Trang chủ --> Cuộc sống không giới hạn --> Thái độ tích cực
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Thái độ tích cực

Khi thành lập một công ty để điều hành công việc diễn thuyết, tôi đã đặt tên công ty là Attitude Is Altitude (Thái độ tích cực) bởi nếu không có một thái độ tích cực thì tôi đã chẳng bao giờ có thể vượt lên những khuyết tật của mình để đến với hàng triệu người.

Có thể bạn muốn chế giễu khái niệm “điều chỉnh thái độ” bởi bấy lâu nay nó đã trở thành chủ đề chính của các áp phích thúc đẩy tinh thần và các tài liệu giáo huấn nhàm chán. Nhưng có một nguồn sức mạnh thật sự trong việc kiểm soát thái độ của bạn, trong việc điều chỉnh nó cho phù hợp với các tâm trạng không mong muốn và để chấm dứt các hành vi có thể đe dọa đến khả năng sống không giới hạn của bạn.

Nhà tâm lý học kiêm triết gia William James, người từng giảng dạy tại Đại học Harvard với những học viên như Sigmund Freud, Carl Jung, Helen Keller và Oliver Wendell Holmes Jr, đã nói rằng một trong những khám phá lớn nhất của thế hệ ông là nhận thức rõ ràng rằng, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách thay đổi thái độ.

Cho dù có ý thức được về điều đó hay không, bạn cũng nhìn thế giới qua lăng kính độc đáo của riêng mình và qua những thái độ dựa trên niềm tin của bạn về cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai, sự công bằng hoặc bất công. Những quyết định và hành động của bạn dựa trên những thái độ đó, vậy nên nếu những gì bạn đang thực hiện không đem lại hiệu quả, thì bạn vẫn có khả năng điều chỉnh thái độ và thay đổi cuộc sống.

Hãy coi thái độ của bạn như chiếc điều khiển từ xa của ti vi. Nếu chương trình mà bạn đang xem không đem lại điều gì hấp dẫn hoặc bổ ích, thì bạn chỉ việc bấm nút và đổi sang chương trình khác.Bạn có thể điều chỉnh thái độ của mình như cách bạn sử dụng chiếc điều khiển ti vi khi không đạt được những kết quả mong muốn, cho dù những thách thức mà bạn đang phải đối mặt là gì chăng nữa.

Linda, một giáo viên dạy nhạc, miêu tả thái độ tích cực đã giúp cô vượt qua một tai nạn thời thơ ấu có thể hủy hoại toàn bộ cuộc đời như thế nào. Cô bị thương rất nặng trong một vụ tai nạn xe hơi khi còn đang học tiểu học. Cô hôn mê suốt hai ngày rưỡi và khi tỉnh lại cô nhận ra mình không thể đi lại, không thể nói, không thể tự ăn uống được.

Mặc dù các bác sĩ sợ rằng cô sẽ bị khuyết tật về tinh thần và sẽ không bao giờ còn có thể nói chuyện hoặc đi lại một cách bình thường được, trí óc của cô, khả năng nói và cơ thể của cô lại dần dần phục hồi. Quả thực, vấn đề sức khỏe duy nhất còn tồn tại sau vụ tai nạn khủng khiếp đó là bên mắt phải bị tổn thương, ảnh hưởng đến thị lực.

Người phụ nữ đó đã phải chịu đựng nỗi đau đớn không thể tả nổi, phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật mà rốt cuộc vẫn phải sống trong tình trạng thị lực bị suy giảm. Cô có thể dễ dàng cảm thấy mình là nạn nhân của bất hạnh và dễ trở nên cay đắng. Nếu cô cảm thấy cuộc sống đã đối xử không công bằng với cô thì bạn cũng không thể trách cô về thái độ đó. Nhưng không, cô không chấp nhận thái độ đó, cô đã chọn thái độ này:

“Đôi khi tôi cảm thấy nản lòng khi nghĩ rằng hai con mắt của tôi không hoạt động đồng nhất với nhau”, cô viết cho tôi. “Nhưng rồi tôi nhớ mình từ đâu đến cuộc đời này, mình có thể đã không còn trên cõi đời này nữa, và tôi hiểu rằng Chúa đã cứu tôi vì một lý do - cứu tôi để tôi sống như một nhân chứng cho công việc của Người trên đời này.

Đôi mắt của tôi chính là một sự nhắc nhở của Chúa: Người nhắc rằng tôi không hoàn hảo, nhưng như thế chẳng sao cả. Tôi cần tin tưởng vào Chúa để tìm ra sức mạnh vượt lên nghịch cảnh. Chúa đã chọn tôi để chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh của Người qua con mắt bị tổn thương của tôi. Mặc dù tôi yếu, Người luôn tràn đầy sức mạnh”.

Linda đã chọn cách chấp nhận tình trạng thị lực không hoàn hảo như một phần trong “kế hoạch hoàn hảo của Chúa cho cuộc đời tôi”, cô viết. “Người đã thay đổi thái độ của tôi đối với cuộc sống - tôi biết rằng cuộc sống của tôi có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, vì vậy lúc nào tôi cũng cố gắng sống vì Chúa. Tôi luôn cố gắng có thái độ tích cực trong mọi chuyện, cố gắng sống hết lòng vì Chúa và vì người khác, và thực sự quan tâm đến những người sống quanh tôi”.

Thay vì chỉ chăm chăm nghĩ đến khuyết tật về mắt của mình, Linda chọn sống với thái độ biết ơn số phận, ơn Chúa và cuộc đời, bởi cô vẫn còn có thể suy nghĩ, nói chuyện, đi lại, và sống một cuộc sống khá bình thường. Bạn và tôi đều có khả năng lựa chọn thái độ của chúng ta giống như Linda đã lựa chọn thái độ sống cho mình.

Bạn không cần phải là một vị thánh mới có thể làm điều đó. Khi bạn trải nghiệm một bi kịch hoặc gặp khủng hoảng trong cuộc sống, việc đối mặt với các giai đoạn của sự sợ hãi, tức giận và buồn rầu là điều hết sức bình thường, thậm chí là điều lành mạnh, nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng phải nói: “Dù gì mình vẫn còn sống. Mình muốn dành hết phần còn lại của cuộc đời đắm chìm trong đau khổ hay muốn vượt lên hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ?”.

Vượt lên hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ có phải là việc dễ thực hiện không? Không dễ chút nào. Việc đó đòi hỏi lòng quyết tâm lớn, ấy là chưa kể đến ý thức về mục đích sống, hy vọng, đức tin, và niềm tin tưởng sâu sắc rằng bạn sở hữu những quà tặng của cuộc sống, có tài năng và kỹ năng để chia sẻ với người khác. Nhưng Linda chỉ là một trong số rất nhiều người đã cho thấy khả năng vượt qua nghịch cảnh nhờ thái độ sống tích cực.

Có một sự thật không thể phủ nhận đã được chứng minh qua thời gian. Đó là bạn và tôi, tất cả chúng ta, không ai có thể hoàn toàn kiểm soát được những gì xảy ra với mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta phản ứng trước các hoàn cảnh. Nếu chúng ta chọn một thái độ đúng, chúng ta có thể vượt lên những thách thức trong cuộc sống.

Bạn có thể sẽ không kiểm soát được rủi ro nghiêm trọng tiếp theo xảy ra trong cuộc đời. Một cơn bão quét qua nhà bạn. Một người lái xe say xỉn đâm xe vào xe hơi của bạn. Ông chủ sa thải bạn. Người yêu của bạn nói: “Anh cần có khoảng cách”.

Tất cả chúng ta ai cũng thỉnh thoảng bị vấp ngã. Trong những hoàn cảnh ấy bạn cảm thấy buồn, cảm thấy thật tồi tệ, nhưng rồi bạn phải lấy lại tinh thần và tự đặt ra cho mình câu hỏi: “Làm gì tiếp theo đây?”. Khi bạn đã than vãn, đã khóc lóc chán rồi, hãy tỉnh trí lại và điều chỉnh thái độ.

 

TẠO NGUỒN SỨC MẠNH

Bạn có thể thay đổi thái độ và thay đổi cuộc sống của mình mà không cần phải uống thuốc, không phải tìm đến một bác sĩ tâm thần, cũng không phải leo lên tận đỉnh núi để tìm lời khuyên từ một nhà hiền triết.Từ đầu cuốn sách cho đến những trang này tôi luôn khuyến khích bạn tìm ra mục đích sống, luôn hy vọng vào tương lai, luôn tin vào những khả năng dành cho cuộc đời bạn, và yêu bản thân mình. Những hành trang đó sẽ tạo cho bạn một nền tảng vững chắc và lý do để lạc quan, và đó chính là nguồn sức mạnh để bạn điều chỉnh thái độ, giống như pin trong chiếc điều khiển từ xa của ti vi.

Bạn đã bao giờ thấy một người hạnh phúc, mãn nguyện và thành công mà lại là người bi quan chưa? Tôi chưa từng thấy. Đó là bởi lạc quan là sức mạnh – nó mang đến cho bạn khả năng kiểm soát các cảm xúc. Sự bi quan làm nhụt ý chí của bạn, cho phép các cảm xúc điều khiển hành động của bạn. Với tinh thần lạc quan, bạn có thể điều chỉnh thái độ để không nản lòng trước khó khăn. Việc này đôi khi được miêu tả là “tái cấu trúc” bởi vì trong khi không phải lúc nào cũng có thể thay đổi được hoàn cảnh, bạn vẫn luôn có thể thay đổi cách nhìn về hoàn cảnh.

Trước hết, bạn có thể phải làm việc này một cách có ý thức, nhưng khi thực hành nó một thời gian, nó sẽ trở thành một việc tự nhiên. Tôi thường xuyên đi đây đi đó cùng với những người chăm sóc của mình, và trong những ngày đầu bước vào sự nghiệp của một diễn giả, khi một chuyến bay bị hủy bỏ hoặc một mối liên lạc bị gián đoạn, tôi đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm giác tức giận và chán nản. Cuối cùng tôi đã phải đối mặt với thực tế rằng khi bạn thường xuyên đi đây đi đó như chúng tôi, bạn luôn luôn gặp những vấn đề nảy sinh. Vả lại, tôi đã đủ lớn để không tức giận một cách thiếu kiểm soát, còn những cơn cáu giận thì phần nào mất đi hiệu lực của chúng khi tôi chẳng có chân để mà dậm đùng đùng.

Tôi phải làm chủ khả năng điều chỉnh thái độ trước những lần chuyến đi của chúng tôi bị gián đoạn ngoài mong muốn. Giờ đây, khi buộc phải ngồi hàng giờ ở sân bay hoặc cần phải thay đổi các kế hoạch một cách đột ngột, tôi cố gắng tránh căng thẳng, chán nản, tức giận bằng cách tập trung nghĩ tới những điều may trong cái rủi. Tôi cố gắng tự nhen nhóm trong mình những ý nghĩ lạc quan như: Chuyến bay của chúng ta bị chậm bởi vì thời tiết xấu. Tốt thôi, bởi vì nếu đợi bão tan, chúng ta sẽ có một chuyến đi an toàn hơn.

Hoặc: Họ hủy chuyến bay vì các vấn đề kỹ thuật. Mình thích ngồi dưới mặt đất đợi một chiếc máy bay chất lượng tốt hơn là ngồi trên một chiếc máy bay đầy những trục trặc ở trên trời kia.

Tôi muốn có một chuyến đi bình an hơn là một chuyến đi sóng gió!

Nhưng có một sự lựa chọn khác trong việc điều chỉnh thái độ là chỉ nghĩ đến mặt tiêu cực của hoàn cảnh, và đó không phải là một sự điều chỉnh lành mạnh. Khi bạn cho phép hoàn cảnh vượt ra ngoài sự kiểm soát, cho phép nó quyết định thái độ và hành động, bạn phải đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy đi xuống của những quyết định nóng vội và những phán xét sai lầm, sa vào sự phản ứng thái quá, nguy cơ bỏ cuộc quá sớm, đánh mất những cơ hội vẫn thường xuất hiện vào những lúc bạn nghĩ rằng cuộc sống sẽ chẳng bao giờ trở nên tốt đẹp hơn được.

Nếu bạn cho phép mình đắm chìm trong bi quan và tiêu cực, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ có thể vượt lên nghịch cảnh. Khi bạn cảm thấy máu trong người sôi lên vì những ý nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng đừng chú ý đến những ý nghĩ đó và hãy thay thế chúng bằng những ý nghĩ có tính khích lệ và tích cực hơn. Dưới đây là một số ví dụ về những ý nghĩ tích cực có thể giúp bạn kiểm soát tiếng nói tiêu cực bên trong con người mình.

 

Tiêu cực

Mình sẽ không bao giờ vượt qua được chuyện này.        

Mình không thể chịu đựng thêm được nữa.

Đây là điều tồi tệ nhất mà mình từng gặp phải.

Mình sẽ không bao giờ tìm được một công việc khác.                   

 

 

Tích cực

Chuyện này rồi cũng sẽ qua thôi.

 

Mình đã cố gắng được đến thế này rồi; những ngày tốt đẹp hơn đang ở phía trước.

Luôn có những ngày khó khăn hơn những ngày khác.

Khi một cánh cửa khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra.


THÁI ĐỘ CHỮA LÀNH THƯƠNG TÍCH

Năm ngoái Chuck, một người bạn của tôi, biết được căn bệnh ung thư mà anh đã hai lần kháng cự thành công trong những năm của tuổi hai mươi lại tái phát ở tuổi bốn mươi. Lần này khối u mọc lên quanh các bộ phận nội tạng liên quan đến sự sống nhiều đến nỗi các bác sĩ không thể xử lý bằng xạ trị. Dự đoán mà bác sĩ đưa ra không mấy sáng sủa – thực tế, bệnh của anh đã phát triển đến mức nghiêm trọng.

Là một người chồng, một người cha, một người có gia đình lớn và nhiều bạn bè, Chuck có mục đích sống của mình. Anh có hy vọng, niềm tin và sự yêu thương bản thân giúp ích cho anh. Vậy nên anh trang bị cho mình thái độ tích cực, luôn nghĩ rằng mình sẽ sống. Quả thực, anh tạo cho mình thái độ tích cực, luôn nghĩ rằng dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, anh không phải là người yếu đuối. Anh quyết tâm duy trì sự kiên cường, tinh thần lạc quan và tập trung hướng về phía trước.

Trong tình cảnh đó, không ai có thể miêu tả Chuck là một người may mắn, đúng không bạn? Tuy nhiên, việc phương pháp xạ trị không thể thực hiện hóa ra lại là điều may mắn. Bạn biết không, các bác sĩ của Chuck ở St. Louis khi đó đang theo đuổi một chương trình thử nghiệm thuốc điều trị ung thư mà không sử dụng phóng xạ.

Thuốc mới này sẽ tìm đến những cá thể tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Vì các phương pháp điều trị truyền thống không thích hợp với căn bệnh ung thư của Chuck, anh có thể được chọn để điều trị bằng phương pháp thử nghiệm, nhưng điều khiến các bác sĩ tin rằng Chuck nên được điều trị theo chương trình thử nghiệm chính là thái độ tích cực của anh. Họ biết anh sẽ tận dụng cơ hội đó một cách tốt nhất, và quả đúng như vậy.

Trong khi thuốc điều trị ung thư thử nghiệm được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch, Chuck đã không chịu đựng nó một cách thụ động. Anh nâng cao thể lực bằng cách sử dụng máy tập. Anh đẩy tạ. Thái độ của anh rất tích cực và anh giàu nghị lực đến mức đôi lúc một số nhân viên của bệnh viện không tin rằng anh là bệnh nhân đang điều trị ung thư tại đấy. “Trông dáng vẻ và hành động của anh không giống những bệnh nhân bình thường của chúng tôi”, họ nói.

Vài tuần sau khi được điều trị bằng phương pháp thử nghiệm, Chuck đi gặp bác sĩ. Bác sĩ nói rằng một điều kỳ diệu đã xảy ra. “Tôi không thể phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào của ung thư trong cơ thể anh”, bác sĩ nói. “Bệnh ung thư đã biến mất”.

Các bác sĩ không thể khẳng định chắc chắn rằng thuốc thử nghiệm hay thái độ của Chuck, hoặc một phép màu nào đó, hoặc sự kết hợp của cả ba yếu tố đó đã chiến thắng bệnh ung thư. Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn là Chuck đã bước ra khỏi bệnh viện, hoàn toàn không còn bị bệnh ung thư, và anh khỏe như một con bò mộng. Mặc dù tất cả các chỉ số đều cho thấy anh đang phải đối mặt với cái chết, anh đã chọn một thái độ tích cực và không chìm đắm vào ý nghĩ rằng mình bị ốm mà chỉ tập trung vào mục đích, vào niềm hy vọng, vào đức tin và sự tin tưởng sâu sắc rằng anh vẫn còn có ích đối với người khác. 

Lượt xem : 1176 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo