Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG II: GIÁC QUAN VÀ SỰ BÙ ĐẮP GIÁC QUAN Ở NGƯỜI MÙ (P 2)
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG II: GIÁC QUAN VÀ SỰ BÙ ĐẮP GIÁC QUAN Ở NGƯỜI MÙ (P 2)

 

II/ SỰ BÙ ĐẮP GIÁC QUAN, VAI TRÒ, TÁC DỤNG CỦA XÚC GIÁC VÀ THÍNH GIÁC ĐỐI VỚI NGƯỜI MÙ.

 

1/ Hiểu bù đắp giác quan của người mù thế nào cho đúng.

 

Do dựa chủ yếu vào mắt nhìn không đánh giá đầy đủ vai trò, tác dụng của các giác quan khác nhất là của xúc giác và thính giác. Khi chẳng may xảy ra mất khả năng nhìn, người bình thường cho là mất hết, các giác quan còn lại, trí tuệ thể lực cũng không còn giúp được gì ở người mù trở nên bất lực trí óc để trống rỗng, không có gì để hoạt động. Thậm chí có người còn cho rằng giác quan nhìn mất đi thì các giác quan khác cũng sẽ tàn lụi súc giác không phát triển.

 

Tuy nhận thức như vậy, nhưng khi đi vào thực tế người bình thường lại cảm thấy người mù không phải hoàn toàn bất lực. Họ làm được nhiều việc mà theo suy nghĩ trước đây của người bình thường là người mù không thể làm được, họ rất ngạc nhiên về những việc này. Chẳng hạn, người ta ngạc nhiên khi thấy bước rất nhẹ vào phòng người mù, không hề gây ra tiếng động mà người mù đã biết là có người vào và cất tiếng hỏi. “Ai đấy” và khi họ cất tiếng nói người mù đã nhận ra ngay người vào, có khi chỉ bằng nghe giọng nói còn đoán được tuổi, người cao hay thấp, béo hay gầy, tính tình điểm đạm hay nhanh nhảu…. người ta cũng ngạc nhiên khi thấy người mù vẫn đi lại ngoài đường một mình, theo đúng mép đường hoặc vệ cỏ và rẽ đúng vào nhà người mù muốn đến, không cần phải hỏi han hoặc như thấy người mù vẫn gọt được vỏ bí, vỏ khoai nhẵn nhụi, không hề sót một tý vỏ nào, nhặt rau muống bỏ hết các lá vàng, các đoạn già họ càng ngạc nhiên khi thấy người mù sờ mà đọc được chữ, sờ mà đan được nhiều loại rổ rá, phát hiện được những lỗi rất nhỏ trong khi đan mà ngay mắt nếu nhìn không kỹ cũng khó phát hiện hoặc khi vào phòng, biết ngay trong phòng có lọ hoa, có loại quả hay bánh gì đang bày….và còn rất nhiều điều ngạc nhiên khác.

 

Để bày tỏ nỗi ngạc nhiên, người bình thường hay phát biểu như sau: “ Anh hay (chị) cũng làm được việc này à” hoặc “ Anh hay (chị) tài thật, giỏi quá”. Nhiều người mù tưởng đó là lời khen và rất phấn khởi cho rằng người ta khen mình có tài. Thật ra đây không phải là lời khen mà do quan niệm đã ăn sâu trong tiềm thức người bình thường cho rằng người mù không thể làm được việc này hay việc nọ. Khi thấy làm được họ tỏ ra ngạc nhiên về cơ bản người ta vẫn đánh giá thấp người mù vì đây là một nhận thức không dễ dàng xoá bỏ. Nếu người bình thường hiểu đúng vai trò tác dụng của các giác quan khác, ngoài thị giác thì họ phải bày tỏ ngạc nhiên khi thấy người mù không thể nhận ra tiếng nói, không thể tự gọt được khoai, nhặt được rau dùng tay để đọc chữ hay để đan lát, dùng mũi để nhận ra các mùi thơm…..những tín hiệu mà do vì có mắt nhìn người bình thường hay bỏ qua.

 

Và để giải thích cho nỗi ngạc nhiên của mình, đáng lý người bình thường phải tìm nguyên nhân ở sự nỗ lực rèn luyện giác quan của người mù thì người ta lại đổ cho tại nguyên nhân từ bên ngoài. Họ cho rằng khi tạo hoá đã cướp đi của con người một giác quan quý giá thì sẽ bù đắp lại bằng cách cho các giác quan còn lại một độ tinh tế khác thường. Tai của người mù phải thính hơn đây là quan niệm thông thường, phổ biến tuy không đúng về sự bù đắp giác quan ở người mù. Thậm chí người ta còn tiến lên cho rằng ở người mù có một sự huyền bí, thần linh nào đó. Chẳng hạn cho người mù do mất mắt không thể biết được hiện tại, nhưng lại biết được hậu vận bói toán rất đúng, rất ứng nghiệm, đây là cơ sở để cho nghề thầy bói khá phát triển trong người mù trước đây. Cũng do lý do này ở một số nước người mù còn được dùng để đọc kinh co ran ( kinh của đạo Hồi) vì người ta cho rằng các vị thần linh thích nghe người mù đọc hơn, người mù đọc êm hơn dù cho họ đọc nhưng không hiểu nghĩa.

 

Vậy nên hiểu sự bù đắp giác quan ở người mù như thế nào cho đúng. Khi mất khả năng nhìn, các giác quan còn lại, sẽ tinh, nhậy hơn hay vẫn giữ nguyên, hoặc suy giảm tàn lụi dần.

 

Tất nhiên khi xem xét vấn đề này, ta phải loại trừ những thay đổi do chính bệnh tật hay nguyên nhân mù sinh ra. Chúng ta đã quy ước rằng bị mù nhưng các giác quan còn lại, trí tuệ, thể lực vẫn trong tình trạng bình thường như trước.

 

Về vấn đề này, các nhà khoa học đã dùng máy đo độ nhậy của xúc giác, đo độ thính của tai nghe, độ tinh của mũi ngửi để kết luận. Họ đã đo ở nhiều người mù, với nhiều loại mù khác nhau đã đo ở nhiều người sáng và đã đi đến kết luận rằng độ nhạy cảm về xúc giác, thính giác, khứu giác ở người mù bẩm sinh, người mù do các nguyên nhân khác cũng như ở người bình thường cũng tương đương chẳng có gì khác biệt lớn.

 

Về máy đo độ thính của tai, ta đã thấy ở các bệnh viện tai mũi họng. Người ta áp vào hai tai người cần đo độ thính một cái tai nghe kín không để âm thanh bên ngoài lọt vào. Sau đó bằng mọi thiết bị khác, người ta phát vào các tai nghe những âm thanh với độ lớn ngày càng giảm, người được đo báo cho người đo biết khi nào thì tai không còn nghe được âm thanh nữa, nếu càng nghe được âm thanh nhỏ thì độ thính càng cao và ngược lại.

 

Còn đo độ tinh của mũi thì người ta đút vào hai lỗ mũi một ống cao su, ống này được nối vào một nguồn hương thơm có nút điều chỉnh để hương có thể phát ra mạnh hay yếu tuỳ ý. Người ta điều chỉnh nguồn hương thơm phát ra từ yếu đến mạnh. Đến khi nào mũi của người được đo báo đã bắt đầu ngửi thấy mùi thì đó là độ tinh của mũi. Nếu chỉ cần một lượng hương thơm nhỏ mũi đã ngửi thấy thì độ thính của mũi là cao và ngược lại.

 

Về đo độ nhạy của xúc giác, người ta dùng một dụng cụ có hai càng mở ra khép vào được giống như hai càng của một com-pa dùng để vẽ vòng tròn. Đầu hai càng là hai mũi kim hơi nhọn khi khép hai mũi kim gần sát vào nhau rồi ấn vào da chỗ cần đo, thì dù hai mũi đều xấn vào da, người được đo cũng chỉ cảm giác như có một mũi mà thôi. Người ta doãng dần hai mũi kim ra xa nhau cho đến khi nào người được đo cảm thấy rõ ràng có hai mũi kim chọc vào da mình. Khoảng cách nhỏ nhất mà da cảm thấy rõ hai mũi kim nói lên độ nhậy của xúc giác, khoảng cách này thường là 1,5 mm gấp 15 lần so với độ tinh nhạy của mắt ( 0,1 mm) như đã nói ở mục 3 chương II.

 

Độ nhạy cảm xúc giác nói lên độ lượng đầu dây thần kinh xúc giác tập trung dưới da là dày hay mỏng, nhiều hay ít. Nó thay đổi tuỳ theo vị trí trong cơ thể con người, nơi số lượng đầu dây thần kinh xúc giác tập trung dày đặc nhất là ở đầu lưỡi và môi. Tại đây độ nhạy xúc giác chỉ khoảng 1mm, đầu các ngón tay cũng là nơi tập trung số đầu dây thần kinh xúc giác, càng đi sâu vào phía trong ngón tay, số lượng càng giảm. Trên các mu bàn tay độ nhảy cảm khoảng 3mm, cần nói thêm độ nhạy cảm xúc giác cao không có nghĩa là khả năng sờ mó cao. Cụ thể như các đầu ngón tay đo nhạy cảm giác tuy không thật cao, nhưng khả năng sờ mó của chúng lại rất cao.

 

Như đã nói ở trên, độ nhạy cảm, tinh, thính của các giác quan ở người mù cũng chẳng khác gì người bình thường. Đó là nhìn chung nhưng đi vào từng con người cụ thể thì người mù cũng như người sáng, có người tinh, thính, nhạy cảm hơn về giác quan này, có người kém hơn trong người mù cũng như trong người sáng có những người có khả năng đặc biệt về độ thính của tai, độ tinh của mũi, cũng như độ nhạy bén của xúc giác.

 

Lịch sử còn nhắc đến tên của một người đàn bà vừa mù, vừa điếc bẩm sinh ở Pháp tên là Ma-ri Héc - tanti ( Marie Heurtin) ở Lác- nay (Larnay) sinh năm 1888. Bà có thể ngửi phân biệt được mùi của từng người. Người trong một phòng họp rộng người ta yêu cầu bà tìm một người bạn của Bà. Bà đứng dậy đi quanh và dùng mũi ngửi phát hiện ra người cần tìm và người ta nói rất ít khi bà nhầm lẫn. Người ta cũng nói có một người vừa mù vừa điếc khác, cũng chỉ bằng mũi ngửi đứng trên tầng hai của nhà biết người đưa thư đến chỉ nhờ ngửi thấy mùi chiếc cặp bằng da do nắng bốc mùi lên.

 

Riêng tôi, tôi đã được gặp vào năm 1971 tại 061 trại thương binh 582 một chiến sỹ lái xe quân đội bị thương mù hai mắt. Anh có một tài đặc biệt là khi có ai viết vào người anh dù ở đâu đùi, lưng, tay, viết bằng ngón tay bằng chữ thường viết nhanh hay chậm, viết xuôi hay ngược một số từ nào đó anh đều nhận ra ngay tôi cũng đã từng thử tài của anh. Khi tôi viết tài liệu này tôi đã xa anh 27 năm nhưng không bao giờ tôi quên được tài của anh. Tôi chắc tài này anh có ngay từ khi còn sáng mắt.

 

Vậy những việc do người mù có thể làm được không phải do giác quan của người mù tinh tế nhạy bén hơn hoặc do một sự thần linh bí ẩn nào đó thì do nguyên nhân gì?

 

Đó chính là nhờ sự rèn luyện giác quan, trí tuệ nhờ biết khai thác các thông tin tín hiệu về thế giới bên ngoài do các giác quan còn lại cung cấp, tận dụng mọi khả năng điều kiện có thể được tiếp đó là phân tích, tổng hợp kết hợp chế biến thành những tư duy, nhận thức cần thiết cho hoạt động của người mù như vậy chính là bằng công sức, bằng sự suy nghĩ tìm tòi mà người mù làm được các việc trên.

 

Thật ra những việc mà người mù làm được đều là những việc đơn giản, người bình thường có mắt làm không có gì khó khăn khi mất giác quan nhìn, bằng các giác quan khác kết hợp với trí tuệ, người mù cũng làm được tuy có khó nhọc vất vả hơn.

 

Ví dụ như một người vào không gặp một người mù chỉ nghe tiếng động nhỏ là người mù có thể biết ngay, bởi vì khi bị mù thì chỉ có cách này để nhận ra người vào phòng. Người mù phải chú ý  nghe tiếng động, lại còn phải chú ý nhận xét tiếng nói để nhận ra người vào phòng là ai, tuổi bao nhiêu, cao hay thấp, tính tình thế nào. Từ sự chú ý dần dần tích luỹ kinh nghiệm, nghe tiếng động thế nào biết là có người vào, giọng nói người này khác người kia ra sao. Người cao tuổi thì giọng khác với người trẻ thế nào, hay như gọt bí, gọt khoai bằng tay sẽ được rèn luyện, người mù có thể biết được chỗ gọt rồi khác với chỗ chưa gọt thế nào, hoặc như vào một phòng có cắm lọ hoa hoặc bầy hoa quả sẽ có mùi thơm bay lên, chỉ cần chú ý là phân biệt được.

 

Còn người bình thường, khi có người vào phòng nghe tiếng động, họ đã quay đầu lại nhìn và biết có người vào hay không, người đó là ai ….Họ không cần chú ý đến giọng nói để phân biệt hoặc gọt bí, gọt khoai đều do mắt theo dõi, kiểm tra, còn đi đâu về phòng muốn quan sát có gì khác lạ trong phòng họ đều dùng mắt nên các thông tin do các vật thể phát ra họ không cần chú ý và khai thác hết.

 

Ý nghĩa của sự bù đắp giác quan ở người mù chính là trong hoàn cảnh không còn mắt nhìn phải tận dụng, khai thác các loại thông tin, tín hiệu tiếp nhận bằng các giác quan còn lại, chế biến tổng hợp kết hợp để biến thành những hình ảnh, nhận thức kiến thức có tác dụng cho tư duy, tình cảm hành động của người mù. Nó là quá trình thuần tuý tâm lý, do tư duy, ý chí của con người quyết định, không phải do tạo hoá, thần linh lực lượng bí ẩn nào tạo ra. Nếu người mù tích cực rèn luyện nếu nguồn thông tin cung cấp qua các giác quan được đầy đủ phong phú trí tuệ phân tích, tổng hợp, kết hợp được tốt thì khả năng của người mù cũng được tăng cường và ngược lại.

 

Qua sự phân tích trên, ta thấy sau khi bị mù các giác quan còn lại tuy không tinh, nhậy hơn, nhưng hoạt động phải tăng cường hơn nhiều, nỗ lực hơn nhiều. Nó không thể bị tàn lụi mà càng trở nên phát triển, rèn luyện tốt hơn.

 

Đây là cách hiểu đúng hơn, khách quan khoa học về sự bù đắp giác quan ở người mù. Sự bù đắp này thể hiện với cả 4 giác quan còn lại nhưng tập trung chủ yếu ở giác quan xúc giác, thính giác.

 

Đối với người mù điếc, mất đi hai giác quan thị giác, thính giác thì họ tìm và tận dụng khai thác tối đa ba giác quan còn lại nhưng chủ yếu là giác quan sờ mó ( xúc giác).

Cũng có người vừa mù, vừa điếc lại vừa không có khả năng ngửi, thì tận dụng khai thác chủ yếu giác quan sờ mó.

 

2/ Vai trò tác dụng của xúc giác đối với người mù như thế nào?

 

Có thể nói, mất giác quan nhìn xúc giác trở thành giác quan quan trọng nhất giúp cho người mù trong nhận thức và hành động.

 

Xúc giác gồm có trước hết là hai tay, chủ yếu là hai bàn tay, các ngón tay, nhất là hai ngón tay trỏ. Đây là cơ quan sờ mó chi tiết, tinh vi không những là cơ quan sờ mó chủ yếu, tay còn là cơ quan hoạt động chủ yếu của con người xúc giác còn gồm tất cả những nơi có da như: Mặt mũi, tai, môi, cổ, cánh tay, thân mình và hai chân. Chân còn là cơ quan vận động, đi lại chủ yếu của con người, do tay chân không đơn thuần là cơ quan xúc giác nên nếu bị tàn tật về tay, về chân người ta lại coi như tàn tật vận động chứ không phải tàn tật về xúc giác.

 

Đối với người bình thường, hai tay còn tham gia sờ mó ít nhiều để góp phần với đôi mắt trong nhận thức thế giới khách quan đối với người bình thường, tay cũng ít khi tham gia theo dõi, giúp sức hoạt động chỉ trừ đêm tối, không có đèn mắt không nhìn được thì người bình thường mới dùng tay để sờ và đi lại. Các bộ phận khác của xúc giác như da mặt, da mình, hai chân, xúc giác chỉ có tác dụng canh phòng bảo vệ cho cơ thể khỏi bị những ảnh hưởng bất lợi của bên ngoài như: đề phòng khỏi bị quá nóng, quá lạnh bị các loại côn trùng như ruồi, muỗi quấy rầy gây hại. Nó không hề tham gia vào việc nhận thức thế giới cũng như theo dõi, giám sát hành động.

 

Nhưng khi đã bị mù, toàn bộ cơ quan xúc giác của con người đều tham gia vào việc cung cấp thông tin, tín hiệu cần thiết cho nhận thức, hiểu biết đồng thời tham gia vào việc theo dõi, giám sát hoạt động bảo đảm hoạt động diễn ra đúng ý định tránh nguy hiểm, tai nạn.

 

Ví dụ như hai chân đối với người bình thường chỉ dùng để đi, việc bảo đảm đi đúng đường tránh các vật chướng ngại đều do mắt đảm nhiệm. Khi bị mù chân vừa dùng để đi, lại phải chú ý nhận ra đường đi không bị lạc, bị chệch đường khỏi vấp vào đá hay sa xuống cống rãnh. Ở nông thông người mù thường đi theo mép cỏ hai bên đường, chân người mù vừa đi vừa chú ý xem các cây cỏ có chạm vào chân hay không nếu không chạm là đi sai đường. Ở Thành phố người mù thường đi dưới lòng đường sát với vỉa hè nơi này đường thường dốc về phía vỉa hè, bảo đảm cho nước mưa chảy vào các cống rãnh hai bên đường. Khi bước chân người mù chú ý độ dốc này, nếu không thấy dốc coi như đã đi quá ra bên ngoài sẽ gặp xe cộ, hoặc chân chú ý các mấp mô các ổ gà trên đường để biết xem đã đến chỗ mình cần rẽ vào hay chưa. Như vậy người mù dựa vào các thông tin, tín hiệu về sờ mó do chân cung cấp để đi chứ không phải đếm bước chân như một số người lầm tưởng.

 

Hoặc như da mặt, da người, dựa vào đó người mù biết mình đang đi qua bếp, lò sưởi, bếp điện đang cháy hay đã tắt biết mình đang đi nơi che khuất hay trống trải. Đi trên đường vào buổi chiều nắng rọi phía phải người, chứng tỏ người mù đang đi về phía nam, nếu ánh sáng rọi sau lưng tới người mù đi về hướng đông, nếu rọi phía trước mặt người mù đi về phía tây. Hoặc khi vào một phòng họp trần thấp, da mặt, da người của người mù cảm thấy nặng, nóng ngược lại vào một phòng rộng trần cao sẽ thấy thoáng, mát dễ chịu. Nhờ đó mà người mù biết được kích thước của phòng.

 

Đây chỉ là một số ít trong rất nhiều thông tin, tín hiệu mà chân, da mặt, da người có thể cung cấp cho người mù để sử dụng trong nhận thức và hướng dẫn hoạt động.

 

Tuy nhiên quan trọng nhất trong sờ mó vẫn là hai tay, bao gồm hai cánh tay, các bàn tay, ngón tay nhất là hai ngón trỏ. Có khi vật phải sờ quá lớn dang hai tay cũng không xuể phải dùng cả hai chân đi bao vòng quanh hoặc đi lần lượt các nơi để sờ, cách sờ của tay cũng rất phong phú đa dạng. Có khi sờ tổng quát để nắm chung tình hình, sau đó đi vào sờ tỉ mỉ, có khi xoa vuốt, có khi nắn bóp, uốn, bẻ, có khi dùng cả bàn, có khi dùng một số ngón, có khi xoè ngón tay cái, tay giữa để đo, có khi lại chỉ dùng ngón tay trỏ để đi vào từng chi tiết, từng ngóc ngách, có khi sờ rồi đêm nằm nghĩ lại thấy có chỗ chưa nắm được, chưa hiểu ngày hôm sau lại sờ. Đối với người mù sờ rất là quan trọng, có sờ mới nắm mới hiểu được người bình thường  có câu: “ Trăm nghe không bằng một thấy”. Thấy đối với người sáng rất quan trọng tất nhiên chúng ta cần hiểu chữ thấy ở đây, không đơn thuần là nhìn mà chính là phải đến tận nơi, ngoài nhìn có khi người sáng còn phải sờ mó. Còn đối với người mù lại có câu: “ người mù chưa được sờ coi như chưa được biết”.

 

Vậy bằng tay sờ, người mù có thể nắm được những loại thông tin gì, không nắm được loại thông tin gì?

 

Bằng tay sờ, nếu vật không quá lớn trong phạm vi tay cầm được hoặc bao quát được, người mù có thể nắm được một cách chính xác hình dáng, kích thước, kết cấu, độ cứng, độ bóng, độ mịn, độ dòn, độ dẻo dai, thô ráp, trọng lượng độ mềm, xốp,  nhiệt độ nóng, mát lạnh…..có nghĩa là tất cả thông tin về vật chất đối với vật thể, chỉ trừ một loại thông tin không nắm được đó là màu sắc còn về tiếng động mùi của vật, tay không phát hiện được người mù phải dựa vào tai và mũi.

 

Đối với những vật quá lớn, tay người mù không thể bao quát được, chân người mù không thể đi tới được, người mù không thể với, leo trèo hay dùng gậy để sờ được thì người mù đành phải tìm hiểu bằng cách nghe tả lại, tưởng tượng hình dung qua sờ mó các hình vẽ, sờ đồ nổi, các hình thu nhỏ lại hoặc qua các hình ảnh so sánh cách này cũng được áp dụng đối với người bình thường khi xem xét đến các vật thể quá lớn hoặc quá bé so với tầm nhìn. Chẳng hạn muốn hình dung quả đất người bình thường nghe miêu tả xem các hình ảnh các mô hình thu nhỏ để hình dung. Đối với các vật bé như: vi trùng, nguyên tử, phân tử cũng vậy.

 

Bằng sờ mó, người mù còn nắm được nhiều thông tin quý báu khác. Chẳng hạn, nắm một bàn tay to chắc có thể đoán đây là tay của một người cao lớn, khoẻ mạnh, một người yếu thì bàn tay mềm ít bắp thịt, một người già bàn tay gầy, khô cứng, bàn tay của một người thợ thì chai nhám, còn bàn tay của một nhà trí thức thì mềm mại.

 

Tính tình, tình cảm cũng lộ ra ở bàn tay. Bắt tay chặt giữ lâu, chứng tỏ là một người nhiệt tình, thiện chí, bắt tay hờ hững rút nhanh chứng tỏ người tự hào bề trên. Một người chín chắn điềm đạm, bắt tay phải khác với một người xốc nổi láu táu….

 

Đặc biệt, ngày nay người mù có một phương tiện quý báu để sờ mó. Đó là chữ nổi thông qua sờ đọc chữ nổi, người mù mở rộng rất nhiều nhận thức hiểu biết của mình. Ngoài việc học văn hoá còn có thể làm toán, học âm nhạc, thư từ giao dịch người mù cũng đã có nhiều sách, báo bằng chữ nổi để đọc.

 

Sờ mó đối với người mù không chỉ có tác dụng cung cấp thông tin để nâng cao nhận thức, hiểu biết mà còn là phương tiện chủ yếu giúp người mù theo dõi, giám sát hoạt động bảo đảm cho hoạt động được đúng ý định và an toàn.

 

Đối với người bình thường, việc theo dõi, giám sát hoạt động dựa vào chủ yếu vào mắt nhìn, còn người mù dựa chủ yếu vào sờ bằng tay. Có thể nói đối với người bình thường mọi công việc đều có sự tham gia của con mắt thì ở người mù, mọi việc đều có sự kiểm tra theo dõi của bàn tay.

 

Ví dụ khi đi, ta thấy người mù thường lướt nhẹ tay vào tường, vào tay vịn cầu thang hay dơ trước mặt. Họ làm như vậy để đi được đúng hướng và tránh nguy hiểm. Người sáng viết xong dùng mắt để kiểm tra còn người mù viết bằng tay mà cũng kiểm tra bằng tay. Trong sinh hoạt hay sản xuất cũng vậy muốn kiểm tra xem gọt bí hay khoai đã sạch vỏ chưa, muốn kiểm tra xem sản phẩm làm ra có sai lỗi gì không đều phải dùng ngón tay sờ mó.

 

Tóm lại sau khi bị mù xúc giác nói chung khả năng sờ mó của tay không hề suy giảm, tàn lụi mà phát triển tiến lên, tận dụng khai thác, phát huy cao mọi khả năng có thể được để thay thế con mắt cung cấp thông tin, kiến thức theo dõi, giám sát hành động của người mù. Nhiệm vụ của nó trở nên nặng nề gấp bội bởi vì vẫn là công cụ hoạt động chủ yếu của người mù.

 

Tuy nhiên xúc giác nói chung hoạt động sờ mó của tay nói riêng cũng có những nhược điểm như sau:

 

- Muốn nhận thức bằng sờ mó, phải sờ chạm vào vật người ta đã nói “ nhìn là sờ mó từ xa, còn sờ mó là nhìn gần”. Phạm vi sờ ở chỉ giới hạn phạm vi của tay, dù dang rộng hai tay cầm thêm gậy cũng không thể sờ ra được. Cho nên sờ mó chỉ có thể nhận thức trong phạm vi gần. Đặc biệt không phải chỗ nào tay cũng có thể sờ mó tới được ví dụ không thể sờ vào người vào mặt người khác.

 

- Bằng sờ mó không thể ngắm ngay tổng thể, tức khắc các hình ảnh, muốn nắm được phải được sờ mó một cách tuần tự, tỉ mỉ từ bộ phận tiến lên tổng thể từ chi tiết tiến lên toàn phần phải thông qua một sự tổng, kết hợp mới trở thành nhận thức, kiến thức. Do đó nhận thức bằng sờ mó thường chậm trễ không thể nhanh nhạy như mắt nhìn, muốn cho người mù nắm được hiểu được sâu và đầy đủ, phải cho họ có thời gian nghiên cứu, tổng hợp.

 

- Tay sờ không thể nào tinh tế bằng mắt nhìn, mắt có thể nhìn rõ các chi tiết nhỏ bé, phức tạp, tinh vi. Còn sờ tay sức nhạy cảm kém hơn dù có cố gắng sờ thật tỉ mỉ cũng không thể phát hiện các chi tiết nhỏ bé, phức tạp. Đặc biệt tay sờ không thể nào nắm được các vẻ đẹp, các tình cảm chỉ mắt nhìn mới thấy được, ví như vẻ đẹp của nét mặt, của mái tóc, dáng đi ….những tình cảm thẹn thùng, e lệ, giận dữ, buồn phiền….nhiều hình ảnh có thể gây ra kích thích mãnh liệt đối với tư tưởng, tình cảm khi được nhìn thấy, nhưng khó gây ra rung động bằng tay sờ ví dụ như thấy cảnh người ốm nằm nhăn nhó, đau đớn, cảnh thương tâm, rùng rợn khi thấy một người gặp tai nạn xe cộ, cảnh vui sướng nhảy nhót tột độ khi thi đỗ hay được xem một trận đá bóng hay…

 

Trước những hình ảnh xúc cảm mãnh liệt ấy ta thấy nét mặt người mù vẫn có vẻ thản nhiên, thậm chí lạnh lùng. Không phải vì người mù không có tâm hồn, khô khan mà do người mù thiếu thông tin, thiếu yếu tố kích thích cần thiết để tạo ra tình cảm như người bình thường. Tình cảm đi vào người mù không bằng hình ảnh nhìn thấy mà bằng những giác quan khác mà ta sẽ nghiên cứu sau.

 

3/ Vai trò tác dụng của thính giác đối với người mù như thế nào?

 

Đối với người bình thường, giác quan nghe đóng vai trò quan trọng thì đối với người mù, nó càng trở nên quan trọng, quý giá hơn.

 

Không giống như giác quan sờ mó, phải trực tiếp sờ, chạm vào hình ảnh chỉ có thể tiếp thu một cách tuần tự, tai có thể nghe từ xa, nghe ngay mọi thông tin về âm thanh và tiếng động được cung cấp, tiếp thu một cách tổng thể tức khắc như mắt nhìn. Nguồn thông tin tiếp nhận qua tai nghe rất phong phú, đa dạng, giúp cho tư duy, trí tuệ người mù hiểu được rất nhiều vấn đề, những thông tin này người bình thường cũng nắm được nhưng vì họ đã có mắt nhìn nên họ không tận dụng, khai thác còn người mù thì ngược lại, phải tận dụng khai thác tối đa.

 

Nhờ tiếng động, người mù biết được nước đang chảy, lửa đang cháy, cơm đang sôi, nước rót vào cốc sắp đầy hay chưa, trời sắp mưa…..bằng âm thanh, người mù có thể biết căn phòng mình đi vào rộng hay hẹp, cao hay thấp. Người mù điều khiển được máy chạy chủ yếu nghe tiếng máy và nghe rung động tạo ra, người mù muốn nghe nhạc, học nhạc học đàn phải nhờ vào tai nghe.

 

Đặc biệt nhờ tai người mù nghe được tiếng nói một công cụ rất quý báu của con người để giao tiếp, trao đổi thông tin kiến thức. Người mù không thể xem sách, báo chữ thường, xem ti vi cũng có khó khăn vì nhiều thông tin thể hiện bằng hình ảnh mắt nhìn, nhưng nghe đài lại rất thuận lợi. Đài là một phương tiện rất quý báu cung cấp thông tin, kiến thức cho người mù, bằng ngôn ngữ và tai nghe người mù có thể chuyện trò, trao đổi giao tiếp với người xung quanh, tìm hiểu được nhiều thông tin, kiến thức bổ ích về vật thể mà giác quan sờ mó và các giác quan khác không thể cung cấp được. Cũng qua trao đổi chuyện trò người ta nắm được nhiều khái niệm trừu tượng, nhiều mối quan hệ phức tạp giữa người với người ví dụ giữa các người thân trong gia đình, mối quan hệ trong xã hội, mối quan hệ trong công tác….khi chưa có chữ nổi, người mù đi học, chủ yếu bằng tai nghe học thuộc lòng. Hiện nay tuy đã có chữ nổi, nhưng học bằng tai nghe vẫn là phương tiện quan trọng.

 

Do giá trị to lớn của ngôn ngữ, trao đổi trò chuyện như trên nên một nhà văn Pháp thế kỷ 17 tên là Mông - Te- Nhơ ( Montaigne) đã tuyên bố “ Tôi thà bị mù còn hơn bị điếc”. Ông là người thích trò chuyện, tìm tư duy, ý niệm mới qua trò chuyện, theo ông rèn luyện tốt nhất là qua trò chuyện, trao đổi. Cũng theo ông giác quan nhìn là giác quan của cảm xúc hình ảnh không gian và vật thể, còn giác quan nghe là giác quan của tư duy ý niệm về vật thể.

 

A- rít- stốt ( Aridtote), một triết gia thời Hy Lạp cổ đại cho rằng : “Trong các giác quan, cái cần thiết nhất cho con vật là giác quan nhìn, còn cái cần thiết cho trí tuệ con người là giác quan nghe”. Theo tôi, có thể nhận thức trên đây chỉ phù hợp với thời kỳ của các ông, khi sách vở, báo chí, ti vi, máy tính…..chưa phát triển, muốn có kiến thức, người ta phải dựa vào trao đổi, chuyện trò là chính. Còn ngày nay, tư duy kiến thức có thể tiếp nhận bằng nhiều con đường, có thể qua chuyện trò, có thể nghe qua băng, qua đài. Nhưng nhiều thông tin, kiến thức đến qua giác quan nhìn, do đó không thể nói giác quan nhìn không phải là giác quan của tư duy và ý niệm của trí tuệ được. Nó cũng góp phần rất quan trọng nếu không nói là chủ yếu vào việc nâng cao tư duy, trí tuệ con người.

 

Cũng do có ngôn ngữ, giao tiếp, người ta cho rằng, về mặt hoạt động sản xuất thủ công, người điếc có thuận lợi hơn người mù, nhưng về hoạt động trí tuệ người mù có thuận lợi hơn câu này hoàn toàn đúng, kể cả trước đây và hiện nay.

 

Thông qua tiếng nói, người mù còn có thể hiểu được vóc dáng sức khoẻ, tuổi tác, tính tình, cá tính con người. Người ta nói: “giọng nói cũng già theo nét mặt”. Thật vậy giọng nói một cụ già khác với một người trung niên, một thanh niên hay một cháu bé. Người khoẻ mạnh giọng nói khác một người yếu đuối, mệt mỏi, khi nghe tiếng nói phát ra, ta có thể biết người ấy cao hay thấp, giọng nói một người hiền lành chân thật khác với giọng một người bất đồng giả dối.

 

Một người mù đã nói : “người ta có thể đánh lừa người khác bằng thay đổi nét mặt, nhưng giọng nói thì không thể thay đổi và đây là cái phản ánh chắc chắn về đức tính bên trong của con người.”

 

Người mù cũng có thể nhận ra người thân quen, nhận ra cá tính con người qua nhận xét bước đi, qua cách đóng, mở cửa cho chìa khóa vào ổ khoá và nhiều tiếng động khác.

 

Thính giác cũng là con đường tốt nhất để làm rung động tình cảm và cảm xúc nghệ thuật, thẩm mỹ đối với người mù. Ngành nghệ thuật mà người mù dễ hiểu để tham gia nhất là ngành âm nhạc, ngoài ra có văn thơ sân khấu….Nhiều người mù rất say mê khi nghe tiếng hát, tiếng đàn và nhiều người cũng đã trở thành nhạc sỹ biểu diễn, sáng tác âm nhạc có tài.

 

Người mù ít quan tâm đến nét mặt nhưng lại hết sức chú ý đến giọng nói. Họ rung động trước một giọng nói đẹp, có duyên giọng nói rất phong phú, đa dạng, nhiều thanh sắc cung bậc, dáng vẻ, rung động sâu sắc tâm hồn người mù.

 

Một phụ nữ khi có tuổi đã thổ lộ như sau: “ khi còn trẻ tôi được nghe một anh thanh niên diễn một vở kịch vui và không bao giờ tôi quên được giọng nói của anh ta một giọng nói đã đi sâu gắn chặt vào tâm hồn tôi. Tôi rất muốn gặp anh ta để nói chuyện muốn đến mức tôi phải dùng hết mọi nghị lực để dằn lòng xuống”.

 

Một người con gái mù khác lại cho biết cô rất yêu giọng nói của một nghệ sỹ. Khi người ta cho cô biết anh ta đạo đức không tốt cô đã kêu lên: “một con người có giọng nói như thế mà lại lừa dối thì tôi còn biết tin vào đâu.”

 

Rõ ràng giác quan nghe có vai trò, tác dụng rất to lớn đối với người mù, nhưng nó cũng có những nhược điểm sau:

 

- Tai nghe chỉ cho hình ảnh, khái niệm chính xác về tiếng động và âm thanh. Đó là chức năng chính của nó, thính giác không thể cho hình ảnh, khái niệm chính xác về hình dáng và các tính chất khác của vật thể dù là do được nghe kể phản ánh lại.

 

- Trao đổi bằng ngôn ngữ, trò chuyện tuy cung cấp một nguồn thông tin quý báu, tuy nhiên nó không phải là thông tin trực tiếp mà đã qua trung gian sàng lọc. Trong hoàn cảnh mù nếu chỉ nặng về nghe không chú ý sờ mó trực tiếp, tiếp xúc thì có khi không nắm được thực tế khách quan một cách đầy đủ, cho nên dù bị mù cũng phải cố gắng tự mình tìm hiểu, không nên chỉ nặng về nghe phản ánh lại. Có người quan niệm đã mù rồi ngồi ở nhà nghe phản ánh lại cũng đủ, đi làm gì cho vất vả. Điều này hạn chế việc phát triển tư duy, nhận thức của người mù.

 

4/ Sự phối kết hợp giữa các giác quan ở người mù như thế nào?

 

Người mù thường sử dụng hết các giác quan, nhưng chủ yếu là ba giác quan: Xúc giác, thính giác và khứu giác để nhận thức và theo dõi hoạt động. Họ sử dụng đồng thời cả ba nhưng vận dụng thế nào là do yêu cầu cụ thể của hoạt động. Ví dụ trong đi lại người mù có thể sử dụng cả xúc giác ( chân tay, da mặt, da người tai nghe và mũi ngửi để nhận biết đường xá ). Trong sản xuất tuỳ theo ngành nghề, người mù sử dụng xúc giác tai nghe, khứu giác trong sinh hoạt cũng vậy.

 

Các kiến thức, thông tin kinh nghiệm do hoạt động giác quan thu thập được cũng được ghi nhớ, lưu trữ lại trong óc để kết hợp sử dụng trong các lần sau ví dụ như một lần đã sờ kỹ một cái bàn, nắm được các đặc tính: hình dáng kích thước …..lần sau gặp lại, chỉ cần chạm vào là người mù đã hiểu ngay các tính chất của bàn không cần sờ tỉ mỉ lại. Hoặc như khi đã được sờ bàn tay, nghe giọng nói một người nào lần sau gặp lại người mù đã hình dung được, không cần sờ hoặc nghe kỹ.

 

Trong cảm xúc sờ mó, người mù cũng kết hợp các cảm xúc về nghe và ngửi để nhận thức của mình cũng được phong phú gồm nhiều loại thông tin, không đơn độc chỉ riêng của sờ mó ví dụ sờ một đàn dương cầm, người mù nghe tiếng đàn. Lần sau chỉ nghe nói đến đàn dương cầm, người mù hình dung được cả tiếng đàn, không phải tìm hiểu lại. Hoặc như đã được ngửi một loài hoa nào đó khi nhắc đến là nhớ ngay cả hình dáng, cả mùi.

 

Ta thấy khi mất giác quan nhìn, người mù đã mất đi một giác quan quý báu. Tuy nhiên nếu biết tận dụng, pháy huy cao các giác quan còn lại, người mù vẫn có thể vươn lên trong nhận thức và hành động. So với người bình thường, người mù có khó khăn hơn, nhưng so với những người mù- điếc tức là những người bị mất hai giác quan ( nhìn và nghe), thậm chí có người mù- điếc lại còn không biết ngửi và tất nhiên đã điếc cũng sẽ không biết nói tai người mù còn thuận lợi hơn nhiều. Mặc dầu vậy nhiều người mù điếc, chỉ dựa chủ yếu vào giác quan sờ mó cũng vươn lên khá tốt.

 

5/ Sự rèn luyện giác quan đối với người mù quan trong như thế nào?

 

Ở mục 6 chương này chúng ta đã thấy người bình thường cũng phải rèn luyện giác quan, nhất là giác quan nhìn. Họ có nhiều thuận lợi, có nhiều yếu tố kích thích nên họ làm mà nhiều khi không biết là mình làm, đối với người bình thường đã vậy còn đối với người mù, việc rèn luyện giác quan rõ ràng lại càng quan trọng hơn. Việc rèn luyện của người mù có nhiều khó khăn vất vả hơn, đòi hỏi lòng tin kiên trì nhẫn nại và sự cố gắng lớn, lý do là vì:

 

- Sự rèn luyện giác quan ở người mù đòi hỏi đi sâu vào nhiều chi tiết mà người có mắt nhìn không cần chú ý. Không có tài liệu sách vở nào hướng dẫn, mà dù có thì cũng chỉ đưa ra các định hướng lớn, không thể đi vào các kinh nghiệm quá chi tiết, cụ thể được. Cuộc sống người mù rất phong phú, đa dạng người ở thành phố, người ở nông thôn, người làm việc này người làm việc khác, mỗi người có phạm vi sờ mó, nghe ngửi khác nhau. Không thể lấy kinh nghiệm của người này, của địa phương này hay của nước này áp dụng nguyên xi vào cho người khác, sự vận dụng sáng tạo trước hết là ở bản thân người mù.

 

- Yếu tố kích thích người mù rèn luyện giác quan kém hơn người bình thường. Nếu không thúc đẩy không cố gắng sẽ không rèn luyện hoặc rèn luyện kém kết quả. Trong các giác quan của người mù, chỉ có giác quan nghe còn kích thích người mù hoạt động, tìm hiểu. Nghe một tiếng động lạ người mù chú ý và lắng nghe xem đã có điều gì xảy ra, còn về sờ mó và ngửi thì không hấp dẫn, sờ là phải lao động, phải chịu khó, tỷ mỉ, phải do người mù chủ động. Chỉ cố gắng chịu khó mới phát hiện ra được tin quý báu và cũng từ đó người mù mới hứng thú trong rèn luyện giác quan sờ mó và khi đã hứng thú rồi người mù sẽ chủ động và sẽ tiến bộ nhanh. Phải kích thích cho các trẻ em mù thích sờ mó ngay đối với những người trưởng thành rồi mới bị mù, cũng phải phấn đấu vượt qua cái ngại ngần ban đầu trong rèn luyện giác quan sờ mó. Do đã có một quãng đời nhìn thấy, khi bị mù người mù nặng về nghe ngại sờ mó vì khó khăn vất vả, nhất là khi tuổi cũng không còn trẻ nữa giác quan sờ mó đã kém tinh nhạy thì sự ngại ngần này càng tăng. Vượt qua được khó khăn ban đầu này, những người trưởng thành mới bị mù cũng sẽ tiến bộ .

 

Qua trình bày trên đây, xin đề xuất một số định hướng như sau cho việc rèn luyện giác quan của người mù:

 

- Việc rèn luyện giác quan ở người mù phải được tiến hành sớm, đối với trẻ em mù khi bắt đầu biết hoạt động đã phải quan tâm giúp các em rèn luyện. Đối với những người mù khác tiến hành ngay sau khi bị mù phải rèn luyện xuất đời bền bỉ, liên tục.

 

- Phải rèn luyện đồng đều các giác quan không nặng cái nào, nhẹ cái nào, nhưng cần đặc biệt chú ý giác quan sờ mó.

 

- Trong rèn luyện giác quan người mù chủ động là chính. Phải tạo ra được lực thúc đẩy từ bên trong, từ bản thân người mù dựa vào các định hướng nguyên tắc lớn, người mù đi sâu tìm tòi phát triển sáng tạo. Tất nhiên sự hỗ trợ của gia đình, của xã hội của chính những người mù với nhau, tổ chức của người mù là rất cần thiết, nhưng không thay thế được cho nỗ lực chủ quan của người mù.

 

Để kết thúc chương này xin trích dẫn một số nhận xét về người mù của nhà triết gia nổi tiếng Pháp thế kỷ 18 Ông Đi- Đơ- Rô (Diderot): “ Khó khăn khi tìm các vật thất lạc đã biến người mù thành những người bạn của tính trật tự, ngăn nắp. Người mù chỉ nhận ra các vật bằng sờ mó họ có trí nhớ về âm thanh đáng ngạc nhiên, họ phân biệt các tình tiết của giọng nói một cách tinh tế mà người bình thường, do cùng lợi ích sử dụng nên không chú ý đến. Họ nhận ra độ xa gần của lửa nhờ sức nóng nhiều hay ít độ vơi, đầy của các bình qua tiếng rơi của chất lỏng chảy của chất lỏng khi họ rót vào bình. Họ nhận ra sự gần gũi của cơ thể nhờ tác động của không khí vào mặt độ nhăn da của cơ thể cũng có tình tiết mà họ phân biệt được rất tinh tế khiến cho không bao giờ họ nhầm vợ mình với một người khác”.

 

Nhận xét của Ông về giác quan người mù thật là sắc bén chính xác và hóm hỉnh. Tuy vậy ông lại có sai lầm trong nhận xét về trí tuệ người mù mà chúng tôi sẽ đề cập ở chương sau.

 

  

Lượt xem : 5598 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo