Trang chủ --> Tài liệu dạy xóa mù chữ Tiếng Việt cho người mù --> Vận dụng các phương pháp trong dạy Tập viết xóa mù chữ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Vận dụng các phương pháp trong dạy Tập viết xóa mù chữ

 

Để có thể thực hiện tốt một giờ Tập viết, cần phải phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt nhiều phương pháp dạy học khác nhau. Các phương pháp này vẫn là những phương pháp dạy học tiếng Việt thường được sử dụng, nhưng có sự vận dụng cho phù hợp với đặc trưng của phân môn Tập viết. Sau đây là các phương pháp dạy học thường được sử dụng trong giờ Tập viết.

2.1. Phương pháp phân tích ngôn ngữ:

Trong phân môn Tập viết, phân tích ngôn ngữ chính là phân tích cấu tạo chữ, kích thước chữ, mối liên kết giữa các nét chữ trong chữ cái hoặc mối liên kết giữa các chữ cái, dấu thanh trong chữ ghi tiếng. Phương pháp phân tích ngôn ngữ yêu cầu HV chủ động phân tích hình dáng kích thước, cấu tạo chữ, tìm sự tương đồng, khác biệt giữa chữ cái đang học và chữ cái đã học, nắm bắt được quy trình viết chữ cái và liên kết các chữ cái. Trong quá trình dạy, giao viên cần cho HV quan sát các mẫu chữ trực quan để khắc sâu biểu tượng về chữ cho HV bằng nhiều con đường: kết hợp mắt nhìn, tai nghe, tay luyện tập. Có những hình thức trực quan chủ yếu sau đây:

- Chữ mẫu phóng to: Giúp HV dễ quan sát, phân tích hình dáng, kích thước và các nét cơ bản cấu tạo chữ cái cần viết.

- Chữ mẫu của GV viết trên bảng: Giúp HV nắm được quy trình viết chữ, cách liên kết các nét chữ thành chữ cái, liên kết chữ cái thành chữ ghi âm/ vần/ tiếng.

- Chữ mẫu trong vở Tập viết: Giúp HV quan sát và rèn viết chữ trong vở một cách hiệu quả. Phương pháp phân tích ngôn ngữ còn biểu hiện ở thao tác tổng hợp các nét chữ thành các chữ cái, liên kết chữ cái thành chữ ghi âm, ghi vần hoặc ghi tiếng...

2.2. Phương pháp giao tiếp:

Thực hiện phương pháp giao tiếp, GV dẫn dắt HV tiếp xúc với chữ sẽ học bằng một hệ thống câu hỏi về các nét cấu tạo chữ cái, kích thước chữ cái, điểm tương đồng, khác biệt giữa chữ cái đang học với chữ cái đã học. Giao tiếp còn là yêu cầu HV tự nhận xét về chữ viết của mình và nhận xét về chữ viết của các bạn. Cần kết hợp một cách linh hoạt giữa dạy viết chữ và giải nghĩa vưt, giảng nghĩa của bài viết ứng dụng, tạo tình huống, nhu cầu nói viét cho HV để giờ học hấp dẫn, sinh động, giúp HV chủ động, tự giác, hứng thù tham gia vào các hoạt động học tập.

2.3. Phương pháp luyện tập theo mẫu:

Trong dạy học Tập viết, phương pháp rèn luyện theo mẫu cần được sử dụng thường xuyên để các kỹ năng viết chữ hình thành ở HV một cách nhanh chóng và chắc chắn. Khi hướng dẫn HV luyện tập theo mẫu, cần chia việc luyện tập thành nhiều bước với mức độ dễ - khó khác nhau. Việc hướng dẫn HV luyện tập phải được thực hiện từ thấp đến cao để các kỹ năng hình thành một cách thuận lợi: lúc đầu là việc viết chữ đúng quy trình, hình dáng, cấu tạo, kích thước, sau đó là viết đúng tốc độ quy định, viết đẹp. Hoạt động rèn luyện kỹ năng viết chữ phải được tiến hành đồng bộ ở lớp cũng như ở nhà, ở phân môn Tập viết cũng như ở các phân môn khác của môn Tiếng Việt và của các môn học khác. Việc luyện tập trong phân môn Tập viết luôn phải được thực hiện theo mẫu. Mẫu cần quan sát là các loại chữ mẫu trong vở tập viết, mẫu chữ của GV. Mẫu còn là quy trình viết mà GV thực hiện để HV quan sát. Để hình thành kỹ năng viết chữ cho HV, việc dạy viết phải trải qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: xây dựng biểu tượng về chữ viết, HV phải nhận biết và ghi nhớ cấu tạo, hình dáng, kích thước, quy trình viết từng chữ cái.

- Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn củng cố, hoàn thiện biểu tượng về chữ viết thông qua việc luyện viết chữ: luyện viết chữ cái, liên kết các chữ cái để luyện viết từ, cao hơn là viết câu ứng dụng .

Có những hình thức luyện tập cơ bản sau:

- Tập viết chữ cái, chữ số, từ ngữ, câu... trên bảng lớp hoặc bảng con. Hình thức này có tác dụng kiểm tra sự tiếp thu cách viết và bước dầu đánh giá kỹ năng viết chữ của HV. Hình thức này thường được dùng khi kiểm tra bài cũ hoặc sau bước giải thích cách viết chữ, bước luyện viết chữ ở lớp. Sau khi phát hiện, nhận xét lỗi viết chữ của HV, GV hướng dẫn HV sửa lại những chỗ viết chưa đúng. Cần chú ý hướng dẫn HV cầm phấn, lau bảng đúng cách, hợp vệ sinh.

- Tập viết trong vở tập viết (nếu có): Sau khi luyện tập trên bảng con, HV luyện viết trong vở tập viết. ở bước này, GV cần nêu rõ yêu cầu về nội dung, dung lượng viết, cần viết mẫu để HV xác định được một lần nữa yêu cầu về kỹ thuật viết (quy trình viết, khoảng cách các chữ, vị trí và trình tự viết dấu phụ, dấu thanh...). Bên cạnh đó, để việc dạy chữ không đơn điệu, GV cần xử lý quan hệ giữa âm và chữ, tức là giữa đọc và viết, có nghĩa là cũng nên coi giọng đọc của GV là một loại phương tiện trực quan. Do vậy, khi dạy Tập viết, nhất là khi dạy những âm, vần mà HV địa phương hay nhằm lẫn, GV cần đọc mẫu để giúp HV viết được đúng. Ngoài ra, chữ mẫu của GV khi chấm bài, chữa bài cũng là một loại phương tiện trực quan, vì vậy, GV cần có ý thức viết đẹp, đúng mẫu, rõ ràng khi chấm, chữa bài cho HV.

Trong quá trình rèn kỹ năng viết chữ cho HV, GV cần nhắc HV ngồi đúng tư thế, cầm bút, để vở đúng cách. Việc đánh giá bài tập viết của HV không chỉ là đánh giá sản phẩm cuối cùng mà còn là đánh giá cả quá trình viết (viết đúng quy trình, tư thế ngồi viết, cách cầm bút, viết đúng...)

 

Quy trình chung dạy một bài Tập viết

gồm có các bước cơ bản sau đây:

I. Kiểm tra, củng cố bài cũ:

Có thể thực hiện bước này bằng hai cách chủ yếu sau:

- Kiểm tra bài cũ: Một số HV viết bảng lớp, các HV khác viết bảng con các chữ đã học ở bài trước, theo yêu cầu của GV.

- GV nhận xét chữ viết của HV trong bài tập viết của HV đã thu từ buổi trước rút kinh nghiệm, cho HV luyện viết bảng một số chữ khó HV hay viết sai.

II. Dạy bài mới:

1. Giới thiệu bài mới:

Để giới thiệu bài Tập viết, GV cần làm những việc sau đây:

- Đọc gộp cả tiếng, có thể giải nghĩa từ và dòng chữ viết ứng dụng một cách ngắn gọn súc tích.

- Cho HV đọc lại toàn bài: riêng ở lớp 1 và giai đoạn đầu lớp 2, HV cần phải kết hợp đọc và đánh vần.

2. Hướng dẫn HV viết trên bảng con

2.1. Phân tích cấu tạo chữ:

Tuỳ vào nội dung bài tập viết, GV có thể gợi ý để HV phân tích cấu tạo chữ theo các nội dung sau:

a. Phân tích chữ cái:

GV gợi ý, đặt câu hỏi và thông qua chữ mẫu trên bảng lớp để HV nhận biết và phân tích cấu tạo của chữ cần luyện viết, so sánh để tìm điểm tương đồng/ khác biệt giữa chữ cái cần luyện viết với chữ cái đã luyện viết trước đó (Ví dụ: Có đặt câu hỏi về độ cao của chữ, cấu tạo của chữ, sự tương đồng, khác biệt giữa chữ đang học với chữ đã học, điểm đặt bút/dừng bút..

b. Phân tích tập hợp chữ ghi âm, vần, từ ngữ và câu ứng dụng:

Bước này bao gồm một số việc chủ yếu sau:

- GV củng cố lại một số chữ viết khó hoặc các chữ cái mà HV hay viết sai.

- Xác định các chữ viết hoa (nếu có) và quan hệ giữa chữ viết hoa với chữ cái tiếp sau trong trường hợp thuận lợi và không thuận lợi.

2.2. GV viết mẫu:

- GV phân tích và minh họa các cách viết (điểm đặt bút, chiều hướng nét chữ, thứ tự viết nét, liên kết các chữ cái, liên kết chữ cái thành tổ hợp chữ ghi âm, vần, tiếng, điểm dừng bút), cần chú ý phân tích cả quy trình viết dấu phụ, dấu thanh, khoảng cách giữa các chữ ghi tiếng.

- Trong quá trình viết mẫu, GV chú ý giảng cho HV cách điều tiết các nét chữ, cách liên kết các chữ cái trong trường hợp thuận lợi (liên kết hai đầu) và liên kết không thuận lợi (liên kết một đầu hoặc không có nét liên kết); hướng dẫn cho HV kỹ thuật viết liền mạch (viết dấu phụ, dấu thanh sau khi viết các nét chữ cơ bản, sử dụng kỹ thuật lia bút, rê bút) một cách hợp lý.

Viết mẫu và thao tác trực quan của GV trên bảng lớp giúp HV nắm quy trình viết từng nét, từng chữ. Do vậy, GV phải viết chậm, đúng quy trình, phải tạo điều kiện cho HV nhìn thấy tay GV viết từng nét chữ.

2.3. HV luyện viết trên bảng:

Bước này gồm những việc sau:

- HV luyện viết chữ trên bảng ( Một số HV viết bảng trên lớp, các HV khác viết vào bảng con). Nội dung luyện viết bảng có thể theo thứ tự bài dạy, hoặc chỉ là những chữ khó viết mà HV hay viết sai.

- Nhận xét chữ viết bảng của HV:

+ HV đối chiếu chữ viết mẫu của GV với bài viết bảng của mình và của các bạn để nhận xét, phát hiện chỗ viết sai và góp ý kiến sửa các chỗ viết sai.

+ GV chốt lại nhận xét đúng, gợi ý và yêu cầu HV sửa lại những chỗ viết sai.

3. HV luyện viết vào vở tập viết:

- GV yêu cầu HV luyện viết vào vở từng nội dung của bài tập viết. Trước khi HV luyện viết, GV nên viết mẫu lên dòng kẻ trên bảng mô phỏng vở Tập viết của HV, nhắc HV điểm đặt bút, dừng bút, quy trình viết chữ, khoảng cách giữa các chữ.

- HV luyện viết vào vở từng nội dung theo yêu cầu của GV.

4. Chấm, chữa bài:

- GV chấm điểm một số bài tại lớp vào cuối thời gian viết vở

- Nêu nhận xét bài viết của HV để HV rút kinh nghiệm.

5. Củng cố bài viết:

Tuỳ theo thời gian còn lại của tiết học, GV tổ chức củng cố bài viết bằng những cách sau:

- Sử dụng bài viết trong vở của HV để cùng HV nhận xét, rút kinh nghiệm ưu/ khuyết điểm về kỹ năng viết chữ.

- Yêu cầu một vài HV viết bảng lớp một số chữ có liên quan đến trọng tâm của bài Tập viết, sau đó GV cùng các HV khác nhận xét.

- Thi viết chữ đúng mẫu, rõ ràng, đẹp, nhanh.

- Tổ chức trò chơi viết chữ có tích hợp kiến thức với phân môn khác (như Học vần, Chính tả...).

Chú ý: - Với bài có nhiều nội dung luyện viết, các bước 2, 3, 4 phải được thực hiện lần lượt với từng nội dung (tất cả các nội dung hoặc một số nội dung quan trọng mà GV lựa chọn), sau đó HV mới luyện viết vào vở cả bài (bước 5). Trước khi HV luyện viết vào vở, GV phải viết mẫu lại và yêu cầu HV luyện viết từng nội dung, không yêu cầu HV viết cả bài liền một lúc.

Trên đây chỉ là tiến trình chung một giờ Tập viết. Khi giảng dạy, tuỳ từng điều kiện cụ thể của HV (khả năng nhận thức, đặc điểm khối lớp) và nội dung bài dạy mà GV có thể vận dụng phối hợp các phương pháp dạy học và kinh nghiệm của bản thân để thực hiện bài dạy một cách hiệu quả.
 

  

Lượt xem : 2264 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo