Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG IV: THỂ LỰC NGƯỜI MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG IV: THỂ LỰC NGƯỜI MÙ

 

1/ Tật mù ảnh hưởng đến thể lực người mù như thế nào?

 

   Trước hết cần hiểu thể lực một cách toàn diện. Nó không chỉ là sức khoẻ thể hiện ở độ đo chiều cao, cân nặng, số đo nồng ngực, sự nở nang, cân đối, rắn chắc của các bắp thịt…. mà còn những yếu tố cần thiết cho hoạt động của cơ thể như: nhanh nhẹn, tháo vát, bền bỉ, dẻo dai, phản xạ nhanh nhạy, tức khắc, tay chân mềm mại, cử chỉ động tác chính xác, khéo léo, ý thức nhịp điệu…. phải so sánh các điểm trên đây giữa người mù với liệu trung bình của người bình thường cùng lứa tuổi. Có thể lực tốt, cũng ảnh hưởng trở lại đối với sự phát triển của giác quan và trí tuệ. Nó bảo đảm cho người mù phát triển cân đối trong hoàn cảnh mất thị giác.

 

   Các tài liệu nghiên cứu cho thấy khi sinh ra, các trẻ em mà cũng như bình thường đều cân nặng, độ so chiều dài của người, tay chân tương đương, không có sự khác biệt đáng kể. Trong mấy tháng đầu sơ sinh, cháu bé mù cũng như cháu bé bình thường phát triển ngang nhau về trọng lượng và chiều cao. Sự phát triển của cháu bé mù chỉ bắt đầu chậm lại khi cháu bé sáng bắt đầu nhìn thấy và do nhìn thấy, bắt đầu hoạt động như: ngó theo các đồ vật, dơ tay với các đồ vật mà cháu thấy, dơ tay đòi mẹ bế. Ở giai đoạn này, cháu bé mù thiếu yếu tố kích thích cháu hoạt động, ngoại trừ do tai nghe, nghe tiếng mẹ gọi hay tiếng động lạ cháu có thể quay lại nhìn. Nhưng kích thích bằng tai nghe không mạnh bằng mắt nhìn, do thiếu cảm xúc, mặt cháu bé mù trở lên đờ dại tay chân ít cử động và sức khoẻ cháu sẽ giảm sút thua kém cháu bé sáng ngày càng trở lên lanh lợi, hoạt bát, năng động, luôn tay, luôn chân. Càng lớn lên, biết đi, biết chạy cháu bé sáng càng nhiều yếu tố kích thích và tính ham mê hoạt động, tìm hiểu càng tăng cường. Cháu nhìn thấy hay nghe thấy cái gì hay cái gì lạ là chạy ngay đến, xem xét sờ mó cho được. Cháu chạy cháu la hét, cháu múa, hát theo các anh, chị hay do nghe được trên đài, xem ti vi hoặc ở các bạn bè, cháu tưởng tượng mình lái ô tô chỉ bằng cách cầm một vòng tròn trong tay quay đi, quay lại. Một cái gậy có thể biến thành một con ngựa mà cháu dùng để chạy vòng quanh nhà mãi không chán, rồi còn rất nhiều đồ chơi thú vị do bố, mẹ mua cho, lại còn những chuyến đi chơi công viên đi thăm vườn thú. Tại đây cháu tha hồ quan sát, chạy tung tăng thậm chí leo trèo…. đến khi đi học tại trường, cháu được tập thể dục, nhẩy xa, nhẩy cao, chơi nhiều môn điền kinh, thể thao đi thăm quan, cắm trại…. rồi cháu lại còn tham gia việc nhà giúp đỡ bố mẹ quét nhà, nhặt rau, nấu cơm…

 

   Tất cả những hoạt động trên không những giúp cho giác quan, trí tuệ của cháu phát triển mà thể lực cũng được tăng cường về các mặt. Bước đi nhanh nhẹn, cử chỉ dứt khoát, phản xạ linh hoạt….

  

   Cháu bé mù, do kém hoạt động sức nặng cơ thể dần thua sút so với trẻ em sáng cùng tuổi, bắp thịt bé, cử động chậm chạp. Khi cháu lớn lên dù đi lại cháu cũng không thể đi nhanh hoặc chạy, nhảy như các cháu bình thường, trò chơi nghịch ngợm cũng ít hơn. Các hoạt động để rèn luyện sự khéo léo tay chân cũng không có mấy, tất cả những yếu tố ấy đã hạn chế sự phát triển của cháu bé mù kể cả về giác quan, trí tuệ và thể lực.

 

   Tật mù luôn làm suy giảm thể lực, nhưng chính những hậu quả do tật mù sinh ra nếu không có biện pháp hạn chế, sẽ có tác động đến như sự phát triển thể lực của người mù.

 

   Người ta đã nhận xét rằng, cùng tuổi như nhau các trẻ em mù thường kém về chiều cao, cân nặng số đo vòng ngực… so với số liệu trung bình của các cháu bình thường, khả năng hành động của tay, chân cũng kém hơn, kém mềm mại, kém chính xác, vụng về hơn và các cháu bé mù thường có vẻ già trước tuổi so với các cháu bình thường .

 

   Không chỉ đối với các cháu bé, sức khoẻ của những người mù lớn tuổi hơn cũng dễ bị thua sút so với người bình thường cùng lứa tuổi. Nguyên nhân cũng do thiếu yếu tố rèn luyện thể lực, dáng đi của người mù tuổi trưởng thành thường cũng nhẹ nhàng. Người mù ít khi chạy, leo trèo, ít phải làm những động tác nặng nhọc, ít tham gia thể thao hoặc các trò chơi mạnh, ít đi thăm quan du lịch…..

  

   So sánh giữa người mù bẩm sinh hay bị mù từ bé với những người mù muộn hơn, thì sức khoẻ, thể lực của những người mù bẩm sinh và bị mù từ bé, sức khoẻ yếu hơn. Những người này dáng đi ít khi nhấc cao chân, cử chỉ, động tác kém mạnh mẽ, dứt khoát hơn, nguyên nhân vì những người sáng mắt mới mù, dù sao cũng có một giai đoạn rèn luyện thể lực thuận lợi hơn. Tuy nhiên nếu không tiếp tục rèn luyện, thì sau khi bị mù sức khoẻ cũng sẽ không phát triển.

 

   Tuy sức khoẻ có phần thua sút, nhưng do người mù cũng ít khi có những hành động quá sức, tiêu phí sức khoẻ một cách vô ích trong các cuộc liên hoan hoặc các trò chơi, cũng ít khi mắc vào những cảnh nghiện ngập nên người mù cũng ít ốm đau và thường sống lâu. Chưa ai thống kê nhưng số người mù lớn tuổi thường chiếm tỷ lệ cao trong người mù.

 

   2/ Việc rèn luyện thể lực ở người mù cần tiến hành như thế nào?

 

   Xuất phát từ những quan niệm về thể lực một cách toàn diện như trên, nên việc rèn luyện thể lực là rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Không những nó phải tiến hành với các cháu bé, ngay từ khi tuổi còn ấu thơ cho đến khi các cháu trưởng thành mà nó cũng rất cần thiết đối với người mù đã có tuổi.

 

   Muốn rèn luyện thể lực phải thông qua việc tập thể dục, thể thao tham gia các trò chơi, đi thăm quan, du lịch. Nhưng ngoài ra phải rèn luyện thông qua các hoạt động hàng ngày trong gia đình, bởi vì chính thông qua các hoạt động tưởng như bình thường này, người mù rèn luyện được rất nhiều về thể lực, về sự khéo léo tay chân, sự chuẩn xác trong cử chỉ, hành động. Đặc biệt phải rèn luyện cho người mù thói quen hoạt động, tránh ngồi không, không làm việc này thì làm việc khác, ăn ngủ có giờ giấc không hoạt động, không những người mù buồn chán mà vì buồn chán lại thường hay đi ngủ nhiều, ngủ sớm, ảnh hưởng sức khoẻ. Tất nhiên cần tránh những trò chơi quá sức hoặc những thứ có thể hại cho sức khoẻ.

 

   Riêng các trẻ em mù, phải kích thích cháu hoạt động, không phải bằng mắt mà bằng tai, bằng kích thích qua giác quan sờ mó. Phải luyện tập cho cháu tự phục vụ bản thân, làm việc nhà ( quét nhà, nấu cơm ) kích thích cháu tham gia các trò chơi, tham gia chung với các trẻ em sáng mắt, khuyến khích cháu tham gia sản xuất cùng gia đình, nếu ở nhà có hoạt động kinh tế ( sản xuất thủ công, chăn nuôi, trồng trọt ….)

 

   Ở nhiều nước việc người mù tập thể dục, chơi điền kinh, thể thao, tham quan, du lịch là việc bình thường, nhưng ở nước ta người mù chưa có thói quen làm những việc này. Cần vận động tham gia một cách tích cực, về thể dục người mù có thể tập thể dục tay không hoặc thể dục dụng cụ, chơi xà đơn, xà kép, xà lệch, đánh đu, chơi vòng, dây thắt nút, nhảy dây, ném tạ, bắn súng…..

 

   Các dụng cụ giống như của người bình thường, chỉ khác về ném tạ và bắn súng. Người mù không ném tạ bằng quả tạ thông thường mà là một cục gỗ có cán đứng, người mù dùng tay lăng đi, lăng lại rồi hất khối gỗ là là mặt đất trượt xa xa về phía trước, tay càng khoẻ độ trượt đi càng xa. Còn về bắn súng đạn chỉ bằng cao su, nòng súng gắn cố định, chỉ có bắn súng có thể dịch đi dịch lại để điều chỉnh cho nòng súng hướng đúng mục tiêu. Tai người mù đeo tai nghe, khi nòng súng hướng đúng mục tiêu âm thanh phát ra trong tai nghe là lớn nhất và người mù bóp cò đạn cao su thoát khỏi nòng cắm vào mục tiêu có thể trúng có thể chệch ít nhiều do tai và tay người mù điều chỉnh quyết định.

 

   Về điền kinh, người mù có thể nhảy cao, nhảy xa, chạy, bơi sải của người mù giống như người bình thường chỉ chú ý để người mù không bị tai nạn khi nhảy, đường cho người mù chạy cũng thiết kế đặc biệt hơn hai bên đường chạy có vệ cỏ. Khi người mù chạy ra ngoài chạm cỏ biết ngay để trở lại chạy đúng đường, nếu chạy thì nhiều người, tay người mù có đeo chuông để khỏi bị người khác va vào.

 

   Thể thao cho người mù cũng rất phong phú, đa dạng. Họ có thể đi xe đạp đi thuyền, ném hoặc đá bóng, léo núi, chơi khúc côn cầu, đã có những cuộc đá bóng để giành danh hiệu vô địch giữa một số đội bóng người mù ở một số nước Châu Âu. Cũng đã có người mù lái tàu liệng một mình và hạ cánh an toàn.

  

   Người mù có thể tham gia nhiều loại trò chơi, có trò chơi để rèn luyện cơ bắp như: đẩy nhau, kéo co, vật tay. Có trò chơi rèn luyện về trí nhớ như: sờ một số đồ song thống kê lại, có trò chơi rèn luyện giác quan như: nghe tiếng động định hướng xem tiếng động ở đâu, người mù cũng chơi cờ, đánh bài rất tốt họ có thể chơi và thắng người sáng mắt….

 

   Người ta cũng dạy cho các học sinh mù múa, nhảy hoặc tập thể dục theo điệu nhạc, có tác dụng rèn luyện ý thức nhịp điệu rất tốt.

 

   Tham quan, du lịch cũng rất cần thiết và bổ ích đối với người mù để nâng cao kiến thức, thể lực sức khoẻ cần thiết cho cuộc sống của họ.

 

   Hình thức, biện pháp rất phong phú, đa dạng luôn bổ sung sáng tạo. Vận dụng cách nào là tuỳ thuộc vào từng nơi, từng lúc, không thể rập khuôn nhưng trước hết, chú ý đến các hình thức, biện pháp đơn giản, dễ làm, không tốn kém.

 

   Kết quả rèn luyện thể lực ở người mù cũng dễ nhận thấy. Ngay ở Việt Nam nhiều cháu bé mù khi bắt đầu đến các lớp, các trường giành cho các cháu, thân hình nhỏ bé, gầy guộc, cử chỉ, hành động, rụt rè vụng về chậm chạp, nhờ được tập thể dục, chơi các trò chơi sinh hoạt tập thể học văn hoá, cộng với một chế độ ăn uống điều độ chỉ một thời gian ngắn sau thân thể các cháu phát triển trở nên khoẻ mạnh, hoạt bát, tươi vui các cháu cũng trở nên đùa nghịch, nghịch ngợm chẳng khác gì các trẻ em bình thường.

 

   So sánh thể lực giữa hai người mù, một người tích cực, năng động, tập thể dục, tham gia các việc trong gia đình, tham gia sản xuất sức khoẻ tốt, tay chân khéo léo, tinh thần tươi vui thoải mái một người sống thụ động, kém hoạt động, thân hình tiều tuỵ cơ bắp bé nhỏ, hành động vụng về chậm chạp, không giúp gì được cho bản thân và gia đình.

 

   Thể lực của người mù còn tuỳ thuộc vào đời sống kinh tế của họ. Nhưng muốn có kinh tế khá, thì cũng phải do tích cực, năng động do bàn tay lao động của mình tạo ra, mối liên quan qua lại là ở đấy.

 

 

PHẦN THỨ BA

KHẢ NĂNG CÁC MẶT CỦA NGƯỜI MÙ

 

Phần này sẽ đi sâu tìm hiểu khả năng các mặt của người mù. Tuy nhiên không thể đề cặp hết mọi khả năng mà chỉ đi vào một số khả năng chủ yếu, cần thiết cho cuộc sống của người mù. Không chỉ chú ý các khả năng lớn mà cả khả năng tự phục vụ, tham gia công việc gia đình vì đây chính lại là cơ sở cần thiết ban đầu cho mọi khả năng khác.

 

Lượt xem : 1203 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo