Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG X: VẤN ĐỀ TÌNH CẢM, KHẢ NĂNG THẨM MỸ NGHỆ THUẬT Ở NGƯỜI MÙ (P 1)
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG X: VẤN ĐỀ TÌNH CẢM, KHẢ NĂNG THẨM MỸ NGHỆ THUẬT Ở NGƯỜI MÙ (P 1)

 

I/ Vấn đề tình cảm:

1/ Người mù có những nguồn kích thích tình cảm nào?

 

Tình cảm là sự rung động của tâm hồn, của trái tim. Tình cảm có sẵn trong mỗi con người, khi bị kích thích thì tình cảm mới bộc lộ, mãnh liệt hay nhẹ nhàng tùy theo nguồn kích thích và độ nhạy cảm của mỗi người.

 

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu

Người đâu sẵn mối thương tâm,

Thoắt nghe, Kiều đã đầm đầm châu sa.

 

Do đã có sẵn mối thương tâm trong con người nên khi nghe em trai là Vương Quan nói về số phận hẩm hiu của Đạm Tiên, Kiều mới nhỏ lệ như mưa. Cũng nghe câu chuyện ấy, nhưng vì không sẵn có mối thương tâm nên em gái của Thúy Kiều là Thúy Vân không những không khóc mà còn trách chị là:

 

Chị thật nực cười

Khéo rơi nước mắt khóc người ngày xưa.

 

Đã là con người thì phải có tình cảm, dù có thể nhiều ít khác nhau. Chúng ta thường nói: “Anh ấy nhiều tình cảm”, “Chị ấy đa sầu, đa cảm” hay “Ông ấy khô khan”. Tuy nhiên, tình cảm không thể bỗng dưng, tự nhiên mà thể hiện, không thể buồn, vui vô cớ. Phải có cớ, tức là sự kích thích thì tình cảm mới bộc lộ. Có hai nguồn kích thích chủ yếu nguồn tự bên ngoài vào, do các giác quan cung cấp. Chẳng hạn như ta thích thú khi được nhìn thấy một người con gái đẹp hay được nghe một bản nhạc hay. Nguồn thứ hai chính từ bên trong mỗi con người, từ trí tưởng tượng, tâm trạng mỗi người. Ví dụ như chúng ta mừng vui khi nghĩ mình đã hoàn thành được một nhiệm vụ nặng nề hoặc đau khổ khi nghĩ thấy cuộc đời của mình có nhiều khó khăn, trắc trở hoặc như đang đêm nghĩ thương vợ suốt đời vất vả hy sinh vì chồng, vì con ...

 

Giữa hai nguồn kích thích đó có sự liên hệ, phối, kết hợp rất chặt chẽ. Có khi từ một kích thích bên ngoài đem đến sự kích thích bên trong. Ví dụ như điệu ca “Dạ cổ” hoài lang, có nghĩa là ban đêm nghe tiếng trống  nhớ tới chồng (Điệu vọng cổ) hoặc như: “Giữa Mạc tư khoa, nghe câu hò Nghệ Tĩnh”. Ở đây, ta thấy chỉ từ hai kích thích từ bên ngoài: Tiếng trống ban đêm và câu hò Nghệ Tĩnh đã dẫn đến kích thích nguồn tâm tư từ bên trong.

 

Cũng có khi tâm trạng bên trong làm ảnh hưởng việc tiếp nhận cảm xúc từ ngoài vào. Ví dụ trong truyện Kiều có câu:

 

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

 

Hoặc câu:

Cũng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm,

 

Hai câu trên cho thấy do tâm trạng buồn nên nhìn cái gì cũng buồn, còn hai câu sau cho thấy cũng nghe tiếng đàn như nhau nhưng vì tâm trạng khác nhau nên người thì vui, người thì buồn.

 

Cả hai nguồn kích thích tình cảm này, người sáng, người mù đều có, người mù do hạn chế về tiếp nhận nguồn kích thích từ ngoài vào nên thường phải sử dụng nhiều hơn đến nguồn kích thích từ bên trong. Cuộc sống của người mù có nhiều bầu tâm sự, nhiều tâm trạng: buồn vui, đau khổ sung sướng ...

 

Về nguồn kích thích từ ngoài  vào, do các giác quan cung cấp, người mù thiếu hẳn nguồn do mắt nhìn tiếp nhận. Như đã nói ở chương II, đây là nguồn thông tin, cảm xúc vô cùng dồi dào, phong phú, quý giá tiếp nhận tổng thể, tức khắc cùng một lúc được nhiều loại thông tin của không gian với nhiều sự tinh tế, mức độ tinh vi khác nhau. Nó có thể gây nên nhiều cảm xúc khác nhau đối với tâm hồn con người từ nhẹ nhàng, tinh tế đến quyết liệt, mãnh liệt nhất, dữ dội nhất. Chúng ta cũng đã biết trong thông tin, cảm xúc mắt nhìn còn kết hợp, tổng hợp cả thông tin, cảm xúc do sờ mó, nghe, ngửi nên lại càng trở nên phong phú, dồi dào hơn. Mất nguồn cảm xúc do mắt nhìn, người mù gặp thiệt thòi lớn. Họ không thể có các phản ứng tình cảm nhạy bén, tức thời như người sáng. Người mù phải dựa vào các cảm xúc do các giác quan còn lại cung cấp, nhưng chủ yếu là dựa vào xúc giác và thính giác.

 

2/ Tác dụng của các giác quan còn lại đối với việc kích thích tình cảm người mù như thế nào?

 

  • Trước hết, nói đến xúc giác bao gồm, tay, chân, da người, da mặt ... Trong kích thích tình cảm, xúc giác có vai trò quan trọng. Nhờ xúc giác, người mù tiếp thu được các vẻ đẹp về hình dáng, về độ nhẵn, bóng mịn, mượt mà, mềm mại, nóng lạnh, mát dịu, nặng nề hay nhẹ nhàng... Nhờ xúc giác, người mù tiếp thu được cái mát mẻ, dịu dàng một đêm trăng thanh hay đứng trên bãi biển, bờ hồ lộng gió, làn da mát dịu, mềm mại của người thân ... Phần này đã nói kỹ ở chương II nên không nhắc lại nhiều.

 

Tuy nhiên, hạn chế của xúc giác là không thể sờ phạm vi rộng và không thể sờ vào mặt, vào người để diễn biến tình cảm. Các thông tin không thể tiếp nhận tổng hợp, tức khắc, không thể biết về màu sắc và các biến đổi tinh tế về tình cảm thể hiện ở nét mặt dáng điệu ... Cảm xúc tình cảm qua sờ mó thường chậm và có khi chưa đủ độ cần thiết về mức độ so với cảm xúc nhìn thấy.

 

Để bù đắp, bổ sung phần nào vào sự hạn chế trên đây, trí tưởng tượng, trí tuệ của người mù đã phải làm việc để cố gắng hiểu cho được, nắm cho được các hình ảnh do mắt nhìn cung cấp để từ đó cũng có các cảm xúc tương đương. Ví dụ: Để hiểu hết cái đẹp của mùa xuân, hoa đào đỏ thắm nở khắp nơi, trồi biếc nhú trên cành... Người mù phải hình dung từ một cành hoa đào mà mình đã được sờ hay từ một chồi biếc mà mình đã được xem để suy ra. Hoặc như muốn hiểu cái mênh mông của biển thì phải suy từ cảm xúc sờ mó sang cảm xúc nhìn thấy để hiểu chùm tia nắng, người mù phải đi từ những khái niệm cụ thể, chùm là cái gì nhiều: chùm nho, chùm chìa khóa chẳng hạn. Còn tia như tia nước nhỏ ly ti bắn ra từ các vòi phun, nóng phải hiểu từ sức nóng tạo ra trên da. Từ đó mà hiểu chùm tia nắng một cách tương đối.

 

Có những khái niệm chỉ mắt nhìn mới nhận thức được như: lung linh, rực rỡ hoặc sắc màu thì người mù chỉ có thể hình dung một cách mường tượng, thiếu cụ thể.

 

Tóm lại, xúc giác góp phần quan trọng kích thích tình cảm người mù nhất là ở những phần nó nắm được cụ thể. Đối với những phần không nắm được cụ thể thì phải suy từ sờ mó ra hoặc dùng khái niệm hình ảnh tương đương. Kết hợp thay thế. Xúc giác cũng có hạn chế nhất định trong kích thích tình cảm người mù.

 

  • Về thính giác: Trong hoàn cảnh không có mắt nhìn, xúc giác có những hạn chế nhất định, tai trở thành cơ quan quan trọng nhất, có tác dụng nhất trong tiếp nhận, kích thích tình cảm người mù.

 

Bằng tai nghe, người mù nhận ra cái hay, cái đẹp của tiếng động, âm thanh trong thiên nhiên như: tiếng ru của gió, tiếng hiền dịu của sóng vỗ bờ, tiếng rên rỉ trầm buồn của các côn trùng ban đêm, tiếng ầm ào của cơn mưa rào, tiếng véo von của cây đàn, cây sáo ... Tai nghe còn phân biệt được cái hay, cái đẹp của các giọng nói, tiếng cười ... Đặc biệt, tai nghe tiếng ru, tiếng nói, qua đó, tiếp nhận biết bao thông tin cảm xúc tình cảm như báo một tin vui, buồn, một câu chuyện rùng rợn. Tiếng nói cũng bộc lộ tình cảm yêu thương, giận hờn, thương nhớ ... Tiếng nói đi thẳng vào trái tim, tâm hòn người mù gây ra biết bao rưng động tình cảm một cách nhanh chóng tức khắc, tạo ra những kích thích từ nhẹ nhàng đến mãnh liệt.

 

  • Ngoài xúc giác, thính giác, thì khướu giác, vị giác bằng các mùi thơm, các vị cay đắng, ngọt bùi cũng là những nguồn kích thích tình cảm quý báu đối với người mù.

 

Tóm lại, tuy mắt nhìn, các giác quan còn lại vẫn cung cấp cho người mù nhiều kích thích tình cảm dồi dào, phong phú, quý báu, chưa kể các nguồn kích thích từ bên trong. Đây là cơ sở để tình cảm của người mù phát triển. Nguồn kích thích của người mù có phần khác với người bình thường nhưng không phải vì thế mà người mù không có tình cảm vì thiếu nguồn kích thích. Còn tình cảm đó dồi dào, phong phú thế nào còn tùy thuộc ở tâm hồn, cuộc sống bản thân từ người mù.

 

3/ Tình cảm người mù biểu hiện trên các mặt như thế nào?

 

Do tính chất rộng lớn và phức tạp của vấn đề, chỉ xin đề cập một cách rất đơn sơ về biểu hiện tình cảm của người mù Việt Nam trong vài chục năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự động viên, giúp đỡ của Hội Người mù Việt Nam, của gia đình và xã hội.

 

Có thể khẳng định do cuộc sống của người mù thời gian qua đã có nhiều thay đổi, có nhiều nội dung phong phú, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện rõ rệt, tinh thần ý chí, nghị lực, khả năng được tôn trọng phát huy cao những hiện tượng coi thường, khinh rẻ đối với người mù theo kiểu ngày xưa giảm hẳn, dẫn đến có nhiều đổi thay trong tâm tư, tình cảm người mù. Điều này thể hiện rất rõ khi tiếp xúc với người mù, và cả trong văn thơ, trên báo của người mù. Nó không còn là những lời than thân, trách phận, buồn tủi vì cảnh ngộ. Những tiếng nói tự ty, kêu nài sự ban ơn bố thí, thương hại sự khúm núm lậy ông đi qua, lậy bà đi lại mà là những tiếng nói xuất phát tự đáy lòng ca ngợi Đảng, Bác Hồ, chế độ ưu việt, càng được quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, ca ngợi Hội. Đó là những nỗi vui mừng về sự đổi thay trong cuộc sống, được học chữ Brai, học nghề, được hăng hái tham gia sản xuất, được sinh hoạt Hội, tiếp xúc với những người đồng tật. Đó là những lời ca ngợi đất nước độc lập, tự do, thanh bình, đổi mới, ngày một đi lên, cảnh đẹp của mùa xuân, của đồng ruộng, xóm làng, các cảm xúc về nước, về biển trong các lần tham quan, du lịch. Rất nhiều tình cảm bộc lộ đối với người thân trong gia đình, với bố mẹ, anh chị em, với người yêu, người vợ dịu hiền, với bạn bè đồng tật. Người mù cũng không quên tình cảm đối với những nơi thân thiết mình đã từng sống, học tập, làm việc, với những đồ dùng vốn đã gắn bó với mình giúp mình vượt qua biết bao khó khăn của cuộc sống. Đối với tật mù, người mù vẫn nhìn đó là một điều bất hạnh, một tai họa mà họ chẳng muốn có, một thiệt thòi, khó khăn họ phải gánh chịu, nhưng thái độ tình cảm chung là họ không chịu khuất phục. Họ quyết vươn lên cho bằng mọi người, sống có tình, có nghĩa, đạo đức, thủy chung. Đó là nét đẹp trong đời sống tình cảm tinh thần người mù hiện nay trước lời dạy: “Tàn nhưng không phế của Bác Hồ kính yêu.

 

Một đức tính khác về tình cảm của người mù là tuy họ có nói đến vẻ đẹp mắt nhìn trời xanh, mây trắng, hoa đào đỏ thắm... nhưng cái mà người mù chú ý hơn không phải là cái đẹp bề ngoài, cái đẹp hình thức. Tình yêu nam nữ đối với người mù không phải là vẻ đẹp của khuôn mặt, của thân người, nụ cười xinh tươi, má hồng đỏ thắm giọng nói có sức quyến rũ nhất định đối với người mù nhưng cái quan trọng hơn hết, quyết định hơn hết gắn bó tình cảm người mù chính là sự đối xử tế nhị, tốt đẹp đối với nhau, thông cảm, tôn trọng lẫn nhau sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, không giả tạo, không hình thức. Người mù nhận xét người khá tinh vi. Họ không hoàn toàn căn cứ vào chức vụ, địa vị, giàu sang hay hèn mọn. Họ căn cứ vào hành động, việc làm chứ không căn cứ vào lời nói, những hứa hẹn, hoan hỉ, chào mừng bên ngoài. Họ không dễ tin người nhưng khi đã tin họ tin một cách sâu sắc và tuyệt đối. Họ chỉ bộc lộ những boăn khoăn, tâm sự sâu kín với những người họ thực sự tin yêu và cũng sẵn sàng thôi không bộc lộ nữa nếu họ cảm thấy không được chú ý lắng nghe.

 

Sau đây để chứng minh, xin trích dẫn một số bài thơ của người mù đăng trên báo của Hội Người mù. Qua đó, ta có thể thấy được tình cảm của người mù.

 

Có một bức chân dung

 

Không tạc bằng đá quý

Chẳng vẽ trên lụa màu

Vô giá mà bình dị

Chân dung thành làn điệu

Rung động bao trái tim

Ngàn vạn năm muôn thưở

Vĩnh cửu niềm tin yêu

“ Đêm nay Bác không ngủ”

Vần thơ kết chân dung

Ôi! tấm lòng lãnh tụ!

Một đêm khuya giữa rừng.

Bác đi vào bất tử.

Bởi một lẽ thường tình.

Cõi lòng ta chiêm ngưỡng

Chân dung Hồ Chí Minh.

 

Nguyễn Trung Thành ( 6-1996)

 

Dòng chữ nổi diệu kỳ

 

Chỉ là sáu chấm nhỏ thôi,

Mà như thấy cả đất trời bao la,

Lòng tôi rộn rã tiếng ca,

Mở trang chữ nổi biết là đổi thay,

Cũng từ đây, cũng từ đây!

Được cầm bút viết bằng tay của mình,

Mở trang “Đời Mới” xinh xinh,

Tôi được gặp bạn của mình gần xa,

Sông dài, biển rộng bao la,

Thêm yêu đất nước quê ta đẹp giàu,

Sáu chấm thôi, sáu chấm thôi!

Hội cho ta cả cuộc đời yêu thương.

 

Hương Thu (10-1993)

 

Ghi chú: Đời Mới: Tập san chữ Bơ-rai của Hội Người Mù Việt Nam.

 

Cái gậy tre.

 

Một đoạn tre ngà giản dị thôi,

Với ta thân thiết nhất trên đời,

Khi ăn, khi ngủ luôn bên cạnh,

Lúc đến, lúc đi dẫn tới nơi,

Khúc khuỷu đường thôn không vấp váp,

Gập ghềnh lối xóm chẳng chơi vơi,

Quê mùa, mộc mạc mà chung thủy,

Hoa nữ như ai chỉ một thời!

 

Bùi Đức Hạnh (10-1996)

 

Mẹ

 

Thương con mẹ lén khóc thầm,

Nỗi đau đã thế, xin đừng, mẹ ơi!

Lớn lên chưa thấy mặt trời,

Chưa một lần thấy bóng người thân yêu,

Tuổi già, tóc bạc bao nhiêu,

Mà bàn tay mẹ nhăn nheo nếp sần,

Nắng mưa đã trải bao lần,

Để lưng của mẹ phải còng thế kia,

Ngày ngày quảy gánh ra đi,

Bước chân chầm chậm nặng vì thương con.

 

Hoàng Xuân Hạnh (4-1994)

 

Bàn tay - Đôi mắt

(Tặng những người bạn đời của những người thiếu ánh sáng)

 

Từ lâu rồi, anh mơ một bàn tay,

Cùng anh đi suốt những tháng năm dài,

Bàn tay ở đâu, bàn tay anh ước?

Biết tìm nơi nào đôi bàn tay ai!

 

Như gió vô tình lay những lá xanh,

Em cũng tình cờ chợt đến với anh,

Gió tự lòng em hay em là gió,

Thổi mát một đời anh, chiếc lá xinh.

 

Đôi mắt không còn nhìn thấy em đâu,

Bóng tối bao trùm đời anh (đêm thâu)

Vẫn nhận ra em bằng muôn tia sáng.

Từ trái tim mình đập nhịp cùng nhau.

 

Em nói mắt mình muốn chia cùng anh,

Qua em, anh chín lồng lồng trời xanh,

Xin giữ cho em nguyên lành đôi mắt,

Đôi mắt em là đôi mắt của anh.

 

Anh tìm được rồi đây, đôi bàn tay,

Nâng đỡ anh đi những tháng năm dài,

Anh nắm trong tay điều mình mơ ước,

Nghe mến thương về run khẽ tay ai.

 

Thiện Tâm (8-1997)

 

Thăm bạn

 

Đường liền không phải cách sông,

Muốn đi thăm bạn nhưng không thấy đường,

Ốm đau có Hội, có phường,

Động viên, thăm hỏi, tình thương dạt dào.

 

Trần Đức Học (2-1994)

 

 

Trên đây chỉ trích dẫn một vài khía cạnh trong đời sống tình cảm phong phú, dồi dào của người mù thời gian qua, nó chứng tỏ cuộc sống người mù càng sôi động, có nhiều nội dung, hình thức đa dạng, có khí thế vươn lên mạnh mẽ thì tình cảm càng dạt dào, lành mạnh, tích cực làm cho cuộc sống người mù không buồn tẻ, chán ngán như ngày xưa.

  

Lượt xem : 1016 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo