Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG 1: THẾ NÀO LÀ NGƯỜI MÙ PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI MÙ CẦN NGHIÊN CỨU
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG 1: THẾ NÀO LÀ NGƯỜI MÙ PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI MÙ CẦN NGHIÊN CỨU

PHẦN THỨ NHẤT

NHỮNG KHÁI NIỆM CHUNG

 

CHƯƠNG 1: THẾ NÀO LÀ NGƯỜI MÙ PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI MÙ CẦN NGHIÊN CỨU

 

1/ Thế nào là người mù?

 

   Trước hết, người mù hay chính xác hơn là người mù mắt là người do tổn thương thị giác không còn nhìn thấy ánh sáng đối với cả hai mắt ( thị lực bằng không ). Miền nam gọi là đui đây là những người mù hoàn toàn hay còn gọi là mù tuyệt đối. Tuy nhiên ở nhiều nước, theo định nghĩa pháp lý chính thức, người ta cũng coi như là mù những người mù thị lực trung tâm ( nhìn thẳng giữa mắt) đối với con mắt nhìn rõ trong hai con sau khi đã tu chỉnh (correction) dưới 1/20 với thị lực này, người mù không thể phân biệt các ngón tay đối với một bàn tay để trước mắt cách khoảng 50 cm. Người mù chỉ phân biệt được một cách lờ mờ ánh sáng lọt qua các cửa sổ một gian phòng. Muốn đi lại người mù không thể dùng mắt mà phải quờ quạng, muốn tìm các đồ vật trong phòng phải sờ soạng tất nhiên không thể nhìn rõ nét mặt của người, không đọc được chữ thường trong sách. Cũng có nước như nước Ý chẳng hạn, người ta còn mở rộng định nghĩa mù ra đến những người có thị lực khá hơn trong hai mắt là 1/10 nhưng phần lớn đều theo tiêu chuẩn trên.

 

   Ở nước ta, chưa có định nghĩa chính thức về tiêu chuẩn mù. Nhưng bản thân tiêu chuẩn giám định y khoa về các di chứng vết thương dẫn đến tổn thương cơ quan thị giác, có quy định xếp loại như sau:

 

   - Chấn thương khoét bỏ hai nhãn cầu không lắp được mắt giả…….. 97%

   - Mù tuyệt đối hai mắt ( thị lực sáng tối âm tính)     ………..…       91%

   - Mù hai mắt thị lực từ sáng tối đến đếm ngón tay 3 cm ….81% đến 85%

   - Một mắt khoét bỏ nhãn cầu, một mắt mù      ……………. ….. 87%

   - Thị lực của mắt tốt hơn trong hai mắt từ đếm ngón tay 3cm đến dưới 1/20…………76 đến 80%.

   Có thể đây là những người thuộc đối tượng mù mà quốc tế quy định.

   Quốc tế còn quy định những người kém mắt ( người loà ) là những người có thị lực đối với con mắt nhìn rõ hơn trong hai mắt dưới 4/20. Đối với những người này, với thị lực còn lại khó sử dụng trong học hành và hoạt động nghề nghiệp ( tức là khó đọc và viết chữ thường mà không có dụng cụ trợ giúp).

 

   Đối chiếu với bảng giám định y khoa của nước ta, những người kém mắt thuộc vào hai loại sau đây:

   - Thị lực của mắt tốt hơn trong hai mắt từ 1/20 đến 1/10…….71 đến 75%

   - Thị lực của mắt tốt hơn trong hai mắt từ 1/10 đến 2/10….....61 đến 70%

   Tiêu chuẩn mù trên đây không chỉ làm căn cứ cho các quốc gia thi hành các chính sách trợ giúp như: Giáo dục, việc làm, trợ cấp bù đắp….mà còn làm căn cứ cho các Hội kết nạp hội viên. Thông thường các Hội người mù chỉ kết nạp những người có thị lực dưới 1/20 ( tức 0,5 phần 10), còn các Hội người mù và Người kém mắt thì kết nạp những người có thị lực dưới 4/20 ( tức là dưới 2 phần 10) .

 

   Trung gian giữa hai loại mù và kém mắt nói trên, còn nhiều loại tổn thương hay rối loạn khác về mắt như: chột, lác ( lé hiếng), thông manh ( hay quáng gà), loạn thị, cận thị, viễn thị….họ đều là những người hỏng mắt hay tàn tật về thị lực.

 

   Một điều cần nói là những người bị mù và kém mắt đều chỉ bị tổn thương ở mắt, tức là chỉ bị tổn thương về giác quan thị giác mà thôi, còn các giác quan khác như: Thính giác, súc giác, vị giác, khứu giác, thần kinh, trí tuệ, thể lực vẫn trong tình trạng bình thường.

 

   Đây là điểm quan trọng để nhận xét, đánh giá chính xác các ảnh hưởng của thiếu khả năng nhìn đối với người mù.

 

   Trong thực tế, tật mù có khi còn kèm theo những tàn tật khác. Ví như: tổn thương về não, về nghe, về tay, chân……Cũng có khi do tổn thương về các bộ phận khác dẫn đến mù, thực chất mắt lại không bị tổn thương ở não dẫn đến bị mù.

 

   Trong các trường hợp này, khi nhận xét, đánh giá, ta phải coi những người này như là những người đa tật ( nhiều loại tàn tật khác nhau) trong đó có tật mù, có khi phải nhìn nguyên nhân tàn tật khác là chính, còn nguyên nhân mù là thứ yếu. Mù mắt là cái dễ nhìn thấy nhất, do đó, các khó khăn, trở ngại do các nguyên nhân tàn tật khác gây ra, người ta cũng dễ cho là tại tật mù, dẫn đến nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, khoa học.

 

   Cuốn sách này chỉ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của tình trạng thiếu thị giác đối với con người, trong khi các giác quan, trí tuệ sức khoẻ trong tình trạng bình thường. Nếu muốn cần đánh giá thêm các ảnh hưởng do tật khác gây ra đối với con người, ví dụ mù, điếc, mù thần kinh…. ta sẽ suy từ đây mà ra.

 

2/ Vì sao không gọi người mù bằng một danh từ khác nghe cho đỡ nặng nề, chẳng hạn như: người không nhìn thấy, người khiếm thị hay khuyết thị chẳng hạn?

 

   Bằng từ thuần việt, ông cha ta đã xây dựng nên một tập hợp từ để chỉ một cách chính xác, khoa học và đầy đủ những mức so khác nhau của một số loại tàn tật nào đó. Chẳng hạn như về mắt, có các từ như đã nêu: mù, loà, chột, lác ( hay lé), hiếng, quáng gà…. Sau này còn thêm một số từ Hán việt ( như: loạn thị, cận thị, viễn thị……)

- Về tay, chân, có các từ như: què, cụt, thọt, khoèo, teo, liệt.

- Về tai, có các từ như: điếc, lãng tai hay nghễnh ngãng.

Đây là một di sản quý do cha ông để lại, trong các từ ấy, không hề có ý chê bai, khinh bỉ hoặc miệt thị. Tuy nhiên do trình độ phát triển còn thấp cộng thêm với chính sách thiếu quan tâm, nên ở nước ta cũng như trên thế giới trước đây, người ta tỏ ra bất lực đối với một số loại tàn tật nặng, trong đó có tật mù. Đối với người mù trước đây, người ta không biết giúp đỡ bằng cách nào. Cho nên nếu bị mù là đành chịu dốt nát, nghèo, thấp kém, tủi nhục, chỉ còn cách ăn mày, ăn xin để kiếm sống qua ngày. Hình ảnh dốt nát, rách rưới, đói nghèo, buồn tủi mà người ta thường thấy ở người mù xưa thực ra không thuộc về bản chất của người mù mà nó nói lên sự bất lực, tình trạng thiếu quan tâm của xã hội đối với người mù. Từ đó từ mù đồng nghĩa với cái gì là xấu xa, thấp kém, khiến người ta sợ hãi coi như một tai họa trời giáng.

 

Nhưng với nền văn minh ngày càng phát triển, với các chính sách ngày càng tiến bộ, ở nước ta cũng như trên thế giới đã có nhiều phương cách để giúp đỡ người mù. Người mù ngày nay cũng được đi học, nhiều người học trình độ cao ( Tiến sỹ, phó tiến sỹ). Người mù cũng tham gia sản xuất và làm nhiều công việc quan trọng có người đảm nhiệm đến chức Bộ trưởng, chủ tịch Hàn Lâm Viện như các ông David Blunkkett ở Anh, Taha Hussein ở Ai Cập, người mù cũng có cuộc sống tươi vui, bình đẳng như mọi thành viên khác. Chữ mù không còn gắn với hình ảnh thấp kém, khổ sở xưa kia đã gặp, hiện nay và sau này cũng vẫn còn. Trong tiếng Anh, tiếng Pháp từ mù vẫn dùng như xưa Blind và Aveugle, nhưng cách nhìn và hình ảnh đã thay đổi khác hẳn. Ở nước ta hiện nay, nhiều người cũng đã hiểu nghĩa chữ mù theo cách mới, tất nhiên cũng còn những nơi vẫn còn nặng nhìn theo cách cũ. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là thay đổi một danh từ mà thay đổi nhận thức và hình ảnh của danh từ đó, không nên để từ mù đi vào quá khứ với một nghĩa đen tối mà vẫn làm cho nó sống với một khái niệm tốt đẹp.

 

Tất nhiên, trong giao tiếp ngoài từ mù vẫn có thể dùng các từ khác. Chúng ta chủ trương làm giàu tiếng việt, làm sao cho tiếng việt ngày càng phong phú, dồi dào, tế nhị. Cho nên ngoài từ mù dùng thêm các từ khác như: không nhìn thấy, khiếm thị, khuyết thị lại càng tốt, nhưng nếu vì cho rằng từ mù loà xấu nên thay thế thì không nên, trong tiếng nước ngoài người ta cũng dùng như từ non-voyanh hay no seeing man chẳng hạn.

 

Nếu không dùng từ mù thì phải dùng một từ có nghĩa giống như vậy. Nhưng gọi người mù bằng người hỏng mắt thì không nên, bởi vì hỏng mắt bao gồm nhiều loại tổn thương khác về mắt nữa.

 

Nhân đây xin nói có bố mẹ đẻ ra con bị mù, sợ con biết sinh ra buồn cứ kéo dài không muốn cho con biết sự thật. Điều này chỉ gây tác hại tốt nhất là nhìn thẳng vào sự thật, từ đó giúp đỡ con vươn lên, không tránh né, buồn phiền. Chắc chắn hiệu quả còn tốt hơn nhiều.

 

3/ Nên phân loại người mù như thế nào?

 

   Tuỳ theo mục đích sử dụng, có thể phân loại người mù theo nhiều cách. Có thể phân theo nguyên nhân gây ra tật mù bẩm sinh, bệnh tật, tai nạn lao động, do chiến đấu…. ngay trong bệnh tật cũng có nhiều nguyên nhân: Sởi, đậu mùa, thiên đầu thống, thiếu vi ta min A, đục thuỷ tinh thể…. Cũng có thể phân theo trình độ học vấn hay theo nghề nghiệp, theo đời sống: Khá giả, trung bình, đói, nghèo….

 

   Tuy nhiên, có hai kiểu phân loại cần chú ý nhất. Đó là phân theo tuổi bị mù và phân theo tuổi của người mù:

 

Phân theo tuổi bị mù trong cách phân loại này, người ta phân thành ba mốc chính sau đây: những người bị mù trước 6 tuổi, những người bị mù 6 tuổi cho đến hết tuổi trung niên hay tuổi lao động và những người bị mù khi đã già ( quá tuổi trung niên, tuổi lao động.)

 

Những người bị mù bẩm sinh hoặc trước 6 tuổi là những người không hề được nhìn thấy ánh sáng hoặc có được nhìn thì cũng còn quá bé để có thể nhớ lại những hình ảnh mắt nhìn thấy, những người mù này là những người mù tiêu chuẩn, họ không tận dụng gì được ở ánh sáng ở mắt nhìn. Hoạt động giác quan của tư duy, trí tuệ hoàn toàn dựa vào các giác quan khác. Nghiên cứu người mù phải tập trung chủ yếu vào hai loại này. Ảnh hưởng của việc mất giác quan nhìn đối với con người trên các mặt thể hiện chủ yếu ở loại người mù này. Tất nhiên đây không phải là những người mù hoàn toàn, không còn thấy tí nào ánh sáng. Còn những người còn thấy lờ mờ, cũng đúng với tiêu chuẩn vì còn thấy ít nhiều.

 

Đặc biệt, những người bị mù bẩm sinh và trước tuổi là thời kỳ giác quan, trí tuệ, thần kinh còn đang non trẻ, tươi nhạy, nếu được chăm sóc, giúp đỡ rèn luyện kịp thời vào lứa tuổi này thì sẽ phát triển tốt. Ngược lại, nếu thiếu quan tâm bỏ mặc thì sau lớn sẽ gặp nhiều khó khăn như giác quan kém tinh nhậy, trí óc thiếu thông minh, thể lực sút kém, cử động vụng về…..

 

- Những người bị mù sau 6 tuổi, trong độ tuổi trung niên trở về là những người có ít nhiều thuận lợi về thời gian sáng mắt như: các hình ảnh mắt nhìn, rèn luyện trí lực, thể lực trong thời gian sáng mắt. Những thuận lợi này, sau khi hỏng mắt giúp họ trong nhận thức, hiểu biết. Càng mù muộn thì thuận lợi của thời gian sáng mắt càng nhiều, nhưng khi họ bị mù thị họ không thể hoạt động theo kiểu cũ, họ phải có một thời gian thích nghi, rèn luyện các giác quan khác để thay thế cho mắt nhìn, nếu họ tích cực rèn luyện thì họ cũng sẽ tiến bộ. Nhưng nếu họ chần chừ, luyến tiếc quá khứ họ vẫn ỷ lại vào những cái đã có khi còn sáng mắt thì sẽ chậm tiến bộ, nếu bị mù muộn thì thời gian sáng mắt có nhiều thuận lợi. Nhưng ngược lại gặp khó khăn trong rèn luyện ở giai đoạn mới, bởi vì, tuổi càng lớn thì các giác giác quan càng bớt tinh tế, việc học sờ mó và học nghe sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu bị mù sớm thì hình ảnh mắt nhìn ít nhưng lại thuận lợi về rèn luyện thích nghi với hoàn cảnh mù.

 

- Đối với những người già mới bị mù. Thực ra, đây là sự thoái hoá do tuổi già, không chỉ mắt kém đi, mà các khả năng khác cũng không còn tinh tường như người trẻ. Đối với những người này, rèn luyện để thích nghi với hoàn cảnh mù là khó. Hơn nữa, do tuổi già các nhu cầu về học tập, việc làm….cũng không còn bức thiết như những người trẻ tuổi hơn, cần phân biệt riêng để có biện pháp giúp đỡ thích hợp.

 

Tóm lại cách phân loại theo tuổi bị mù là để phục vụ cho việc rèn luyện giác quan, trí tuệ….đáp ứng yêu cầu cuộc sống của những người không còn khả năng nhìn.

 

Còn việc phân loại theo tuổi của người mù là để đáp ứng yêu cầu học tập, làm việc và các yêu cầu khác của người mù, người này khó có khả năng về trí tuệ, tư duy. Nếu người này được đi học, rèn luyện sớm thì sẽ phát triển, nhưng nếu để quá tuổi mới đến trường học thì cũng khó khăn như các cháu sáng mắt không được đến trường học đúng với lứa tuổi chủa mình.

 

Căn cứ vào nhu cầu phát triển, học hành làm việc, tuổi của người mù cũng cần được phân loại như tuổi của người bình thường. Cụ thể là: tuổi sơ sinh, nhà trẻ, tuổi mẫu giáo, tuổi học đường ( thiếu niên, nhi đồng) tuổi thanh niên, tuổi đi làm ( tuổi lao động) và tuổi già. Có thể số tuổi rút bớt để phù hợp với tình trạng tàn tật, nhưng phải có từng ấy giai đoạn để có hình thức, biện pháp chăm lo phù hợp.

 

4/ Cần tập trung nghiên cứu vào loại người mù nào?

 

Qua phân tích trên, ta thấy đối tượng người mù cần đi sâu nghiên cứu là những người mù hoàn toàn do bẩm sinh hoặc bị mù trước 6 tuổi. Bởi vậy đây là đặc trưng cho những người nhận thức, hoạt động hoàn toàn không dựa trên mắt nhìn, cái hạn chế, cũng như cái khả năng của họ mới thực đúng là của người mù. Trên cơ sở nắm chắc hạn chế, khả năng của người mù bẩm sinh và mù sớm sẽ đi sâu nghiên cứu các loại mù khác như: mù sau tuổi lên 6, mù kết hợp với các loại tật khác….

 

Ngoài ra, phải chú ý đến những người mù, độ tuổi lao động trở xuống, bởi vì đây là số người mù có nhiều nhu cầu, nguyện vọng: nhu cầu rèn luyện giác quan, trí tuệ, thể lực, nhu cầu học tập, sản xuất, làm việc, vui chơi, giải trí, giao tiếp, hoạt động xã hội hạnh phúc gia đình.

 

5/ Mục đích của cuốn sách là gì?

 

Mục đích của cuốn sách là phân tích một cách khách quan, khoa học những khó khăn, trở ngại do tật mù có thể gây ra, khẳng định những khả năng có thể có của người mù với sự nỗ lực, rèn luyện của bản thân, sự trợ giúp của gia đình, Nhà nước, xã hội và cộng đồng, những chủ trương, hình thức, biện pháp cần áp dụng để tạo điều kiện cho người mù vươn lên khắc phục khó khăn, hạn chế phát triển khả năng, tham gia học tập, sản xuất, làm việc để có một cuộc sống hữu ích, bình đẳng, hoà nhập trong gia đình và ngoài xã hội.

 

Mục đích cuốn sách nhằm nêu ra những giới hạn, những khả năng chung mà mọi người mù có thể thực hiện được với sự hỗ trợ của bản thân và sự tạo điều kiện. Nó không nhằm nêu lên những khả năng đặc biệt, những tài năng kiệt xuất trong người mù. Tất nhiên, cũng giống như những người bình thường, trong khả năng sự phấn đấu chung, có người đạt cao, có người đạt trung bình, thậm chí có người đạt thấp, cũng có người tạo nên kỳ tích, những thành tích đặc biệt. Chúng ta phấn đấu để nhiều người mù có khả năng, trên cơ sở đó khuyến khích mọi tài năng. Nhưng không nên chỉ chú ý những người đặc biệt trong khi đại bộ phận quần chúng người mù thì vẫn sống trong tình trạng thấp kém. Đó cũng là mục tiêu cần phấn đấu để đạt tới.

 

PHẦN THỨ HAI

CƠ SỞ KHẢ NĂNG CỦA NGƯỜI MÙ

 

Ba yếu tố cơ sở của khả năng con người nói chung người mù nói riêng là: giác quan, trí tuệ, và thể lực. Trong đó trí tuệ đóng vai trò chỉ huy, điều khiển, phối kết hợp, giác quan đóng vai trò tiếp nhận thông tin, cảm xúc, cảm giác, theo dõi, giám sát việc thực hiện các hành động: bảo đảm cho hành động diễn ra theo ý muốn, còn thể lực là để thực hiện hành động theo sự chỉ huy, điều khiển của chí tuệ, sự theo dõi, giám sát của các giác quan.

 

Phần nào sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của việc mất thị lực đối với hoạt động giác quan, trí tuệ, thể lực của con người cụ thể là đối với người mù.

  

Lượt xem : 7341 Người đăng :

Bình luận

pham van loc

chao chuong trinh em bi khuyết tật 2 mat. mot mat khong thay va mot mat chi thay 3/10. vay xin hoi nhu vay thi co duoc xem la nguoi khuyet tat nang khong? xin cam on

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo