửa còn lại cảm thấy hổ thẹn - thay cho Chucky. Kể ra thì cũng tệ thật đấy, cậu ta đã bị đánh bại bởi một thằng bé không chân tay. Cậu ta sẽ không bao giờ rũ bỏ được nỗi hổ thẹn này. Những ngày chuyên bắt nạt kẻ khác của Chucky đã chấm hết. Cậu ta dùng ngón tay bưng mũi, chạy vội vào phòng vệ sinh.

Quả thực tôi không bao giờ còn gặp lại cậu ta nữa. Chắc cậu ta đã chuyển trường vì xấu hổ. Chucky, nếu cậu đọc được những dòng này, thì hãy tha lỗi cho mình nhé, và mình hy vọng cậu đã có một cuộc sống tốt đẹp sau khi từ bỏ thói bắt nạt người khác.

Tôi tự hào vì đã tự bảo vệ được bản thân mình, nhưng lòng lại nặng trĩu cảm giác có lỗi. Hôm đó, sau khi tan học tôi về nhà, thú nhận mọi chuyện với cha mẹ ngay khi tôi bước vào cửa. Tôi sợ mình sẽ bị phạt nặng. Nhưng tôi không cần phải lo sợ. Cha mẹ tôi đã không tin! Họ đơn giản không nghĩ lại có chuyện tôi đánh bại một đứa lớn hơn, có đầy đủ chân tay!

Tôi đã không cố gắng thuyết phục họ tin những gì tôi kể.

Càng có nhiều người thích nghe câu chuyện này và chuyện càng buồn cười bao nhiêu, thì tôi lại càng ngại không muốn kể nó ra bởi vì tôi không tán thành bạo lực. Tôi tin rằng tính hiền lành là nguồn sức mạnh tiềm ẩn.

Tôi sẽ luôn nhớ vụ đánh nhau đầu tiên – và duy nhất trong đời mình bởi tôi đã khám phá ra rằng khi không còn cách nào khác, tôi vẫn có thể chiến thắng nỗi sợ hãi. Đặc biệt ở cái tuổi đó, tôi cảm thấy thật tốt khi biết rằng mình có đủ sức mạnh để tự vệ. Tôi đã hiểu mình có thể trở nên hiền lành bởi đã biết huy động sức mạnh ở bên trong, bạn có thể đoán như vậy.

KHÔNG TAY, KHÔNG CHÂN, KHÔNG SỢ HÃI

Bạn có thể có ý thức sâu sắc về mục đích sống, niềm hy vọng lớn lao về những khả năng sẽ xảy ra trong cuộc sống, niềm tin vào tương lai, nhận thức về giá trị bản thân, thậm chí có thái độ tích cực, nhưng nỗi sợ hãi vẫn có thể cản trở bạn đạt được ước mơ. Trên đời này có nhiều khuyết tật còn tồi tệ hơn cả sự khuyết thiếu chân tay - nỗi sợ hãi có thể làm suy yếu tinh thần những người phải chịu khuyết tật đó.

Bạn không thể sống cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện, một cuộc sống có thể phát huy được đầy đủ những tài năng, khả năng, và phẩm chất trong con người bạn nếu như nỗi sợ hãi điều khiển mọi quyết định của bạn.

Sợ hãi sẽ kìm hãm, ngăn cản bạn trở thành con người mà bạn mong muốn. Nhưng sợ hãi chỉ là một tâm trạng, một cảm xúc – nó không có thật! Bao nhiêu lần trong cuộc sống bạn thường xuyên sợ điều này điều nọ – sợ phải đi đến bác sĩ nha khoa, sợ phải trải qua một cuộc phỏng vấn xin việc làm, một cuộc phẫu thuật, hoặc một kỳ thi sát hạch ở trường – để rồi bạn chợt nhận ra rằng trải nghiệm thực không đến nỗi đáng sợ như bạn đã tưởng tượng?

Tôi cứ nghĩ mình sẽ thất bại thảm hại trong vụ đánh nhau với Chucky, nhưng bạn biết thực tế sự việc đó đã xảy ra như thế nào rồi đấy! Thường thì người lớn hay quay trở lại với những nỗi sợ rất trẻ con. Họ hành động như trẻ con trong nỗi sợ hãi xảy ra vào ban đêm bởi họ tưởng rằng cành cây cọ vào cửa sổ thực sự là một con quái vật đang cố ăn thịt họ.

Tôi từng chứng kiến nỗi sợ hãi khiến những người bình thường tê liệt hoàn toàn. Không phải tôi đang nói tới phim kinh dị hoặc nỗi sợ tiếng động trong đêm của trẻ con. Nhiều người chúng ta bị nỗi sợ thất bại, nỗi sợ phạm sai lầm, nỗi sợ phải thực hiện một cam kết, thậm chí nỗi sợ sự thành công làm cho khuyết tật. Những nỗi sợ hãi sẽ tìm đến bạn, điều đó là không thể tránh khỏi. Bạn không nhất thiết phải để cho nỗi sợ hãi can dự vào cuộc sống. Bạn hãy để chúng đi đường của chúng, và bạn cứ tiếp tục đi đường của bạn. Bạn hoàn toàn có khả năng lựa chọn.

Các nhà tâm lý học nói rằng hầu hết nỗi sợ hãi đều không phải do bẩm sinh mà do chúng ta tự nạp vào mình trong quá trình sống. Con người sinh ra chỉ có hai nỗi sợ thuộc bản năng: sợ những âm thanh quá lớn và sợ bị rơi ngã. Hồi học lớp một tôi cứ nơm nớp lo sợ mình sẽ bị Chucky hành hạ, nhưng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi đó. Tôi đã quyết định sẽ không đợi đến khi cảm thấy mình đủ dũng cảm – tôi cứ tập thể hiện lòng dũng cảm ngay lúc bấy giờ, và cuối cùng tôi đã trở nên thực sự dũng cảm!

Ngay cả khi đã là người lớn chúng ta vẫn tưởng tượng ra những hình ảnh đáng sợ không phù hợp với thực tế. Điều này giải thích tại sao sợ hãi lại thường được miêu tả là “những dấu hiệu giả có vẻ như thật”. Chúng ta hay quá chú ý đến nỗi sợ của mình đến mức chúng trở nên có thật đối với chúng ta – và kết quả là, chúng ta để cho những nỗi sợ điều khiển mình.

Thật khó mà tưởng tượng được một người nào to lớn và thành công như Michael Jordan lại mang trong lòng nỗi sợ hãi. Ấy thế mà trong lễ ghi danh anh vào NBA Hall of Fame*, Jordan đã nói một cách cởi mở về việc anh thường sử dụng những nỗi sợ hãi mà anh cảm thấy để thôi thúc lập thành tích cao hơn trong thi đấu.

Trong đoạn kết của bài phát biểu, anh nói: “Một ngày nào đó bạn nhìn lên và thấy tôi chơi bóng rổ ở tuổi năm mươi. Ồ, đừng cười, đừng cười bạn ạ. Đừng bao giờ nói không bao giờ. Bởi vì cũng giống như những nỗi sợ hãi, các giới hạn thường chỉ là một ảo tưởng mà thôi”.

Có thể Jordan làm cầu thủ bóng rổ giỏi hơn làm người dạy kỹ năng sống, nhưng anh ấy nói có lý đấy. Các quy tắc của Jordan như sau: thừa nhận rằng những nỗi sợ hãi là không có thực và chiến thắng chúng, hoặc sử dụng chúng cho mục đích tích cực. Chìa khóa giúp bạn đương đầu với nỗi sợ hãi lớn nhất của mình, cho dù là sợ bay, sợ ngã, sợ các mối quan hệ, là thừa nhận rằng sợ hãi là không có thực. Sợ hãi chỉ là cảm xúc, và bạn có thể điều khiển được phản ứng của mình trước các cảm xúc.

Tôi đã phải học bài học này từ khi khởi đầu sự nghiệp của một diễn giả. Khi ấy tôi đã rất sợ hãi và lo lắng. Tôi không biết mọi người sẽ phản ứng thế nào trước những gì tôi nói. Tôi không chắc mọi người sẽ lắng nghe tôi nói. May mắn thay, những buổi diễn thuyết đầu tiên của tôi là trước các học sinh cùng trang lứa. Họ biết tôi, và chúng tôi rất thoải mái, cởi mở với nhau. Về sau tôi bắt đầu diễn thuyết trước những đám đông gồm nhiều bạn trẻ hơn, trước những giáo đoàn lớn trong đó chỉ có vài người tôi quen biết. Dần dần tôi đã chiến thắng được nỗi sợ hãi và lo lắng.

Giờ đây khi được mời đi diễn thuyết trước đám đông hàng nghìn người, đôi khi gồm mười nghìn hoặc hàng trăm nghìn người, tôi vẫn cảm thấy sợ. Tôi đã từng đến những vùng đất xa xôi ở Trung Quốc, Nam Mỹ, châu Phi, và nhiều vùng khác của thế giới, nơi tôi không biết những người dân ở đó sẽ đón nhận tôi như thế nào.

Tôi sợ rằng các khán thính giả sẽ hiểu câu nói đùa của tôi một cách hoàn toàn khác theo văn hóa của họ, và sợ họ sẽ hiểu lầm, sẽ nghĩ họ đang bị xúc phạm. Tôi sử dụng nỗi sợ đó để nhắc nhở mình phải luôn nói qua về những bài diễn thuyết của mình với những người phiên dịch và những người tổ chức để khi bước vào một buổi diễn thuyết tôi có thể tránh được những tình huống bẽ bàng.

Tôi đã học được cách đón nhận nỗi sợ hãi của mình như một nguồn sức mạnh, như một công cụ để tập trung chú ý vào khâu chuẩn bị. Nếu tôi sợ mình sẽ quên mất những gì định nói hoặc sợ sẽ nói lộn xộn thì chính nỗi sợ ấy lại giúp tôi tập trung cao độ trong quá trình tôi duyệt lại và tập luyện cho bài diễn thuyết.

Nhiều nỗi sợ hãi trở nên hữu ích theo cách đó. Chẳng hạn, nỗi sợ hãi có ích khi nó thúc đẩy bạn cài dây an toàn bởi vì bạn không muốn bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi. Nếu nỗi sợ bị cảm lạnh hoặc bị cảm cúm khiến bạn rửa tay và uống vitamin đều đặn thì đó cũng là một nỗi sợ có ích.

Mặc dù vậy, chúng ta thường cho phép những nỗi sợ hãi không có thực đó trở nên nghiêm trọng đến mức điên rồ. Thay vì cứ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị cảm cúm hoặc cảm lạnh, một số người phản ứng một cách thái quá bằng cách tự nhốt mình trong nhà. Khi nỗi sợ ngăn cản chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm hoặc cản trở chúng ta trở thành con người chúng ta muốn, những nỗi sợ đó là không thể chấp nhận được.


* Phòng danh vọng của các ngôi sao bóng rổ Mỹ. 

Lượt xem : 1045 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo