Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG VI: KHẢ NĂNG TỰ ĐI LẠI CỦA NGƯỜI MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG VI: KHẢ NĂNG TỰ ĐI LẠI CỦA NGƯỜI MÙ

 

1/ Nhu cầu đi lại và sự rèn luyện tự đi lại đối với người mù cần thiết như thế nào?

 

   Ở chương V, chúng ta đã nói đến sự cần thiết giúp đỡ cho người mù vươn lên, phát huy tác dụng tại gia đình. Điều này không có nghĩa là người mù chỉ ở trong nhà, không cần đi lại ra bên ngoài. Người mù trước đây sống độc lập, tách biệt với cộng đồng, xã hội họ chỉ quanh quẩn  góc nhà, xó bếp, âm thầm, buồn tủi. Đã mù rồi ra ngoài làm gì, xấu hổ chết có hai người mù sống cùng làng, cách nhau chỉ khoảng 100 mét, nhưng không hề biết nhau, một người năng động, làm mọi việc trong nhà kể cả chăn nuôi trồng trọt, đời sống kinh tế khá giả. Còn người mù kia thể lực bình thường nhưng sống tự ty, phụ thuộc không hề làm một việc gì hỏi đến đều nói mù rồi còn làm được gì. Kinh nghiệm của người này không hề được phổ biến cho người kia, cả hai người đều chưa bao giờ đi ra khỏi ngõ, người mù trước đây nếu có đi ra ngoài là để hành khất hát rong. Đây chính là hình ảnh quen thuộc về những người mù trước đây mà xã hội quen nhìn thấy, họ đâu có biết nhiều gương phấn đấu rất tốt của người mù bởi vì những người này không hề ra đường.

 

   Ngày nay, người mù rất cần đi lại cần giúp đỡ tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền cơ bản này. Họ đi lại để vận động thành lập tổ chức Hội người mù của họ, tham gia sinh hoạt Hội, tham gia học văn hoá, học nghề, tham gia sản xuất trong các cơ sở giành riêng cho họ hoặc trong các cơ sở của người bình thường. Họ đi để sinh hoạt câu lạc bộ tập thể dục, thể thao du lịch, thăm quan, gặp gỡ bạn bè tìm hiểu xây dựng hạnh phúc gia đình, không những họ đi trong phạm vi làng, xã, thị trấn, thành phố mà còn từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh nọ, thậm chí còn đi ra cả nước ngoài cũng để bàn các việc nhằm nâng cao đời sống người mù, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế tục ngữ Việt Nam có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Câu này không chỉ đúng với người bình thường mà cũng rất đúng và rất cần thiết đối với người mù, cuộc sống cộng đồng xã hội cũng cần cho người mù như cuộc sống gia đình.

 

   Để đi lại, người mù có thể nhờ người thân trong gia đình, bạn bè người quen biết giúp đỡ bằng cách dắt đi bộ, đèo đi bằng xe đạp, xe máy hoặc đi cùng bằng các phương tiện khác. Nếu đi gần, họ có thể thuê xe, xích lô, xe ôm hay xe tắc xi, đi xa thì phải dựa vào xe ô tô, tàu hoả, máy bay….

 

   Việc dựa vào sự giúp đỡ của người thân, bạn bè người quen cũng có bất tiện cho người mù và cho cả người giúp đỡ. Không chủ động khi người mù muốn đi hay muốn về thì người thân lại bận việc có khi muốn lưu lại cho xong việc lại phải về…. còn đi xe xích lô, xe ôm, tắc xi… thì thỉnh thoảng còn được, thường xuyên thì khó vì khả năng tài chính của người mù không cho phép.

 

   Cho nên, điều cần thiết là người mù phải chủ động rèn luyện tự đi lại, không những tại nhà, nơi làm việc của mình mà còn phải luyện tập đi lại ở những nơi quen thuộc ( làng, xã phố phường thị trấn, thành phố, nơi sinh sống kể cả tập đi lại sang các tỉnh, thậm chí sang các nước ). Trên thực tế người mù có khả năng để làm việc này đây là một yếu tố quan trọng đảm bảo cho cuộc sống độc lập, tự chủ tự lập của người mù.

 

   2/ Khả năng tự đi lại của người mù đã được chứng minh trên thực tế như thế nào?

 

   Khả năng tự đi lại của người mù đã được chứng minh không chỉ trên thế giới mà ngay ở Việt Nam. Có thể khẳng định người mù Việt Nam đi lại rất giỏi, có khi còn giỏi hơn người mù các nước do điều kiện đường xá đi lại của Việt Nam khó khăn, phức tạp hơn.

 

   Từ mấy chục năm nay, hàng trăm, hàng ngàn người mù ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh ở nhiều tỉnh đã rèn luyện tự đi lại rất tốt. Họ đi để vận động thành lập Hội tham gia hoạt động hội học văn hoá, học nghề sản xuất sinh hoạt câu lạc bộ thăm viếng lẫn nhau. Bằng chiếc gậy tre trong tay, có khi không cần gậy họ đi từ nhà đến trụ sở, đến cơ sở sản xuất xa ba đến bốn cây số. Vượt qua bao nhiêu con đường, bao nhiêu ngã ba, ngã tư với nhiều người, xe cộ qua lại, đều đặn hàng ngày, sáng đi, tối về nắng cũng như mưa, bền bỉ, dẻo dai nhiều người còn phải đi xa hơn 10- 15 km đi bộ một phần, đi xe buýt một phần có khi xe đỗ không đúng bến hoặc bỏ chuyến, họ lại phải đi bộ về nhà. Rất nhiều tấm gương người mù đi lại giỏi giang.

 

   Nhờ đi lại tham gia vào hoạt động tập thể người mù tiến bộ rõ rệt về các mặt cuộc sống của họ cũng cải thiện tiến lên rất rõ rệt, đồng thời các tổ chức các phong trào do xây dựng cũng càng ngày càng vững mạnh, phát triển tạo thêm chỗ dựa cho họ vươn lên. Những người chứng kiến họ đi lại đều ngạc nhiên thán phục. Họ đã góp phần quan trọng thay đổi hình ảnh người mù trên đường phố, nơi công cộng. Họ đi với nét mặt tươi vui, quần áo tươm tất, dáng điệu đoàng hoàng. Họ đi để làm những việc lành mạnh, có ích như mọi người bình thường khác.

Không phải họ chỉ đi trong các thành phố, thị xã, thị trấn mà còn về tận các xóm làng, miền quê xa xôi, hẻo lánh cũng để làm các việc trên: vận động thành lập Hội, mở các lớp dạy chữ, dạy nghề, giúp đỡ người mù trong sản xuất, việc làm...

 

Kinh nghiệm đi lại của người mù Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Nếu tổng kết, sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích, quý giá.

 

3. Để tự đi lại được, người mù cần có những điều kiện gì?

 

- Về chủ quan: Người mù phải khắc phục được tâm lý ngại ngùng, sợ tai nạn nguy hiểm, không an toàn, sợ vất vả, mệt nhọc. Lại còn phải vượt qua được trở ngại của gia đình, không muốn cho người mù tự đi, do sợ như trên, mặt khác, sợ khách quan do gia đình quan tâm chưa tốt đối với người mù.

 

Tâm lý này, đối với người mù bẩm sinh, gia đình khó khăn khó có điều kiện giúp đỡ người mù nên không gặp trở ngại nhiều. Chủ yếu ở những người lớn tuổi mới bị mù, giác quan chưa được rèn luyện, chưa thật tin là có thể đi không dùng mắt. Tâm lý này, cộng với sự không đồng tình của gia đình lại càng làm cho họ dễ không quyết tâm. Nhưng khi đã vượt được khó khăn, trở ngại ban đầu này, tập đi lại tiến bộ không những người mù và gia đình cũng phấn khởi, tin tưởng vì từ đó, việc tự đi lại của người mù càng thêm thuận lợi và càng đi nhiều, kinh nghiệm càng thêm dồi dào, họ đi càng vững chắc, an toàn.

 

Khả năng tự đi lại của người mù còn tùy thuộc rất lớn vào khả năng vận dụng, khai thác giác quan, vận dụng trí nhớ, cơ bắp trong quá trình đi lại, bao gồm trí nhớ bắp thịt. Vấn đề này sẽ đề cập sâu hơn ở phần dưới.

 

- Môi trường đi lại tương đối thuận lợi.

- Môi trường đi lại thể hiện trước hết ở đường xá tương đối tốt, có gờ, có lề, hoặc vệ cỏ rõ ràng, ít phải qua ngã ba, ngã tư, nhất là không đi qua các quảng trường rộng như quảng trường Ba Đình chẳng hạn, bởi vì người mù rất khó đi thẳng để vượt qua từ bờ hè này sang bên kia quảng trường, ít gặp các đoạn tàu hỏa, tàu điện chạy qua ...xe cộ, người đi lại không quá đông đúc, ồn ào.

 

Đường xá tốt tạo thuận lợi rất nhiều cho người mù trong đi lại. Tuy nhiên, đây chưa phải là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi vì dù đường xá không được tốt, chẳng hạn đường đất, đường không có nền hay phải qua nhiều ngã ba, ngã tư... Người mù vẫn khắc phục được vẫn tìm ra phương pháp để vượt qua. Điều người mù quản ngại nhất là tình trạng các chướng ngại vật nguy hiểm trên đường đi, tình trạng mất trật tự trên vỉa hè, tình trạng lộn xộn trong đi lại, phóng nhanh, vượt ẩu của các phương tiện, vì đây là những yếu tố người mù không chủ động được. Người mù rất sợ bỗng nhiên dọc đường đi gặp một ôtô tải đỗ cạnh đường thùng xe chạm mặt người mù, có khi cao hơn, người mù lọt vào gầm xe hoặc một chiếc xe bò chổng càng lên trời đâm đúng ngực người mù, một nắp cống mở để thợ xuống vét bùn nhưng không có ba-ri-e bảo hiểm. Thực tế đã có người mù sa xuống cống vì lý do này. Rồi thì tình trạng đào đường lắp cống nước, lắp dây điện thoại, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, ngổn ngang, chạm vào dễ đổ vỡ đồ đạc, hàng hóa của chủ nhân. Lại còn tình trạng xe máy phóng từ trong ngõ ra, nhất là khi qua các ngã tư không biết lúc nào đèn xanh, đèn đỏ, vì dù có đèn xanh, đèn đỏ, xe có dừng lại hay vẫn phóng nhanh vượt ẩu ... Tình trạng chợ họp ngay trên lòng đường cũng gây trở ngại cho người mù.

 

Đối với những người đi xe buýt, xe ô tô khách, tàu hỏa, khó khăn là có khi xe không đỗ đúng bến, không biết xe hay toa tàu đỗ chỗ nào. Đi máy bay thì khó ở giai đoạn làm thủ tục, còn khi đã vào phòng đợi lên máy bay thì không còn khó khăn lắm.

 

Tất nhiên, những khó khăn này do việc tổ chức và quản lý giao thông chưa được tốt. Nó gây khó khăn cả cho người bình thường và người mù, nhưng người bình thường có mắt nên khắc phục dễ hơn.

 

Ở một số nước tiên tiến, tổ chức giao thông tốt, xe cộ tuy nhiều nhưng chạy đúng luồng, đúng tuyến, người đi bộ có đường riêng, cần qua đường, có các cầu vượt, ngã ba, ngã tư, không chỉ có đèn xanh, đèn đỏ mà còn tín hiệu tai nghe để cho người mù biết khi nào an toàn có thể qua đường được, luật lệ giao thông được chấp hành nghiêm chỉnh không có tình trạng đèn đỏ vẫn đi. Ngoài ra, việc giúp đỡ người tàn tật nói chung, người mù nói riêng trong xã hội đã thành nề nếp chỉ cần dơ chiếc gậy trắng chiếc gậy chuyên dùng cho người mù là có người đến giúp đỡ ngay. Tại sân bay cũng vậy, có gậy trắng là có nhân viên đến giúp đỡ từ cửa sân ga cho đến khi lên máy bay, lại còn  bàn giao giúp đỡ cho đến khi kết thúc chuyến bay.

 

Không chỉ ngoài đường, trong nhiều cơ quan quan trọng của đất nước, quốc hội, các viện bảo tàng ... có làm những tay vịn để cho người mù đi lại trong cơ quan, muốn đến nơi nào cũng được, các bảng chỉ dẫn đều có chữ nổi kèm theo.

 

Quan tâm tổ chức tốt việc giao thông đi lại không chỉ nhằm giúp phục vụ người bình thường mà còn phục vụ các loại người tàn tật, trong đó có người mù.

 

Tình trạng chưa tốt như trên gia tăng ở nước ta từ ngày ta thực hiện chính sách mở cửa. Hiện nay, Nhà nước đang quan tâm giải quyết xong trong quá trình thực hiện cần quan tâm đến nhu cầu của những người tàn tật.

 

Vì lý do trên, một số năm gần đây, tình trạng người mù tự đi lại một mình ngoài đường phố có giảm, không phải do khả năng họ không đi được vì do an toàn chưa thật bảo đảm. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng như vậy, vẫn có nhiều nơi xe cộ không nhiều, trật tự giao thông tương đối đảm bảo. Có những giờ xe cộ vắng, người mù nên tận dụng để tự đi lại, đáp ứng một nhu cầu quan trọng của mình và để không ngừng rèn luyện, phát triển khả năng quý giá này.

 

4/ Người mù vận dụng giác quan, trí nhớ, cơ bắp trong đi lại như thế nào?

Vấn đề này đã nói một lần ở chương II, nay sẽ trình bày sâu hơn.

 

a/ Về giác quan:

Người mù đi lại vận dụng ba giác quan: xúc giác, thính giác và khướu giác, nhưng chủ yếu là xúc giác và thính giác. Các giác quan này càng tinh, người mù đi lại càng thuận tiện. Nói chung, người mù trẻ, người mù bẩm sinh đi lại thuận lợi hơn người mù lớn tuổi hoặc trưởng thành mới bị mù.

 

- Xúc giác bao gồm da chân, da người, da mặt, da tay và bàn tay. Chân có thể đi tất, đi giày, đi dép hoặc đi guốc. Nhưng tốt nhất đi xa nên đi giầy để bảo đảm an toàn, vấp vào gạch, đá khỏi đau, dẫm vào cống, dãnh đỡ bẩn. Chân không phải chỉ để bước (cơ quan vận động) mà còn qua giày dép ... nhận ra chất liệu của đường: nhựa, đá, cát, nhận ra độ nghiêng, các chỗ mấp mô, các nắp cống, chỗ đường lên cao, xuống thấp, nhận ra vệ cỏ, mép đường ... Những thông tin này rất cần thiết để biết đang đi đúng đường hay ra khỏi phạm vị đường đi. Ví dụ đang đi trên đường thấy dưới chân đường nghiêng về phía trong như vậy là đang đi đúng mép đường, không chệch ra lòng đường, nơi giành cho xe cộ chú ý người mù không đi trên vỉa hè, vì có nhiều người đi lại, lại có cột điện, các người bán hàng rong, nếu đi đường nông thôn, chân chạm cỏ là đang đi ở vệ đường. Đang ở đường gạch, chuyển sang đường đất biết là đã sang một đường khác và có đúng đang đi hay bị lạc. Một nắp cống cũng báo đi đúng đường hay sắp đến vị trí chưa ...

 

Da mặt, da tay, da người cho ta biết hướng mặt trên, hướng gió, đang đi nơi trống trải hay che khuất, theo hướng Nam hay Bắc. Có người cảm giác tinh tế qua da, nhất là da mặt, da trán còn có thể phát hiện ra chướng ngại vật. Đang từ chỗ trống, đi vào một vật chắn, thế nào cũng có sự ngưng đọng không khí, ngột ngạt, nóng bức hơn, các luồng gió nhẹ thổi vào tai cũng không còn. Chính cảm giác ngưng đọng này tác động vào da trán vào tai, khiến cho người mù cảm thấy có vật chướng ngại. Họ dừng lại xem xét mới đi tiếp, Ta có thể thử cảm giác này khi đang từ nơi trống đi vào một nơi hẹp hoặc đi gần đến một bức tường. Tuy nhiên, phải thật tinh mới nhận thấy. Cảm giác này người ta gọi là cảm giác phát hiện vật chướng ngại từ xe. Nó có thể phối hợp giữa cảm giác của da mặt và của tai nghe vì chỉ phát hiện được các chướng ngại có độ cao ngang tầm mặt, không phát hiện được các vật chướng ngại thấp hơn.

 

Tay trống đi lại, nếu không cầm gậy, sẽ dùng để đề phòng chướng ngại vật va vào mặt hoặc để sờ nhẹ vào các vật để định hướng đường đi. Nếu cầm gậy, tay sẽ dùng gậy phát hiện các vật chướng ngại hoặc nhận dạng những tín hiệu về địa điểm sắp đến chưa. Gậy đối với người mù không phải là để chống tăng sức khỏe như đối với các cụ già, trừ khi người mù đi vào đoạn đường trơn thì gậy là vật chống khỏi ngã. Gậy đối với người mù là cơ quan sờ mó được kéo dài, tác dụng của nó là phát hiện, thăm dò đường đi, nó hoạt động rất hữu hiệu. Dù khoa học tiến bộ cũng chưa tìm ra được dụng cụ nào tốt hơn để thay thế cây gậy giúp cho người mù dò ra đường đi, tránh được các chướng ngại vật trong khi đi. Nó là công cụ quý giá của người mù, hình ảnh người mù khua gậy trông không đẹp mắt, nhưng đó là những hoạt động dò đường rất khoa học không nên chê cười người mù khi thấy họ cầm gậy và ngay người mù cũng không nên ngượng ngùng, xấu hổ khi phải cầm gậy. Nó là người bạn đồng hành quý giá của người mù chưa có gì thay thế được nó...

 

Tai nghe giúp người mù biết xe cộ chạy trên đường để khỏi đi chệch ra ngoài. Biết để tránh, tai cũng giúp người mù biết khi nào vắng xe để sang đường. Tai còn báo cho biết là đang đi nơi trống, gió lùa vào tai hay nơi che khuất, nơi thoáng hay lắng, đọng, góp phần cùng da trán phát hiện các chướng ngại vật từ xa. Nó còn báo cho người mù biết các tín hiệu cạnh đường, các cửa hàng như: cửa hàng bán đồ điện tử, cửa hàng may... để từ đó biết sắp đến nơi cần đến chưa ...

 

Mũi giúp phát hiện các mùi. Ví dụ đang đi gặp mùi xăng,  chắc chắn có một xe ô tô đỗ gần, hay đi đường ngửi thấy mùi hoa sữa, biết đường đó là đường gì. Hoặc dựa vào mùi bốc ra, biết đến cửa hàng phở hay cửa hàng bánh mỳ, do đó biết đến nơi hay chưa.

 

Rất nhiều tín hiệu, thông tin, người mù có thể khai thác, miễn là chú ý. Còn vận dụng, sử dụng thông tin nào, giác quan nào, phải kết hợp ra sao, do người mù quyết định.

 

b/Về trí nhớ:

 

Qua trình bày trên, ta thấy rõ, giác quan muốn hoạt động tốt, trí tuệ của người mù cũng phải phối, kết hợp rất chặt chẽ, rất kịp thời, đặc biệt phải nhớ các đặc điểm đường đi như: các mấp mô, các chỗ lên, xuống xe .... Người mù đi lại phải rất tập trung tư tưởng, chú ý nhiều mặt, lơ đãng là dễ lạc đường, dễ tai nạn. Cho nên, người mù đi các đoạn đường đông người, ồn ào, náo nhiệt như chợ búa... thì khó tập trung tư tưởng, do đó khó đi là phải. Đi đêm khuya thanh vắng thì thuận lợi hơn. Nhưng nếu quá thanh vắng, quá im ắng, ít tín hiệu hai bên đường cũng khó đi.

 

c/Vai trò của chân, tay trong tư cách là cơ quan vận động:

 

Chân là cơ quan vận động, đóng vai trò quan trọng. Nếu chân bước được nhịp nhàng, suôn sẻ người mù đi nhanh, trí tuệ đỡ tập trung và chân bước, mà muốn chân bước được tốt, thì chân phải rèn luyện năng đi lại. Trí nhớ bắp thịt được xây dựng sâu sắc, cứ theo nhịp, theo cữ mà bước, còn tay, tác dụng chủ yếu là cầm gậy để dò. Nếu động tác thành thạo cũng giúp cho đi lại được thuận lợi.

 

Từ những kiến thức cơ bản trên đây, người mù vận dụng để đi lại trên các địa hình, thời tiết, hoàn cảnh khác nhau, xử lý các tình huống khác nhau khi đi đường như: qua ngã ba, ngã tư, lên xuống xe, tàu ... không cần đi sâu hơn nữa.

 

Tuy nhiên có một chi tiết cần lưu ý khi người mù hỏi thăm một người sáng mắt nhờ chỉ dùm nhà của ông Y hay bà X chẳng hạn thì thường hay nhận được những câu trả lời đại loại như sau: “Có phải nhà ông X tường quét vôi vàng, lợp tôn phải không?” Hoặc “Có phải nhà bà Y có cổng to sơn màu xanh không?” Người mù lại đáp lại như sau: “Tôi chỉ biết nhà ông X trước nhà có chỗ cho ô tô lên xuống hoặc “ Nhà bà Y có cửa song sắt vuông”. Như vậy, một bên dùng các hình ảnh mắt nhìn, còn một bên thì dùng hình ảnh sờ mó và không thể hiểu nhau. Cho nên muốn hỏi nhà, người mù cần tìm hiểu nắm được một số hình ảnh mắt nhìn để hỏi, nhận được câu trả lời mình có thể hiểu được.

 

5/ Cần rèn luyện tự đi lại như thế nào?

 

Trước hết, cần thấy rằng đây là vấn đề tự rèn luyện, tự nhận thức, không thể ai làm thay. Có tự đi, tự tìm hiểu mới nắm được các đặc điểm của đường, các tín hiệu cần nhớ. Càng đi nhiều, các tích lũy càng dày dạn kinh nghiệm, cần luyện tập khi còn nhỏ tuổi, các giác quan còn tươi nhạy. Đối với người bị mù muộn, tiến hành luyện tập ngay sau khi bị mù.

 

Đối với các cháu bé, khi đã luyện tập cho các cháu tính năng động, ham hoạt động, các cháu sẽ tự mình rèn luyện. Gia đình nên tạo cho các cháu được đi chơi, đi cùng anh chị trong nhà hoặc trẻ con hàng xóm, khuyến khích cháu tự đi lại một mình, về một mình hoặc cho các cháu ra công viên, nơi công cộng, rộng rãi để các cháu tự đi lại. Dần dần các cháu sẽ thạo, sẽ quen.

 

Đối với những người tuổi đã lớn mới tập đi, một số ngày đầu có thể nhờ người nhà giúp đỡ đi theo. Nhưng phải dặn người nhà không báo trước đặc điểm đường đi, chướng ngại vật, cứ để người mù tự phát hiện. Chỉ khi nào gặp chướng ngại vật có thể gây nguy hiểm mới báo nhưng sau đó để người mù quan sát, để lần sau biết mà tìm cách khắc phục, một số ngày sau tự đi một mình. Bắt đầu đi đoạn đường dễ, ít vật chướng ngại, ít xe cộ, tập lúc giờ vắng vẻ. Sau đi đoạn phức tạp hơn, nếu còn trẻ có thể tự đi không dùng gậy, tuổi hơi lớn nên đi có gậy.

 

Có một cách tập đi khá tốt là đi theo các người mù khác đã đi thành thạo. Học cách này có lợi là không những hiểu được đặc điểm đường đi mà còn hiểu được cách xử lý, tinh thần, tâm lý trong lúc đi. Đi cùng một thời gian, nhưng sau đó, vẫn phải tự tập đi một mình. Cách luyện tập này rất thích hợp với những chị em phụ nữ mù vốn tính nhút nhát. Đi cùng với các chị em phụ nữ mù khác sẽ mạnh dạn, tự tin.

 

  

Lượt xem : 1306 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo