Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG X: VẤN ĐỀ TÌNH CẢM, KHẢ NĂNG THẨM MỸ NGHỆ THUẬT Ở NGƯỜI MÙ (P 1)
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG X: VẤN ĐỀ TÌNH CẢM, KHẢ NĂNG THẨM MỸ NGHỆ THUẬT Ở NGƯỜI MÙ (P 1)

 

II- Khả năng thẩm mỹ, nghệ thuật của người mù:

 

4/ Khả năng thẩm mỹ, nghệ thuật là khả năng nhận thức hiểu biết, rung động, truyền cảm trước cái hay, cái đẹp về vật chất hay tinh thần, về hình thức hay nội dung của các hiện tượng, sự vật, sự việc trong thiên nhiên, trong đời sống của con người, là khả năng, nhận thức, hiểu biết, rung động trước cái chân, thiện, mỹ. Không những nhận thức, cảm thụ, lại còn có khả năng phản ánh, tái tạo, tái hiện cái hay, cái đẹp đó để truyền đạt lại cho những người khác cùng hiểu, cùng nhận thức, rung cảm. Đây chính là khả năng sáng tác nghệ thuật, đỉnh cao của khả năng thẩm mỹ, nghệ thuật.

 

Khả năng thẩm mỹ, nghệ thuật là sự kết hợp tinh túy của hoạt động giác quan, trí tuệ và tình cảm của con người, là kết quả tổng hợp của cảm xúc, tư duy, trí tưởng tượng, tình cảm con người.

 

Khả năng thẩm mỹ thể hiện ở ba mặt sau đây. Nó thể hiện trình độ cao hay thấp của mỗi con người trong khả năng thẩm mỹ, nghệ thuật.

 

  • Khả năng thưởng thức, cảm thụ nghệ thuật: Là khả năng nhận thức, hiểu biết, rung động trước cái hay, cái đẹp của nghệ thuật. Nó thay đổi, khác nhau tùy theo từng người. Có người nhận thức được sâu sắc, tinh vi, có người nhận thức đơn giản, hời hợt, thậm chí cũng có người không nhận thức được. Có người nhận thức được cái hay cái đẹp về mặt dày, loại nghệ thuật này nhưng lại không hiểu, không nắm được cái hay, cái đẹp của ngành nghệ thuật khác. Đây là mức thấp nhất về khả năng thẩm mỹ, nghệ thuật. Nhiều người thưởng thức, cảm thụ được cái hay cái đẹp của nghệ thuật nhưng không thể biểu diễn, nhất là không thể sáng tác được nghệ thuật.

 

  • Khả năng biểu diễn, trình diễn, diễn xuất nghệ thuật: Là khả năng dựa vào các tác phẩm nghệ thuật đã có, đã xây dựng biểu diễn, trình diễn ra cho mọi người nhận thức, thưởng thức. Muốn làm được công việc này, người nghệ sĩ cũng phải nhận thức, hiểu biết, rung cảm được với cái hay, cái đẹp của nghệ thuật, đồng thời phải có khả năng thể hiện. Phải đầu tư công sức, suy nghĩ sáng tạo mới biểu diễn đạt kết quả cao, tạo được sức truyền cảm, rụng động mãnh liệt đối với người thưởng thức. Có những người sáng tác được nhưng không biểu diễn được và ngược lại.

 

  • Khả năng sáng tác nghệ thuật: Đây là đỉnh cao và là một công việc khó không phải người nào cũng làm được, nhất là làm ở trình độ nổi bật. Xuất sắc được mọi người thừa nhận. Người sáng tác không những phải có khả năng hiểu biết, nhận thức, rung cảm lớn lao đối với nghệ thuật, phải có vốn sống, tích lũy nhiều hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm, vận dụng nhiều yếu tố trong quá trình sáng tác. Cũng có những ngành nghệ thuật, người sáng tác cũng là người thể hiện. Ví dụ như nhà họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà điêu khác ... vừa nghĩ ra tác phẩm đồng thời phải thể hiện thành tác phẩm hoàn chỉnh để mọi người thưởng thức. Cũng có ngành nghệ thuật sáng tác tách rời biểu diễn. Người sáng tác không phải là người biểu diễn, thậm chí người sáng tác không có khả năng biểu diễn. Ví dụ: Ngành nhạc, sân khấu chẳng hạn.

 

Như đã nói ở trên, thẩm mỹ, nghệ thuật là kết tinh của hoạt động giác quan, trí tuệ, tình cảm, nhưng đi vào từng ngành nghệ thuật cụ thể, có ngành dựa nhiều vào giác quan này, có ngành dựa nhiều vào giác quan khác. Chẳng hạn: hội họa, nhiếp ảnh ... dựa chủ yếu vào giác quan nhìn, âm nhạc vào giác quan nghe trong khi đó, văn, thơ lại là ngành nghệ thuật phải dựa tổng hợp vào các giác quan.

 

Người mù, do thiếu giác quan nhìn, có những ngành nghệ thuật không thể tham gia, dù là thưởng thức, biểu diễn hay sáng tác. Ví dụ như: hội họa, nhiếp ảnh, kịch câm ... Có những ngành chỉ tham gia được một phần, hoặc ở khâu thưởng thức, cảm thụ hoặc do khâu biểu diễn hoặc sáng tác. Có thể chỉ tham gia được ở mức độ thấp, khó vươn lên đỉnh cao. Ví dụ: người mù có thể theo dõi diễn kịch, chủ yếu ở phần lời nói, không thể thấy các cử chỉ, hành động. Họ cũng có thể thưởng thức cái hay, cái đẹp của các công trình kiến trúc ở phần thay họ có thể sờ mó được như cái nhẵn, cái đẹp của các bức tường, các cửa đi, nhưng họ khó nhìn tổng thể, khái quát được cái đẹp của toàn bộ công trình. Về múa, họ có thể tham gia tập múa ở các động tác đơn giản, nhưng không thể nhìn và hiểu được cái hay, cái đẹp của một điệu múa. Chỉ có mắt mới nhận thức được cái hay, cái đẹp của một điệu múa. Có thể nói, do thiếu mắt nhìn, nhiều ngành nghệ thuật người mù không tham gia được hoặc chỉ tham gia được ở mức thấp, đơn giản.

 

Chỉ có ngành sau đây người mù có thể tham gia được và trong từng ngành ấy, khả năng tham gia cũng khác nhau: Điêu khắc, âm nhạc và văn thơ.

 

5/ Khả năng của người mù đối với ngành điêu khắc như thế nào?

 

Điêu khắc là ngành nghệ thuật chủ yếu của mặt nhìn và tay sờ. Mắt nhìn để thấy cái hay, cái đẹp của thiên nhiên hay của con người để thể hiện vào tác phẩm. Cái hay, cái đẹp ở đây là cái hay cái đẹp về hình thức, hình dáng, cảnh quan ... Nhưng cũng bao gồm cả cái đẹp về tâm hồn về tinh thần. Nhưng cái đẹp bên trong này cũng phải thể hiện ra bằng dáng điệu, cử chỉ hay nét mặt ... Trong tác phẩm mà người thưởng thức có thể hiểu, nhận thức, cảm thụ được. Ví dụ: thể hiện tượng một vị anh hùng. Ngoài cái dáng điệu, vẻ mặt ... đúng của vị anh hùng đó như các dáng điệu, cử chỉ, nét mặt phải thể hiện chất anh hùng dũng cảm của con người mà nghệ sĩ muốn sáng tạo. Hoặc thể hiện tượng những người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang ... Ngoài hình dáng đẹp của người phụ nữ, các cử chỉ, hành động ... phải nói lên được tính chất anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Trong mỗi bức tượng hay công trình điêu khắc phải có cái đẹp cũng nhưng phải có cái nét riêng. Ví dụ: Tạc tượng một con sư tử, ngoài cái nét chung của mọi con sư tử thì con sư tử nhà điêu khắc muốn thể hiện phải có cái riêng, cái đặc trưng, tiêu biểu gì. Lại còn phải tính kích thước, tỷ lệ của tác phẩm sao cho phù hợp, cân đối với khung cảnh xung quanh, phải chọn chất liệu với các loại màu sắc khác nhau sao cho hài hòa, không gây nhàm chán ... Đó là những vấn đề mà người nghệ sĩ điêu khắc phải giải quyết.

 

Khi không còn mắt nhìn, các vấn đề trên đây, người điêu khắc mù phải dựa chủ yếu vào bàn tay sờ mó của mình. Phần nào nhờ vào ý kiến đóng góp của xung quanh.

 

Chính vì những lý do trên đây, người mù có thể tham gia vào nghệ thuật điêu khắc nhưng chỉ ở trình độ thấp, đơn giản. Cụ thể: Họ có thể thưởng thức, nhận thức phần nào cái hay, cái đẹp của các bức tượng hay tác phẩm điêu khắc. Bằng sờ mó, họ có thể nhận ra cái hay, cái đẹp trong hình dáng, tư thế, cử chỉ của các bức tượng. Nếu họ tinh tế hơn, họ có thể, qua nét mặt, cử chỉ, dáng diệu nhận ra các đặc tính của tâm hồn, tinh thần mà nghệ sĩ muốn thể hiện như: tính chất anh hùng, tươi vui, phấn khởi, buồn hay lo âu...

 

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là bằng tay sờ nhận ra được cái hay, cái đẹp của một tác phẩm điêu khắc là điều rất khó. Khó lòng nhận ra hết được cái tinh vi, tế nhị của các dáng hình, dáng điệu, cử chỉ, nét mặt. Khó nhận ra các nội dung tư tưởng, tinh thần, tình cảm mà nhà nghệ sĩ điêu khắc muốn truyền đạt ... Điều này càng khó đối với người mù bẩm sinh, những người chưa bao giờ được thấy cái đẹp của hình dáng bằng mắt nhìn. Tuy nhiên, cũng có những người mù muốn thưởng thức các tác phẩm điêu khắc bằng sờ mó. Chính để đáp ứng yêu cầu này, ở một số nước, các bảo tàng tác phẩm điêu khắc đều mở cửa đón người mù vào xem. Tại đây, nhiều bức tượng đã được sao chép lại, bày công khai, tay người mù có thể tha hồ sờ mó. Lại còn làm những bảng phụ đề, những cuốn sách liệt kê thời, niên đại, đặc trưng của các tác phẩm điêu khắc bằng chữ nổi để người mù có thể tham khảo dễ dàng. Chẳng hạn ở Pháp, ở Hy Lạp ...

 

Ở nhiều trường mù trên thế giới, người ta cũng dạy cho người mù về nặn tượng, chủ yếu nặn tượng các động vật, các vật thể với hai mục đích: giúp người mù rèn luyện giác quan sờ mó và nhận biết được hình dáng các con vật, các cử chỉ hoặc hình thể một số đồ vật. Nhiều học sinh mù cũng đã nặn ra được những tượng khá đẹp, khá tốt. Tuy nhiên, qua dạy nặn các tượng này cũng thấy người mù chỉ có thể làm ra các tác phẩm đơn giản, thể hiện được các chủng loại, các hình dáng chung, không thể hiện được đặc tính riêng của từng cá thể. Cụ thể: người mù có thể nặn ra hình con sư tử, con chó, con mèo, kể cả con người với nhiều tư thế, cử chỉ khác nhau, nhưng không thể hiện được nét riêng của con mèo này, con chó này so với con mèo khác, con chó khác. Họ cũng khó thể hiện nét mặt riêng của ông A hay của bà B...

 

Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có một số nghệ sĩ mù điêu khắc nổi tiếng, được ghi tên trong sử sách. Có tác phẩm được trưng bày ở các viện bảo tàng, những nơi này chủ yếu là những người sáng mắt sau bị mù và họ đã có quá trình tiếp xúc, tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc trước khi bị mù. Các hình ảnh nhìn thấy đã được đúc kết, rèn luyện vào đôi bàn tay, biến thành trí nhớ bắp thịt thuần thục. Sau khi bị mù, sự khéo léo của tay cộng với trí nhớ bắp thịt đã giúp họ tiếp tục sáng tác một cách thành công.

 

Thời Hy lạp, La mã cổ đại, có ông Ga-ni-ba-si-uýt (Ganiba sius) khi sáng mắt làm nghề điêu khắc, bị mù, ông không làm gì trong 10 năm. Ông đã thử lại tài nghệ và đã nặn bằng đất sét rất giống tượng của vua Cốt-mốt 1 (Comos I). Nhờ vậy, ông đã được cử sang La Mã nặn tượng vua Uyac-banh 8 (Urbain 8) cũng rất giống.

 

Vào thế kỷ 19, có ông Vi-đan (louisvid) rất nổi tiếng về nặn các tượng động vật chân dung của ông cũng như một số tác phẩm nổi tiếng của ông hiện vẫn được trưng bày tại Viện Bảo tàng Va-lăng-tanh Ha-uy ở Pháp. Ông bị mù hoàn toàn vào năm 29 tuổi. Trước đó, ông làm việc trong xưởng nặn tượng của ông Ba-ri (Barye). Do đó, sau khi bị mờ vẫn còn nhiều hình ảnh mắt nhìn cùng với bàn tay điêu luyện nên ông vẫn rất thành công trong nặn tượng.

 

Người ta còn kể đến trường hợp của Klai Han-xơ (Kein Hans) bị mù lúc 5 tuổi nhưng vẫn nặn được nhiều tượng thánh giá, tượng bán thân rất đẹp. Không rõ ông bị mù hoàn toàn hay còn nhìn thấy ít nào. Nếu bị mù hoàn toàn ở độ tuổi sớm như vậy mà nặn tượng nổi tiếng thì cũng là trường hợp rất đặc biệt.

 

Ở nước ta, có trường hợp của nhà nặn tượng Lê Duy Ứng mà chúng tôi đã nhắc đến. Tuy nhiên, hiện nay, ông đã được chữa mắt sáng lại nên không còn phải hoạt động nghệ thuật trong hoàn cảnh tối tăm nữa.

 

6/ Khả năng âm nhạc của người mù như thế nào?

 

Đây là một ngành nghệ thuật mà người mù có nhiều ưu thế, bởi vì nếu thưởng thức chỉ cần đôi tai. Nếu biểu diễn bằng hát thì chỉ cần có chất giọng cho tốt, nếu đánh đàn thì đã có hai bàn tay. Người mù cũng có thể sáng tác, kể cả giai điệu và lời ca, có thể phối âm, phối khí. Nhờ đôi tai tinh tế, người mù lên chỉnh dây đàn rất chính xác kể cả lên chỉnh dây đàn dương cầm. Ở một số nước, nghề lên chỉnh dây đàn dương cầm do người mù làm và họ rất được tín nhiệm. Có người mù đã phụ trách lên chỉnh dây đàn dương cầm cho nhà vua và đã được thưởng huân chương cao quý do kết quả công việc. Đó là trường hợp của Mông-tan (Montao), cựu học sinh Học viện Người mù trẻ tuổi Pa-ri, người có công tìm ra nghề mới điều chỉnh dây đàn dương cầm, cho người mù, sau đó được vào chỉnh đàn cho nhà vua và được nhận phần thưởng cao quý vào năm 1851. Việc học nhạc, học đàn ngày xưa chỉ bằng truyền khẩu. Từ khi phát minh ra chữ Brai, có kiểu ghi chép nhạc bằng chữ nổi, rất thuận lợi cho người mù trong học tập và hoạt động âm nhạc. Rất nhiều bản nhạc đã được chép ra chữ nổi. Đã có nhiều thư viện lưu trữ các bản nhạc nổi để cho người mù mượn.

 

Trước đây, người mù học nhạc tại các trường của người mù, do nhà trường cấp chứng chỉ hay văn bằng. Hiện nay, ở nhiều nước, người mù học nhạc, học đàn tại các trường âm nhạc, các Nhạc viện của Nhà nước, học chung với các học sinh bình thường, thi tốt nghiệp, văn bằng, chứng chỉ cấp ngang nhau. Nhiều người mù còn được làm giáo sư giảng dạy âm nhạc trong các trường âm nhạc, các nhạc viện chung. Người mù chơi được nhiều loại đàn khác nhau, từ đàn Óoc, dương cầm, vi-ô-lông, vi-ô-lôngxen đến các loại kèn, đàn ghi ta ...

 

Rất nhiều người mù đạt giải cao về âm nhạc trong các kỳ thi, các hội diễn. Lịch sử còn ghi tên nhiều người mù nổi tiếng về âm nhạc. Thế kỷ 14, có nhạc sĩ Lan-đi-ô (Francesco Landino), người xứ Phơ-lô-răng-tanh (Florentin), Thế kỷ 16, có nhạc sĩ Ca-bơ-dôn (Antinidede Cabezon), người Tây Ban Nha Thế kỷ 18, có cô Pa-ra-đi (Marie Thérèse Von Paradis), người Áo chơi đàn Cla-vơ-xanh rất giỏi được nhạc sĩ Mô-da (Mozat) thiên tài sáng tác một bài Công-xéc-tô để tặng cô. Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, do kết quả giảng dạy của các trường học sinh mù, rất nhiều người mù nổi tiếng về âm nhạc tiếng tăm lan truyền ở nhiều nước, kể cả các nhạc sĩ sáng mắt cũng phải kính nể. Đó là trường hợp của Vi-éc-nơ (Louis Vienrne), Ma-hô (Albert Mahaut) Mac-san (Dndre Marchal) Lăng-go-le (Zean-langlais) li-te-đơ (Gas-ton Litaise).

 

Ở nước ta, khả năng âm nhạc của người mù cũng rất rõ. Từ xa xưa, người mù đã làm nghề hát xẩm là một hình thức hoạt động âm nhạc dân gian rất được ưa chuộng. Lời ca, tiếng nhị réo rắt đã đi sâu vào tâm hồn. Nhiều người mù trở thành nghệ nhân hát xẩm được quý trọng, được các cơ quan thông tin, văn hóa của ta tìm hiểu, nghiên cứu. Từ vài chục năm nay, âm nhạc không những là nguồn động viên, an ủi cho người mù để sống tươi vui, phấn khởi hơn. Nó còn là phương tiện tốt để làm cho các buổi sinh hoạt, hoạt động của người mù được nhộn nhịp tưng bừng, tuyên truyền mạnh mẽ cho khả năng và phong trào của người mù. Rất nhiều người mù tham gia các hội diễn, các cuộc thi âm nhạc đã nhận được nhiều giải thưởng: Huy chương vàng, huy chương bạc, bằng khen, giấy khen. Có người đã hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và đã được phong danh hiệu cao quý nghệ sĩ ưu tú như các anh Kim Sinh, Văn Vượng ...

 

Thấy người mù có khả năng âm nhạc có người cho rằng khả năng âm nhạc của người mù hơn người sáng hoặc người mù bẩm sinh có khả năng âm nhạc hơn những người bị mù muộn.

 

Các cuộc nghiên cứu đã chứng minh không phải như vậy. Khả năng âm nhạc của người mù và của người bình thường là ngang nhau, người mù bẩm sinh cũng không có khả năng âm nhạc trội hơn người bị mù muộn.

 

Trong người mù nói chung cũng như trong người mù bẩm sinh cũng có người nhiều năng khiếu âm nhạc, có người vừa và có người kém. Trong người bình thường cũng vậy. Đây là phạm trù của năng khiếu, tài năng tuy nhiên, có một thực tế là đối với người bình thường cũng như đối với người mù nếu được tiếp xúc sớm với âm nhạc, được huấn luyện sớm về ý thức nhịp điệu về giác quan nghe cũng như về khéo léo tay chân ... thì sẽ thuận lợi nhiều trong phát triển âm nhạc. Nó là yếu tố cần chứ không phải điều kiện đủ để có năng khiếu âm nhạc. Điều quan trọng vẫn là sớm được rèn luyện, học tập.

 

7/ Khả năng của người mù như thế nào?

 

Người mù có khả năng về văn thơ, điều này là rõ ràng. Họ có khả năng thưởng thức, cảm thụ. Họ cũng có khả năng sáng tác. Cũng đã có những người nổi tiếng được ca ngợi, chẳng hạn, thời Hy lạp cổ đại, có nhà thơ mù Hô-me (Homere), Ti-rê-di-at (Tiresias). Thế kỷ 11 có nhà thơ Ai cập Ma-a-ri (Ma-arri), A-bun Ô-la (Aboun Ola). Các thế kỷ sau có Ma-la-va (Malaval) ở Pháp, Blăcs-lốc (Blacklook) ở Anh là những người mù bẩm sinh rất nổi tiếng về thơ. Nhà thơ Mít-lông (Mitlon) cũng rất được ca ngợi nhưng ông chỉ bị mù khi đã ngoài 40 tuổi. Ở nước ta, có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, bị mù lúc 27 tuổi.

 

Từ khi có nhiều trường học được mở ra cho người mù, nhất là từ khi phát sinh ra chữ nổi bơ-rai. Điều kiện hưởng thụ, sáng tác thơ văn của người mù có thêm nhiều thuận lợi mới. Không chỉ thưởng thức, sáng tác bằng truyền khẩu, nghe đọc báo, nhìn chung, người mù còn có thể tự đọc, viết bằng chữ nổi.

 

Lý do vì sao người mù có khả năng về văn thơ, điều này đã được trình bày khá rõ trong chương II, chương III và ở phần I của chương này. Bị mất khả năng nhìn, người mù bị mất một nguồn tiếp nhận thông tin, hình ảnh, tình cảm quý báu, nhưng họ vẫn còn 4 giác quan. Họ vẫn còn trí thông minh để suy nghĩ, tưởng tượng bổ sung, thay thế cho các cảm xúc, hình ảnh mắt nhìn mà họ không thể có. Tình cảm nội tâm, nguồn kích thích bên trong của người mù cũng khá dồi dào, phong phú. Người mù ngày nay không chỉ quẩn quanh xó nhà mà còn tham gia nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực, trình độ các mặt của họ cũng được nâng lên rõ rệt. Nó là những cơ sở quý báu, vững chắc để cho khả năng văn thơ của người mù phát triển.

 

Nếu muốn đạt đến đỉnh cao, muốn trở thành nổi tiếng thì khó. Với sự phấn đấu cao chắc cũng có người thực hiện được và trên thực tế, đã có người làm được như vậy. Nhưng nếu chỉ muốn thơ văn phục vụ được cho cuộc sống tinh thần của người mù một cách phổ thông, bình thường thì nhiều người mù có thể làm được. Và trong vài chục năm qua, rất nhiều người mù Việt Nam đã sử dụng khả năng văn thơ của mình phục vụ cho các hoạt động của người mù, góp phần rất quan trọng khơi dậy nghị lực, quyết tâm, nâng cao đời sống tình cảm, tinh thần của người mù, động viên anh chị em vượt qua khó khăn của tật nguyền, vươn lên xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp. Không chỉ động viên nội bộ, nhiều bài văn, bài thơ của người mù cũng đã được giới thiệu trên đài, trên báo, in thành sách để phục vụ rộng rãi, có tác dụng tốt.

 

Tuy nhiên, cũng phải thấy một thực tế là về văn, người mù viết văn nghị luận, tổng kết, tường thuật, tự sự thì thuận lợi hơn, còn viết văn miêu tả, nhất là tả cảnh thì khó khăn hơn. Bởi vì nếu chỉ miêu tả đơn thuần bằng hình ảnh của 4 giác quan, thiếu hình ảnh mắt nhìn thì văn dễ trở nên khô khan, kém hấp dẫn mà miêu tả bằng hình ảnh mắt nhìn thì người mù khó có điều kiện quan sát, nhận xét được. Văn miêu tả đòi hỏi phải chính xác, cụ thể, tinh vi, không thể đơn giản, ước lệ, suy diễn.

 

Riêng về thơ thì có khác. Thơ muốn hay phải có hình ảnh mắt nhìn nhưng hình ảnh trong thơ lại không đòi hỏi cụ thể chi tiết, chính xác như kiểu 2 x 2 = 4. Nó là loại hình ảnh khái quát, ước lệ, được chọn lựa một cách kỹ càng chủ yếu để kích thích được tư duy, tình cảm của người đọc, người nghe. Người đọc, người nghe có thể hiểu, hình dung theo cách riêng của mình. Càng gây được nhiều kích thích, nhiều rung động theo hướng khêu gợi của tác giả thì việc lựa chọn hình ảnh coi như thành công. Cho nên, điều quan trọng hàng đầu là cân nhắc lựa chọn hình ảnh. Và với cách lựa chọn có tính chất tiêu biểu, ước lệ, khái quát như thế này thì không những người sáng mà người mù cũng có thể hình dung và hiểu được. Tất nhiên là phải loại trừ những cách lựa chọn quá bí ẩn, khó hiểu như cách lựa chọn của các nhà thơ thuộc phái tượng trưng chẳng hạn thì ngay người sáng cũng có người không hiểu, nói chi đến người mù.

 

Sau đây, xin lấy vài ví dụ để cho dễ hiểu.

 

Trong truyện Kiều, khi miêu tả sắc đẹp của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã dùng câu thơ sau đây: Làn thu thủy, nét xuân sơn. Có nghĩa là đẹp như làn nước mùa thu, nét núi mùa xuân.

 

Với cách miêu tả này, ta chỉ biết là Thúy Kiều rất đẹp. Nhưng đẹp cụ thể thế nào thì ngay người sáng cũng khó hình dung. Người mù cũng vậy, nó gợi lên nhiều ý nghĩ, cảm xúc tùy theo mỗi người. Cách miêu tả đã đạt hiệu quả rất cao, người sáng cũng hiểu, người mù cũng hiểu.

 

Hay như miêu tả cảnh đẹp của mùa xuân, Nguyễn Du đã dùng hai câu thơ rất có hình ảnh, rất có màu sắc, nhưng lại khái quát, rất ước lệ. Cho nên, dù người mù không thấy được màu sắc, không thấy được cụ thể vẫn hình dung được cái đẹp của mùa xuân tươi trẻ, phơi phới.

 

Cỏ non xanh rợn xuân trời.

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

 

Cho nên, người mù dễ hiểu, dễ rung động đối với thơ là vì vậy, dù cho nó là thơ của những người sáng mắt làm, có những hình ảnh mắt nhìn. Đặc biệt, trong thơ còn có chất nhạc, nhịp điệu, vẫn là những thứ rất dễ cảm xúc đối với người mù.

 

Trong sáng tác thơ đối với người mù, cái căn bản nhất cũng là vấn đề sử dụng hình ảnh. Có nên sử dụng hình ảnh mắt nhìn không? hay chỉ sử dụng hình ảnh do sờ mó, nghe, ngửi và nếm. Tuy không có mắt nhìn, nhưng do có các giác quan bù đắp lại có trí tưởng tượng, suy nghĩ. Kết hợp của trí tuệ cho nên người mù vẫn có thể nắm được một số hình ảnh mắt nhìn. Nhiều hình ảnh mắt nhìn người mù còn tiếp nhận được qua chuyện trò, trao đổi với người sáng hoặc đọc trong sách vở... Cho nên bên cạnh việc sử dụng các thông tin, cảm xúc, hình ảnh do các giác quan còn lại cung cấp, người mù cũng có thể dùng các hình ảnh mắt một cách hợp lý, có cân nhắc, lựa chọn kỹ càng, tránh giả tạo, nói vẹt công thức khuôn sáo, phải từ rung động thật của lòng mình để sáng tác. Thật ra, trong thơ của người sáng có cách dùng hình ảnh khuôn sáo sáo mòn, vay mượn... cũng đã bị lên án mạnh mẽ. Ví dụ như trong thơ ngày xưa, tuy nước ta không có tuyết, nhưng cũng phải nhắc đến tuyết mùa xuân hoặc như các điển tích phải lấy của Trung Quốc mới có giá trị. Thật ra, trong thơ không có hình ảnh mắt nhìn nhưng viết thực lòng thì tác động đối với người đọc, người nghe cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên sống trong một xã hội người bình thường chiếm số đông, nếu không biết khai thác, sử dụng các hình ảnh mắt nhìn một cách hợp lý thì người mù cũng đã bỏ đi mất một nguồn hình ảnh quý giá, tự làm nghèo thơ của mình đi mà thôi.

 

Sau đây, xin trích dẫn một số bài thơ do người mù làm và đã được đăng trong báo chữ nổi của Hội Người mù Việt Nam, chủ yếu để biết được cách sử dụng hình ảnh.

 

Trong bài: “Người mù với việc chăn nuôi (6-1995), tác giả Văn Diệu đã dùng toàn hình ảnh sờ mó và nghe để miêu tả việc chăn nuôi đúng như cách người mù phải làm. Cách viết này người mù nghe sẽ đồng tình, đồng thời cũng có tác dụng tốt đối với người bình thường hiểu được cách làm của người mù.

 

Tay sờ vào máng lợn ăn

Không nhìn thấy cũng biết rằng lợn no

Tai nghe cục tác tiếng gà,

Chỉ nghe cũng biết gà nhà, gà ai.

Nuôi gà nhờ có đôi tai,

Lợn nuôi, nhờ ở đôi tay cần cù.

Thái rau, băm chuối, vớt bèo

Chuyên cần, xóa đói, giảm nghèo dễ thôi.

 

Trong bài: “Cây cam” (4-1997), nữ thi sĩ Thu Hoài cũng không dùng hình ảnh mắt nhìn mà dùng cảm xúc nghe, ngửi. Nhưng các cảm xúc, hình ảnh đã được nâng lên có tầm tư duy, trí tuệ, gợi cảm hơn và nếu không nói thì chẳng ai biết được đây là bài thơ do người mù làm và chỉ dùng các cảm xúc, hình ảnh do giác quan họ cung cấp. Bài thơ khêu gợi được nhiều rung động tình cảm, suy tư về lẽ sống, lẽ đời.

 

Tên cây ai đặt là cam,

Để cho ta thấy ngỡ ngàng mãi thôi.

Hương bâng khuâng cả đất trời,

Vườn thơm rợp mát bởi lời gió chim.

Hương cho ong đến hẹn tìm.

Lá rung cho nhịp con tim bồi hồi.

Vô tình ư? Tháng ngày trôi,

Nhạc ve vừa dứt, ngợp trời gió may.

Nụ hoa e ấp những ngày,

Mưa giông, nắng lửa, quả nay nặng cành.

Ai từng ra tử vào sinh,

Xót xa, cay đắng, lênh đênh, nổi chìm,

Về đây cùng tưới gió chim,

Nâng cành cam hẳn mãi tin cuộc đời.

 

Bài: Trồng trầu” (6-1994) của Nguyễn Đình Gia lại hoàn toàn không dùng hình ảnh, dù là của mắt nhìn, tai nghe hay xúc giác mà chỉ bằng suy nghĩ và việc làm nêu bật được tình nghĩa vợ chồng đậm đà với nhau.

 

Tình yêu từ thuở ban đầu

Cơi trầu dạm ngõ nhịp cầu đôi ta.

Đôi ta trẻ, bước lên già,

Bà già, tôi vẫn thương bà, bà ơi!

Bà đi thăm cháu thảnh thơi,

Tôi nhà buồn tẻ tính nơi trồng trầu.

Trồng trầu, tôi lại trồng cau.

Bà về chăm bón cùng nhau mặn tình.

Có trầu khách đến bà têm,

Bà têm, bà tiếp tôi thêm vui lòng.

Trầu này nghĩa nặng tình nồng.

Bà ăn bà hái, tôi trồng mới hay.

Trầu này chắc hẳn là say.

Trầu tình, trầu nghĩa, trầu tay tôi trồng.

Bà ăn môi thắm dịu hồng.

Tôi bà già vẫn mặn nồng như xưa.

 

Trong bài: “Tình yêu không có ban ngày” (8-1993) của Hương Thu mà chúng tôi chỉ trích một phần, tuy có nêu lên một số hình ảnh mắt nhìn nhưng chỉ để đối lập với những hình ảnh của các giác quan không nhìn thấy.

 

Có tình yêu sét đánh,

Từ cái nhìn đầu tiên,

Bốn mắt cười lúng liếng,

Môi hé mở làn duyên,

Còn tình yêu của em,

Không màu vàng thương nhớ,

Không màu tím thủy chung,

Không đỏ tươi rực rỡ,

Âm thầm trong màn đêm,

Cùng đắm say muôn thuở,

Làn da ngón tay mềm,

Chạm vào nhau thổn thức.

 

.................................................

 

Con trai yêu bằng mắt,

Con gái yêu bằng tai,

Ta yêu nhau bằng gì nhỉ?

Anh ơi, đôi bàn tay.

Đủ hương vị ngất ngây,

Đủ âm thanh rộn rã

Chỉ thiếu có ban ngày.

 

Trong bài thơ: “Mẹ đi gánh nước” (10-1992), tác giả Trịnh Xuân Phương dùng các hình ảnh mắt nhìn về nắng. Nhưng đều có thể suy từ xúc giác (cái nóng rát, cái rộng rãi ...), do đó việc dùng hình ảnh mắt nhìn là hợp lý. Bài này, chúng tôi cũng chỉ trích một phần.

 

Một vùng dải nắng mênh mông,

Mẹ đi gánh nước nắng lồng trên vai.

Nặng nề bước một bước hai.

Mẹ tôi gánh nước gánh hai mảnh trời.

Con thương mẹ lắm, mẹ ơi!

Vì con nên mẹ suốt đời gánh mang.

 

................................................

 

 

Bài: “Hai ông cháu” (12-1995) của tác giả Hải Đăng lại sử dụng một số hình ảnh mắt nhìn lấy từ một bài thơ có sẵn, kết hợp với những hình ảnh tại chỗ tạo ra một bức tranh khá sinh động, dí dỏm về việc hai ông cháu học tập.

 

Ông ngồi viết chữ nổi,

Cháu đánh vần bi bô.

Hai ông cháu cùng học.

Cùng miệt mài say sưa.

“Trường của em be bé”

Giọng cháu gái ngân nga.

Nghe nhiều lần ông thuộc.

Thuộc rồi ông viết ra.

Ông mở trang giấy viết.

Khoe với cháu của mình.

“Ông đọc cháu nghe nhé”

“Cô giáo em xinh xinh”.

Cháu bé cười ngặt nghẽo.

Ông cũng bật cười theo.

Mèo con ngoài thềm nắng.

Giật mình kêu “Meo meo”.

 

Trong bài: “Mùa hè về (8-1995), tác giả Bùi Văn Biềng lại dùng rất nhiều hình ảnh mắt nhìn. Nếu không phải còn nhìn thấy ít nhiều thì chắc tác giả đã có thời sáng mắt. Các hình ảnh mắt nhìn mà tác giả còn nhớ được đã giúp cho việc sáng tác. Tuy nhiên, cũng có những hình ảnh khó hợp lý với một người mù.

 

Hè về đầy ắp nắng,

Ve reo dài không nghỉ.

Bằng lăng xòe tán biếc.

Hứng từng hạt nắng rơi.

Chim đàn bay nối cánh.

Ríu rít rộn khắp nơi.

Gió nồm về lũ lượt.

Bồng bềnh mây trắng trôi.

Bờ trúc nên nghiêng ngả.

Cánh diều no gió bơi.

Lớp lúa dòn ngọn sóng,

Cuồn cuộn tít chân trời.

Từng trận mưa đậm nước.

Vườn nhà rộ trái tươi.

Nắng hè rung cánh phượng.

Phơi màu đỏ chói ngời.

ánh hồng vào đôi má.

Nghiêng nghiêng nón em cười.

Đôi mắt huyền lóe nắng,

Đăm đăm nhìn em trôi.

Hè bừng lên sức sống.

Yêu, yêu quá, em ơi!

 

Trên đây là một số ví dụ về cách sử dụng hình ảnh trong thơ ca của người mù. Điều quan trọng là phải xuất phát từ cảm xúc thực và tránh bệnh hình thức, thích dùng từ cho kêu, không có nội dung sát hợp trống rỗng, sáo mòn, nói vẹt. Do có trí nhớ, trí thông minh, người mù qua chuyện trò hoặc đọc sách, nghe trên đài, nắm được một số hình ảnh, từ ngữ về nhìn. Có thể sử dụng để bổ sung, phong phú hình ảnh, ngôn ngữ của mình. Nhưng nếu dùng không cân nhắc thì lại phản tác dụng. Xin trích ra sau đây một đoạn văn do Hê-len Ke-lơ đã viết. Qua đọc, ta khâm phục về trí thông minh, trí nhớ của cô nhất là trong hoàn cảnh cô vừa mù, vừa điếc. Nhưng chắc chắn những điều cô viết ra không phải do cô tự cảm xúc mà do nhớ các điều đã học được đã đọc trong sách vở và cô chỉ làm cái việc kết hợp khéo léo lại với nhau mà thôi. Đây là công việc của trí tuệ chứ không phải của trái tim cảm xúc.

 

“Khi những bông tuyết đầu tiên rơi xuống, chúng tôi vội chạy ra ngoài hàng giờ. Tuyết rơi trang nghiêm từ thượng tầng khí quyển và rất im lặng rơi nhẹ nhàng xuống đồng ruộng, san bằng tất cả. Đêm xuống che phủ toàn bộ màu trắng. Các đường xá biến mất các bờ ruộng chìm theo. Một xa mạc tuyết trải dài đến chân trời. Hàng cây nổi lên như những con ma trắng ...”.

 

PHẦN THỨ TƯ

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI MÙ VƯƠN LÊN

 

 

Lượt xem : 1039 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo