Trang chủ --> Khả năng của người mù --> CHƯƠNG IX: KHẢ NĂNG THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA NGƯỜI MÙ
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Hoàng Kim kỷ niệm 10 năm thành lập
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim
Tẩm quất Hoàng Kim

tin tức nổi bật

CHƯƠNG IX: KHẢ NĂNG THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA NGƯỜI MÙ

 

1/ Cái gì đã thúc đẩy người mù tham gia vào đời sống xã hội?

Đối với thế giới, chính việc Va-lăng-tanh Ha-uy tổ chức trường cho người mù và các hoạt động tiếp theo đã đánh dấu việc người mù thoát khỏi cuộc sống cô lập, tách biệt trong gia đình để tham gia ngày càng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Chính nhờ nâng cao trình độ văn hóa, giác ngộ quyền lợi, vai trò, trách nhiệm của người mù, làm cho họ hiểu rõ nhu cầu, khả năng của họ đã thúc đẩy người mù vươn lên tham gia mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Trước hết để thay đổi cách nhìn, địa vị và cuộc sống của họ. Đồng thời tham gia hữu ích vào sự nghiệp chung, dẫn tới sự hòa nhập, bình đẳng với các thành viên khác trong xã hội. Đầu tiên từ nước Pháp đến nay, sau hơn hai thế kỷ, phong trào đã lan rộng ra khắp thế giới. Khẩu hiệu phấn đấu đã được Liên Hiệp Quốc thừa nhận ghi vào nghị quyết để các quốc gia thực hiện là phải làm cho người tàn tật, người mù được “ Hoàn toàn tham gia và hoàn toàn bình đẳng”. Không dưng mà có khẩu hiệu đó, chính là nhờ sự phấn đấu bền bỉ của những người tàn tật, của những người mù mà nó mới được chấp nhận.

 

Ở nước ta, việc người mù tham gia vào đời sống xã hội cũng bắt nguồn từ việc tổ chức cho họ học văn hóa, tham gia sản xuất và tham gia hoạt động Hội Người mù. Họ tham gia hoạt động xã hội để được học văn hóa nâng cao trình độ, được sản xuất, làm việc ổn định, cải thiện đời sống, giúp đỡ các người đồng tật. Và để có tổ chức Hội, có các lớp văn hóa, các cơ sở sản xuất, họ phải làm cho các cấp, các ngành và xã hội hiểu nhu cầu, nguyện vọng, khả năng của người mù để giúp họ hình thành các tổ chức, hoạt động nói trên. Thông qua hoạt động vận động, thuyết phục, họ hiểu được nhiều điều, có thêm nhiều kinh nghiệm. Tính rụt rè, tự ti giảm dần, trình độ tiến bộ rõ rệt. Kết quả vận động mang lại lợi ích thiết thực cho họ, khiến họ càng phấn khởi, tự tin hơn và nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xây dựng tổ chức và hoạt động ngày càng vững mạnh, phong phú và hiệu quả hơn. Đó là nguồn gốc và sự hình thành một nét mới trong đời sống người mù hiện nay, không phải chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, âm thầm, lặng lẽ, cô lập cách biệt với xã hội, với thế giới bên ngoài. Họ đang vươn lên để tham gia ngày càng mạnh mẽ, đầy đủ, bình đẳng hơn trong đời sống chung.

 

2/ Khả năng hoạt động xã hội của người mù như thế nào?

 

Bị mất thị giác, người mù gặp khó khăn trong đi lại, quan sát do trí tuệ bình thường, lại có tai nghe, có tiếng nói nên họ có  nhiều thuận lợi trong giao tiếp, quan hệ xã hội. Bằng tai nghe, họ tiếp thu các thông tin, các ý niệm, ý nghĩ của người khác. Họ dùng ngôn ngữ để bộc lộ suy nghĩ, yêu cầu, nguyện vọng của mình, thảo luận, bàn bạc để người khác hiểu mình và mình hiểu lại họ. Người mù lại có nội dung cụ thể, thiết thực giao tiếp với xã hội. Chưa nói đến các mục tiêu cao xa, họ quan hệ, giao tiếp với xã hội để cho xã hội hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của người mù, giúp họ triển khai các chương trình kế hoạch trợ giúp được thuận lợi. Cũng chính tự họ đi gặp gỡ trình bày thì tác dụng thuyết phục, tranh thủ có hiệu quả hơn, bởi vì họ hiểu sâu vấn đề hơn, họ quyết tâm hơn và họ là người thực, việc thực. Có người ngại ngần sợ họ đi lại vất vả, khuyên để người bình thường đi thay. Cách này vừa giảm hiệu quả làm việc, đồng thời lại không giúp cho người mù được hiểu sâu thực tế, không được trực tiếp gặp gỡ để thảo luận, bàn bạc. Cho nên, từ những việc cụ thể, nên tạo điều kiện để người mù tự đi để giao tiếp, người mù cũng không nên ngại vất vả.

 

Có thể khẳng định người mù hoàn toàn có khả năng giao tiếp, quan hệ xã hội, tham gia hoạt động xã hội. So với những người tàn tật khác như người tàn tật thần kinh, người câm điếc, khả năng này ở người mù là hơn hẳn. Họ không chỉ là đối tượng để xã hội chăm lo mà còn là động lực thúc đẩy và tự đứng ra để giải quyết các vấn đề của chính mình.

 

3/ Mục đích của người mù tham gia vào đời sống xã hội là gì?

 

Có hai mục đích: Mục đích trước mắt và mục đích lâu dài.

  - Mục đích trước mắt: Đây là mục đích ban đầu khi người mù bắt đầu tham gia vào đời sống xã hội chưa hiểu nhiều về họ, khả năng, trình độ của người mù còn có hạn, họ có nhiều việc trước mắt phải làm để ổn định, cải thiện điều kiện của họ như: vận động mở trường, lớp, tổ chức Hội, tổ chức sản xuất ... Mục đích của hoạt động xã hội của họ chủ yếu là làm cho các cấp, các ngành, xã hội hiểu rõ về khả năng, nhu cầu, nguyện vọng của người mù. Để giúp họ thành lập các tổ chức, triển khai các hoạt động trợ giúp người mù họ thu hút sự chú ý của xã hội đối với các vấn đề của họ. Sự tham gia của họ vào các công việc chung của đất nước, của xã hội còn hạn chế.

 

- Mục tiêu lâu dài: Việc người mù tham gia vào đời sống xã hội không đơn thuần chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của riêng họ. Mà đến một thời điểm nào đó khi người mù đã có khả năng, trình độ chẳng kém gì người bình thường, khi xã hội đã hiểu nhiều về người mù, đã nhìn họ với một con mắt bình thường, bình đẳng như mọi thành viên khác trong xã hội. Các cánh cửa của xã hội đã rộng mở đối với người mù, họ sẽ tham gia rộng rãi ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thậm chí còn tham gia để mang lại lợi ích cho mọi người trong xã hội, bao gồm cả người mù. Điều này đã thực sự xảy ra ở những nước đã có quá trình nhiều năm triển khai các hoạt động trợ giúp người mù. Tại các nước này, nhiều người mù có trình độ đại học trở lên, khả năng, trình độ không kém gì người bình thường, nhiều người giữ chức vụ quan trọng, xã hội cũng đã có nhiều thay đổi trong nhìn nhận, đánh giá người mù tại những nước này hoạt động của người mù không nhằm chỉ giúp đỡ riêng cho giới của họ. Người mù tham gia là để phục vụ cho mọi người. Ông Đa vít Blăng-két đã từng tuyên bố việc ông vào Hạ nghị viện Anh hoặc làm bộ trưởng không phải là để đại diện cho quyền lợi của người mù. Đó là công việc của tổ chức người mù. Ông vào là để phục vụ mọi người dân Anh, bao gồm những người tàn tật, người mù ... Trên thực tế, ở một số nước như: Anh, Ấn độ, Thái Lan... Đã có một số người mù tham gia hoạt động xã hội cũng được bầu vào quốc hội, trong đó có ông Rô-bớcxơn (Tineo Robetson và ông Phơ-rai-dơ (Jan froiser) ở Anh. Họ vào Quốc hội không phải chỉ để phục vụ lợi ích người mù.

 

Ở nhiều nước việc người mù tham gia vào hoạt động xã hội cũng trở nên phổ biến: Tham dự hội thảo, hội nghị chung, tham quan các nhà trưng bày, các nhà triển lãm, dạ hội, vũ hội, tham quan, du lịch thư viện ... Và để tạo thuận lợi cho người mù, các hoạt động chung đều mở cửa rộng rãi để đón họ. Các bản hướng dẫn, chỉ đường đều có ghi chú bằng chữ nổi để người mù tự xem được.

 

Người ta đang phấn đấu để thực hiện khẩu hiệu người tàn tật, người mù là: “Hoàn toàn tham gia, hoàn toàn bình đẳng bằng những việc cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện tối đa cho họ, không đơn thuần bắt họ phải tự khắc phục các khó khăn để hòa nhập vào xã hội.

 

4/ Người mù nên bắt đầu tham gia vào đời sống xã hội như thế nào?

 

Trừ một số ít người mù Việt Nam còn sống dựa vào gia đình là chủ yếu, chưa quen tham gia vào đời sống xã hội, tâm lý còn e dè, tự ty ngại ngần, trình độ các mặt còn hạn chế, xã hội chưa quen nhìn người mù tham gia hoạt động xã hội, cho nên bước đầu, để làm quen, để tập dượt, nên tham gia vào các hoạt động của Hội Người mù. Đây là môi trường ban đầu thích hợp nhất. Tại đây, không những người mù được học văn hóa, học nghề, được tham gia sản xuất hoặc hỗ trợ để sản xuất, được sinh hoạt, giao tiếp, tiếp xúc với những người đồng tật, được đọc sách báo chữ nổi, nghe băng, sinh hoạt câu lạc bộ, biểu diễn văn nghệ và nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực khác.

 

Thông qua các hoạt động ấy, trình độ các mặt của người mù được nâng lên rõ rệt. Không những biết đọc chữ Brai, xem sách báo hiểu được nhiều điều và tâm lý tự tin, phấn chấn hơn, bớt rụt rè, e lệ. Có những người mù khi mới vào Hội nói một câu cũng không gẫy gọn, chẳng diễn đạt nổi tư tưởng của mình. Chỉ sau một thời gian được giao tiếp, tiếp xúc, nói năng lưu loát, mạch lạc. Không chỉ tiếp xúc với người mù, các hội viên của Hội còn phải gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đoàn thể, đông đảo nhân dân đến thăm. Người mù sẽ nhận thức, hiểu biết được thêm nhiều điều rộng lớn hơn mà trước đây mình ít có điều kiện được biết.

 

Thông qua hoạt động Hội, người mù trưởng thành, nhiều người trở thành nòng cốt, cán bộ xuất sắc, tận tụy, đứng ra cáng đáng công việc của Hội, của người mù. Họ mạnh dạn gặp gỡ, làm việc, tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành và nhân dân để tháo gỡ các khó khăn, triển khai tốt các hoạt động giúp đỡ người mù. Đồng thời, thông qua hoạt động thực tế đó, họ lại hiểu thêm nhiều điều, tích lũy nhiều kinh nghiệm hoạt động càng năng động và có hiệu quả hơn. Bằng cách bồi dưỡng, đào tạo này cán bộ vừa có thực tế, vừa gắn với phong trào, giúp họ tiến lên mạnh mẽ. Đây cũng là một cách tốt để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong điều kiện chưa có trường lớp giành riêng để tiến hành.

 

Dần dần, với sự hiểu biết, lòng tự tin được tăng cường, người mù sẽ mở rộng mối quan hệ, tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả và các công việc chung. Chẳng hạn như tham gia góp ý kiến vào các dự thảo pháp luật, vận động xây dựng gia đình văn hóa, sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống tệ nạn xã hội ...

  

Lượt xem : 1453 Người đăng :

Bình luận

Ý kiến độc giả

Liên kết:

Logo quảng cáo