Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG XII: TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, HỘI NGƯỜI MÙ, NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG XII: TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, HỘI NGƯỜI MÙ, NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI MÙ

 

1/ Trách nhiệm của gia đình như thế nào?

 

Ở các chương trên, vai trò, trách nhiệm của gia đình, người thân trong việc tạo điều kiện cho người mù vươn lên đã được nói rõ, không cần nhắc lại nhiều. Gia đình là nơi sinh trưởng, nuôi dưỡng, dạy dỗ người mù, là nơi người mù gắn bó lâu dài. Nhiều gia đình còn là nơi hoạt động kinh tế, cho nên việc tạo điều kiện cho người mù vươn lên ngay tại gia đình có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

 

Để làm việc này, điều quan trọng hàng đầu là gia đình, người thân có nhận thức đúng về tật mù theo quan điểm mới, quan điểm tiến bộ. Thật ra, không ai muốn trong nhà mình có người gặp cảnh bất hạnh. Dù y học có tiến bộ hạn chế phần nào tình trạng mù lòa, nhưng không thể chấm dứt được hoàn toàn. Ngay các nước tiên tiến vẫn có người mù, vẫn có các cháu bé sinh ra đã bị mù. Vấn đề là khi chẳng may gặp cảnh trong nhà có người bị mất thị giác thì cần bình tĩnh, không nên quá hốt hoảng đau buồn, không nên nghĩ đến điều mê tín, dị đoan. Đối với các cháu bé cần nuôi dưỡng một cách bình thường như mọi cháu bé khác. Khi lớn lên, tùy theo lứa tuổi, luyện tập cho cháu biết hoạt động để rèn luyện giác quan, trí tuệ, thể lực thông qua việc tự phục vụ, chơi đùa, tham gia các việc gia đình. Lớn lên, cháu sẽ được đi học văn hóa, học nghề. Hiện nay Nhà nước đã có chủ trương, chỉ còn cách thực hiện thế nào cho tốt, tin tưởng việc này sẽ tiến triển ngày càng tốt đẹp hơn. Học xong, các cháu sẽ tham gia sản xuất, làm việc, Nếu gia đình có hoạt động kinh tế, các cháu sẽ tham gia ngay tại nhà bằng các việc thích hợp. Nếu không có điều kiện, các cháu tham gia trong các cơ sở sản xuất giành riêng. Các cháu sẽ tham gia hoạt động trong Hội Người mù với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Ở nhà nên tạo điều kiện để các cháu có cuộc sống tự chủ, tự lập, càng giảm tối đa tính phụ thuộc càng tốt. Bố mẹ không thể sống mãi trên đời. Anh chị em ruột cũng mỗi người mỗi hoàn cảnh, giúp đỡ nhau khi khó khăn đã là tốt, cưu mang suốt đời chưa chắc đã là thuận lợi. Còn cách tạo điều kiện thế nào, từng gia đình bàn bạc cân nhắc sao cho phù hợp nhất.

 

Nếu lớn tuổi mới bị mù thì cũng vậy. Cần bình tĩnh, sớm ổn định tinh thần, tư tưởng, chủ động rèn luyện giác quan, kỹ năng, kỹ xảo trong hoàn cảnh thiếu mắt nhìn, phấn đấu học chữ, học nghề và tiếp tục phấn đấu tiến lên. Biết bao gương rèn luyện, phấn đấu tốt trong người mù. Đó là những ví dụ sống quý báu để gia đình và người mù nghiên cứu, học tập. Hai thái độ cần tránh nhất là: Nuông chiều quá mức, thương hại không muốn cho làm gì. Mọi việc từ nhỏ đến lớn gia đình đều làm hộ, không rèn luyện, khêu gợi tính tự chủ, tự lập của người mù. Điều này dẫn đến phát triển tính tự ti, ỷ lại, trông chờ, thụ động và sự kém phát triển về giác quan, trí tuệ, thể lực ở người mù. Người mù trở lên yếu đuối cả về tinh thần, thể xác và gia đình lại là nơi chịu hậu quả đầu tiên của tình trạng nuôi dạy sai lầm này. Người mù sẽ khai thác tối đa sự chiều chuộng này, trở nên đòi hỏi, thậm chí không biết tấm lòng công sức của người khác, coi việc mình được phục vụ là đương nhiên, trở nên bạc bẽo, vô ơn, khó hòa nhập ngay trong gia đình, ra xã hội càng khó sống hơn.

 

Thái độ thứ hai cần tránh là thái độ coi thường, bỏ mặc. Thái độ này rất dễ xảy ra trong hoàn cảnh mọi người trong gia đình đều bận việc, thiếu hiểu biết về cách giúp đỡ. Trước thái độ này, hai chiều hướng có thể xảy ra. Người mù tự rút kinh nghiệm và vươn lên hoặc buồn chán mặc cảm, sống âm thầm lặng lẽ, thụ động, đến đâu hay đó. Cần có sự quan tâm đúng mức, tạo ra mối quan hệ hòa nhập, bình đẳng chan hòa giữa người mù với mọi người thân trong gia đình.

 

Ở nước ta, chưa chú ý giúp đỡ, tư vấn cho những gia đình có người thân bị mù. Ở một số nước, không những có nhiều sách vở phổ biến, hướng dẫn cách nuôi dạy, chăm sóc người mù tại nhà mà còn cử cán bộ đến nhà những người mù, nhất là có trẻ em mù để tư vấn, góp ý về cách nuôi dạy sao cho khoa học. Có nước như Thụy Điển chẳng hạn, người ta còn tổ chức trường chuyên dạy cho các bố mẹ về cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ em mù tại nhà. Đây là những cách làm hay mà ta cần nghiên cứu học tập.

 

2/ Vai trò, trách nhiệm của Hội Người mù Việt Nam như thế nào?

 

Không ai có thể hiểu người mù bằng chính những người mù hiểu nhau. Trong việc tạo điều kiện cho người mù vươn lên, Hội Người mù Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng.

 

Trước hết, Hội phải tập hợp đông đảo, rộng rãi mọi người mù, giáo dục, động viên cho anh chị em hiểu rõ những khả năng còn lại, tăng lòng tin tưởng, quyết tâm vươn lên khắc phục khó khăn của tật nguyền, học văn hóa, học nghề, tham gia sản xuất, làm việc trở thành những người “Tàn nhưng không phế”. Hội còn là cầu nối giữa người mù với gia đình người thân của người mù, giúp cho gia đình hiểu rõ khả năng của người mù, cách nuôi dạy, tạo điều kiện cho người mù vươn lên tại gia đình. Hội thay mặt người mù đề đạt với Nhà nước nhu cầu, nguyện vọng của người mù để Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách giúp đỡ người mù ngày càng tốt hơn, cộng tác, phối hợp với các cơ quan, các ngành, các cấp thực hiện các chủ trương, chính sách đã có sao cho hiệu quả, thiết thực nhất. Hội còn quan hệ rộng rãi với mọi ngành, mọi giới trong xã hội, tuyên truyền về nhu cầu, khả năng người mù, động viên các ngành, các giới quan tâm giúp đỡ người mù. Trên cơ sở tạo điều kiện của Nhà nước, của xã hội, Hội còn trực tiếp đứng ra tổ chức nhiều hoạt động nhằm chăm lo cho người mù như: phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tổ chức sản xuất, việc làm, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần ... Hội mở rộng quan hệ quốc tế, nhất là đối với Hội Người mù các nước, các tổ chức, cá nhân từ thiện, hảo tâm để trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác.

 

Bằng những hoạt động, kết quả thực tế, bằng gương người thật, việc thật, Hội không những truyền niềm tin, sức mạnh cho người mù, dìu dắt đông đảo người mù vững bước tiến lên mà còn làm cho Nhà nước, xã hội hiểu rõ hơn nhu cầu, nguyện vọng của người mù và tiếp tay ngày càng nhiều, càng có hiệu quả để Hội hoạt động ngày càng tốt hơn. Kết quả hoạt động của Hội trong gần 30 năm qua, từ ngày thành lập 17 tháng 4 năm 1969 đến nay đã được người mù tin tưởng, Nhà nước, xã hội công nhận. Tuy nhiên, do khó khăn hạn chế về chủ quan, khách quan, hoạt động Hội còn hẹp, chỉ mới non nửa số tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức Hội, nhiều chương trình, dự án chưa có điều kiện triển khai rộng, Hội cần phấn đấu để tiến lên mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả hơn nữa.

 

Riêng trong nội bộ Hội cũng cần tổ chức cho tốt hơn. Tính chất của Hội là Hội của những người mù. Trong Hội, việc quan tâm hàng đầu là tạo điều kiện để người mù làm. Có thể bước đầu còn yếu, quá trình làm sẽ tiến lên. Riêng người mù cũng phải cố gắng tối đa, vươn lên đảm nhiệm càng nhiều công việc trong Hội càng tốt. Cố gắng giảm tối đa sự trợ giúp, có trực tiếp tiếp xúc, làm việc thì lắm tình hình mới sâu, hiểu biết của mình càng cụ thể, trình độ ngày càng tiên tiến. Có như thế việc tổ chức ra Hội Người mù mới thực sự có ý nghĩa.

 

Do đặc điểm riêng, trong Hội, ngoài những người mù, còn có một số ít cán bộ sáng công tác làm việc. Đây là sự cần thiết và vốn quý của Hội. Cần bàn bạc xây dựng mối quan hệ công tác này sao cho tốt đẹp, vừa phát huy tối đa khả năng của người mù, đồng thời tôn trọng, phát huy tốt sự giúp đỡ, cộng tác của cán bộ sáng. Đây không phải là vấn đề kỳ thị. Ở các nước, người ta cũng chú ý bàn bạc xây dựng mối quan hệ này. Sau đây, xin giới thiệu ý kiến của Pi-e Vi-lây về vấn đề này để chúng ta tham khảo: “Họ biết rằng giúp đỡ người mù không phải làm thay ... sự chú ý của họ mặc dù có sốt sắng đến đâu, cũng không gây nặng nề, lúng túng cho người mù, bởi vì nó rất tự nhiên, tế nhị. Họ đoán trước cái gì gây khó khăn cho người mù và im lặng giúp. Khi dẫn người mù đi, họ biết rằng không nên báo trước cho người mù về các vật chướng ngại trên đường mà làm cho người mù tự đoán nhận ra để tránh ... Họ giúp người mù những sự giúp đỡ cần thiết và chỉ những sự cần thiết mà thôi. Họ nói chuyện với người mù về mọi vấn đề, ngay cả về tật mù mà không có gì là bố trí, giả tạo. Họ có nghệ thuật tài tình trong đối xử mà người ta thường hay gọi là sự lịch sự xã giao”.

 

3/ Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội như thế nào?

 

Giải quyết vấn đề người tàn tật nói chung, người mù nói riêng không thể đơn thuần là việc của người mù, gia đình người mù và của Hội Người mù mà là việc của Nhà nước, của nhiều bộ, ban, ngành, của các cấp chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức xã hội và đông đảo nhân dân. Như đã nói ở trên, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến người tàn tật, người mù. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành và đã được thi hành có kết quả, từ sau cách mạng tháng tám, cuộc sống người tàn tật nói chung, người mù nói riêng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, do khó khăn chung và riêng, chính sách trợ giúp cho người tàn tật, người mù phát triển còn thiếu đồng bộ, hiệu quả thi hành còn hạn chế. Nguyện vọng chung của người mù là Nhà nước sớm ban hành luật hay pháp lệnh về người tàn tật, bao gồm người mù. Trong đó, khẳng định phương thức chủ yếu giúp đỡ người tàn tật, người mù là giúp cho họ được phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, được tham gia sản xuất, làm việc thích hợp. Được có cuộc sống vật chất, tinh thần cải thiện, ổn định, hòa nhập bình đẳng trong gia đình và xã hội. Dựa trên định hướng lớn đó, xây dựng các chính sách cụ thể về các mặt, phân công cụ thể từng bộ, ban, ngành chịu trách nhiệm thực hiện, có tổ chức, cán bộ, kinh phí để thực hiện. Các chủ trương, chính sách liên quan đến người tàn tật, người mù cũng phải được thi hành đầy đủ, nghiêm túc như chủ trương, chính sách đối với các lĩnh vực khác. Vấn đề người tàn tật, người mù thường bị xếp vào loại ưu tiên thấp trong các lĩnh vực cần được quan tâm của quốc gia. Khi chuyển qua cơ chế thị trường, nhiều vấn đề xã hội bức súc như: xì ke, ma túy, mãi dâm, cờ bạc, HIV, AIDS ... lại nổi lên. Vấn đề người tàn tật lại bị lùi xuống thấp hơn nữa. Vấn đề người tàn tật là vấn đề xã hội cần giải quyết nhưng nó không nóng bỏng, chết người như những vấn đề khác, lùi lại cũng không sao. Nó chỉ gây đau khổ, chịu đựng cho bản thân người tàn tật và gia đình mà thôi. Cho nên, dù có nhiều công việc cần làm, có nhiều ưu tiên, nhưng vấn đề người tàn tật, người mù cũng phải được coi trọng đúng mức, nhất là giúp đỡ cho người tàn tật, người mù phát triển, bởi vì đây là chính sách tiên tiến, mang nhiều ý nghĩa tác dụng thiết thực.

 

Ngoài Nhà nước, cần huy động rộng rãi xã hội. Trước hết làm cho xã hội thay đổi quan điểm, nhận thức về người tàn tật, người mù không nhìn theo kiểu cũ. Trên cơ sở đó, có những hình thức, biện pháp tham gia thích hợp.

 

Với lòng mong mỏi thiết tha, người mù chỉ trông chờ ở Nhà nước, các cơ quan chức năng và xã hội càng có nhiều chủ trương, chính sách, việc làm tốt đẹp hơn để trợ giúp người mù.

 

Để kết thúc, xin nêu việc có thật của hai người mù thông minh, ngoan ngoãn, chịu khó đã được đăng trong báo chữ nổi Đời Mới của Hội Người mù Việt Nam. Một người đáng lý không còn sống nếu không có những tấm lòng nhân hậu cưu mang vì đã bị chính bố mẹ đẻ mình bỏ rơi khi mới đầy năm tháng tuổi, chứng tỏ người ta đã sợ hãi tật mù đến chừng nào. Một người phấn đấu học xong phổ thông trung học, có nguyện vọng học lên cao hơn, không thực hiện được chỉ vì ngành đại học chưa sẵn sàng để tiếp nhận người mù vào học. Nêu hai câu chuyện này để thấy cần nỗ lực nhiều hơn nữa để xóa bỏ thành kiến đối với tật mù và làm cho người mù đỡ thiệt thòi chỉ vì tật nguyền của họ, một tật nguyền mà họ phải gánh chịu chứ không phải do họ gây ra.

 

Câu chuyện thứ nhất của tác giả Từ Khắc Nhàn đăng trong số tháng 2 năm 1997 nhan đề: “Em bé mù ham học và tấm lòng người mẹ”.

 

Chuyện xảy ra cách đây 12 năm, khi em mới 5 tháng tuổi. Em bị mù và phải rời khỏi tay bố mẹ từ thuở ấy. Bà con, cô bác ở phường Sơn Lộc (Sơn Tây) nhặt được em và chuyền tay nhau bế ẵm. Cuối cùng, cô nhân viên bưu điện Sơn Lộc nhận em về nuôi. Đó là cô Khuất Thị Thanh, khi ấy cô chưa đầy 30 tuổi, và chưa một lần xây dựng gia đình. Thế là từ đấy, em lại có mẹ và có tên Khuất Thị Hương Mai. Cô Thanh cuộc đời cũng éo le. Mối tình đầu chưa chôn chặt từ khi người yêu hy sinh ngoài mặt trận. Cô dồn tất cả tình yêu thương cho Mai, đứa con nuôi bé bỏng mới chào đời đã mù lòa, tàn tật. Người ta bảo cô chăm con nuôi hơn con đẻ. Đồng lương có hạn, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, cô phải chăn nuôi. Hàng năm, xuất chuồng 2 - 3 tạ lợn để lấy tiền chữa chạy cho con.

 

Năm tháng qua đi, Mai đã hết ốm đau, sài đẹn. Duy đôi mắt, tuy mẹ đã cố gắng thuốc thang mà vẫn thế, không thể sáng hơn. Tuy mù, nhưng càng lớn em càng có một tâm hồn trong sáng. Em rất hồn nhiên, yêu đời, sống chan hòa với bạn bè cùng lứa, quanh em là những tấm lòng ưu ái, nhân hậu của các cô bác ở bưu điện Sơn Lộc, Sơn Tây, của Hội Người mù Sơn Tây và tỉnh hội Hà Tây. Năm lên 8 tuổi, em được tỉnh hội đón về học chữ bơ-rai. Chỉ 7 tháng em học xong chương trình lớp 2. Trở về phường, em đã học hòa nhập lớp 3 rồi lớp 4 với các bạn sáng mắt ở trường phổ thông. Cô giáo Thảo và cô giáo Vân đã được cử đi học chữ bơ-rai về và đã yêu thương dạy dỗ em. Mai thông minh và rất chịu khó, sáng học ở trường chiều làm xong bài, tối mẹ lại dạy cho em viết chính tả và làm thêm bài tập. Vì sách bằng chữ bơ-rai không có nên mẹ em đọc ở sách giáo khoa chữ thường cho em chép ra chữ bơ-rai chuẩn bị cho ngày hôm sau. Em học ngày càng tiến bộ và còn tham gia các phong trào của lớp, của trường. Năm nào Mai cũng đạt học sinh tiên tiến. Nay Hương Mai đã là cô gái 12 tuổi, hiền dịu và chăm ngoan. Em học bài xong là tự tắm giặt, nhặt rau, quét nhà, rửa chén đỡ đần cho mẹ. Nhờ sáng dạ, nghe đài, ti vi xong là em nhớ được thuyết minh, có thể kể lại rất chi tiết, dí dỏm câu chuyện và các nhân vật trong phim. Nhờ có năng khiếu hát hay nên các hội nghị tổng kết hàng năm của trường, của thị hội và tỉnh hội, em đều được tham gia trình diễn. Lời ca, tiếng hát đã giúp em nói lên lòng biết ơn đối với các cô bác ở phường Sơn Lộc, các cô bác ở Hội, ở bưu điện Sơn Lộc và đặc biệt đối với mẹ Khuất Thị Thanh của em, người mẹ nhân hậu mà em vô cùng kính yêu.

 

Sau đây là bài của tác giả Đinh Dong đăng trong báo số ra tháng 4/1995, nhan đề: “Hoàng Xuân Hạnh, tấm gương vượt khó”.

 

Gia đình Hạnh có hoàn cảnh thật éo le. Bố Hạnh là kỹ sư ngành lâm nghiệp, tham gia bộ đội thời chiến tranh chống Mỹ, Mẹ Hạnh thời ấy là thanh niên xung phong nhiều năm hoạt động ở Lào. Bố mẹ Hạnh đều khỏe mạnh nhưng sinh ra ba con đều bị mù từ khi lọt lòng. Trừ người chị, còn hai anh em trai đều khỏe mạnh và thông minh. Hạnh tuy bị mù hai mắt nhưng vẫn vượt khó học hết cấp III. Từ khi em học được chữ bơ-rai do Hội Người mù dạy, em học ở trường phổ thông cùng với các bạn sáng mắt thuận lợi hơn nhiều. Những năm học ở trường phổ thông Kỳ Anh, Hạnh đều được công nhận học sinh tiên tiến. Tuy bị mù nhưng Hạnh học tốt các môn, kể cả tiếng Anh, phải nói rằng Hạnh là người có chí tiến thủ, say mê học tập tìm mọi cách để học giỏi. Tuy vậy, khi thi tốt nghiệp phổ thông, nhà trường phải đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo xét đặc cách cho em, vì ban giám khảo không ai biết chữ Bơ-rai.

 

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hạnh có nguyện vọng xin vào học tại trường Trung học Sư phạm Hà Tĩnh để sau này có thêm kiến thức phục vụ người mù. Nhưng Sở giáo dục Đào tạo không chấp nhận bởi một lẽ ngành giáo dục không có ai biết chữ của người mù để kiểm tra bài cho Hạnh. Bộ giáo dục Đào tạo đề nghị gia đình mang hồ sơ ra để bộ xét. Nhưng gia đình quá khó khăn nên cũng đành thôi.

 

Hạnh rất buồn nhưng em vẫn không nản chí. Em tiếp tục học tiếng Trung Quốc trên đài Tiếng nói Việt Nam do Viện Đại học mở (Đại học từ xa) và chương trình do Đài Bắc kinh dạy... Vừa qua thi sát hạch, em đạt loại xuất sắc, đạt 93/100 điểm. Ngoài ra, ở nhà, em còn cùng mẹ, chị, em dệt chiếu để tăng thu nhập. Hiện nay, Hạnh còn là giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ cho những người mù.

 

Số phận thật đen đủi, nhưng Hạnh vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên.

 

Bài báo này viết năm 1995, theo tôi được biết hiện nay Hạnh đã được Trung ương Hội Người mù Việt Nam tiếp nhận cho làm giáo viên tại Trung tâm phục hồi chức năng cho người mù của Hội từ năm 1997, hy vọng Hạnh tiếp tục phấn đấu đạt nguyện vọng của mình.

 

........................................................

Lượt xem : 1287 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo