Trang chủ --> Tài liệu dạy xóa mù chữ Tiếng Việt cho người mù --> Đặc điểm học tập của người lớn và dạy học người lớn
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

Đặc điểm học tập của người lớn và dạy học người lớn

1. Đặc điểm học tập của HV người lớn ở các lớp xóa mù chữ

Đối tượng HV ở các lớp Xóa mù chữ đa dạng về độ tuổi, về trình độ văn hoá, về vốn hiểu biết và kinh nghiệm sống sản xuất, về động cơ nhu cầu học tập, v.v... Tuy nhiên, phần lớn họ là người lớn (từ 15 tuổi trở lên). Với tư cách là người lớn, HV ở các lớp xóa mù chữ có một số đặc điểm khác biệt so với trẻ em ở tiểu học. Vì vậy, GV cần hiểu rõ đặc điểm HV người lớn các lớp xóa mù chữ để từ đó áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với HV người lớn.

a. Sự khác biệt giữa người lớn và trẻ em  

          Khác với trẻ em, người lớn có một số đặc điểm chung sau đây cần lưu ý:

  • Là những người đã trưởng thành về tâm sinh lí và trưởng thành về mặt xã hội. Họ có khả năng tự lập, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Là người chủ sản xuất, chủ gia đình và xã hội.
  • Lao động - sản xuất kiếm sống là chủ yếu.
  • Hầu hết đã có gia đình và con cái.

Ngoài ra, người lớn ở các lớp xóa mù chữ còn có một số đặc điểm sau đây cần lưu ý. Nhìn chung, phần lớn họ:

  • Là những người lao động, nghèo.
  • Chủ yếu ở độ tuổi 15 trở lên.
  • Chưa từng được đi học hoặc bỏ học lâu, tái mù chữ.
  • ít đọc sách báo, xem tivi, nghe đài.
  • ít giao tiếp, ít tham gia các hoạt động xã hội, ít thời gian dành cho việc học tập.
  • Thiếu thông tin.
  • Thường mặc cảm, tự ti, an phận.
  • V.v...

b. Đặc điểm học tập của người lớn

Xuất phát từ vị thế và vai trò của người lớn, học tập của người lớn có động cơ, nhu cầu và đặc điểm học tập hoàn toàn khác so với trẻ em, nhất là HV tiểu học.

  • Học tập của người lớn chỉ là thứ yếu so với hoạt động lao động kiếm sống, chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái.
  • Học tập của người lớn có tính mục đích rõ ràng, cụ thể và có tính thực dụng cao. Người lớn học cho ngày hôm nay, chứ không phải cho ngày mai. Họ muốn học tập những nội dung kiến thức có thể vận dụng ngay được vào thực tế cuộc sống, lao động sản xuất (Một số ít người muốn học tiếp lên THCS). Người lớn chỉ có nhu cầu và điều kiện học những cái thiết thực như học để biết cách nuôi dạy con cái, để chăm sóc gia đình, để đọc hoặc viết thư, đọc được đơn thuốc, chỉ dẫn của bác sĩ, để hiểu được các hướng dẫn sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu, để đọc báo, tạp chí, hiểu kĩ thuật sản xuất mới, để biết tính toán, không bị lừa hoặc để có kĩ năng sống cần thiết phục vụ cho cuộc sống hiện tại v.v...
  • Học tập của người lớn hoàn toàn mang tính chất tự nguyện. Mọi sự ép buộc, áp đặt hay mọi biện pháp hành chính đều không có tác dụng. Hoặc là người lớn sẽ từ chối không đi học hoặc họ sẽ thờ ơ, thụ động ở trên lớp. Người lớn chỉ thực sự tham gia học tập khi nào họ thấy cần.
  • Học tập của người lớn không thụ động. Người lớn luôn so sánh đối chiếu những điều được học, được nghe với những hiểu biết, kinh nghiệm đã có của bản thân. Những kinh nghiệm này có thể hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức của họ. Ngược lại, sự bảo thủ trong kinh nghiệm và “Cảm giác biết rồi” của người lớn nhiều khi là những cản trở tâm lí quan trọng đối với việc học tập của người lớn. 

 

Tóm lại, xuất phát từ đặc điểm khác biệt của người lớn so với trẻ em, từ bản chất học tập nói chung và học tập nói riêng của người lớn, việc học của người lớn sẽ có hiệu quả nhất:

  • khi được thực hành, khi thông qua giải quyết các vấn đề, các tình huống có thật trong cuộc sống và sản xuất/công tác của họ, khi người lớn tự phát hiện vấn đề, tự giải quyết vấn đề, tự rút ra kết luận.  
  • khi kiến thức mới được gắn với những hiểu biết, kinh nghiệm trước đây của mình.
  • khi được trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. 

Ngoài ra, đối với người lớn thì môi trường học tập có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy

  • Họ sẽ học tốt hơn trong môi trường học tập vui vẻ, thoải mái và tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
  • Họ sẽ cảm thấy phấn khởi, tự tin hơn khi họ cảm thấy tiến bộ trong học tập, khi cảm thấy dễ hiểu, dễ tiếp thu.
  • Họ sẽ tự tin hơn, phấn khởi hơn nếu đu­ợc động viên, khen th­ưởng kịp thời.

c. Những thuận lợi, khó khăn trong học tập của người lớn

          Nhìn chung người lớn đi học có nhiều khó khăn hơn trẻ em. Có những khó khăn có thực, khách quan, nhưng cũng có những khó khăn do chính bản thân họ tự ti, mặc cảm hoặc do GV có những định kiến, nhận định sai lầm. Thực tế cho thấy người lớn vẫn có thể học tốt nếu phương pháp giảng dạy phù hợp với cách học của họ, nếu GV biết phát huy thế mạnh của người lớn, đồng thời biết giúp họ khắc phục những khó khăn. Vậy người lớn có những thuận lợi, khó khăn gì khi học tập?

Thuận lợi:

  • Người lớn có lòng tự trọng cao. Người lớn muốn được đối xử tôn trọng và bình đẳng. Người lớn không muốn bị ra lệnh, ép buộc, áp đặt. Người lớn tự giác học tập mà không cần bảo ban, nhắc nhở nhiều như đối với trẻ em.
  • Khác với trẻ em, người lớn có tính độc lập và chủ động cao. Trong học tập cũng như trong cuộc sống, người lớn mong muốn được độc lập, chủ động, muốn được tự quyết định mục đích, nội dung học, hình thức học và thời gian học. Đây là phẩm chất quan trọng cần khai thác phát huy để người lớn độc lập, chủ động trong quá trình học tập, tự mình phát hiện, giải quyết vấn đề, tự đi đến kết luận v.v…
  • Khác với trẻ em, người lớn có vốn hiểu biết và kinh nghiệm sống, sản xuất phong phú. Vốn hiểu biết, kinh nghiệm này có ý nghĩa sâu sắc đối với người lớn. Kinh nghiệm đối với người lớn là một cái gì đó khẳng định bản thân. Vì vậy, nếu kinh nghiệm của người lớn không được coi trọng hoặc bị lãng quên, thì họ cho rằng điều đó không chỉ phủ nhận kinh nghiệm của họ, mà còn phủ nhận chính họ. Vốn kinh nghiệm của người lớn là những tư liệu thực tế rất có giá trị, có tác dụng giúp quá trình nhận thức của người lớn nhanh hơn, dễ dàng hơn và nhớ lâu hơn so với trẻ em. Đây là một thế mạnh của người lớn mà GV cần biết khai thác, phát huy. Khi hướng dẫn người lớn học, GV cần tôn trọng, tạo điều kiện để người học chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. 

Khó khăn:

  • Người lớn, nhất là người nghèo, người có trình độ văn hoá hạn chế ở các lớp xóa mù chữ thường mặc cảm, tự ti. Đây là nét tâm lí đặc trưng cho những người có trình độ văn hoá thấp hoặc đã bỏ học lâu ngày. Họ thường tự ti, mặc cảm rằng mình đã lớn, đã nhiều tuổi rồi không học được nữa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến động cơ, ý chí, cũng như kết quả học tập của người lớn. Vì vậy, khi hướng dẫn người lớn học, GV cần phải luôn động viên, khen thưởng kịp thời sau mỗi câu trả lời đúng, sau mỗi tiến bộ, mỗi cố gắng của họ trong học tập, dù là nhỏ. Mặt khác, người lớn thường tự ti, ngại hoặc xấu hổ không dám phát biểu, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. GV rất khó biết họ suy nghĩ gì, tiếp thu như thế nào để kịp thời điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, GV cần phải kiên trì động viên, gợi ý để ai cũng được phát biểu, tham gia ý kiến. Cần phải tôn trọng, lắng nghe mọi ý kiến, tuyệt đối không được phê phán, chỉ trích hoặc chê bai những câu trả lời chưa đúng hoặc những suy nghĩ sai của họ trước lớp, trước đông người. Khi mỗi lần được phát biểu, nhất là khi ý kiến của họ được lắng nghe, tôn trọng, không bị chỉ trích, phê phán, người lớn sẽ cảm thấy tự tin và phấn khởi hơn. Ngược lại, họ sẽ không tiếp tục đi học nữa, hoặc là họ càng mặc cảm, tự ti hơn.
  • Người lớn, nhất là người nghèo, người có trình độ văn hoá hạn chế ở các lớp xóa mù chữ  thường dễ tự ái. Đây là một đặc điểm đặc trưng của HV người lớn. Bất cứ một sự xúc phạm nào, dù là nhỏ đều dễ làm họ tự ái. Vì vậy khi hướng dẫn người lớn học, điều quan trọng đầu tiên mà mỗi GV cần phải ghi nhớ là cần phải tôn trọng, đối xử bình đẳng với họ với tư cách là người lớn, chứ không phải là trẻ em, là người có nhiều kinh nghiệm, chứ không phải là người kém cỏi, không biết gì.
  • Nguời lớn thường có tính bảo thủ cao. Vốn kinh nghiệm, hiểu biết đã có của người lớn có tác dụng tích cực như đã phân tích ở trên, nhưng đồng thời cũng có tác dụng tiêu cực, cản trở đối với quá trình học tập, nhận thức của người lớn. Kinh nghiệm thường tạo cho người lớn “Cảm giác biết rồi”. Đây là một trong những cản trở tâm lí quan trọng đối với quá trình học tập và nhận thức của người lớn. Cảm giác này làm cho họ không muốn nghe, không muốn tiếp thu, không muốn đi sâu vào bản chất vấn đề. Người lớn rất coi trọng và tin vào kinh nghiệm của mình, thậm chí tới mức bảo thủ. Điều này đã cản trở quá trình tiếp thu cái mới, khoa học hơn. Người lớn không dễ học những gì do người khác áp đặt khi bản thân chưa hiểu, khi chưa thấy cái sai, chưa chính xác, chưa đầy đủ trong nhận thức và kinh nghiệm trước đây của mình. Vì vậy, khi hướng dẫn người lớn học, điều quan trọng là GV cần phải tìm hiểu quan niệm, kinh nghiệm đã có của họ, cần phải hết sức khéo léo, tế nhị phân tích (thường thông qua ý kiến của nhóm, của lớp) để giúp họ thấy những hạn chế, sai lầm trong kinh nghiệm, quan niệm của mình để từ đó người học tự điều chỉnh, hoàn thiện hoặc thay đổi kinh nghiệm, quan niệm trước đây của mình.
  • Người lớn thường mệt mỏi và tư tưởng dễ bị phân tán. Trẻ em hoàn toàn tập trung vào việc học, còn người lớn vừa học, vừa làm, vừa lo công việc gia đình, con cái v.v... Người lớn khi đến lớp học nhưng vẫn phải lo lắng nhiều công việc - công việc làm ăn, kiếm sống, công việc gia đình, con cái v.v... tư tưởng dễ bị phân tán. Vì vậy, khi hướng dẫn người lớn học, GV cần phải chú ý tạo không khí học tập vui vẻ, nhẹ nhàng, thoải mái. Học-vui; vui-học.
  • Là những người đã lớn tuổi, lại ít được học hành hoặc đã bỏ học lâu, người lớn ở các lớp xóa mù chữ thường có những hạn chế nhất định về khả năng nhận thức.
  • Tốc độ phản ứng, khả năng nghe nhìn, vận động, chú ý, ghi nhớ ... của người lớn nhìn chung bị giảm sút.
  • Là những người có trình độ văn hoá hạn chế và đã bỏ học lâu, lại sớm bước vào lao động sản xuất, năng lực giải quyết vấn đề có tính chất lí luận lại giảm sút.
  • Tư duy của người lớn ở cộng đồng chủ yếu được hình thành qua lao động sản xuất và cuộc sống, phát triển không toàn diện, thiếu cân đối. Họ không quen tư duy khái quát, tư duy bằng khái niệm. Họ thiên về tư duy bằng hành động - trực quan, cụ thể.

Bên cạnh những hạn chế trên, người lớn cũng có những điểm mạnh như:

  • Sự chú ý của người lớn di chuyển chậm, nhưng có khả năng tập trung lâu bền. Tuy nhiên, chú ý chủ định của người lớn tương đối phát triển. Họ có thể tập trung chú ý hàng giờ nếu vấn đề thiết thực, có ý nghĩa.
  • Ghi nhớ máy móc ở người lớn, bị giảm sút. Họ không thể học vẹt tốt như trẻ em, nhưng ghi nhớ ý nghĩa của họ vẫn còn tốt. Họ dễ nhớ và nhớ lâu những gì thiết thực, gần gũi và được vận dụng vào trong sản xuất và đời sống.
  •  Người lớn nhìn chung có khả năng giải quyết các vấn đề thực tế tốt hơn.
  • ...         

                 Tóm lại:

-  Người lớn và việc học tập của họ hoàn toàn khác với trẻ em. Vì vậy phương pháp hướng dẫn người lớn học không thể giống cách dạy trẻ em.

- Nhìn chung, người lớn có nhiều khó khăn hơn trong học tập, nhất là phụ nữ, những người có trình độ văn hoá thấp hoặc đã bỏ học lâu ngày. Ngoài những khó khăn khách quan, có thật, cũng có nhiều khó khăn do người học tự ti, mặc cảm hoặc do GV có những nhận định, đánh giá sai lầm.

- Ngoài ra, người lớn có nhiều mặt mạnh mà trẻ em không có được. Đó là lòng tự trọng, tính độc lập, tính chủ động và tự giác cao. Đó là vốn kinh nghiệm sống và sản xuất phong phú.

- Tuy nhiên, người lớn hoàn toàn vẫn có khả năng học tốt, nếu GV có phương pháp hướng dẫn phù hợp, nếu GV biết phát huy thế mạnh của người lớn và biết giúp họ khắc phục dần những nhược điểm, hạn chế đến mức không còn là những trở ngại đáng kể
 

2. Đặc điểm dạy học người lớn

Dạy học người lớn không phải hoàn toàn khác so với dạy học trẻ em, nhưng không thể giống hoàn toàn bởi người lớn và học tập của họ có một số đặc điểm khác biệt so với trẻ em, so với học tập của trẻ em như đã phân tích ở trên. Dạy học người lớn không thể nằm ngoài xu thế đổi mới quan niệm dạy học hiện nay. Đó là xu thế đổi mới quan niệm dạy học từ:

Dạy học thụ động                                        Dạy học tích cực/tham gia

Dạy học bằng kể hay giải thích                     Dạy học bằng cách khám phá

Dạy học độc thoại                                      Dạy học đối thoại

Dạy học áp đặt                                             Dạy học theo hợp đồng/nhu cầu   

Dạy học tập trung vào cá nhân                      Dạy học tập trung vào nhóm/

                                                                             Dạy học hợp tác

Dạy học tập trung vào nội dung                              Dạy học tập trung vào quá trình

Dạy học tập trung vào việc dạy                     Dạy học tập trung vào việc học

Dạy kiến thức                                               Dạy cách học

Sự khác nhau giữa 2 cách dạy học mới và cũ được so sánh ở bảng dưới đây :

 

Dạy học cũ

 

Dạy học mới

 

1. Không chú ý kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của HV

2. Tập trung vào việc dạy của thầy

3. Thầy độc thoại, phát vấn

4. HV thụ động nghe

5. Thầy cung cấp thông tin

 

6. Thầy áp đặt kiến thức có sẵn

 

7. Trò học thuộc

 

8. Thầy độc quyền đánh giá

 

1. Tôn trọng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của HV

2. Tập trung vào việc học của trò

3. Đối thoại trò-trò, trò-thầy

4. HV tích cực, chủ động

5. Thầy tổ chức, động viên, hướng dẫn/gợi ý

6. HV tự phát hiện, tự giải quyết vấn đề, tự rút ra kết luận

7. Học cách học, cách giải quyết vấn đề

8. Kết hợp thầy đánh giá với tự đánh giá của HV, của tập thể lớp 

 

Mặc dù có thể có nhiều tên gọi khác nhau về cách dạy học mới, nhưng nhìn chung “Dạy học lấy người học làm trung tâm” hay “Dạy học cùng tham gia” đã và đang là tư tưởng chỉ đạo, định hướng chính cho quá trình đổi mới PPDH ở các nước trong khu vực, trên thế giới và ở Việt Nam. Dạy học người lớn không thể nằm ngoài xu thế chung đó.

“Dạy học lấy người học làm trung tâm” là cách dạy học phù hợp và có hiệu quả đối với người lớn, bởi vì:

  • Dạy học lấy người học làm trung tâm” là cách dạy học thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tin tưởng người học, tôn trọng người học, đề cao kinh nghiệm của người học, xuất phát từ người học, vì người học.
  • “Dạy học lấy người học làm trung tâm” là cách dạy học không áp đặt, xuất phát từ nhu cầu của người học, dựa trên sự hợp đồng, thoả thuận với người học.
  •   “Dạy học lấy người học làm trung tâm” tôn trọng kinh nghiệm người lớn, tạo điều kiện cho HV người lớn được trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Qua trao đổi, thảo luận, người lớn mới có thể so sánh, đối chiếu nhận thức, kinh nghiệm đã có của mình với nhận thức và kinh nghiệm của  những người khác, mới có thể thấy được cái chưa đúng, chưa chính xác, chưa đầy đủ trong nhận thức, kinh nghiệm trước đây của mình. Từ đó, người lớn tự thay đổi, điều chỉnh, hoàn thiện nhận thức của mình cho phù hợp với quan niệm đúng và khoa học hơn.
  • “Dạy học lấy người học làm trung tâm” tạo điều kiện cho HV người lớn được trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, chứ không chỉ học từ  GV.
  • “Dạy học lấy người học làm trung tâm” khuyến khích người học tham gia, tạo điều kiện cho HV người lớn tự phát hiện vấn đề, tự giải quyết vấn đề, tự tìm ra kết luận, do đó HV người lớn dễ tiếp thu, dễ nhớ và nhớ lâu hơn. 
  • “Dạy học lấy người học làm trung tâm” tạo không khí học tập vui vẻ, nhẹ nhàng, thoải mái, giảm bớt mệt mỏi của HV người lớn do vừa học, vừa làm.
  • “Dạy học lấy người học làm trung tâm” giúp HV người lớn tự tin hơn, phấn khởi hơn khi được tham gia.

Tóm lại, xuất phát từ xu thế đổi mới quan niệm dạy học nói chung, từ đặc điểm của HV người lớn, từ bản chất học tập của người lớn, dạy học người lớn không thể chấp nhận kiểu dạy học truyền thụ một chiều, kiểu dạy học thụ động, áp đặt.   

  • Dạy học người lớn phải tôn trọng người học với tư cách là người lớn.
  • Dạy học người lớn phải xuất phát từ tới nhu cầu của người học. Dạy học người lớn không thể áp đặt. Dạy học người lớn phải giúp người lớn giải quyết các vấn đề, tình huống nẩy sinh trong cuộc sống và sản xuất của họ; 
  • Dạy học người lớn phải phát huy tính tính cực, chủ động của người lớn, tạo điều kiện cho người lớn được tham gia nhiều hơn, được hoạt động nhiều hơn, được tự khám phá, tự phát hiện vấn đề, tự giải quyết vấn đề, tất nhiên dưới sự hướng dẫn, gợi ý của GV.
  • Dạy học người lớn phải coi trọng vốn kinh nghiệm, hiểu biết đã có của người lớn. Dạy học người lớn phải giúp người lớn gắn kiến thức mới với những hiểu biết, kinh nghiệm đã có của mình, phải giúp người lớn thấy được cái sai, cái chưa chính xác, chưa đầy đủ trong kinh nghiệm, hiểu biết trước đây của mình. 
  • Dạy học người lớn phải chú ý tăng cường giao lưu, hợp tác giữa GV-HV, giữa HV với nhau, tạo điều kiện cho người lớn được trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

 

Lượt xem : 17090 Người đăng :

Bình luận

Chảo a thái

Em có đứa em 16 tuổi, do ngày xưa khó khăn ko thể lớp nên ko biết chữ, cần được hỗ trợ ạ

Nguyen van cuong

Mh muốn hoc lop xoá mù chữ

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo