Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG VII: KHẢ NĂNG HỌC TẬP CỦA NGƯỜI MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG VII: KHẢ NĂNG HỌC TẬP CỦA NGƯỜI MÙ

 

1/ Tình hình học tập của người mù như thế nào?

 

Từ xưa, người mù đã học tập. Họ học triết học, văn thơ, toán học, âm nhạc và các nghề thủ công ... Về nghề thủ công, họ học bằng tay, còn học văn hóa, học nhạc, họ học chủ yếu bằng tai nghe, học tại nhà hoặc đến trường dự thính. Bằng cách này, chỉ những người mù thông minh, có trí nhớ đặc biệt và thường là con nhà khá giả, có điều kiện mới học được. Cũng đã có những người nổi tiếng được ghi tên trong sử sách. Thời kỳ Hy lạp, La Mã cổ đại, có các nhà triết gia mù Đi-ô-đốt (Diodote), Ô-phi-đi-uýt (Au fidius). Thế kỷ IV sau Công nguyên, ở Ai cập có Đi-đi-mơ (Đidyme). Cuối thời kỳ trung cổ, có một số nhà bác học mù nổi tiếng có trí nhớ đặc biệt như: Ni-ke-đơ (Nicaise) Phơ-man (Feuman), Pi-e Đuy-pông (Pierr Dupnt). Người ta đã viết về Xôn –bé (Ulbrich Schomberg) (1601 – 1648) như sau: Ông dạy các môn triết học, toán học vì rất được ca ngợi, Ông bị mù lúc 2 tuổi rưỡi và không còn nhớ gì về ánh sáng: Thế kỷ 18, ở Anh có nhà toán học mù Xal-đéc-xơn (Nicolas Saunderson) theo học ở trường trung học của người sáng, rất giỏi toán, được bổ nhiệm dạy toán tại trường Đại học ốc – phớc (Oxford). Khi nhà bác học nổi tiếng Niu-tơn (Newton) qua đời, ông này được bầu vào Hàn Lâm viện Anh thay chân Niu-tơn. Cuối thể kỷ 18, ở xứ Ê-cốt Anh, có ông Mi-đơ (Moyses) bị mù, làm giáo sư dạy vật lý, hóa học tại trường đại học. Ở Pháp, đầu thế kỷ 19, Pen-jôn (Pajnon), mù bẩm sinh, theo học trường trung học với học sinh sáng mắt, thi toán toàn quốc, đạt giải nhì. Sau đó dạy toán giỏi được thưởng huân chương cao quý nhất của nước Pháp ...

 

Trên đây, chỉ kể đến một số người mù bẩm sinh, không kể đến những người đã có thời kỳ sáng mắt, sau khi bị mù, học tập phát huy tốt tác dụng.

 

Ở nước ta, có Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), tuy không bị mù từ bé, nhưng sau khi bị mù lúc 27 tuổi, chỉ bằng trí nhớ và tai nghe đã học được nghề làm thuốc. Sau đó, ông mở trường dạy học, và làm thuốc sáng tác nhiều văn thơ. Rất nổi tiếng không chỉ vì tài cao mà còn ở tinh thần bất khuất chống thực dân Pháp.

 

Việc sử dụng tay để cho người mù học văn hóa mãi đến cuối thể kỷ 18 mới được thực hiện do công của Va-lăng-tanh Ha-uy (Vakentin Hauy), một người sáng mắt Pháp. Về việc mở trường, ông đã viết như sau: “Tôi sẽ làm cho người mù đọc được. Tôi sẽ trao vào tay họ những cuốn sách do chính họ in ra. Họ sẽ vạch ra các chữ và đọc lại những gì do họ viết ra. Tôi làm cho họ hòa tấu được bằng dương cầm. Người mù nhận ra các đồ vật bằng cách dựa vào hình dáng khác nhau. Họ không bao giờ nhầm lẫn với gía trị các đồng tiền. Tại sao họ không nhận ra được các chữ, các nốt nhạc, nếu ta làm cho các thứ này nổi lên, trở thành sờ được”.

 

Nhưng Ha-uy không chỉ tìm cách dạy văn hóa cho người mù, Ông còn muốn làm cho họ thoát khỏi cảnh ăn mày ăn xin. Ông còn muốn đưa họ vào lao động. Ông viết: “Tin tưởng họ có thể làm được nhiều loại công việc tay chân, tôi không chỉ chọn ra cho họ những việc mà họ làm được. Tôi còn làm cho họ kéo được sợi. Từ sợi nhỏ tết thành sợi to hơn để dệt các loại vải. Tôi còn giúp họ làm được các đồ gốm, các lưới, đan len, khâu, đóng sách. Tất cả các việc trên đã được thí nghiệm với kết quả đáng hài lòng. Một vài cải tiến nhỏ trong máy in, còn giúp người mù in được các sách chữ nổi, in một số loại ấn phẩm để phục vụ người sáng như: “danh thiếp, phiếu báo hỷ, phiếu thanh toán”.

 

Như vậy, ngay từ đầu, Va-lăng-tanh Ha-uy đã xác định mục đích mở trường cho người mù là giúp họ học tập, nâng cao trình độ để có việc làm, thoát đói nghèo, khổ cực. Về nội dung, ông đề nghị học văn hóa, học nhạc và học nghề. Về phương pháp: học bằng cách sờ chữ nổi.

 

Về chữ nổi, ông dùng ngay thứ chữ thường mắt nhìn vẫn đọc, dập nổi lên để cho tay người mù sờ đọc. Ông cũng dập nổi cả chữ số thường dùng, dập nổi các bản đồ cho học sinh mù học. Về nhạc, do chưa có cách ghi thành nhạc nổi nên ông vẫn cho học bằng truyền khẩu và coi như môn học phụ, để giải trí là chính.

 

Loại chữ nổi do Va-lăng-tanh Ha-uy in ra có kích thước khá lớn trong 1 diện tích giấy 1dm2, ông chỉ in được 50 chữ, có nghĩa là 2cm2 một chữ. Người mù đọc được nhưng chậm và vất vả. Còn về viết chữ nổi, thực chất là dùng các con chữ thường đã được khắc nổi lên giống như các con chữ trong máy in Ty-pô. Người mù sẽ ấn các chữ ấy vào giấy cho nổi lên. Làm như vậy rất chậm và khó khăn.

 

Trên thực tế, coi như không thể viết được Va-lăng-tanh Ha-uy cũng làm một số cữ để cho người mù tập viết bằng bút chì. Nhưng cũng chỉ vài người mù sử dụng, tức là trước đó sáng mắt đã biết viết chữ thường là viết được. Còn người mù bẩm sinh, do chưa được rèn luyện viết chữ thường bao giờ không thể viết được...

 

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng được học tập, người mù rất phấn khởi, học tập rất say mê. Chỉ một thời gian ngắn sau, đã có người trở thành giáo viên dạy trở lại cho những người mù đến sau và trường cho học sinh mù bắt đầu hình thành, truyền lan sang nhiều nước khác trên thế giới, nhất là ở Châu âu và Châu Mỹ.

 

Cũng nhờ có trường mù một cậu bé Pháp Lu-i Bơ-rai (Louis Braille) được đi học và chính cậu đã phát minh ra thứ chữ nổi hiện dùng phổ cập trên toàn thế giới, trở thành thứ chữ duy nhất dùng cho người mù, thay thế cho kiểu chữ Va-lăng-tanh Ha-uy và các loại chữ khác. Chữ của Bơ-rai không giống các kiểu chữ thường của mắt nhìn mà gồm toàn chấm nổi, tối đa “6 chấm, xếp thành 2 cột đứng, mỗi cột cách gần tối đa 3 chấm. Mỗi chấm cách chấm liền kề 2,5mm. Như vậy, mỗi chữ Bơ-rai có chiều cao 5mm, chiều rộng 2,5mm. Trong 1dm2 có thể viết được 140 chữ. So với chữ thường, nó lớn hơn (1dm2 giấy có thể chứa 1340 chữ thường), nhưng so với chữ Va-lăng-tanh Ha-uy thì nó nhỏ gần bằng ba lần với tối đa 6 chấm, khai thác hết mọi tổ hợp có thể xây dựng, có tất cả 63 ký hiệu. Với 63 ký hiệu khác nhau này, Bơ-rai đã xây dựng bảng chữ cái, các dấu chấm câu, các chữ số, các dấu làm toán, dấu ghi chép âm nhạc. Lại còn hệ thống ghi tốc ký. Như vậy, chỉ bằng các ký hiệu chấm nổi này, người mù có thể học được rất nhiều thứ: văn, toán, khoa học, âm nhạc. Còn về viết, chỉ cần một bảng có khoét sẵn cỡ chữ và một dùi bằng sắt hơi nhọn đầu. Kẹp 1 tờ bìa cứng vào bảng viết, dùng dùi chọc vào các lỗ khoét sẵn cho tờ bìa nổi lên thành các chấm theo ý mốn. Người mù viết rất dễ dàng.

 

Một số câu hỏi có thể nêu lên: Tại sao Bơ-rai lại dùng các chấm nổi để xây dựng chữ viết cho người mù mà không dùng loại chữ thường dập nổi lên như Va-lăng-tanh Ha-uy để người mù và người sáng cũng đọc được. Thực ra, ai chẳng muốn vậy, Nhưng chữ thường gồm các nét liền cong, thẳng, đậm nhạt khác nhau là thứ chữ xây dựng cho mắt nhìn, thích hợp với mắt nhìn. Nó không phù hợp với tay sờ. Tay sờ chỉ thích hợp với các chấm nổi, sờ dễ dàng.

 

Thật ra, người có công nghĩ ra chấm nổi để viết không phải là Lu-i Bơ-rai mà là viên cựu đại úy Pháo binh sáng mắt. Ông nghĩ ra chữ nổi để dùng cho mục đích quân sự, để cho các sĩ quan viết các điện tín và dùng tay đọc trong đêm tối để giữ bí mật. Ông này tên là Bác-bi-ê (Charles Batbier). Từ quân sự, ông áp dụng sang cho người mù. Nhưng thứ chữ của Bác-bi-ê có nhiều nhược điểm. Lu-i Bơ-rai đã cải tạo thành thứ chữ tiện lợi cho người mù.

 

Từ khi có kiểu chữ Bơ-rai, phong trào học tập của người mù lại càng được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến và tiến bộ rất nhanh. Từ 1 trường đầu tiên, đến nay trên toàn thế giới đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trường giành cho học sinh mù. Hầu như nước nào cũng có, ít thì 1 trường, nhiều thì 6, 7, 8 trường, thậm chí còn nhiều hơn. Không chỉ học ở các trường giành riêng, người mù còn học chung với các học sinh sáng mắt. Không chỉ học ở cấp thấp, nhiều người mù còn học lên cao: trung, đại học. Nhiều nước đã đưa người mù thành đối tượng học tập bắt buộc giống như trẻ em sáng mắt. Đến tuổi là phải đi học. Phải học hết trung học, sau đó, tùy khả năng, thì học lên cao hơn nữa. Số lượng người mù trên thế giới đi học đã lên tới số hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu. Nhiều người mù đã đỗ học vị cao tiến sĩ, phó tiến sĩ, cử nhân, thạc sĩ và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng, hiệu trưởng, giáo sư, luật gia ...

 

Riêng ở Việt Nam, chữ Bơ-rai cũng đã được du nhập từ cuối thế kỷ 19. Cũng đã có nhiều hoạt động tổ chức học văn hóa, học nghề cho người mù. Phong trào học tập của người mù Việt Nam thực sự được đẩy mạnh từ sau cách mạng tháng tám đến nay, nhất là từ sau ngày kháng chiến thắng lợi như: trường thương binh hỏng mắt, trường chữ nổi Ba Đình các lớp xóa mù chữ, các lớp học cho trẻ em mù do Hội Người mù và các cấp chính quyền mở. Hiện nay cả nước có 4 trường giành cho trẻ em mù (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng) số người mù Việt Nam được học chữ nổi đã lên tới hàng vạn người, trong đó đã có người học lên trung, đại học. Đó là kết quả rất đáng phấn khởi.

 

2/ Kết quả, tác dụng của việc học tập của người mù ra sao?

 

Kể từ ngày trường đầu tiên được mở ra cho đến nay, việc tổ chức cho người mù học với diện rộng đã được hơn hai thế kỷ. Có thể khẳng định việc học tập của người mù đã mang lại kết quả, tác dụng rất lớn lao về nhiều mặt. Có thể coi như một bước ngoặt, một cuộc cách mạng đổi đời cho người mù trên thế giới cũng như ở mỗi nước.

 

Trước hết, đối với người mù, nhờ được học tập nâng cao trình độ, họ thoát khỏi cuộc sống cách ly cô lập, dốt nát. Nhiều người trở thành hiệu trưởng, giáo sư trung học, đại học, luật sư, luật gia, sử gia, nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo, quản lý ... Nhiều người trở thành kỹ thuật viên, cán bộ chuyên môn thành thạo như: Tổng đài điện thoại viên, xoa bóp trị liệu viên, chương trình viên máy tính, thư ký, nhân viên văn phòng. Nhiều người mù trở thành thạc sĩ, nghệ sĩ: dạy nhạc, biểu diễn, sáng tác, điều chỉnh đàn dương cầm, sửa, làm, bán đàn ... Chưa kể hàng triệu người mù làm nghề thủ công, công nhân, dịch vụ, buôn bán nhỏ nhờ được làm việc có thu nhập, cuộc sống nhiều người mù đổi thay rất rõ rệt, tươi vui, bận rộn chẳng kém gì người bình thường.

 

Cũng do trình độ nâng cao, người mù còn nghiên cứu, sáng chế phát minh, tìm ra nhiều phương thức, phương tiện, công cụ để đổi mới, cải thiện ngay cuộc sống của họ. Ngoài sáng chế của Bơ-rai, nhiều phát minh khác do người mù tiến hành như: máy in chữ nổi, 1 số loại bảng viết, dụng cụ làm tính, 1 số nghề như: tổng đài điện thoại viên, điều chỉnh đàn dương cầm. Họ đã tổ chức ra nhiều hội người mù, nhiều thư viện chữ nổi, nhiều tờ báo, tạp chí, nhiều hình thức hoạt động phong phú của người mù.

 

Do hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của người mù, họ còn đại diện cho người mù đề đạt lên chính phủ các nước những dự luật, chương trình, dự án để thay đổi cuộc sống của họ.

 

- Đối với Chính phủ  và xã hội: Qua việc học tập của người mù, hiểu rõ được khả năng, nhu cầu của người mù, tác dụng to lớn, thiết thực của việc học tập, làm việc. Từ đó, thay đổi cách nhìn, thay đổi chủ trương, chính sách đối với người mù. Trước đây, người ta nhìn người mù như không còn làm được gì, giúp đỡ bằng cách trợ cấp, nuôi dưỡng, ban ơn, bố thí. Nay chuyển hướng sang tạo điều kiện cho người mù được học hành, làm việc vươn lên bằng khả năng còn lại của họ.

 

Từ sự chuyển hướng đó, nhiều nước đã ban hành nhiều đạo luật đảm bảo cho người mù quyền được phục hồi chức năng, học tập, làm việc quyền được hòa nhập bình đẳng trong xã hội. Nhiều trường, nhiều thư viện, cơ sở sản xuất, câu lạc bộ ... giành riêng cho người mù đã được mở ra tại các nước. Nhiều phương tiện, công cụ, máy móc chuyên dùng giành cho người mù cũng đã được chế tạo ra góp phần rất đáng kể thay đổi cuộc sống của người mù. Ngay Liên Hiệp quốc cũng đã ban hành một nghị quyết thừa nhận người tàn tật nói chung, người mù nói riêng có quyền được bình đẳng, có quyền tham gia các hoạt động xã hội. Tất cả bắt nguồn từ sự thay đổi về cách nhìn nhận, đánh giá về khả năng của người tàn tật, người mù là sự khởi đầu chính là từ việc tổ chức cho người mù được học tập. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy: “Người mù tàn nhưng không phế”.

 

Một lớp người mù mới đã ra đời, ngày càng nhiều. Đó là những người mù có học, có nghề, có việc làm, có cuộc sống được cải thiện, tươi vui, bình đẳng, hòa nhập trong gia đình và xã hội. Hình ảnh này đang thay thế dần hình ảnh xa xưa về người mù.

 

Kết quả học tập của người mù không phải chỉ thể hiện ở các nước mà ngay ở nước ta cũng vậy.

 

Nhờ được học tập nâng cao trình độ, nhiều người mù đã phát huy tác dụng trong hoạt động xây dựng Hội Người mù, trong việc mở các lớp học văn hóa, học nghề, tổ chức sản xuất, việc làm và nhiều hình thức hoạt động khác nhằm nâng cao địa vị, cuộc sống của người mù Việt Nam. Nhờ có chữ nổi, người mù Việt Nam làm báo cáo, xây dựng chương trình dự án, biên soạn sách giáo khoa, giảng dạy, quản lý sản xuất, viết báo nghiên cứu, sáng tác, giao tiếp... tạo cho họ một cuộc sống tươi vui, bận rộn và đầy ý nghĩa. Hình ảnh, cuộc sống của người mù Việt Nam ngày nay cũng đã thay đổi, cải thiện rõ rệt. Nguồn gốc cũng là thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tàn nhưng không phế”.

 

3/ Việc công nhận kết quả học tập của người mù có sự châm chước, chiếu cố nào không?

 

Người mù không chỉ học ở cấp thấp mà còn học ở cả các cấp cao (trung, đại học). Nhiều người thi đậu học vị cao: tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ... Chắc cũng có người nghĩ rằng trong việc thi cử, công nhận kết quả học tập đối với người mù hẳn phải có sự châm chước, chiếu cố nhất định. Trên thực tế không phải như vậy. Ở nhiều nước, việc tổ chức cho người mù học làm rất nghiêm túc, khoa học. Từ nội dung, chương trình đến đội ngũ giáo viên đều được chuẩn bị công phu. Khi học lên cao, người mù học chung với học sinh sáng mắt, học cùng chương trình, bài kiểm tra, thi cử đều như nhau, chấm theo cùng một tiêu chuẩn. Đủ trình độ thì trúng tuyển, không thì thôi, không hề chiếu cố. Để đạt được kết quả như trên, người mù phải thực sự cố gắng, công sức bỏ ra nhiều hơn hẳn so với học sinh, sinh viên sáng mắt. Ngay cả khi họ đi làm, được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng, cũng không hề có gì là châm chước, chiếu cố. Tất cả do phẩm chất, tài năng của người mù quyết định.

 

Để chứng minh điều này, xin dẫn chứng ra đây thí dụ về ba con người. Đó là ông Pi-e Vi-lây (Pierre Villey), người Pháp bị mù lúc 4 tuổi rưỡi, thi đỗ tiến sĩ văn khoa năm 1909, sau trở thành Tổng thư ký Hội Va-lăng-tanh Ha-uy (Hội người mù Pháp). Người thứ 2 là Đa-vít Blăng-két (David Blunkett), người Anh mù bẩm sinh, hiện đang đảm nhiệm chức bộ trưởng Bộ giáo dục và việc làm trong chính phủ Anh do ông Tô-ni Bleir (Tony Blair) làm thủ tướng. Người thứ 3 là ông Ga-ha Hút-xen (Gaha Hcusien), người Ai cập, bị mù lúc 3 tuổi rưỡi, học đỗ hai bằng tiến sĩ, 1 bằng cử nhân, sau trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Viện trưởng Viện Hàn lâm Quốc gia Ai cập.

 

Bị mù hoàn toàn, khi chưa được đi học, Pi-e Vi-lân chỉ có cách học bằng cách nghe các em học đọc to và nhớ bằng trí nhớ. Đến 8 tuổi, đỗ vào học chữ nổi tại Học viện Quốc gia Người mù trẻ tuổi Pa-ri (Trường do Va-lăng-tanh Ha-uy thành lập), sau đó chuyển sang trường trung học, với đại học sư phạm học chung với các học sinh, sinh viên sáng mắt. Ông học bằng cách ghi bài giảng bằng chữ nổi. Bài kiểm tra phải nộp thì đánh máy chữ thường. Tài liệu, sách cần tham khảo mà chữ nổi không có thì phải nhờ bạn bè hoặc người thân đọc cho nghe. Khi làm luận văn tiến sĩ, ông chọn đề tài nghiên cứu tập sách Tiểu luận của Mông-te-nhơ (Mongtaigne), 1 nhà văn kiêm triết gia Pháp thế kỷ 17. Tập tiểu luận gồm 20 cuốn chữ thường. Mông-te-nhơ viết trong nhiều năm, trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhiều thay đổi về triết lý, tư tưởng, tình cảm. Mông-te-nhơ lại là người rất ham đọc sách. Trong cuốn tiểu luận, ông dẫn ra rất nhiều đoạn trích ở nhiều cuốn sách khác nhau.

 

Do cuốn sách được viết trong 1 thời gian dài và có nhiều yếu tố tác động như trên nên nếu nhìn cuốn sách như là một thể thống nhất thì thấy có nhiều mâu thuẫn về tư tưởng, triết lý, tình cảm của con người Mông-te-nhơ. Có người cho ông là dũng cảm, kiên cường, duy vật. Có người lại cho là lập dị, bảo thủ, sùng đạo...

 

Để có thể đánh giá chính xác tư tưởng, triết học, tình cảm, nghệ thuật của Mông-te-nhơ. Trước hết, lại phải chép toàn bộ tập tiểu luận ra chữ nổi, ít nhất cũng phải thành 60 tập đồ sộ. Tiếp đó, phải biên niên sử thời Mông-te-nhơ. Từng năm, xảy ra sự kiện chính trị, kinh tế như thế nào. Các cuốn sách Mông-te-nhơ đọc ra vào năm nào, ông đọc vào thời kỳ nào ... Dựa vào biên niên sử để ông tìm hiểu các sự kiện, tìm đọc các sách, kể cả các sách bằng tiếng Hy lạp, La Tinh là hai thứ tiếng còn dùng rất phổ biến hồi bấy giờ. Việc sưu tầm sách rất khó khăn và do sách đều không có thể chép ra chữ nổi, ông phải nhờ bạn bè hoặc người thân đọc cho nghe. Đọc đến đâu, ông ghi chép những điều cần thiết vào các phiếu chữ nổi. Các phiếu này ông chia thành ba nhóm lớn: nhóm 1, ghi các tư tưởng, nhóm 2 ghi cảm xúc nghệ thuật, nhóm 3 ghi các mẩu chuyện. Trong từng nhóm. Ông đánh dấu bằng các chữ A, B, C ... theo tứ tự bảng chữ cái để dễ tìm. Các phiếu trên ông xếp vào nhiều thùng lớn một cách thứ tự công việc sưu tầm, ghi chép, phần lớn để phục vụ cho viện nghiên cứu là có nhiều khó khăn, vất vả và đòi hỏi nhiều thời gian nhất đối với người mù.

 

Sau giai đoạn chuẩn bị là giai đoạn nghiên cứu. Giai đoạn này ông đọc các tài liệu, sách vở đã được ghi chép ra chữ nổi nên không gặp khó khăn. Chủ yếu suy nghĩ rút ra các nhận xét, các kết luận sao cho chính xác, phong phú và xúc tích.

 

Cuối cùng là giai đoạn biên soạn. Phải lập đề cương dàn ý. Những phần khó khăn, phức tạp chuẩn bị ghi trước ra chữ nổi, nếu không thì thôi. Để biên soạn, ông dùng máy chữ thường tự đánh ra các đoạn, các bài cần thiết. Đánh máy xong phải nhờ người sáng đọc lại, bổ sung, sửa đổi, chữa lỗi chính tả. Đoạn nào cần, người sáng đánh máy lại cho.

 

Toàn bộ luận văn tiến sĩ của Vi-lay gồm 3 tập, 1250 trang được hội đồng giám khảo đánh giá xuất sắc và ông đã đỗ tiến sĩ. Luận văn của ông còn được giới văn chương cùng thời ca ngợi vì đã làm sống lại một đề tài, đưa ra nhiều nhận định bổ ích, quý giá.

 

Đa-vít Blăng-két sinh năm 1948 tại thành phố Sép-phin (Sheffeld) nước Anh. Cha làm việc cho một công ty khí đốt nhưng đã chết do bị tai nạn lao động khi Blăng-két mới 12 tuổi. Học xong tiểu học cùng với các học sinh sáng mắt, bị từ chối không được tiếp nhận vào học ở một trường Trung học Quốc gia sư phạm Anh là một trường của học sinh bình thường và theo học môn đào tạo nhân viên văn phòng. Buổi tối, Blăng-két lại theo học kỹ thuật ở một trường trung học kỹ thuật, đạt hai bằng chứng chỉ. Tốt nghiệp trung học, Blăng-két đi làm tại công ty khí đốt, tích cực hoạt động công đoàn được bầu làm đại diện phân xưởng. Vừa làm, Blăng-két vừa học thêm cho đến khi đủ mọi chứng chỉ để thi vào trường đại học thành phố Sép-phin. Tại đây Blăng-két theo học môn khoa học hoạt động chính trị. Tốt nghiệp, ông chuẩn bị đảm nhiệm chức vụ giám đốc giáo dục công nghiệp ở một trường trung học. Năm 1970, bấy giờ Blăng-két 22 tuổi, ông được bầu vào hội đồng thành phố Sép-phin và là người trẻ tuổi nhất được bầu vào chức vụ này. Hội đồng thành phố lại bầu ông giữ chức thị trưởng thành phố Sép-phin, điều hành một ngân sách hàng năm lên tới 500 triệu bảng Anh và một đội ngũ nhân viên 35.000 người. Dưới sự lãnh đạo của ông, hội đồng thành phố thời kỳ này nổi tiếng hoạt động năng động vì hiệu quả cao. Cũng trong thời gian này, ông được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng Lao động Anh và liên tục được bầu vào Hạ nghị viện Anh, đại diện cho thành phố Sép-phin. Ông trúng cử với số phiếu bầu đông đảo, chứng tỏ tín nhiệm của dân chúng đối với ông. Do hoạt động tích cực, sôi nổi, Đảng Lao động Anh đã chọn ông làm bộ trưởng Bộ giáo dục và Việc làm. Việc này không làm cho nhân dân và các giới chính trị Anh ngạc nhiên, vì người ta hiểu rõ quá trình phấn đấu, nghị lực và tài năng của ông. Một điều mà ông đòi hỏi ở mọi người là coi ông như mọi người khác, không nhìn người mù như có cái gì là đặc biệt, đáng thương hại.

 

Còn Ta-ha Hút-xen sinh 1889 tại một làng quê Ai cập. Bị mù lúc 3 tuổi do bị đau mắt, Hút-xen hàng ngày được anh dắt đến trường hồi giáo trong làng nghe đọc kinh Co-ran (kinh của đạo hồi) lên 9 tuổi, Hút-xen đã thuộc lòng toàn bộ kinh. 13 tuổi được gửi lên học văn chương, lịch sử Ả rập và Hồi giáo tại một trung tâm ở Cai-rô, thủ đô Ai cập. Tuy chăm chú, say sưa học tập, nhưng Hút-xen rất buồn chán vì cách học cổ hủ, nhai đi nhai lại những giáo điều dài dòng mà chẳng hiểu nghĩa, chẳng rút ra được điều gì bổ ích, thiết thực. Năm 19 tuổi (1908), ông chuyển sang học ở trường Đại học Ai cập, một trường đại học tư có nhiều giáo sư người Châu âu giảng dạy. Tại đây, ông được học rất nhiều môn, phương pháp sư phạm tiên tiến, học có phân tích, nhận xét, phê phán, khiến ông rất phấn khởi, đầu óc sáng ra, biết thêm rất nhiều điều mới lạ và cũng có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoa học về cái hay, cái đẹp của văn chương Ả rập cổ. Năm 25 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đề tài thơ ca của một thi sĩ mù Ai cập thế kỷ 11 và là người đầu tiên được nhận bằng tiến sĩ của trường. Cũng năm này, bị từ chối không được bổ nhiệm vào một chức vụ chỉ vì bị mù, ông đã xin được học bổng sang học tại trường đại học Mông-pe-li-ê (Montellier) là trường đại học nổi tiếng của Pa-ri. Tại đây, ông đã thi đỗ cử nhân văn khoa, năm 1917, tiếp đó năm sau khi 29 tuổi (1918), ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài nghiên cứu triết học xã hội của một sử gia nổi tiếng Ai cập thế kỷ 14. Trở về nước, ông làm giáo sư giảng dạy ở trường đại học về các môn sử Hy lạp, La mã, lịch sử văn chương Ai cập. Năm 1926, ông xuất bản một cuốn sách về thơ ca Tiền Hồi giáo, trong đó ông nêu nghi vấn về một số chân lý mà truyền thống Ả rập coi như là tối thiêng liêng. Vì việc này, ông bị mất chức, thuyên chuyển, nhưng rồi lại được phục hồi. Ông đã đảm đương nhiều chức vụ quan trọng: trưởng khoa, hiệu trưởng trường đại học, thanh tra giáo dục, bộ trưởng giáo dục Ai cập, chủ tịch Viện Hàn lâm Ả rập Cai-rô.

 

Ông viết rất nhiều sách với nhiều thể loại khác nhau: Nghiên cứu lịch sử văn hóa, truyện, dịch ... Nhiều cuốn được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Tiếng tăm ông truyền lan ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều trường đại học đã phong cho ông danh hiệu tiến sĩ danh dự như: các trường đại học Cai-rô, Rôm (ý), Ny-ông (Pháp, Mong-pe-li-ê (Pháp), Ma-đrits (Tây Ban Nha), Cam-brit-jơ (Anh). Nhiều nhà bác học, nhà văn, nhà thơ đã đến gặp trao đổi, đàm luận cùng ông. Ông được chọn để nhận giải thưởng Nô-ben văn chương, nhưng do một lý do nào đó ông không được nhận giải này. Ông mất năm 1973, thọ 84 tuổi.

 

Qua một số ví dụ trên đây, ta thấy, trong học tập, làm việc, người mù phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Càng cao, càng phải cố gắng, không hề có tý chiếu cố, châm chước nào.

 

4/ Trong việc tổ chức cho người mù học tập, có những đặc điểm gì cần chú ý?

- Người mù học bằng tay sờ, tai nghe, không thể học bằng cách nhìn lên bảng đen xem thầy viết, hoặc nhìn các bản đồ, các hình vẽ bình thường, không thể viết chữ thường nếu không có phương tiện chuyên dùng.

 

         - Người mù số lượng không đông, ở rải rác, đi lại khó khăn, khó tự đi, về nếu không có phương tiện giúp đỡ.

 

   - Đa số người mù nghèo, trừ một số ít có thể học lên cao, còn lại đa số học đến một mức nào thì phải nghỉ. Do đó, bên cạnh việc học văn hóa, việc học nghề là rất quan trọng đối với người mù. Số nghề cho người mù lại không dễ tìm như đối với người bình thường.

 

  - Học tập đối với người mù không chỉ là văn hóa, nghề nghiệp mà điều quan trọng là phải truyền được lòng tin, sức mạnh cho người mù. Bằng những gương người thật, việc thật làm cho người mù thực sự tin tưởng, quyết tâm làm theo.

 

Do 4 đặc điểm nói trên, ở giai đoạn đầu mới tổ chức cho người mù học, người ta nặng tổ chức thành các trường lớp giành riêng, giống như trường do Va-lăng-tanh Ha-uy tổ chức. Cách này có những ưu điểm sau đây:

 

   - Học sinh, thậm chí cả thầy giáo, nhất là thầy giáo mù được ăn ở nội trú, đỡ phải đi lại, thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện, ngày cũng như đêm, trong giờ cũng như ngoài giờ.

 

   - Học sinh đều là mù cả nên thuận tiện cho việc học tập, từ nội dung đến phương pháp, sách giáo khoa, dụng cụ học tập, chấm bài, kiểm tra bài. Học sinh noi gương nhau, người giỏi nêu gương cho người yếu, kém học sinh noi gương thầy giáo, nhất là thầy giáo mù, truyền niềm tin và sức mạnh cho nhau, cùng nhau phấn đấu tiến lên, dìu dắt nhau cùng tiến bộ.

 

Tuy nhiên, cách tổ chức này cũng có các nhược điểm sau:

  - Số lượng học sinh mù tiếp nhận vào mỗi trường không được nhiều, cũng chỉ vài trăm là cao, thông thường chỉ trên dưới 100. Do đó không thể tạo điều kiện cho nhiều người mù được học. Cũng không thể xây dựng quá nhiều trường giành cho người mù, có khi lại lãng phí vì không có người mù đến học.

 

  • Người mù học ăn ở tập trung, học chung với nhau, tách rời môi trường gia đình và xã hội, nơi họ phải sinh sống, hòa nhập suốt đời.

 

Do sống tách biệt với gia đình và xã hội một thời gian tương đối dài, khi ra trường trở về nhà, học sinh mù thường ngỡ ngàng, khó hòa nhập, thậm chí không muốn về, biến nhà trường thành nơi nuôi dưỡng, lo việc làm học sinh mù học với nhau thì chỉ ganh đua, cọ xát giữa những người đồng tật, chưa quen học chung và thử sức với học sinh sáng mắt. Khi chuyển sang học chung lại bỡ ngỡ. Học tiếng vẫn tạo ra một tâm lý học sinh mù như có gì là riêng biệt, khác biệt, chưa thực sự bình thường, bình đẳng.

 

Chính vì những lý do trên đây, nhất là ở những nước đã có quá trình lâu năm tổ chức học tập cho người mù. Người ta chủ trương không phát triển thêm các trường giành riêng mà chuyển sang cho học sinh mù học hòa nhập với học sinh sáng mắt ngay từ cấp học đầu tiên cho đến các cấp học cao hơn.

 

Cách học này có thuận lợi và ưu điểm là:

  • Không phải xây thêm trường lớp, vì đã có sẵn khắp nơi. Học sinh mù được học gần nhà, không cần ở nội trú, chỉ cần gia đình hoặc có xe đưa đón, không bị tách rời với gia đình và xã hội.

 

  • Có thói quen học chung với học sinh bình thường, không tạo ra tâm lý riêng biệt, khác biệt, khi học lên cao càng thuận lợi. Sau này ra trường đi làm cũng dễ hòa nhập với xã hội.

 

Tuy nhiên, cách học này cũng có các nhược điểm là:

  • Giáo viên, dù có được đào tạo, cũng không thể hiểu sâu về các vấn đề của học sinh mù như các giáo viên ở trường giành riêng và dù có hiểu, cũng không thể giành nhiều công sức để chú ý riêng đến học sinh mù.

 

  • Ở những nước phong trào học tập của người mù chưa phát triển, nhiều trẻ em từ 11, 12 tuổi vẫn chưa được đi học. Ở nhà, mỗi gia đình nuôi dạy một cách, chưa có sự chuẩn bị cần thiết để đi học, cho học chung ngay với các học sinh bình thường. Sự chênh lệch về tuổi về các mặt khác sẽ khiến cho việc học chung có nhiều khó khăn, học sinh mù khó hòa nhập. Không thể trong cùng một lớp học thầy giáo vừa dạy cho học sinh sáng học viết bình thường, vừa dạy cho học sinh mù viết chữ Bơ-rai. Cần có sự chuẩn bị nhất định cho các cháu mù trước khi học hòa nhập.

 

  • Học sinh mù sẽ gặp khó khăn nếu không được trang bị những phương tiện chuyên dùng cần thiết cho việc học của mình, chẳng hạn: sách giáo khoa bằng chữ nổi, bảng, dùi viết, máy ghi âm, máy đánh chữ thường và nếu không có giáo viên phụ đạo, kèm cặp thêm.

 

Một thực tế đã được chứng minh là những học sinh mù học hòa nhập kỹ xảo viết, đọc, sử dụng chữ Bơ-rai không thể bằng các học sinh học trường giành riêng. Tâm lý tự tin vì tin tưởng vào khả năng của người mù cũng không được thật cao vì ít được tiếp xúc với gương phấn đấu thực sự của người mù. Những điều các học sinh này hiểu về người mù chủ yếu do nghe, tác dụng thuyết phục, nêu gương thấp.

 

  • Một khó khăn khác là ở các trường học sinh bình thường, việc hướng nghiệp, dạy nghề chỉ được tiến hành ở cấp cao, với nhiều nghề khó phù hợp với người mù. Trong khi đó, số học sinh mù học lên cao rất hạn chế. Cho nên việc học chung ở cấp thấp có khó khăn cho học sinh mù trong học, nghe, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo về lao động là thứ rất cần thiết cho họ sau này.

 

Từ thực tế trên đây, có thể rút ra kết luận là việc học hòa nhập là tốt, là một xu hướng cần tiến tới. Tuy nhiên, để học hòa nhập được tốt, cần có sự chuẩn bị nhất định. Đối với những nơi đã có quá trình tổ chức học tập cho người mù lâu thì có thể thực hiện ngay. Ở những nơi việc học tập giành cho người mù chưa phát triển, có thể thực hiện từng bước vững chắc và hiệu quả. Có thể ở những nơi này, trong những năm học đầu tiên, thậm chí trong thời gian học cấp I, nên tổ chức cho các cháu mù học riêng, coi như đây là thời gian chuẩn bị để tiến tới học hòa nhập. Trong thời gian này, ngoài việc học văn hóa theo chương trình chung, còn phải giúp đỡ cho các học sinh mù về phục hồi chức năng, bao gồm phục hồi tâm lý, nhận biết không gian, định hướng di chuyển, giao tiếp ... phải học sử dụng thành thạo chữ Bơ-rai, học đánh máy chữ thường và các kỹ năng cần thiết khác cho việc học hòa nhập sau này. Ngoài ra, các học sinh mù phải được học nghề cơ bản: đan lát, khuyến nông, xoa bóp ...

 

Hết giai đoạn học này, học sinh nào không có điều kiện học lên thì trở về nhà sử dụng kiến thức văn hóa, nghề nghiệp học được để sinh sống, hoặc cần học thêm theo kiểu bổ túc. Nếu học lên, sẽ học hòa nhập với học sinh sáng mắt ở các trường chung. Do đã được chuẩn bị cần thiết việc học sẽ bớt khó khăn.

 

Đối với những người mù lớn tuổi hơn, nếu cần xóa mù chữ hoặc học văn hóa cấp thấp cũng nên tổ chức cho họ học riêng. Khi học lên cao họ sẽ học chung với người bình thường.

 

5/ Mục tiêu cần tiến tới về học tập cho người mù Việt Nam như thế nào?

 

Việc học tập cho người mù là rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích to lớn, thiết thực cho người mù. Nhưng việc tổ chức lại tùy thuộc vào hoàn cảnh, chủ trương của đất nước, của từng địa phương, sự cố gắng của gia đình, cộng đồng và xã hội. Sự quyết tâm vươn lên của chính người mù và tổ chức của người mù.

 

Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng công tác giáo dục, đào tạo. Trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước vẫn giành một khoản kinh phí lớn lao để phát triển sự nghiệp này và đã đạt được nhiều thành quả to lớn.

 

Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Ham muốn tột bậc nhất của tôi là mọi người dân đều được cơm no, áo ấm, được học hành”. Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương lớn như: giáo dục cho mọi người, toàn dân đưa trẻ đến trường, xóa mù chữ...

 

Riêng đối với người mù, cũng đã được sự quan tâm và đã thu được kết quả rất đáng kể như đã nêu.

 

Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, hạn chế, cho đến nay, việc học tập cho người mù ở Việt Nam cũng còn nhiều mặt cần khắc phục: Số người mù được đi học còn chiếm số ít trong tổng số người mù, số trẻ em mù được đi học và học đúng tuổi cũng vậy. Rất ít người mù được học lên cao...

 

Mục tiêu cần phấn đấu trong việc học tập cho người mù ở nước ta là làm sao các chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta về giáo dục không chỉ đến đối với người bình thường mà cũng đến với người mù. Ví dụ: Khi nói toàn dân đưa trẻ đến trường, không phải chỉ là trẻ bình thường mà cả trẻ em mù. Hoặc giáo dục cho mọi người cũng phải bao gồm cả người mù. Người ta ngạc nhiên, lạ lùng khi thấy một trẻ em sáng mắt đến tuổi vẫn chưa được đi học. Cũng phải làm sao để sự ngạc nhiên, lạ lùng này cũng xảy ra khi thấy một đứa trẻ em mù như vậy. Hoặc chủ trương xóa mù chữ cũng phải tính đến cả việc xóa mù chữ cho người mù, không để người mù ngoài diện phải thanh toán mù chữ ...

 

Đó là mục tiêu cần đạt tới. Còn chủ trương, hình thức, biện pháp thì thuộc quyền của các nhà hoạch định chính sách. Ở đây, không thể đề cập quá sâu.

  

Lượt xem : 1604 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo