Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG V: KHẢ NĂNG TỰ PHỤC VỤ, THAM GIA CÔNG VIỆC NHÀ, THAM GIA LÀM KINH TẾ GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG V: KHẢ NĂNG TỰ PHỤC VỤ, THAM GIA CÔNG VIỆC NHÀ, THAM GIA LÀM KINH TẾ GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI MÙ

Phần thứ ba:

Khả năng các mặt của người mù…………. 

 

CHƯƠNG V: KHẢ NĂNG TỰ PHỤC VỤ, THAM GIA CÔNG VIỆC NHÀ, THAM GIA LÀM KINH TẾ GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI MÙ 

 

1/ Vì sao phải coi trọng khả năng tự phục vụ, khả năng tham gia công việc trong nhà, tham gia làm kinh tế gia đình.

 

Ở Việt Nam, tuyệt đại bộ phận người mù sống tại gia đình, gắn với gia đình, 80% sống tại nông thôn. Khi không có bố mẹ mà người mù không có gia đình riêng họ sẽ sống với anh chị em ruột, dâu, rể hoặc những người thân khác. Gia đình Việt Nam không phải chỉ gắn liền với nhau bằng tình máu mủ, ruột thịt, trách nhiệm sinh thành, nuôi dưỡng, dậy dỗ, nhiều gia đình nhất là ở nông thôn, còn là đơn vị sản xuất, đơn vị làm kinh tế, với nhiều ngành nghề phong phú: trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thủ công chế biến, dịch vụ, buôn bán nhỏ….gia đình là nơi thuận lợi nhất để người mù vươn lên, phát huy khả năng của mình, là nơi đầu tiên tạo ra điều kiện cho người mù để sau này phát huy khả năng tại trường học hoặc những nơi mà người mù tham gia sản xuất, công tác. Nếu không có điều kiện, thoát ly, làm kinh tế cùng gia đình cũng tạo cho người mù có công ăn, việc làm và đời sống ổn định cùng với mức chung của gia đình. Bằng việc chăm lo, dạy dỗ của gia đình, tạo điều kiện cho người mù tham gia các việc trong gia đình, chính là tạo điều kiện cho người mù rèn luyện giác quan, trí tuệ, thể lực một cách thuận tiện nhất, nhất là đối với trẻ em mù.

 

   Đối với trẻ bị hỏng mắt, việc dạy cho các em tự phục vụ như: tự gấp chăn màn, đánh răng, rửa mặt, tự cầm lấy đũa, xúc cơm ăn ….không khó khăn lắm. Các em trông theo người lớn hoặc chỉ nói hướng dẫn qua là các em làm được, các công việc trong nhà khác như: quét nhà, nấu cơm, rửa bát, đũa cũng vậy, các trẻ em sáng học và làm dễ dàng. Chính vì dễ dàng như vậy nên mọi người trong gia đình coi là việc vặt, không đáng kể, có biết đâu chính những việc vặt ấy cùng với các trò chơi các hoạt động khác đã giúp cho các trẻ em sáng mắt phát triển giác quan, trí tuệ, thể lực và đã góp phần rất lớn để các cháu có khả năng cần thiết khi bắt đầu cắp sách đến trường.

 

   Việc tập cho các cháu mù tự phục vụ, làm việc nhà…. Chính cũng là giúp cho các cháu rèn luyện giác quan, thể lực, trí lực rất cần cho cuộc sống của các cháu.

 

   Tuy nhiên việc quan tâm dạy dỗ, rèn luyện cho các cháu mù làm được các việc trên còn hạn chế. Cách làm tuỳ theo từng gia đình không làm cũng được, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

 

   - Do chưa hiểu biết, cứ cho là các cháu mù không còn làm được gì nữa dẫn đến bỏ mặc đến đâu hay đó mà cũng chẳng biết làm theo kiểu nào, cách nào, có cách nào hướng dẫn, có trường nào dạy, có tổ chức nào quan tâm?

 

   - Thương con, nghĩ cháu đã bị tàn tật rồi còn bắt nó tự làm làm gì, khổ nó, hành hạ nó, làm như thế hàng xóm, láng giềng sẽ nghĩ như thế nào về sự đối xử của gia đình. Sự vươn lên của cháu mù càng khó khăn nếu tình thương càng lớn biến thành nghĩa vụ nuôi nấng, chăm lo suốt đời có người chị không đi lấy chồng chỉ vì muốn ở vậy để chăm lo đứa em bất hạnh. Cũng có gia đình còn nghĩ là do có tội tình gì nên trời bắt tội, có con mù họ dấu không giám cho mọi người biết, dấu kín con trong phòng, khi khách đến nhà đứa con mù phải lánh đi ngay lập tức.

   - Cuộc sống gia đình bận rộn không có thời gian quan tâm tỉ mỉ chu đáo được. Dạy dỗ một trẻ em mù đòi hỏi nhiều công sức, trong khi đó gia đình còn biết bao công việc, lo cho cháu bé mù có cơm ăn áo mặc là tốt rồi còn thời giờ đâu mà dạy rèn luyện giác quan, trí tuệ thể lực. Một số việc cháu bé mù làm, gia đình làm cố một tý cũng xong ngay.

 

   Do ba nguyên nhân như trên nên dẫn đến hai tình trạng, một là cháu bé mù bị bỏ mặc, muốn làm gì thì làm, hai là mọi việc từ to đến nhỏ gia đình làm hết cháu hoàn toàn phụ thuộc, trông chờ ỷ lại.

 

   Trước thái độ của gia đình như trên cháu bé mù cũng có hai thái độ khác nhau. Một là cháu cũng sẽ thụ động, không vươn lên và cháu cũng chẳng tiến bộ. Hai là cháu không chịu khuất phục tự mày mò, tìm tòi để vươn lên, có khi gia đình cấm không được làm việc này, việc nọ vì sợ tai nạn nguy hiểm, nhưng khi vắng nhà cháu lại tự tìm cách để làm và cháu tiến bộ nhanh về các mặt tuy là tự phát.

   Thái độ của gia đình ảnh hưởng như thế nào đến người mù và nghị lực phấn đấu của người mù tác động ra sao, ta thấy rất rõ khi đến thăm người mù tại nhà. Trên thực tế người mù có rất nhiều khả năng và có thể làm tốt việc tự phục vụ, có thể làm được rất nhiều việc trong gia đình.

 

   2/ Người mù có khả năng tự phục vụ như thế nào?

 

Người mù nói chung, trẻ em mù đến một độ tuổi nào đó nói riêng, có thể tự làm các việc sau đây một cách gọn gàng: tự gấp chăn màn, đánh răng, rửa mặt, giặt dũ, gấp là áo, quần. Tự trang điểm, sửa sang: chải đầu, cạo râu ăn mặc quần áo ngay ngắn, tự cầm lấy thìa, đũa bát, để ăn cơm không rơi vãi, tự rót lấy nước để uống, kể cả nước nóng, không vỡ phích, tự gọt lấy hoa quả để ăn, tự làm vệ sinh kinh nguyệt (đối với các phụ nữ mù ) sửa sang thu gọn nơi ở gọn gàng….

 

   Tóm lại, người mù làm được hầu hết công việc, chỉ trừ không nhìn thấy vết bẩn trên quần áo, không tự soi gương để tu sửa một cách tỉ mỉ hoặc chọn màu áo, áo quần cho hài hoà….

 

   Cần đòi hỏi người mù cũng phải rèn luyện tư thế, tác phong nghiêm chỉnh không kém gì người sáng: sạch sẽ, gọn gàng, trật tự văn minh, không vì tật mù mà châm chước. Cũng có quan niệm người mù ăn mặc luộm thuộm một tí cũng được, thậm chí thấy quần áo bẩn không dám nhắc nhở sợ tự ái, tất nhiên cách nhắc nhở sao cho tế nhị, khéo léo, tránh xúc phạm, khen động viên cũng phải đúng mức. Không cho những việc người mù làm được là điều lạ lùng mà coi như đã làm đúng khả năng và trách nhiệm của một người mù. Đối với các thành viên khác trong gia đình cũng cần làm cho họ hiểu rõ tư thế, tác phong cần xây dựng cho người mù là như thế nào và quan tâm giúp đỡ người mù ở những việc người mù không làm được, tuyệt đối không làm thay.

 

   3/ Khả năng người mù làm các việc trong gia đình như thế nào?

 

Người mù có khả năng làm được rất nhiều việc trong gia đình và cũng cần tạo điều kiện cho người mù được làm, bởi vì có làm thì người mù mới phát triển được khả năng, đồng thời cũng thể hiện tính bình đẳng trong gia đình. Tất nhiên người mù làm thì chậm chạp, vất vả hơn, có khi chưa thật vừa ý nhưng vì lợi ích của người mù, gia đình nên tạo điều kiện.

 

   Trên thực tế, do rèn luyện có những người mù đã làm được toàn bộ việc nhà cho bố mẹ, anh chị em yên tâm đi làm, đi học khi về đã có đủ cơm ngon, canh ngọt, nhà cửa, sạch sẽ, gọn gàng, lợn gà ăn uống no nê. Do hoàn cảnh bắt buộc có những người mù sống một mình, tự lo hết mọi việc trong nhà, không phải dựa nhiều vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Ngược lại có những người mù tuổi đã lớn chẳng làm được một việc gì, dù là quét cái sân hay rửa cái bát vì trở thành gánh nặng của gia đình.

 

   Người mù có thể:

   - Quét nhà, lau, cọ rửa nhà, lau tủ, bàn, ghế, cửa ra vào, cửa sổ, quét sân, họ cũng sử dụng được máy hút bụi khi làm họ phải dùng tay để kiểm tra, do đó những nơi tiêu, tiểu thì họ khó làm.

   - Đi chợ mua sắm thức ăn, họ biết chọn thức ăn tốt như: rau tươi, các loại quả căng tròn, đầy đặn….những người tinh tế còn phân biệt được thịt, cá tươi hoặc ôi thiu. Họ ít khi nhầm lẫn trong trả tiền.

 

   - Có thể nhặt rau, phân biệt được các lá vàng héo dựa vào độ bám chắc của lá vào thân để loại bỏ, gọt được vỏ bí, su hào, khoai….thái được thịt, cá, làm được thịt gà, thịt vịt, mổ cá….

 

   - Nấu được cơm, làm thức ăn dù nấu bằng rơm rạ, củi, than, mùn cưa, bếp dầu, bếp điện hay bếp ga. Chỉ cần hơ nhẹ tay hoặc bằng tai nghe, họ biết lửa đang cháy hay đã tắt, lửa to hay bé để điều chỉnh, nấu cơm chỉ cần dựa vào hơi bốc ra biết cơm sôi, cơm cạn, bóp một vài hạt gạo đang sôi vớt ra, họ biết cơm khô hay nhão. Nấu nồi cơm điện loại cơ khí, khi cơm chín núm điều chỉnh bật lên họ biết dễ dàng, nhưng loại nồi điện tử tín hiệu bằng đèn, họ không nhìn thấy thì dựa vào lượng hơi thoát qua lỗ hơi để biết cơm sôi hay chưa. Còn cá kho dùng đũa hoặc ngửi mùi bốc lên, họ biết đã chín, gần cạn hết nước hay chưa để bắc ra kịp thời, không để quá lửa hoặc cháy khét. Nấu canh họ biết lúc nào nước sôi thì cho rau vào và lúc nào nên bắc ra để rau khỏi nát. Người mù nấu nướng cẩn thận, sạch sẽ ,không để xảy ra bị bỏng hay hoả hoạn, tất nhiên họ làm chậm hơn người bình thường và làm tuần tự, xong việc này mới sang việc khác, khó lòng làm vài ba việc cùng một lúc như người bình thường. Chẳng hạn người bình thường vừa nấu cơm, vừa làm thức ăn, thái rau hoặc dọn mâm…. Cùng một lúc nơi người mù nấu phải trật tự, gọn gàng chỗ nào để gạo, để rau, để vung, để lót tay phải sắp xếp khi cần có thể lấy ngay, họ không thể dùng mắt để tìm, khi người mù đang nấu, nếu cần giúp lấy cái gì xong lại phải để đúng vào chỗ cũ cho người mù. Đây là một chi tiết cần chú ý vì người bình thường nhìn thấy thường hay tiện đâu để đấy họ tìm không khó khăn, nhưng đối với người mù, nếu không tìm thấy là họ lúng túng ngay nhất là khi nấu nướng dễ sảy ra, đổ, bỏng, hoặc cháy thức ăn…..

 

   - Người mù dọn mâm, rửa bát khá cẩn thận, thường họ không để rơi, để vỡ, khi bưng các đồ dễ vỡ, họ có cách đi để khỏi va vào tường hay cánh cửa…

 

   - Người mù có thể đóng đinh, treo mắc áo, sửa một số đồ mộc hư hỏng đơn giản, mắc sửa điện, sửa xe đạp, một số hư hỏng của quạt, của đài.

 

   - Trong cương vị là chủ gia đình, người mù kể cả đàn ông và phụ nữ mù quản lý chi tiêu, quản lý gia đình khá tốt. Có chương trình kế hoạch, tính toán cân nhắc cần thiết, ít khi để thiếu hụt ít khi họ đi vay vì họ có lòng tự trọng, họ không muốn vì vay nợ mà mang tiếng là không trả được. Người phụ nữ mù sinh đẻ, nuôi con khá tốt, có nhiều kinh nghiệm, nhiều con của người mù được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Tuy nhiên ý định cuốn sách cũng không muốn đi quá sâu vào vấn đề này.

 

   Trên đây chỉ nêu ra một số việc người mù có thể làm trong gia đình, thật ra còn rất nhiều, phong phú và đa dạng, tuỳ theo hoàn cảnh từng gia đình, từng nơi người mù sinh sống. Tất nhiên để làm được các việc này người mù phải rèn luyện, phải thực sự sờ mó, quan sát, lắng tai nghe, tích luỹ kinh nghiệm. Khả năng chỉ tạo ra trong thực tế hoạt động, nếu không được tạo điều kiện người mù sẽ không làm được và biến mình thành phụ thuộc suốt đời. Lỗi ở đây không phải do khả năng của người mù mà do những nhận thức, quan niệm không đúng.

 

   4/ Khả năng người mù tham gia làm kinh tế tại gia đình như thế nào?

 

   Việc người mù tham gia làm kinh tế gia đình không phải là việc mới mẻ mà đã tồn tại, hình thành và phát triển từ xa xưa gắn liền với truyền thống của dân tộc. Mỗi gia đình Việt Nam như đã nói ở trên còn là một đơn vị kinh tế, mọi người trong gia đình xúm nhau cũng làm một số việc nào đó để tạo kinh tế cho gia đình. Ở nông thôn người ta trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề thủ công… ở thành thị gia đình cũng là nơi mở cửa hàng, cửa hiệu hoặc chung sản xuất hay làm một dịch vụ nào đó. Do lịch sử phát triển nhiều gia đình không còn là đơn vị kinh tế nữa, những người trong gia đình mỗi người một việc khác nhau, mỗi nơi làm việc khác nhau. Tuy nhiên tính chất theo hộ gia đình vẫn còn, nhất là ở nông thôn. Nó được phục hồi, phát triển khi Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới phát triển kinh tế nhiều thành phần coi trọng kinh tế hộ gia đình, chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh những người mù làm các việc sau đây:

 

   - Ở nông thôn người mù có thể tham gia trồng trọt như cùng gia đình xe phân, nhổ mạ, cấy lúa làm cỏ, gặt hái, đập phơi lúa, trồng thu hoạch các loại hoa màu khác. Người mù cũng có thể tham gia trồng rau, chăm sóc các loại cây ăn quả khác cam, quýt, vải, chanh…

 

   - Người mù có thể chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt… cho trâu bò đi ăn, cắt cỏ, lấy bèo, băm bèo, thái chuối, nấu cám lợn, cho lợn ăn, tắm rửa cho lợn…

 

- Người mù tham gia làm nhiều hàng đan lát, thủ công khác như: rổ rá, dần sàng, nơm, đó, nong nia, cót, chổi các loại bện thừng, chão, dệt chiếu, đan lưới….

 

   - Người mù có thể tham gia vào công việc chế biến như: xay, xát, làm đậu phụ, làm bún, làm bánh.

 

   - Người mù có thể làm dịch vụ, buôn bán nhỏ: mở hàng nước, hàng tạp phẩm.              

 

   - Là chủ gia đình, người mù có thể quản lý, điều hành guồng máy hoạt động kinh tế của gia đình khá tốt, làm việc có chương trình kế hoạch, phân công mùa vụ, nhiệm vụ cho từng người rõ ràng, hạch toán cụ thể chính xác.

   Nhiều sản phẩm người mù bán ở chợ không thể phân biệt được đó là do người mù làm, nhất là các sản phẩm đan lát: rổ rá, dần sàng, các loại chổi dây thừng…..

 

Ở thành phố, người mù có thể tham gia cùng gia đình trong việc bán hàng, giao sản phẩm cho khách hàng, tiêu thụ sản phẩm đến tận cơ quan, xí nghiệp, hộ gia đình. Họ có thể tham gia nhiều công việc nếu gia đình có tổ chức sản xuất, kinh doanh.

 

   5/ Cần đảm bảo quyền lợi cho người mù trong tham gia vào công việc gia đình, tham gia làm kinh tế gia đình như thế nào?

 

   Vai trò tác dụng của việc người mù tham gia công việc gia đình, tham gia làm kinh tế gia đình đã rõ. Khi người mù chưa tham gia thường thường người ta ngần ngại cho là không làm được hoặc không muốn cho người mù làm, nhưng khi họ làm được thì lại cho là chuyện bình thường, chẳng có giá trị gì lớn lao, chưa đắp đủ công nuôi dưỡng, người mù ở với bố mẹ thì không có vấn đề gì lớn, nhưng với anh chị em ruột, anh chị em dâu hoặc người thân khác thì cần quan tâm bảo vệ quyền lợi cho người mù.

 

   Như đã nói ở trên, có những người mù đảm đương việc nhà từ nấu cơm, quét dọn, nuôi lợn, gà, đan lát. Có người còn là chủ lực trong hoạt động thủ công của gia đình như làm đậu phụ, bún bánh chẳng hạn, người mù còn làm được hầu hết các khâu: rửa đậu, vo gạo, xay, vắt, ép….lại còn dùng nước thải nuôi lợn tăng trọng nhanh kinh tế gia đình cải thiện rất rõ rệt. Nhưng ở với anh chị em hoặc mẹ kế dù làm quần quật suốt ngày cũng không hề có chút vốn riêng nào, muốn cắt tóc, may áo quần đều phải ngửa tay xin. Cái đài con để nghe tin tức cũng không có, có người yêu muốn xây dựng gia đình nhưng khi bàn với gia đình thì bị ngăn cản vì sợ xảy ra phức tạp. Người mù cũng đành chiều lòng sống phụ thuộc suất đời.

 

   Tuy nhiên cũng có gia đình giúp đỡ tốt. Qua thành quả thu được trích ra một khoản để gửi tiết kiệm, luôn giáo dục nhắc nhở các thành viên trong gia đình nhìn nhận đánh giá đúng mức sự đóng góp của người mù. Đến một lúc nào đó dựng cho một ngôi nhà nhỏ bằng vốn riêng, người mù sẽ tự lo toan. Cần sản xuất mua sắm gì hoàn toàn chủ động khó khăn mới hỗ trợ giúp đỡ. Được tạo điều kiện, người mù càng phấn khởi quyết tâm hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống, ngay cả việc xây dựng hạnh phúc riêng tư cũng có toàn quyền định đoạt. Người mù đã có cuộc sống tự chủ, tự lập, bình đẳng thực sự với các thành viên khác.

 

Đây là một vấn đề cần chú ý trong quá trình giúp đỡ người mù vươn lên trong cuộc sống gia đình.

 

Lượt xem : 1195 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo